Thursday, March 22, 2012

PHỎNG VẤN GENE SHARP - HỌC GIẢ HÀNG ĐẦU về ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG (Al Jazeera)



Nguồn : Aljazeera

Đối Thọai chuyển ngữ
Posted on by Doi Thoai

Đng lên bng cách nào?
Sự kiện gia đình nông dân họ Đoàn tại Tiên Lãng, Hải Phòng, ngày 05/01/2012, đứng lên cầm súng bắn thẳng vào người của nhà nước là một dấu chỉ đậm cho thấy sự cấp thiết toàn dân phải đứng lên chống lại sự bạo ngược, phản động của nhà nước hiện hành.
Nhưng đứng lên bằng cách nào? Có cách nào huy động được toàn dân cùng đứng lên?
Chống trả bằng vũ khí nóng thô sơ như gia đình họ Đoàn vừa mới làm hay tổ chức các cuộc nổi dậy, đốt phá, uy hiếp các viên chức nhà nước như ở Thái Bình năm xưa? Có cách nào khác tốt hơn không? Chắc chắn đây đều là những câu hỏi đang xâm chiếm suy nghĩ của nhiều người Việt Nam.
Để góp một phần nhỏ vào việc giải đáp những câu hỏi ở trên và những băn khoăn tương tự, Đối Thoại xin trân trọng giới thiệu chuyên mục “Đấu tranh Bất bạo động để Cứu nước”, sẽ khởi sự từ ngày 03 tháng 03 năm 2012.
“Đấu tranh Bất bạo động để Cứu nước” sẽ cung cấp, chia sẻ với độc giả những kiến thức, quan điểm, kinh nghiệm và các nghiên cứu liên quan tới phương thức Đấu tranh Bất bạo động – một phương thức đã chứng tỏ được tính hiệu quả, ưu việt và văn minh trong sự đối đầu, bãi bỏ những thể chế độc tài lỳ lợm nhất của loài người.
Đối Thoại hy vọng sẽ nhận được thêm giúp đỡ, góp ý của độc giả, các nghiên cứu gia cho chuyên mục này và Đối Thoại xin cảm ơn trước sự tiếp tay của các trang nhà trong việc chia sẻ, truyền tải nội dung của “Đấu tranh Bất bạo động để Cứu nước” tới quảng đại quần chúng.
Trân trọng
Đối Thoại

----------------------------------

Al Jazeera talks with the quiet but influential scholar of non-violent struggle.

Ông già Sharp 83 tuổi, trông rất bình thường, lại là người đang được cho là đã có công cổ động phương pháp đấu tranh bất bạo động ở khắp nơi trên thế giới.

Tác phẩm From Dictatorship to Democracy (Từ Độc Tài Đến Dân Chủ) của Sharp – một cẩm nang hướng dẫn cách lật đổ các nhà độc tài, xuất bản lần đầu vào năm 1993, đến nay đã được dịch sang 24 thứ tiếng khác nhau, có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, từ Miến Điện cho tới Bosnia và ngay gần đây nhất, tháng Hai năm 2011, trên Quảng trường Tahrir ở Thủ đô Cairo, Ai-cập, người biểu tình đã chuyền tay nhau tập cẩm nang dày 94 trang của Sharp để chỉ cho nhau biết làm thế nào để truất bỏ các lãnh đạo độc tài.

Đối với nhiều kẻ độc tài thì các tác phẩm của Sharp đang là một mối đe dọa ghê gớm. Tổng thống Venezuela, Hugo Chevez đã từng phải lên tiếng công kích trực tiếp các tác phẩm của Sharp. Năm 2008, chính phủ Iran còn cho dựng hẳn một đoạn phim hoạt hìnhtrong đó mô tả Sharp là nhân viên của CIA đang bàn tính với John McCain và tỷ phú George Soros ở trong Nhà Trắng về những điệp vụ bí mật.

Một công điện của Đại sứ quán Mỹ tại Damascus (Syria), bị WikiLeaks tiết lộ, cho biết những người bất đồng chính kiến ở Syria đã huấn luyện cho người biểu tình bằng các tác phẩm của Sharp. Một công điện khác từ năm 2007 cũng cho biết nhà cầm quyền Miến Điện đã coi Sharp là một phần trong âm mưu “hạ bệ” chính quyền quân sự Miến Điện.

Nhưng chính Sharp đã từng phải ngồi tù vì phản đối chính phủ Hoa Kỳ bắt quân dịch trong cuộc chiến Triều Tiên năm 1953. Sharp cũng đã chứng kiến cuộc nổi dậy của sinh viên Trung Quốc ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và đã từng lần mò được vào tận một căn cứ của lực lượng chống đối ở Miến Điện vào những năm 1990.

Hiện thời Sharp đang sống tại một căn nhà ở thị trấn East Boston, đó cũng là trụ sở của Học Viện Albert Einstein, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm nghiên cứu về phương thức đấu tranh, phản kháng bất bạo động.

Một trong những quan điểm chính của Sharp là mọi quyền lực thống trị đều bắt nguồn từ sự tuân phục của người bị trị, do đó nếu các nguồn gốc của sự tuân phục bị tổn hại thì kẻ thống trị độc tài sẽ bị lật đổ. Trong cuộc trò chuyện sau đây với phóng viên của kênh truyền hình Al Jazeera, với một nhãn quan thực dụng, Sharp sẽ cho chúng ta biết tại sao những kẻ độc tài lại rất mỏng manh trước những cuộc phản kháng, đấu tranh bất bạo động và được tổ chức tốt.

Điều gì trước tiên đã khiến ông quan tâm tới đấu tranh bất bạo động?
Thế giới vào lúc tôi đang là sinh viên tại Đại học Ohiorất bất ổn. Thế chiến thứ II khủng khiếp vẫn còn in hằn trong ký ức của chúng tôi, bom nguyên tử vẫn còn rất mới và kinh khủng. Lúc đó chủ nghĩa thực dân của châu Âu vẫn hiện diện khắp thế giới. Người châu Âu lúc đó vẫn nghĩ họ là chủ nhân của cả phần còn lại của thế giới và sẽ cùng nhau chia và thống trị thế giới.
Nhiều vấn đề hệ trọng cũng luôn liên quan tới bạo lực. Nhưng bạo lực đã chỉ gây đổ vỡ, hỏng hóc, không tạo ra được cái mới. Vì vậy tôi nghĩ con người cần phải có một cách khác để đấu tranh. Chính khi đó tôi bắt đầu biết rằng đã có một cách thức gọi là đấu tranh bất bạo động, nhưng những điều tôi biết còn lơ mơ lắm. Các tài liệu lúc đó về vấn đề đó vừa ít lại vừa không rõ ràng.

Ông đã dành công sức cho vấn đề đấu tranh bất bạo động suốt mấy chục năm qua. Vậy quan điểm của ông đã có sự thay đổi như thế nào kể từ lúc bắt đầu?
Đầu tiên tôi nghĩ rằng để sử dụng phương pháp bất bạo động – phi bạo lực, mình phải tin vào “bất bạo động” như một nguyên tắc đạo đức hay một niềm tin tôn giáo. Nhưng sau đó tôi đã phát hiện ra rằng điều đó không đúng. Ban đầu đó cũng là một khó khăn về tâm lý vì, trời ơi, thường thì người ta không tin vào những điều mà họ cần phải tin.
Nhưng đó cũng là một thuận lợi lớn, vì chúng ta không cần phải trở thành một người theo chủ nghĩa hòa bình trước khi chúng ta có thể sử dụng phương pháp đấu tranh đó. Sau đó tôi cũng phát hiện ra là cách thức đấu tranh đó đã diễn ra nhiều lần ở nhiều nơi trong hàng thế kỷ đã qua. Những người dân bình thường có thể sử dụng và đã sử dụng cách thức đấu tranh bất bạo động ở rất nhiều nơi khác nhau trên trái đất này rồi.

Nhưng tại sao ông lại cho rằng phương pháp đấu tranh bất bạo động hiệu quả hơn cách dùng bạo lực, vũ khí sát thương?
Trước tiên, phải khẳng định là bạo lực hoàn toàn không có được hiệu quả của đấu tranh bất bạo động. Nếu bạn xem lại những năm tháng dài dằng dặc của biết bao cuộc chiến và cuộc chiến nào cũng có người thua bạn sẽ thấy điều đó. Chiến tranh cũng đã là một trong những nhân tố tạo ra chủ nghĩa thực dân của châu Âu.
Trong khi đó lại có nhiều trường hợp người dân đã sử dụng cách phản kháng, đấu tranh mà không dùng tới vũ lực, khí giới sát thương, như Gandhi – dám thách thức cả một đế chế hùng mạnh nhất của thế giới và buộc nó phải đầu hàng. Và còn rất nhiều ví dụ khác. Nhưng chúng ta lại không biết nhiều về các dạng thức đấu tranh đó.

Ông vừa cho biết là giới quân sự lại hiểu ông đúng hơn so với những người có quan điểm hòa bình. Xin ông cho biết rõ hơn?
Ban đầu tôi cũng thấy ngạc nhiên vì điều đó. Thỉnh thoảng tôi cũng được mời đến nói chuyện với những người chủ trương hòa bình nhưng họ thường làm cho tôi thấy khá mệt vì trong khi tôi nói về đấu tranh không dùng bạo lực như một thực tiễn bắt buộc thì họ lại nói về việc phải tin vào việc không dùng bạo lực như một đức hạnh.
Nhưng khi nói chuyện với cử tọa là giới quân sự thì họ hiểu ngay vấn đề vì những người này đã biết được thế nào là chiến lược, thế nào là chiến thuật. Giới quân sự là những người đã thực sự xem xét vấn đề đấu tranh bất bạo động nghiêm túc hơn nhiều. Đó cũng là thực tế tôi đã thấy ở nhiều quốc gia. Ngay hiện nay, cuốn sách viết năm 1973 của tôi The politics of Nonviolent Action (Chính trị của Bất bạo động) cũng được nói đến một cách thiện cảm trong các tạp chí quân sự ở nhiều nước. Đó là điều ít người nghĩ tới.

Ông đã nhấn mạnh nhiều lần tầm quan trọng phải có một chiến lược và kế hoạch dài hạn đối với các cuộc đấu tranh bất bạo động nếu muốn chiến thắng. Dưới góc độ này, ông suy nghĩ gì về phong trào Chiếm Phố Uôn (Occupy Wall Street) đang diễn ra?
Họ không có những yêu cầu cụ thể hay một mục tiêu rõ ràng nào cả. Phong trào này không giống với chiến dịch tẩy chay xe bus ở Alabama năm xưa – người ta đã rủ nhau đi bộ, bắt xe hoặc đi taxi thay cho việc lên xe bus. Những người năm xưa đó đã có một mục tiêu rõ ràng, đó là: phá bỏ sự phân biệt trên xe bus.
Những người phản kháng ở Phố Wall không có mục tiêu rõ ràng – một điều gì đó có thể đạt được trên thực tế. Nếu như họ nghĩ rằng họ sẽ làm thay đổi được hệ thống kinh tế hiện nay chỉ bằng cách ngồi ở một nơi nào đó thì chắc họ sẽ phải thất vọng lớn. Phản đối suông rất ít kết quả.

Ông có lời khuyên gì cho phong trào Chiếm giữ không?
Tôi nghĩ là họ cần phải tìm ra một cách khác mới có thể làm thay đổi được những thứ họ không thích. Nếu chỉ ngồi hay ở lỳ một nơi nào đó sẽ không thể thay đổi hay cải thiện được một hệ thống chính trị hay kinh tế.

Các phong trào Mùa xuân Ả-rập ở một số nước đang trở thành bạo động. Ông có nghĩ là sự biến đổi bạo động đó sẽ gây hại cho những nỗ lực phế truất các chính thể độc tài ở những nước đó không?
Chắc chắn là gây tổn hại. Chúng ta có thể thấy hiệu ứng bất lợi do bạo động như thế từ rất nhiều sự kiện trong lịch sử. Ví dụ, cuộc Cách mạng Nga năm 1905 nhằm loại bỏ sự độc tài của Sa Hoàng. Những người tiến hành cách mạng đã mấp mé tới sự thành công mỹ mãn khi lực lượng quân đội của Sa Hoàng đã ở trên bờ vực nổi loạn và sụp đổ, rất nhiều quân lính đã từ chối lệnh bắn vào những người phản kháng bất bạo động, tương tự như tình hình đang diễn ra ở Syria hiện nay.
Chúng ta phải nhớ nằm lòng rằng phương thức thức bất bạo động sẽ làm gia tăng khả năng binh lính trở nên bất tuân mệnh lệnh. Nhưng nếu bạn lại dùng tới bạo lực thì binh lính sẽ mất ngay ý định đó. Họ sẽ tiếp tục trung thành với kẻ độc tài và kẻ độc tài sẽ có cơ hội vàng để tiếp tục tồn tại, giống như những gì đã xảy ra trong cuộc Cách mạng Nga 1905. Lẽ ra cuộc cách mạng đó đã thành công rất nhanh chóng nếu những người Bôn-sê-vích không cố tình biến cuộc tổng bãi công bất bạo động trở thành cuộc nổi dậy bạo động. Và điều đó khiến lần đầu tiên sau một thời gian khá lâu, binh lính Sa Hoàng lại tuân lệnh bắn vào những người phản kháng, mang lại cơ hội cho Sa Hoàng tiếp tục đàn áp và tiếp tục nắm quyền thêm 12 năm nữa.

Ông vừa nói là sự lãnh đạo có vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh bất bạo động. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào một số cuộc đấu tranh gần đây, ở Ai-cập hiện tại hay ở Iran năm 1979, thì không thấy rõ một lãnh tụ cá nhân nào. Vậy có thể thành công mà không cần một lãnh đạo?
Có và đã xảy ra nhiều rồi. Nhưng trong những trường hợp (không có lãnh đạo cá nhân), chúng ta cần phải hiểu cái gì giúp cho thành công và cái gì sẽ đưa tới thất bại.
Nếu chúng ta không có một lãnh đạo cá nhân nổi bật thì điều đó nhiều khi lại là một lợi thế vì chính quyền không thể khống chế được phong trào bằng cách bắt hoặc trừ khử người lãnh đạo.
Nhưng khi đấu tranh mà không có một lãnh đạo (cá nhân) thì tất cả phải hết sức kỷ luật và thuần thục các kỹ năng khi hành động, phải ý thức được rõ điều bạn đang làm. Ví dụ khi chúng ta truyền đi một thông điệp về những yêu cầu của phong trào và lại có một danh sách cụ thể những việc cần phải làm và những việc không được làm và nếu tất cả mọi người đều hiểu và thực hiện đúng nhữn điều đó thì cuộc đấu tranh có nhiều cơ hội thành công. Ngược lại khi bạn không có sự thông hiểu tối thiểu về những gì bạn đang làm thì bạn sẽ không thể thành công.

Từ khi diễn ra cuộc Cách mạng ở Ai-cập tới nay, giới truyền thông đã gắn kết sự nổi dậy đó với các công trình của ông. Ông nghĩ gì về điều này?
Tôi chỉ nghĩ là nếu như công việc của tôi đã có một ảnh hưởng nào đó thì tôi cảm thấy hạnh phúc. Nhưng tôi không khẳng định được vì tôi không có những bằng chứng rõ ràng về điều đó. Nhiều người khác cũng đang làm những công việc như tôi và cũng đang viết về vấn đề này.
Những người đang tiến hành các cuộc đấu tranh bất bạo động mới chính là những người xứng đáng nhận sự tôn vinh này, không phải tôi.

Ông nghĩ gì về việc cuốn sách của ông Từ Độc tài tới Dân chủ đã được đưa lên website của tổ chức Muslim Brotherhood[i] trong nhiều năm qua?
Tôi thấy vinh dự. Người Hồi giáo là một trong những dân tộc dũng cảm nhất đang tiến hành đấu tranh bất bạo động. Một cuốn sách của tôi đã được giới thiệu bởi Abdul Rahman Wahid khi ông ta đang là thủ lĩnh của một tổ chức Hồi giáo lớn nhất trên thế giới. Quay trở lại với những ngày khi Gandhi còn sống, trong vùng biên giới tây bắc của Ấn độ khi vẫn còn dưới chế độ thực dân Anh đã có một phong trào đấu tranh bất bạo động được dẫn dắt bởi Khan Abdul Ghaffar Khan, một người hết sức dũng cảm, tài năng và hết sức nhạy bén. Gandhi khi đó đã nói là lãnh đạo của phong trào Hồi giáo đó hơn hẳn lãnh đạo của phong trào người Hindus.
Thế mà ngày nay nhiều người vẫn còn giữ những thành kiến không hay về người Hồi giáo và một số dân tộc khác trên thế giới.

Ông có học được điều gì từ những người đang tham gia vào những cuộc đấu tranh bất bạo động không?
Ồ, tôi luôn cố học mỗi khi có thể vì những điều họ đã làm được đôi khi lại bị nhiều người khác cho rằng đó là những điều không thể.
Những người đấu tranh bất bạo động đã chứng minh rằng những dân thường vẫn có thể tạo dựng được một kỷ luật bất bạo động, duy trì được sự quả cảm để đấu tranh trước mọi trấn áp. Gandhi thường nói rằng: “Hãy ném sự sợ hãi đi. Đừng e sợ”. Ban đầu tôi hay nghĩ những lời nói đó của Gandhi hơi ngây thơ. Người Anh có súng ống, khí tài và cả quân đội hùng mạnh còn Gandhi có gì? Nhưng cuối cùng Gandhi đã thắng.
Nhân dân Syria hiện nay cũng thế, và ở nhiều nơi khác như Ai-cập, Tunisia và còn nữa, tất cả họ đều là những người rất dũng cảm. Lòng quả cảm đó thật đáng khâm phục. Họ chính là những người đang thực hiện một sứ mệnh rất cao cả.

Theo ông ngày nay có những nhà tư tưởng lớn nào về đấu tranh?
Tôi không chắc chắn về vấn đề này. Đôi khi có những người thực sự đã đóng vai trò rất quan trọng cho một số phong trào nhưng những người như thế nhiều lúc lại không được ghi nhận danh dự mà họ xứng đáng. Họ không phải là những người nổi tiếng như Gandhi lúc sinh thời. Nhưng đó không phải là điều đáng quan ngại nếu như người dân nhận thức được rằng họ có thể thực hiện được những cuộc đấu tranh bất bạo động và hiểu được rằng quyền lực trong tay người dân là rất to lớn.
Thường một trận đấu chưa thể hoàn thành được một sứ mệnh. Đôi khi bạn phải tiến hành hai hoặc ba hoặc bốn hay năm cuộc đấu tranh liên tiếp. Điều đó cũng giống như trong một cuộc chiến. Ví dụ, Thế chiến II đã phải xảy ra bấy nhiêu năm, với nhiều trận đấu mới có được chiến thắng cuối cùng. Khó có thể chiến thắng ngay bằng một nỗ lực. Chúng ta phải biết rằng mỗi người phải luôn củng cố thêm sức mạnh cho bản thân, phải biết điều gì cần để trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và cái gì cần để dũng cảm hơn, để không những không bỏ cuộc khi bị tấn công mà còn tìm cách tiến lên một cách hiệu quả.

Xin cảm ơn ông.

Đối Thoại biên dịch từ nguyên bản tiếng Anh

[i] Tổ chức Anh em Hồi giáo – một tổ chức đấu tranh của người Hồi Giáo có chi nhánh ở nhiều quốc gia Trung Đông, nhằm chống lại chế độ độc tài của Tổng thống Ai-cập Hosni Mubarak. (Đối Thoại)




No comments: