Thursday, March 22, 2012

VỀ ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG (Đối Thoại)



VỀ ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG
(NON-VIOLENT RESISTANCE)
ĐỐI THOẠI

Tài liệu chính để biên soạn:

BBT: Có lẽ đến nay, chúng ta không còn xa lạ gì với thuật ngữ “đấu tranh bất bạo động” khi thế giới gần đây đã chứng kiến nhiều cuộc chuyển đổi thể chế chính trị một cách triệt để mà không cần dùng đến những toán du kích, các tổ chức vũ trang hay các cuộc tấn công giành chính quyền đẫm máu và nồng nặc mùi thuốc súng. Đó chính là cách giành chính quyền, thay đổi thể chế chính trị bằng phương pháp bất bạo động – đấu tranh bất bạo động. Nhưng “đấu tranh bất bạo động” không đơn giản là những hành vi phản kháng tự phát không dùng đến vũ khí sát thương hay bạo lực. “Đấu tranh bất bạo động” là một phương pháp đấu tranh có một nền tảng và những nguyên tắc khoa học – được rút ra từ kinh nghiệm, thực tế và nghiên cứu – buộc phải tuân thủ. Hai bài đầu tiên trong chuyên mục này là những thông tin liên quan đến những vấn đề cơ sở đó của Đấu tranh bất bạo động. Trân trọng giới thiệu

-----------------------------

I. Thế nào là đấu tranh bất bạo động?
Là sự phản kháng được dựa trên các phương tiện dân sự để thách thức, chống lại tính chính đáng của kẻ áp bức (chính quyền độc tài), làm tăng các chi phí, thiệt hại cho hành động đàn áp và gây thương tổn các nguồn duy trì sức mạnh của kẻ đàn áp (chính quyền độc tài), kể cả lực lượng cảnh sát và quân đội.

Các điều kiện cần cho một Đấu tranh Bất bạo động
- Có một xung đột trong đó ít nhất có một bên tin rằng các phương thức đấu tranh thông thường không đủ để giải quyết xung đột.
- Khi có một quyết định cho rằng dùng những hoạt động phi bạo lực (bất bạo động) là cách hiệu quả nhất để tiến hành đấu tranh, giải quyết xung đột.
- Việc sử dụng các chiến thuật, các hoạt động bất bạo động dựa trên các hoạt động phi võ trang, cùng với sự hỗ trợ của dân chúng được coi là nền tảng cho mục đích chiến lược nhằm gây tổn hại, làm đứt đoạn các nguồn duy trì quyền lực của đối thủ.
Có hơn 198 cách thức phản kháng bất bạo động. Những dạng phản đối như thỉnh nguyện thư, tuần hành, trưng bày các biểu tượng, biểu tình rộng lớn – có thể làm suy yếu tính chính đáng của kẻ đàn áp và giúp thuận lợi cho việc huy động và mở rộng thêm các thành phần tham gia vào phong trào đấu tranh bất bạo động. Một số cách thức bất hợp tác khác như từ chức, bỏ việc, từ chối tuân lệnh hay các hoạt động bất tuân dân sự khác – đều có thể góp phần làm thay đổi hiện trạng. Những cách bất hợp tác khác như bãi công, tẩy chay, không trả phí, không đóng thuế – có tác dụng cắt đứt những nguồn lực vật chất của kẻ đàn áp. Những hành động can thiệp trực tiếp dưới dạng biểu tình ngồi, các hoạt động nhằm làm tổn hại kinh tế cho chính quyền và các hành động ngăn chặn gây ách tắc cũng có thể làm đứt gãy hệ thống kiểm soát của chính quyền đàn áp.
Các hoạt động (chiến thuật) phản kháng có những hình thức rất đa dạng tùy thuộc vào lượng thời gian cho phép và nguồn lực cần để thực hiện (ví dụ: phải cân nhắc giữa việc chiếm giữ một tòa nhà với việc trưng diễn một biểu tượng), và phụ thuộc cả vào những rủi ro có thể xảy ra (ví dụ: bãi công ở nơi công cộng và kêu gọi bãi công ở trong phân xưởng, nhà máy so với việc phát động tẩy chay hàng hóa hay bãi công ngồi ở nhà), vào mức độ tập trung hay phân tán của dân chúng (ví dụ: tổ chức biểu tình ngay trước tòa thị chính hay triển khai chiến dịch từ chối đóng thuế), và phụ thuộc vào số người cần để thực hiện một kế hoạch (ví dụ: kêu gọi một cuộc tuyệt thực phản đối hay tổ chức một chiến dịch bất tuân dân sự rộng lớn)
Các chiến thuật cũng thay đổi tùy theo chức năng của mỗi loại. Ví dụ, một số chiến thuật như phân phát tài liệu để tuyển mộ người tham gia hoặc các hoạt động nhằm lập quĩ, hoặc huấn luyện nhân sự cho phong trào – có chức năng chủ yếu làm gia tăng sức mạnh cho phong trào, trong khi một số chiến thuật khác, như biểu tình rộng lớn, bãi công – lại có tác dụng thách thức trực tiếp, làm suy yếu uy tín của đối thủ (chính quyền).

II. Uy lực của Đấu tranh bất bạo động
Quyền lực lãnh đạo trong mọi xã hội đều có nguồn gốc từ sự ưng thuận và tuân phục của người dân trong xã hội đó. Trong khi đấu tranh bất bạo động lại nhằm làm cho người dân thay đổi các điều kiện, đặc tính của sự ưng thuận và tuân phục của họ, từ đó sẽ dẫn tới những thay đổi về hành vi, về cách ứng xử của họ đối với quyền lực và trong việc thực thi quyền lực.
Mọi kẻ áp bức đều phải dựa vào sự trợ giúp, ủng hộ của các nhóm người quan trọng trong xã hội nhằm duy trì sự kiểm soát của chúng. Các họat động đấu tranh bất bạo động nhằm làm thay đổi sự trung thành, sự gắn bó và gây tan vỡ sự tin cậy của các nhóm người đó đối với kẻ cầm quyền áp bức.
Đấu tranh bất bạo động tác động tới quyền lực áp bức bằng cách làm suy yếu khả năng kiểm soát và vị thế (xã hội, quốc gia) của kẻ áp bức (chính quyền độc tài). Các tác động đó xảy ra một cách điển hình khi sự tin cậy, sự trung thành của những nhóm người quan trọng của xã hội (như cảnh sát, quân đội, giới công chức, giới lao động chân tay, sinh viên, các tổ chức tôn giáo hoặc các nhóm người khác), mà kẻ đàn áp (chính quyền độc tài) dựa vào để tồn tại, để duy trì vị thế của chúng, bị suy giảm hoặc sụp đổ. Các nhóm, các thành phần xã hội đó hoặc sẽ chuyển thành trung lập hoặc sẽ chủ động tham gia vào phong trào bất bạo động để chống lại sự thống trị bất công của kẻ đàn áp.
Thành công của một phong trào đấu tranh bất bạo động không phụ thuộc vào mức độ trấn áp của chính quyền bị phản kháng. Ngay cả khi xảy ra các cuộc trấn áp tàn bạo từ chính quyền cũng không có nghĩa là phong trào bất bạo động đã thất bại. Ngược lại, sự trấn áp luôn là một dấu hiệu cho thấy đối thủ đang bị thách thức nghiêm trọng. Các phong trào đấu tranh bất bạo động đã thành công đều xây dựng và triển khai các kế hoạch có tính chiến lược nhằm vượt qua các trấn áp của chính quyền độc tài. Do đó, mức độ trấn áp có thể tạo nên đặc điểm cho một cuộc đấu tranh, nhưng không phải là yếu tố quyết định cho sự thành bại của một cuộc đấu tranh.
Thành công của một phong trào đấu tranh bất bạo động cũng không phụ thuộc hoàn toàn vào việc chuyển hóa hay thuyết phục đối thủ (chính quyền độc tài) phải đồng ý với các mục tiêu, yêu sách của phong trào hay phải mủi lòng với các hy sinh, than phiền của phong trào. Mặc dù sự thuyết phục và chuyển hóa có thể diễn ra nhưng đấu tranh bất bạo động đúng nghĩa và đầy đủ luôn có khả năng áp đặt bằng cách gây tổn thương, làm đứt đoạn các nguồn cung cấp những yếu tố cần thiết, vật chất và tinh thần, cho việc duy trì quyền lực độc đoán.
Khi các nhóm đối lập đủ khả năng để kết hợp với nhau, có khả năng để cùng nhau tạo thành một phong trào bất bạo động, có khả năng để cùng đưa ra một chiến lược với những mục tiêu dựa trên những phân tích chính xác về thực trạng của họ và đủ khả năng để tổ chức các hoạt động nhắm vào việc làm chuyển đổi sự trung thành và thái độ của những người đang ủng hộ kẻ đàn áp, khi đó mọi sự đàn áp, áp bức sẽ không thể tiếp tục được nữa và quyền lực sớm muộn sẽ phải được chuyển giao.

III. Sự khác nhau giữa Đấu tranh bất bạo động với Tinh thần Bất bạo động và Phản kháng thụ động
Đấu tranh bất bạo động, Tinh thần Bất bạo động và Phản kháng thụ động là ba vấn đề khác nhau.
Tinh thần Bất bạo động là một lựa chọn về đạo đức, liên quan tới một hệ thống các nguyên tắc hay niềm tin có tính đạo đức hoặc tôn giáo mà không sử dụng vũ khí hay sức mạnh vật lý.
Phản kháng thụ động là sự chán chường, trông chờ thay đổi hay là tình trạng im lặng, mặc kệ mọi thứ xấu xa, bất công.
Đấu tranh bất bạo động là một lựa chọn cách thức đấu tranh có tính thực dụng dành cho những người dân thường để tranh đấu, để giành lấy những quyền hoặc những mục tiêu có tính xã hội, kinh tế hay chính trị. Rất nhiều người đã sử dụng các hành động bất bạo động để giành lại hay gia tăng các quyền và các lợi ích của bản thân nhưng việc lựa chọn phương pháp bất bạo động thường là kết quả của việc nhận thức được rằng việc dùng vũ lực và các phương tiện bạo động là không hiệu quả hoặc vì họ không thể có các vũ khí bạo động.
Khi một phong trào đấu tranh bất bạo động thực hiện được một chiến lược nhằm tập hợp, đoàn kết người dân, huy động họ tham gia hành động, tập trung được sự chú ý của người dân vào các mục tiêu khả thi nhằm làm suy giảm sự trung thành và sự hợp tác của những người ủng hộ kẻ đàn áp (chính quyền độc tài) – đặc biệt là lực lượng công an và quân đội – thì tức là phong trào đó có tiềm năng tạo ra được sức mạnh có khả năng làm thay đổi quyền lực đang thống trị xã hội.
Đấu tranh bất bạo động là một dạng thức đấu tranh chủ động bằng các hoạt động dân sự (phi bạo lực, phi võ trang) nhằm gây ra những gián đoạn về chính trị, xã hội, gây áp lực lên kẻ áp bức (chính quyền độc tài). Đấu tranh bất bạo động không phải là tình trạng không làm gì cả, cam chịu, thờ ơ, mặc kệ hay trông chờ. Đấu tranh bất bạo động hoàn toàn không phải là “phản kháng thụ động”.
Gandhi đã gọi Đấu tranh bất bạo động là “sức mạnh chủ động nhất và uy lực nhất trên thế giới.

IV. Sự phổ biến và hiệu quả của Đấu tranh bất bạo động
Đấu tranh bất bạo động đã nổ ra trong lịch sử nhiều hơn những gì chúng ta biết. Một số những chế độ đàn áp khốc liệt nhất trong thế kỷ 20 đã bị loại bỏ bởi chính các cuộc đấu tranh bất bạo động.
Người Anh đã phải từ bỏ việc chiếm đóng Ấn Độ sau hàng chục năm bị người Ấn Độ phản kháng bất bạo động dưới sự lãnh đạo của Gandhi.
Người Đan Mạch và nhiều dân tộc ở châu Âu đã sử dụng phương pháp bất bạo động để chống lại sự chiếm đóng của Phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới II, làm gia tăng chi phí chiếm đóng cho chính quyền Đức và giúp nâng cao tinh thần đấu tranh và sự đoàn kết của dân chúng, bảo vệ được hàng ngàn người Do Thái ở Berlin, Đan Mạch, Bulgaria và nhiều nơi khác.
Những người Mỹ gốc Phi đã sử dụng các chiến thuật bất bạo động nhằm xóa bỏ chính sách phân biệt chủng tộc ở Mỹ vào những năm 1960.
Tại Chile, Tướng Augusto Pinochet đã tra tấn và giết hại hàng nghìn người bất đồng chính kiến, nhưng cuối cùng đã bị lật đổ bởi một phong trào đấu tranh bất bạo động.
Tại Philippines, hơn 70 thành viên của phe đối lập đã bị giết trước cuộc bầu cử năm 1986 nhưng không lâu sau đó nhân dân vẫn thực hiện thành công cuộc lật đổ một cách hòa bình toàn bộ chế độ độc tài của Ferdinand Marcos, buộc nhà độc tài Ferdinand Marcos phải rời quyền lực, tẩu thoát ra nước ngoài.
Các công nhân Ba Lan đã sử dụng các cuộc bãi công trong năm 1980 để giành lại được quyền thành lập công đoàn tự do, không chịu sự kiểm soát của chính quyền. Đó là một thắng lợi vô cùng quan trọng trong một đất nước cộng sản ngay vào lúc vẫn có sự hiện diện của khoảng một triệu lính cộng sản Xô-Viết đang đồn trú ở đó.
Chế độ Apartheid ở Nam Phi đã coi mọi cuộc tập hợp, hội họp ở các khu dân cư của người da đen là bất hợp pháp, và luôn đe dọa, ám sát những nhà lãnh đạo của phong trào đấu tranh bất bạo động. Nhưng cuộc đấu tranh bất bạo động của người bản xứ vẫn đứng vững và đủ khả năng làm tan rã các nguồn lực trợ giúp, trong nước và quốc tế, cho chế độ Apartheid, mở đường cho sự thay đổi chính trị từ độc tài sắc tộc sang dân chủ, bình đẳng cho mọi màu da.
Cuối thập niên 1980, các quốc gia Đông Âu và Mông-Cổ đã thành công trong việc sử dụng các hình thức phản đối, đấu tranh dân sự tạo được sức sức ép lên các chính quyền cộng sản và cuối cùng đã làm cho các đảng cộng sản phải chấp nhận cạnh tranh công khai với các đảng phái khác trong việc lãnh đạo đất nước.
Ở Gru-dia (Georgia) năm 2003 hay tại Nepal năm 2006, các phong trào đấu tranh bất bạo động đều đã đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ hoặc phục hồi lại được các chính thể dân chủ cho quốc gia.
Gần đây nhất là các phong trào đấu tranh bất bạo động ở Ai-Cập, Tunisia cũng đã bãi bỏ được các những chính thể thuộc những chính thể độc tài trơ lỳ nhất thế giới trong 50 năm trở lại đây.
Một trong những lý do cơ bản giúp những phong trào bất bạo động vừa kể và những phong trào bất bạo động khác đã thành công trong việc chống lại các đối thủ tàn bạo là vì các phong trào đó đã đánh hỏng được sự ủng hộ của nhiều thành phần quan trọng trong xã hội – gồm cả lực lượng an ninh – dành cho kẻ đàn áp (chính quyền độc tài). Bất cứ khi nào một phong trào bất bạo động có khả năng làm được việc đó thì kẻ cầm quyền sẽ trở thành bất lực trước các biến động xã hội và sự chuyển giao quyền lực, cho những cá nhân hoặc cho một hệ thống chính trị mới, tất yếu sẽ xảy ra.
Những người không hiểu cách tác động của phương thức đấu tranh bất bạo động thường đánh giá thấp khả năng và những thành quả của nó, nhưng hàng triệu người – những người đã thoát khỏi ách kìm kẹp của những nhà nước cảnh sát, những chế độ toàn trị cộng sản sau những cuộc đấu tranh bất bạo động, không thể đồng ý với cách đánh giá đó.

V. Nhìn nhận của các chính quyền về đấu tranh bất bạo động
Các chính quyền thường ít quan tâm hoặc không nhất quán trong việc đánh giá tiềm năng của các hoạt động đấu tranh bất bạo động.
Ví dụ, vào đầu và giữa những năm 1990, Hoa Kỳ đã nhấn mạnh chính sách ngoại giao trong việc chấm dứt sự hung hãn, tàn bạo của Slobodan Milosevic ở Bosnia, nhưng Milosevic đã từ chối không nhượng bộ những nhà đối lập dân chủ của ông ta ở Serbia khi họ sử dụng các chiến thuật bất bạo động để phản đối. Sau đó, khi Milosevic bắt đầu chiến dịch thanh lọc sắc tộc ở Kosovo thì NATO mới tiến hành chiến dịch bỏ bom Serbia để bắt ông ta phải chấm dứt các hành động sát hại nhưng vẫn để ông ta nắm quyền. Nhưng cuối cùng, vào năm 1999, Hoa Kỳ và các tổ chức của châu Âu đã phải dành sự ủng hộ, dù rất khiêm tốn, nhưng dứt khoát cho các tổ chức đấu tranh bất bạo động vì dân chủ ở Serbia và những tổ chức đó đã thành công trong việc đưa Milosevic rời khỏi quyền lực.
Những gì mà đàm phán quốc tế hay chiến dịch không quân đều không làm được – như việc kết thúc dứt điểm chủ nghĩa khủng bố của Milosevic – thì cuộc đấu tranh bất bạo động của người Serbia đã thực hiện thành công. Tuy nhiên những trợ giúp của Hoa Kỳ và châu Âu cho các phong trào đấu tranh dân chủ ở Serbia, dù không phải là lý do cơ bản cho thành công, đã mang lại những hỗ trợ rất quí giá. Hiện nay đã có một sự biến chuyển lớn về nhận thức trong việc hoạch đính chính sách tại các quốc gia lớn là các phong trào đấu tranh bất bạo động thường mang lại những nền tảng cơ bản cho dân chủ – điều rất cần cho nền hòa bình vững bền, hơn là các đấu tranh vũ trang. Nhận thức này cũng đang ảnh hưởng khá lớn tới quan điểm kiến tạo hòa bình cho thế giới trong các tổ chức quốc tế tầm cỡ.

VI. Tại sao thành công của đấu tranh bất bạo động trong việc giành chính quyền chưa được đánh giá rộng rãi?
Phần lớn mọi người đã được dạy rằng quyền lực, sức mạnh luôn thuộc về những người cầm quyền của một chính quyền, những ông chủ công ty, những người đứng đầu các tổ chức hoặc mọi người thường có một ý nghĩ rằng quyền lực hay sức mạnh luôn đồng nghĩa với bạo lực hay sự đe dọa sử dụng bạo lực. Vì vậy, nhiều người đã không nhận thấy một khi những người dân rất bình thường của một thành phố, một thị trấn, một vùng hoặc của một quốc gia tổ chức được với nhau thì họ cũng có khả năng tạo ra được sức mạnh, quyền lực có khả năng áp đặt một thay đổi đối với toàn xã hội.
Một điều đáng tiếc là có những học giả, những tổ chức và một số cơ quan truyền thông lại đã góp phần gia cố, một cách vô tình, cách nhìn thiên lệch cho rằng quyền lực, sức mạnh chỉ đến từ những người lãnh đạo hoặc từ sức mạnh của bạo lực, vì những học giả, tổ chức hay những cơ quan truyền thông đó thường viết hay nói theo cách làm cho dư luận dễ lầm tưởng rằng luôn có mối liên hệ chặt chẽ duy nhất giữa quyền lực, sức mạnh với người có quyền hay bạo lực. Điều đó gây ra một cảm nhận sai lầm cho rằng những hành động của giới thượng lưu, của các nhà cách mạng nổi tiếng hay từ những kẻ khủng bố là những cách thức đấu tranh có uy lực nhất để chống lại sự áp bức. Nhưng đến nay, sự thật đã chỉ rõ rằng trong hơn 100 năm qua, những kẻ độc tài khát máu nhất và cả những lực lượng quân sự hùng hậu nhất đều đã bị vô hiệu hóa và bị lật đổ bởi những cuộc đấu tranh bất bạo động có tổ chức tốt.

VII. Các phong trào bất bạo động không nhất thiết phải có các lãnh đạo nổi trội
Các phong trào đấu tranh bất bạo động không nhất thiết phải có các lãnh đạo nổi trội như Gandhi hay Martin Luther King.
Mặc dù lãnh đạo có sức thu hút quần chúng lớn có thể là một yếu tố quan trọng nhưng khả năng của một phong trào và các lãnh đạo của nó có thể đề ra một tư duy chiến lược rõ ràng và đưa được ra các quyết định đúng đắn, khôn ngoan trong đấu tranh có vai trò quan trọng hơn nhiều cho sự thành bại. Ví dụ, các sinh viên Trung Quốc đã lãnh đạo cuộc phản kháng tại Quảng trường Thiên An Môn đã có những cá nhân nổi bật nhưng phong trào của họ đã sụp đổ vì nó không có một chiến lược để đối phó khi chính quyền Trung Quốc từ chối đáp ứng các đòi hỏi của họ.
Trong một số tình huống, có được một lãnh đạo nổi trội và thu hút dư luận lại có thể gây hại cho thành công của phong trào, vì người lãnh đạo có thể bị bắt, bị mua chuộc, bị đe dọa hoặc đưa ra những quyết định tồi. Thực tế đã cho thấy các phong trào biết cách che giấu hoặc sự lãnh đạo phân tán vào nhiều cá nhân vẫn phát triển được tốt hơn. Ví dụ, lãnh đạo của cuộc kháng chiến âm thầm của người Đan Mạch chống lại người Đức trong Thế chiến II đã thành công nhưng lãnh đạo lại hoàn toàn vô danh. Phong trào đấu tranh của người Serbia chống lại nhà độc tài Slobodan Milosevic năm 2000 cũng là một phong trào phi tập trung và không hề có một lãnh đạo cá nhân nhưng đã thành công vang dội.
Ngay như thành công của Gandhi cũng không dựa trên khả năng hùng biện hay sức thu hút quần chúng của riêng ông mà chính là dựa vào các chiến dịch đấu tranh bền bỉ đã được nhiều người dân Ấn Độ từ mọi thành phần xã hội tham gia với ước mong giành lại quyền tự quyết cho đời mình và kết quả là đã làm cho sự thống trị của người Anh bị giảm dần rồi kết thúc.
Martin Luther King đúng là một nhà hùng biện xuất chúng nhưng tài năng này có lẽ cũng không mang lại được nhiều kết quả nếu ông và những đồng sự không tìm được những cách đấu tranh thông minh, khôn khéo để người Mỹ gốc Phi và những người ủng hộ họ tạo được áp lực đòi xóa bỏ hệ thống phân biệt chủng tộc và cắt đứt được các trợ giúp về kinh tế, chính trị cho hệ thống phân biệt đó.

.
.
.

No comments: