Giao Chỉ
Friday, 16 March 2012 14:08
Trong cuốn nhật ký sử kiện tại Viện Bảo tàng Việt Nam chúng tôi sẽ viết như sau.
Công cuộc vận động hành lang cho nhân quyền tại Việt Nam đã thành tựu. Lần đầu tiên người Việt tại Mỹ đưa kiến nghị vào Bạch cung. 200 người tham dự. 3 người trình bày vấn đề, 4 viên chức Hoa kỳ ghi nhận. Phối hợp chương trình bên trong cũng là một cô gái gốc Việt.1000 người hỗ trợ bên ngoài. Hôm đó là ngày thứ hai, 5 tháng 3 năm 2012
Ngày thứ ba 6 tháng 3-2012 có 500 người vào quốc hội vận động với 50 thành viên lập pháp Hoa Kỳ. Mục tiêu căn bản: Nhân quyền cho Việt Nam.
Vận động hành lang tại DC.
Giao Chỉ - San Jose.
*
*
Đấu tranh chính trị.
Trong công cuộc đấu tranh cho dân sinh tại Hoa Kỳ và nhân quyền cho Việt Nam thì vận động hành lang là phương thức quan trọng và hữu hiệu nhất. Ưu tiên số 1 vẫn là vận động bầu cử. Con đường số 2 là tìm cách đạo đạt dân ý lên hành pháp và lập pháp. Con đường này đi trên hành lang của các văn phòng.
Mưu đồ hạnh phúc cho chính chúng ta, cho cộng đồng của chúng ta và quê hương bỏ lại là nghĩa vụ rất rõ rệt. Hãy làm người công dân Mỹ tử tế, nhiên hậu sẽ giúp cho cộng đồng vững mạnh và đồng hương ở quê nhà sớm có tự do dân chủ.
Đầu tháng 3 năm nay 2012 người Việt tử tế tại Mỹ đã làm được một màn ngoạn mục. Hết sức ngoạn mục. Cùng nhau tham dự trực tiếp vào công việc vận động hành lang. 200 người đưa kiến nghị vào Bạch cung. 1000 người hỗ trợ bên ngoài. 500 người gặp các đại biểu tại quốc hội. Ở các nơi xa có 150 ngàn người đồng thuận ghi danh. We, the people. Chúng tôi là công dân. Thành quả vĩ đại. Thành quả đầu tiên. Bất kể vị tổng thống có xuất hiện hay không, bất kể nghị trình lẩm cẩm trục trặc ra sao. Vạn sự khởi đầu nan. Đối với tôi là rất OK. Không thắng, không bại, không hòa. Rất OK.
Trong cuốn nhật ký sử kiện tại Viện Bảo tàng Việt Nam chúng tôi sẽ viết như sau.
Công cuộc vận động hành lang cho nhân quyền tại Việt Nam đã thành tựu. Lần đầu tiên người Việt tại Mỹ đưa kiến nghị vào Bạch cung. 200 người tham dự. 3 người trình bày vấn đề, 4 viên chức Hoa kỳ ghi nhận. Phối hợp chương trình bên trong cũng là một cô gái gốc Việt.1000 người hỗ trợ bên ngoài. Hôm đó là ngày thứ hai, 5 tháng 3 năm 2012
Ngày thứ ba 6 tháng 3-2012 có 500 người vào quốc hội vận động với 50 thành viên lập pháp Hoa Kỳ. Mục tiêu căn bản: Nhân quyền cho Việt Nam.
Những hàng chữ đơn giản như trên chính là lịch sử. Sẽ không có những lời huênh hoang khoe thắng lợi. Sẽ không có những lời phàn nàn về sự sắp xếp lủng củng. Sẽ không có tên tuổi của phe phái. Sẽ không có những thở than bất mãn. Cũng không ghi lại những lời chống đối.
Đó đơn thuần là tin tức lịch sử.
Cuộc vận động đầu tiên.
Đi vào chi tiết một chút, phải kể công đầu là anh Trúc Hồ phát động. Rồi đến anh Nguyễn đình Thắng tiếp tay. Mở đầu sự kết hợp hết sức tốt đẹp và hữu hiệu. Phương tiện truyền thông mạnh mẽ. Đề tài rõ ràng là một mẫu số chung để mọi người cùng hưởng ứng. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đủ cả. Bà con ta được hướng dẫn ghi danh. Bà con ta được tổ chức đưa về thủ đô. Và cuối cùng kết quả tốt đẹp. Không phải tốt đẹp vì đã có ngay kết quả nhãn tiền. Kết quả là sự hưởng ứng và sự họp mặt. Còn chuyện thành quả cuối cùng sẽ còn rất lâu hay bất khả. Nhưng đồng lòng và cùng gặp nhau. Đó là sự thành công. Lịch sử không cần ghi những điều ong tiếng ve, những lời xuyên tạc hay những giây phút trách móc than thở.
Bởi vì hơn trăm năm trước đã có cuộc vận động hành lang của Việt Nam bất thành, cũng tại DC. Ai là người trách móc và than thở cho Bùi Viện.Thực vậy cách đây 139 năm, vào năm 1873 tiền nhân của chúng ta là ngài Bùi Viện, lúc đó bác chỉ có 34 tuổi đã xuất dương qua Mỹ tìm cách vào gặp tổng thống Hoa Kỳ thực hiện cuộc vận động hành lang lịch sử lần đầu tiên cho Việt Nam.
Xin nhắc lại một chút tiểu sử của thiên tài nước ta qua tác phẩm của Phan Trần Chúc.
Sử ghi rằng ông Bùi Viện quê Tiền Hải, đất Thái Bình sinh năm 1839 đỗ cử nhân 1868 và làm phụ tá cho bộ trưởng Lê Tuấn. Dù là bộ trưởng bộ Lễ nhưng ông Lê Tuấn được cử ra Bắc dẹp loạn . Bùi Viện tuy là quan văn nhưng lại có óc tổ chức khoa học nên giúp việc dẹp giặc thành công.
Niềm đau cửa Thuận.
Đó là ngày đầu năm 1873 vua Tự Đức thăm cửa biển Thuận An. Hết sức tình cờ vua quan nhà Nguyễn gặp lúc đoàn thuyền của Đại Nam từ Bắc trở về. Tám thương thuyền chở tiền thuế, hàng hóa và binh sĩ vừa đến gần cửa Thuận. Hai chiếc thuyền của giặc Tàu Ô đuổi theo ăn hàng. Cả đoàn thuyền của Đại Nam không chống cự lại phải bỏ chạy. Hai chiếc sau cùng bị cướp bắn phá. Súng của Tàu Ô mạnh hơn. Súng của quân ta vô dụng. Quân Tàu là hải tặc thiện chiến trên biển cả. Quân ta không được huấn luyện nên hoàn toàn thất bại.
Trận đánh đau thương xẩy ra trước mắt vua quan xứ Huế. Bùi Viện làm thơ trào phúng nhắc lại thảm kịch. Vua Tự Đức thay vì quở trách đã giao cho Bùi Viện tổ chức lại toàn bộ hải quân.
Trong thời gian ngắn Bùi Viện xây dựng lại đoàn ngũ chỉ huy và thủy thủ. Tổ chức thành các đơn vị lớn nhỏ. Lập doanh trại và đồn lũy ven biển. Đóng các chiếc thuyền. Luyện tập binh sĩ. Tuyển mộ ngay các tên cướp biển để làm thành lực lượng phòng vệ.
Lần đầu tiên nước Đại Nam có được một hệ thống hải quân khả dĩ có nề nếp. Các thương thuyền ra khơi buôn bán bắt đầu trông cậy vào chiến thuyền của ta bảo vệ. Ngày nay nếu phải tìm lại cho đúng vị thánh tổ của hải quân Việt Nam, người đó phải là “Đô đốc” Bùi Viện. Cần phải trả lại danh hiệu Trần Hưng Đạo cho bộ tổng tham mưu. Đức Thánh Trần xứng đáng là Thánh tổ của toàn thể quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tên của ông đã được đặt thành trại Trần Hưng Đạo, bản doanh của bộ Tổng tham mưu.
Xuất dương cầu viện.
Dưới triều Tự Đức, Pháp đang lấn chiếm Việt Nam. Tại Hoa kỳ Pháp Mỹ lại đang có chiến tranh vì tranh chấp trên xứ Mexico.
Thời đó Hoa kỳ và Việt Nam là hai nước còn xa cách. Lần đầu tiên thuyền trưởng Mỹ John Briggs ghé đến Việt Nam năm 1803. Phải đến16 năm sau, năm 1819 một thuyền trưởng khác tên là John White, ghé Vũng Tàu rồi vào triều kiến vua Minh Mạng. Các quan trong triều có đãi tiệc. Nhưng Vua Minh Mạng không tiếp. Lý do thư của tông thống Andrew Jackson ghi là kính gửi bạn thân mến. Tổng thống Hoa kỳ chẳng biết sứ thần của ông sẽ gặp ai, thay vì thư gửi ghi là kính gửi Đại Nam Hoàng đế thì quốc thư chỉ ghi là Dear Good Friend. Mối bang giao vì thế không thực hiện được từ năm 1819.
Tuy nhiên từ đó Việt Nam và nhất là ông Bùi Viện tìm hiểu biết rõ Hoa kỳ là nước trẻ trung và hùng mạnh tại Bắc Mỹ. Mùa Thu 1873, ông mới 34 tuổi, nhận lệnh vua Tự Đức qua Mỹ để vận động hành lang tìm đường cứu nước khỏi nạn xâm lấn của Pháp. Từ cửa Thuận An, chỉ có một mình, ông ra Bắc rồi từ đó đáp thương thuyền đi Hương Cảng.
Rất may mắn Bùi Viện gặp được sứ thần của Hoa kỳ tại đất Cảng thơm là người Mỹ lai Tàu. Cả 2 người đều làm thơ chữ Hán, tưởng như gặp quý nhân.
Sứ thần Hoa kỳ thấy nhà ngoại giao Việt Nam trẻ tuổi, yêu nước, quyết tâm nhưng hoàn toàn lạc lỏng với thế giới, ông bèn hết lòng giúp đỡ.
Từ đó Bùi Viện qua Nhật, rồi từ Nhật qua Mỹ. Ông đến thủ đô Hoa kỳ vào năm 1874, lúc đó là nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Ulysses Grant.
Vận động làm sao?.
Lịch sử không ghi lại là vị tiền nhân xuất sắc của chúng ta đã ở đâu trên vùng thủ đô Hoa thịnh đốn. Đã gặp ai. Anh ngữ của ông ra sao. Ông học ESL ở đâu. Housing ra sao?. Xe cộ đi lại có ai giúp đỡ. Ông mặc quần áo và ăn uống như thế nào. Thời kỳ đó chưa có welfare, chẳng có Food stamp.
Ôi, tiền nhân của chúng ta, tuổi trẻ, cô đơn nhưng lòng yêu nước tuyệt vời. Ông đã phải tìm cách gặp các dân biểu quốc hội, Ông phải dựa theo tin tức của bạn vàng là sứ thần Hoa kỳ tại Hồng Kông để tìm đường liên lạc vào Bạch cung. Không có miếng giấy trong túi, không có lá cờ vàng trong tay. Mất gần một năm trời. Sau cùng ông đã tìm được vào gặp tổng thống Hoa kỳ.
Chúng ta bây giờ ngồi đây 139 năm sau, xin hãy tưởng tượng những khó khăn ghê gớm chừng nào để nhà ngoại giao khăn đóng áo dài của Việt Nam giãi bầy với tổng thống Mỹ xin viện trợ kinh tế, quân sự cho Việt Nam đánh đuổi quân Pháp.
Dù tổng thống Hoa kỳ đồng ý nhưng vẫn rất quản ngại, ông đại sứ lưu động của Việt Nam xem ra chỉ có một mình. Quốc thư ủy nhiệm cũng không có. Đành phải ghi nhận để chuyến sau trở lại có thể chính thức trình ủy nhiệm thư.
Đành vậy thôi. Sứ thần Bùi Viện phải trở về. Chuyến về ông gặp lại cố nhân là nhà ngoại giao Mỹ lai Tàu tại Nhật Bản. Khi về nước, Bùi Viện tường trình chuyến đi nhưng triều đình còn e ngại. Tuy nhiên năm 1875 ông lại sang Mỹ lần thứ hai với quốc thư. Tiếc thay, chính sự Hoa Kỳ thay đổi. Pháp Mỹ đã ký thỏa ước. Nước Đại Nam xa xôi không còn nằm trong viễn kiến của Hoa Kỳ. Sứ thần Bùi Viện thất vọng quay về.
Với sở học từ Hoa Kỳ, Bùi Viện tái tổ chức hải quân và mở rộng hoạt động thương mại với ngoại quốc và trong nước. Chức vụ sau cùng của ông là thượng tướng tư lệnh hải quân đồng thời coi cả bộ tài chánh và thương mại. Binh đội hải quân của ông đã giữ yên hảỉ phận làm cho bọn Tầu Ô phải quay về cướp phá vùng Hải Nam.
Sự nghiệp đang hiển hách thành công, Bùi Viện mất năm 1878 , hưởng dương chỉ có 40 năm.
Luận cổ suy kim
Chúng ta có dịp ngàn năm một thuở, vận động được hai ngày tại Bạch Cung và tòa nhà Quốc Hội. Hai nơi tiêu biểu cho hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ. Thực hiện một cuộc thực tập đấu tranh chính trị tốt đẹp. Ngoạn mục thực sự là vận động thành công, nhưng tất cả chỉ mới là bước đầu. Kể từ khi mất nước 1975, cuộc vận động hành lang sau 36 năm mới có vẻ mở đầu ngoạn mục trên con đường còn dài. Nhưng lần này người Việt tại hải ngoại không cô đơn như tiền nhân Bùi Viện 139 năm về trước. Chúng ta thành công là nhờ biết phối hợp và đến với nhau. Không có lý do gì mà chê trách phàn nàn. Thi sĩ Hà Thượng Nhân, sau những năm ngục tù, nay đã ra đi và để lại một câu thơ đáng giá.
Những mái đầu cất cao, không một lời than thở.
Xin nhắc lại.
Những mái đầu cất cao, không một lời than thở.
Nghĩ lại mà coi, ngày xưa ông Bùi Viện chỉ có một mình. Mặc áo the thâm đất Thái Bình ông đã vào gặp tổng thống Hoa kỳ hai lần. Vốn Anh ngữ của ông không thể bằng nhạc sĩ Trúc Hồ và chắc thua xa tiến sĩ Nguyễn đình Thắng.
Ông chính là mái đầu cô đơn, không một lời than thở.
Ngài Bùi Viện ơi. Tôi nghĩ vừa khâm phục, vừa thương ngài hết sức.
Giao Ch ỉ, San Jose.
.
.
.
No comments:
Post a Comment