Sunday, March 11, 2012

THƯ gửi NGƯỜI LÍNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN - THƯ SỐ 3 (Phạm Bá Hoa, Texas)


Phạm Bá Hoa
Sunday, 02.05.2012, 12:00am (GMT-8)

Tôi tên Phạm Bá Hoa, chào đời năm 1930 tại đồng bằng sông Cửu Long. Tôi phục vụ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 21 năm trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, sau đó tôi bị tù không án trong các “trại tập trung” mà lãnh đạo của Các Anh gọi là “trại cải tạo” 12 năm 3 tháng. Hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ.

Xin được gọi “Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” là Các Anh để tiện trình bày. Chữ “người lính” mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng, gọi chung là “cấp lãnh đạo”.

 Là người lính trong quân đội “Nhân Dân”, chắc rằng Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Các Anh trong quân đội nhân dân mà. Với lại, Tổ Quốc & Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng chính trị nào cũng chỉ là một giai đoạn của lịch sử. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.

1. GIÁO DỤC.

“Giáo dục là nền tảng trang bị con người về nhân cách và kiến thức”. Nhân cách, cần kiến thức hậu thuẫn những lý lẽ để tránh bị lợi dụng vào mục đích không tử tế. Kiến thức, cần nhân cách trợ giúp biến kiến thức trở thành những dự án những công trình hữu ích trong cuộc sống, đồng thời tạo môi trường cho con người gần gủi nhau hơn, bởi ngày nay mọi sinh hoạt đều tương quan tác động lẫn nhau, ngay cả sinh hoạt từ thiện cũng vậy.

Giáo dục, bao gồm: “Giáo dục gia đình, giáo dục học đường, và giáo dục xã hội”. (a) Giáo dục gia đình, do bẩm sinh, huyết thống, và cung cách sống của các thành viên trong gia đình, nhất là ông bà cha mẹ. (b) Giáo dục học đường, do chính sách của chánh phủ, hệ thống tổ chức, biên soạn sách giáo khoa, chính sách hỗ trợ nhà giáo, hỗ trợ học sinh sinh viên, phương pháp giảng dạy, cung cách của thầy dạy. (c) Giáo dục xã hội, do những chính sách cùng hệ thống điều hành của chánh phủ, những sự kiện phát sinh và những phương cách giải quyết trong các lãnh vực sinh hoạt xã hội.

Giáo dục, thể hiện đường lối của lãnh đạo thực hiện mục tiêu quốc gia. Muốn đất nước phát triển như thế nào, chánh phủ phải hoạch định chính sách chiến lược như thế ấy: (a) Các ngành, căn cứ vào đó soạn thảo những chính sách dài hạn và những kế hoạch ngắn hạn để thực hiện, và cung cấp nhu cầu chuyên viên chuyên gia theo từng giai đoạn cho ngành giáo dục. (b) Ngành giáo dục, đào tạo chuyên viên chuyên gia thích ứng cho nhu cầu đó. Đồng thời liên tục đào tạo và phát triển đội ngũ sư phạm về đạo đức lẫn kiến thức, cải tiến và phát triển sách giáo khoa phục vụ cho nhu cầu chiến lược, cải tiến dụng cụ trợ giáo, phương thức giảng dạy, cơ sở và trang bị, ..v..v…
Nói chung, “giáo dục” trang bị cho những thế hệ về phẩm chất làm người trong khuôn thước văn hoá dân tộc, về khoa học kỹ thuật của thời đại thích hợp với mục tiêu quốc gia, về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân tộc, và bổn phận công dân đối với tổ quốc. Vì vậy mà đường lối chính sách giáo dục của cấp lãnh đạo quốc gia như thế nào, sẽ dẫn đến một xã hội như thế ấy.

Đến đây, tôi nghĩ là Các Anh nhận thức được tầm quan trọng của Giáo Dục đối với những thế hệ công dân trong bổn phận bảo vệ tổ quốc và phát triển toàn diện các lãnh vực trong xã hội.

2. CÁC ANH HÃY NHÌN LẠI.

Với đoạn này, tôi mời Các Anh nhìn lại nền giáo dục xã hội chủ nghĩa 36 năm qua, và nhìn với nét nhìn từ con người thật của Các Anh (không phải con người của đảng) mới nhận ra sự thật, và tác hại của sự thật này trong hiện tại cũng như trong tương lai dài lâu.

Tôi muốn nói với Các Anh rằng, những sự kiện từ giữa thế kỷ 20 đến nay, đã chứng minh lãnh đạo đảng cộng sản với nhà nước Việt Nam chỉ phục vụ cho quyền lợi của đảng chớ không phục vụ nguyện vọng người dân, mà quyền lợi của đảng lại đồng nghĩa với quyền lợi riêng tư của lãnh đạo các cấp trong các ngành sinh hoạt xã hội. Để tạo được một xã hội như vậy, chế độ giáo dục học đường và giáo dục xã hội chủ nghĩa đặt trên nền tảng “xin và cho”, là một chính sách giáo dục vô cùng hiểm độc, vì chỉ đào tạo những thế hệ thần dân -hay ngu dân- để tuân phục, chớ không đào tạo những thế hệ công dân để xây dựng đất nước, nhưng lại được lồng trong cái tủ kính trưng hàng “con người là vốn quí” hay “trăm năm trồng người” của nhân vật lãnh đạo tàn độc nhất trong lịch sử Việt Nam: Hồ Chí Minh, và những nhóm lãnh đạo tiếp nối đến nay.

Một số công dân xã hội chủ nghĩa đã vượt khỏi chính sách giáo dục thần dân, cố gắng làm những việc tử tế cho xã hội mà trước mắt là giành lại những quyền căn bản của con người được qui định trong Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCN/VN), lại bị lãnh đạo Các Anh qui trách những công dân đó vào tội hình sự để bắt vào tù hoặc giam lỏng tại nhà dài hạn. Nếu muốn được tự do, phải chấp nhận sống lưu vong hải ngoại như nữ đạo diễn Song Chi lưu vong Na-Uy, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy lưu vong Hoa Kỳ, ..v..v… Bài bản cũ mèm này trong chính sách siết thòng lọng vào cổ người dân, đến khi cần dối trá với quốc tế thì nới ra đủ cho nhân viên truyền thông ăn lương nhà nước rao giảng cái gọi là chính sách “khoan hồng nhân đạo”. Tất cả, do nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mà ra.

Tôi dẫn chứng chính sách giáo dục liên tục từ năm 1989 đến nay:

Năm 1989. Trích bài viết của Vũ Hạnh đăng trong báo Công An ngày 31/05/1989 tại Sài Gòn, cho thấy giáo dục như thế nào trong hội nghị tại Viện Nghiên Cứu Giáo Dục miền Nam. (1) Nhà giáo Tôn Thuyết Dung trình bày: “Sách giáo khoa đang sử dụng đã lỗi thời vì nó được soạn ra trong thời kỳ chiến tranh, và chỉ nhắm vào lớp trẻ sống ở nông thôn miền Bắc. Tất cả chỉ phục vụ mà không quan tâm đến đạo đức, chuyên chở những chủ đề mà tầng lớp thanh thiếu niên không dễ gì cảm nhận được chứ nói gì đến học hỏi. Sách giáo khoa lại tham lam khi đề cập nhiều vấn đề, nội dung phản lại giáo dục ở điểm trưng dẫn những sự kiện xấu mà không chỉ dạy cách sửa đổi. Sách không đào tạo con người trước khi nói đến chủ nghĩa cộng sản. Về các câu hỏi để học sinh trả lời không nhắm vào chủ đề rõ rệt, không giúp học sinh phát huy nhận thức, trái lại gò ép học sinh trả lời một cách dối trá”. (2) Ông Xuân Diệu nhận xét thật ngắn nhưng rất sâu sắc: “Một trong những thiếu sót quan trọng là giáo dục không đào tạo con người, nên rốt cuộc xã hội chúng ta chỉ có thần dân mà không có công dân”. (3) Một nhận thức sâu sắc khác: “Giáo dục phải nhắm mục đích đào tạo con người dân chủ từ bé, phải chống lại sự tha hóa lớn nhất hiện nay là sự quanh co dối trá, sự thiếu thành thật giữa con người với nhau…”.

Năm 2000. Cố Trung Tướng cộng sản Trần Độ, để lại tập nhật ký “Rồng Rắn” ngày 7/12/2000, có đoạn liên quan đến giáo dục như sau: “Bộ máy quản lý xã hội đã thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính. Đó là chuyên chính tư tưởng, được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là “những lưu manh tư tưởng”. Nền chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói. Nó làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, hay ít nhất cũng không muốn suy nghĩ. Từ đó làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc và biến họ trở thành những con rối, chỉ biết nhai như vẹt những nguyên lý bảo thủ giáo điều. Nó cũng làm cho nền giáo dục khô cứng, làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng. Nó cũng làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng và nô dịch. Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc đảng, lệ thuộc nhà nước, lệ thuộc cán bộ, và một tâm lý phải tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục vào một cái gì bí và hiểm (có lẽ ông Trần Độ muốn nói “người cao nhất” cũng phải tuân phục lãnh đạo Trung Cộng mà ông gọi là bí và hiểm chăng?. PB Hoa). Nói chung, nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là một tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thủy Hoàng cùng các vua quan tàn bạo của Trung Hoa phong kiến, cộng với tội ác của các chế độ độc tài phát xít. Nó tàn phá cả một dân tộc, hủy hoại tinh anh của nhiều thế hệ. Suy cho cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống của con người, mà nó còn hủy hoại đời sống tinh thần, đời sống tư tưởng của cả một dân tộc. Nó đang làm hại cả một nòi giống”.

Năm 2004. (1) Giáo Sư Hoàng Tụy trong nhóm nghiên cứu giáo dục Hà Nội phát biểu: “Chương trình giáo dục Việt Nam trong bao nhiêu năm qua vẫn trong tình trạng lạc hậu, thi cử nặng nề với phẩm chất (mà ông gọi là chất lượng) rất kém. Sách giáo khoa cũng không thích ứng với hoàn cảnh đất nước, nghĩa là những cải cách trước đây không đạt được hiệu quả so với nhu cầu đất nước. Những sự kiện gian dối trong giáo dục cũng như trong thi cử, làm xói mòn niềm tin của tuổi trẻ lẫn của phụ huynh mà thành phần này luôn kỳ vọng vào nền giáo dục nước nhà, đã dẫn đến tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng, thậm chí nó đánh mất niềm tin của mọi người trong xã hội”. (2) Nhóm nghiên cứu giáo dục này cho biết thêm: “Ngày 23/2/2004 Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã ban hành Quyết Định, bắt buộc sinh viên đại học toàn quốc phải học và thi tốt nghiệp các môn học chính trị, bao gồm triết học Mác-Lê, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử đảng, và tư tưởng Hồ Chí Minh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/3/2004, và tất cả sinh viên không có quyền chọn lựa mà phải học theo giáo trình chọn sẳn. Các môn học bắt buộc này chiếm đến 203 giờ, chiến khoảng 9% (?) thời lượng của chương trình đại học”. (3) Một chuyên viên giáo dục tại Hà Nội, ông Quốc Việt nhận định: “Việc Bộ Giáo Dục bắt buộc sinh viên phải học các môn vô bổ đó là một quyết định phản khoa học, không phù hợp với chuẩn mực giáo dục quốc tế. Đồng thời lãng phí thời gian học, lãng phí tiền thuế của đồng bào đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhất là tước bỏ quyền chọn lựa môn học thích hợp của sinh viên”.

Trong hội thảo tại Hà Nội hồi tháng 7 năm 2004 tổng kết sau thời gian cải cách giáo dục, với số đại biểu trong ngành giáo dục tham dự lên đến gần 1.000 người do Thủ Tướng chủ tọa, cho thấy tầm quan trọng của ngành này. Ông Trần Hồng Quân, Bộ Trưởng Giáo Dục trình bày diễn tiến và kết quả. Ông kết luận: “…Cuộc cải cách giáo dục trong thời gian qua là hoàn toàn thất bại. Vì cải cách theo quan niệm chắp vá chớ không cải cách toàn diện…”. Dựa theo kết luận đó, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu sử dụng câu nói của ông Phan Hiền để châm biếm cải cách giáo dục: “Sai đâu (thì) sửa đấy, sai đấy (nhưng) sửa (ở) đâu, (mà) sửa đâu (thì) sai đấy”.

Năm 2008. Tại Việt ISD Hà Nội vào ngày 6/6/2008, giáo sư Hoàng Tụy là một trong số ít trụ cột của nền giáo dục Việt Nam trình bày một cách thẳng thắn.
Trích vài đoạn: “… Nếu Việt Nam cô lập với thế giới bên ngoài thì không đến nỗi lo lắng, nhưng nếu đặt giáo dục Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhìn một cách khách quan và có trách nhiệm, không thể nhắm mắt trước sự tụt hậu ngày càng xa của giáo dục Việt Nam so với các nước chung quanh, và so với yêu cầu phát triển của xã hội… Thực tế, đất nước ngàn năm văn hiến này đang trả giá nặng nề cho sự suy thoái trầm trọng của giáo dục kéo dài suốt 30 năm qua… Nội dung và phương pháp giáo dục thể hiện xu hướng hư học cổ lỗ, dành nhiều thời gian học những kiến thức lạc hậu vô bổ… Đặt nặng quá mức thi cử và bằng cấp, nhà trường đã vô tình trút vào xã hội mọi thứ rác rưởi độc hại là bằng cấp giả, bằng cấp dỏm, học giả… … Phẩm chất (GS Tụy gọi là chất lượng) giáo dục sa sút một thời gian dài nhất là ở bậc đại học, cao đẳng, và dạy nghề. Khối nhân lực đào tạo ra còn rất xa mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tế về số lượng lẫn phẩm chất giáo dục, nó trở thành nhân tố cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế…Tư duy giáo dục xơ cứng mà mấy thập niên qua hầu như không thay đổi…”
Vẫn theo Giáo sư Hoàng Tụy trên Vietnam Net ngày 7/6/2008 với bài “Nhìn thẳng vào khủng hoảng giáo dục Việt Nam”. (a) Mở đầu với nhận định sắt bén: “Dù bảo thủ đến đâu, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo cũng như bất cứ ai đều không thể làm ngơ trước nhiều vấn nạn giáo dục đã và đang làm đau đầu cả xã hội. Chỉ có nhìn thẳng, gọi tên đúng sự vật và chấp nhận thay đổi, coi cải cách là mệnh lệnh của cuộc sống mới có thể khắc phục tình trạng nguy kịch của ngành giáo dục Việt Nam. Chính Thủ Tướng Phan Văn Khải khi từ nhiệm đã thừa nhận chánh thức sự không thành công của giáo dục, dẫn đến thực trạng nghiêm trọng của giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Nhiều người có trách nhiệm vẫn tự ru ngủ mình với những thành tựu thực và ảo của giáo dục…”. (b) Trong đoạn khác, ông nhấn mạnh: “Những sai lầm trong giáo dục do tư duy xơ cứng mà không hề thay đổi. Vẫn cách nghĩ thiển cận, vẫn giáo điều thời bao cấp được biến tướng ít nhiều để thích nghi với xu hướng du nhập từ bên ngoài phù hợp với lợi ích riêng của từng nhóm. Nền giáo dục chân chính của quốc gia nào cũng có sứ mạng cao cả về giáo dục con người, đồng thời mỗi xã hội có nhiệm vụ và yêu cầu khác nhau cho nền giáo dục của mình. Thêm nữa, con người sống trong xã hội lành mạnh cần cuộc sống trung thực và óc sáng tạo để góp phần phát triển đất nước. Nhưng tiếc thay, những điều đó đã không đuợc chú ý trong xây dựng nền giáo dục Việt Nam. Ngày nay, môi trường quốc tế đã biến đổi cực kỳ sâu sắc trong khi Việt Nam vẫn dựa vào kinh nghiệm giáo dục tư tưởng chính trị thời đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự giả dối lan tràn trong giáo dục tại Việt Nam”.

Tóm tắt bài viết “Giáo dục Việt Nam dưới nét nhìn của chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ” do ông Nguyễn Gia Thưởng chuyển ngữ, trích trong trang Web của nhóm Thông Luận ngày 23/8/2008. Nội dung bài này là đề tài thảo luận khi Thủ tướng cộng sản Nguyến Tấn Dũng gặp Tổng Thống Hoa Kỳ hồi tháng 6 năm 2008 tại Washington DC. “Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn diện về giáo dục: Viên chức không được đào tạo quản trị. Nhà giáo được đào tạo rất kém với đồng lương quá thấp. Cơ hội học đại học rất hạn hẹp vì cơ sở không phát triển, số giảng viên giảng sư không gia tăng, bằng chứng là năm 2007 các trường đại học chỉ tuyển 300.000 sinh viên trong tổng số 1.800.000 thí sinh. Mặt khác, số lượng sinh viên ghi tên vào ngành giáo dục chỉ 10%, trong khi Trung Hoa cộng sản 15%, Thái Lan 41%, Đại Hàn 89% (thống kê của Ngân Hàng Thế Giới). Bằng tiến sĩ thì mua, còn giáo sư thì được đề cử qua thủ tục hành chánh chớ không do công trình và sự nghiệp sư phạm. Nạn tham nhũng tràn lan chẵng khác bệnh ung thư trong ngành giáo dục. Việt Nam thua kém các quốc gia chung quanh về việc cung ứng hiểu biết và canh tân giáo dục, khi nhìn vào số lượng tập san khoa học do các trường đại học ấn hành. Năm 2006, hai đại học lớn nhất Việt Nam là đại học quốc gia và đại học kỹ thuật Hà Nội ấn hành 34 tập san, trong khi đại học quốc gia Seoul (Đại Hàn) là 4.556 và đại học Bắc Kinh gần 3.000 tập san khoa học. Cũng trong năm 2006, về đơn xin bằng sáng chế của Việt Nam chỉ nộp có 2 đơn, trong khi Trung Hoa cộng sản đến 40.000 đơn. Số sinh viên từ các trường đại học Việt Nam có trình độ rất kém, bằng chứng là công ty Intel của Hoa Kỳ phỏng vấn 2.000 sinh viên Việt Nam vừa tốt nghiệp đại học được xem là giỏi nhất trong tổng số, kết quả là công ty này chỉ chọn được 40 thí sinh có trình độ tối thiểu. Công ty Intel nói đây là kết quả tồi tệ nhất mà công ty gặp phải tại bất kỳ quốc gia nào mà công ty đầu tư. Do tình trạng giáo dục Việt Nam trên đây, có thể phá hỏng những phát triển kinh tế trong nước và tiến trình hội nhập thế giới”.

Năm 2009. Tham khảo và trích dẫn bài nghiên cứu của đại học Harvard Hoa Kỳ về “Hiện Trạng Gíáo Dục Bậc Cao Đẳng & Đại Học tại Việt Nam”.
(1) Mở đầu với nhận định sắc bén: “Thật khó mà phóng đại hơn nữa về mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy sụp trong hệ thống giáo dục mà Việt Nam đang đối đầu. Nếu không có một công cuộc cải tổ cấp thời từ thể chế cho hệ thống giáo dục bậc đại học thì Việt Nam sẽ thất bại hoàn toàn trong mục tiêu đạt đến các tiềm năng to lớn của quốc gia này. Sự phát triển kinh tế của vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa nền giáo dục với sự phát triển quốc gia, cho dù mỗi quốc gia trong vùng Đông Bắc Á như South Korea, Singapore, Taiwan, … theo đường lối có phần riêng biệt, nhưng căn bản vẫn là từ giáo dục dẫn đến phát triển. Trong khi đó, vì không đạt được sự xuất sắc trong giáo dục nên Thailand, Philippines, và Indonésia, tuy thành công trong sự phát triển nhưng chưa đạt được nền kinh tế tân tiến so với các quốc gia vùng Đông Bắc Á nói trên. Và điều chẳng lành cho tương lai Việt Nam do giáo dục của Việt Nam nhất là ở bậc đại học, còn sa sút đến mức đứng sau cả các quốc gia kém mở mang lân cận. …
(2) Nhận định về bậc đại học: “… Trong danh sách 100 trường đại học nổi tiếng của Châu Á, Việt Nam không có một trường nào cả, trong khi Nam Hàn có đến 16 trường, Trung Cộng có 14 trường, đảo quốc Đài Loan có 11 trường, Malaysia có 5 trường, Thái Lan có 5 trường, Nam Dương có 4 trường, Singapore có 2 trường, Phi Luật Tân có 2 trường, và tệ nhất là Pakistan cũng có được 1 trường trong danh sách đó. Điều này chứng minh là nền giáo dục Việt Nam nhất là giáo dục bậc đại học, bị tách biệt ra ngoài dòng kiến thức khoa học kỹ thuật quốc tế. Một chứng minh rõ nét nhất là thống kê số lượng những công trình nghiên cứu khoa học nói trên. Vì vậy mà không có gì phải ngạc nhiên, vì học sinh sinh viên Việt Nam chỉ được trang bị hành trang giáo dục một cách tồi tệ, nên kết quả mà quốc gia mong đợi chỉ đến đó là cùng. ….
(3) Bảng nghiên cứu nhận định về nguyên nhân: “Việt Nam trải qua giai đoạn bị Pháp cai trị từ nửa cuối thế kỷ 19 đến giữa thể kế 20, giai đoạn chiến tranh giữa cộng sản với tự do, tiếp theo là giai đoạn Việt Nam bị cai trị bởi chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa với chính sách giáo dục mà bậc đại học lệ thuộc vào cơ quan quyền lực cấp trung ương, với sự kiểm soát cao độ. Nhà nước quyết định tất cả, các trường đại học không được quyết định bất cứ vấn đề hành chánh lẫn chuyên môn của trường, ngay cả vấn đề lương bổng và thăng thưởng cũng căn cứ trên lý lịch gia đình, lý lịch chính trị, nhất là những móc nối cá nhân. Phát sinh kiến thức là một công trình không biên giới, nhưng sinh viên Việt Nam thiếu hẳn mối liên hệ với quốc tế để học hỏi….
(4) Năm 2005, nhà nước ban hành Nghị Quyết 14 cải tổ giáo dục cao đẳng đến năm 2020 về những vấn nạn giáo dục, nhưng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ quan niệm trọng tâm của mọi vấn đề cải tổ phải là nhà nước, mà lẽ ra phải là các học viện, trong khi hệ thống đại học Hoa Kỳ thì các học viện là nhân tố chính còn nhà nước giữ vai trò rất hạn chế.. …
(5) Về sinh viên du học, cũng là vấn đề gai góc: .. (a) Sinh viên Việt Nam du học ngoại quốc bắt đầu gia tăng từ năm 1986, nhưng chỉ là con em của những gia đình cán bộ đảng viên, và những sinh viên may mắn nhận được học bổng. (b) Hiện nay, xã hội Việt Nam có sự chênh lệch quá xa về mức sống giữa người thành thị giàu sang tột đỉnh với người nông thôn nghèo khổ tột cùng. (c) Việt Nam không thể nào chỉ trông cậy vào số sinh viên du học mà không tạo nên một hệ thống giáo dục thích ứng với mục tiêu phát triển quốc gia, thì các chuyên gia Việt Nam đào tạo từ đại học ngoại quốc vẫn tránh né nghề giảng huấn nếu phải trở về Việt Nam. Mặc khác, đại học danh tiếng quốc tế không bao giờ chấp nhận những sinh viên Việt Nam yếu kém, vì như vậy sẽ gây tổn thương danh tiếng của họ.
(6) Bản nghiên cứu kết luận: Cách duy nhất là Việt Nam phải cải tổ toàn bộ thể chế điều hành, đó là chìa khóa cải tiến toàn diện hệ thống giáo dục cho xã hội Việt Nam tương lai.

Tiếp theo bản nghiên cứu nói trên, Giáo sư Hoàng Tụy nhận xét: “Chúng ta có biết bao tiến sĩ, giáo sư và gần đây rộ lên cả mấy tá viện sĩ (chức danh này chưa có ở VN, nhưng nếu muốn trưng ra thì cả nước hiện nay cũng có thể trưng ra cả nghìn viện sĩ kiểu này chứ không ít), rồi lại có cả những bộ óc vĩ đại thế kỷ 21, nhiều nhân vật trí thức xuất chúng đến nỗi đang có kế hoạch phải dành 25 hecta đất vào thời buổi đất quý hơn vàng, để xây một Văn Miếu hiện đại mới đủ chỗ vinh danh bấy nhiêu bậc đại trí. Thế nhưng có ai dám chắc cái gia tài trí thức lớn ấy sau này sẽ được con cháu hoan nghênh khi đất nước đến hồi hưng thịnh? Bởi trí thức Việt Nam dễ mắc bệnh vĩ cuồng, không hòa nhập vào dòng chảy văn minh của thời đại, không chấp nhận luật chơi quốc tế, rồi ngày càng tụt hậu mà vẫn tự ru ngủ mình, tự đánh lừa mình, và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật. Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại của trí thức Việt Nam hiện nay”.

Năm 2011. Nhà giáo Phạm Phúc Thịnh “kỹ sư tâm hồn xã hội chủ nghĩa”, giảng viên khoa ứng dụng tin học trường Đại Học Kinh Tế Kỹ Thuật Bình Dương, tâm sự nhân “Ngày Nhà Giáo 20/11 Năm 2011”. Lời mở đầu của tác giả: “Nhà giáo đang cô đơn giữa cộng đồng”. Rồi ông nói thêm:
(1) Ngày 20/11 lại đến! Một ngày mà lúc đầu mang ý nghĩa tôn vinh những người làm công tác giáo dục. Nhưng, theo dòng đời trôi nỗi, cùng với tác động của cơm áo gạo tiền, ngày ấy đã trở thành “ngày lễ thầy” với đúng nghĩa đen của nó. Thật vậy, cách tổ chức mừng ngày này tại các trường na ná giống nhau về hình thức. Các thầy cô giáo phải đến trường, nghe những lời huấn dụ phải thế này, thế kia… Điều quan trọng nhất là làm gì để cho vị thế của giáo viên trong xã hội được nâng cao, được tôn trọng, lại chia ở thì tương lai với động từ “sẽ…” mà không biết bao nhiêu năm “sẽ…” đã trôi qua. Tại sao trong ngày này, giáo viên không được nghỉ ngơi thư giãn, đi chơi đâu đó để có thể đón nhận những niềm vui thật sự từ học trò, từ người thân, từ bạn bè…
(2) Có ngày 20/11 để làm gì, khi những món quà tặng thầy cô bị biến tướng thành phong bì, voucher quà tặng với 1 chữ số khác 0 đứng trước và đi kèm theo đó là 5 hoặc 6 chữ số 0. Để rồi sau đó, các phương tiện truyền thông và một bộ phận xã hội người dân nói những lời xúc phạm nặng nề đến nhân cách của giáo viên. Là giáo viên chân chính không ai muốn điều đó cả. Nhưng hình như mọi người quên rằng, có những phụ huynh thật sự có điều kiện về kinh tế, họ không được tặng cho người thầy cô mà con cái họ yêu quý những món quà có giá trị lớn sao? Và giáo viên nhận những món quà này có gì sai chăng?
(3) Có ngày 20/11 để làm gì, khi mỗi ngày trong cuộc sống, giáo viên đang là những cố gắng giáo dục cho học trò viết đúng tiếng Việt, tôn trọng những chuẩn mực đạo đức của xã hội, tuân thủ luật pháp. Trong khi hàng loạt “Cối Xay Gió” kiểu “Sát Thủ Đầu Mưng Mủ” lại in vào đầu các em những câu văn vô nghĩa, những câu nói vớ vẩn mà một số người lớn lại biện minh đó là “sự sáng tạo của tiếng Việt hiện đại”. Những hành động vô cảm trước hoạn nạn của người khác, thậm chí còn hưởng lợi từ sự thiếu may mắn của người khác. Để rồi đến một ngày khi đám trẻ trở thành sát thủ, giải quyết mọi mâu thuẫn bằng bạo lực, mọi nguyên do lại được quy về “không biết thầy cô dạy dỗ như thế nào?”
(4) Có ngày 20/11 để làm gì, khi có những phụ huynh vì không nhìn thấy cái sai của quý tử nhà mình, sẵn sàng hành hung giáo viên, hả hê khi thấy giáo viên bị kỷ luật chỉ vì không kiềm chế được trong lúc nóng giận đã lỡ quất vào mông của quý tử đó một roi. Chưa thời nào mà nhà giáo lại là người dễ bị “bắt nạt” như thời bây giờ, nhà giáo bị phụ huynh hành hung, bị học sinh tấn công thì mọi chuyện sẽ không có gì ầm ĩ. Nhưng chỉ cần nhà giáo có một hành động gì đó không đúng chuẩn mực lắm thì ngay lập tức hàng loạt “cơn mưa đá” sẽ trút xuống nhà giáo rất tội nghiệp, mà hình như mọi người ném đá lại quên mất rằng nhà giáocũng có đầy đủ hỷ nộ ái ố của một con người bình thường.
(5) Khi cuộc sống đời thường của người giáo viên quá nghèo khổ thì bị nhìn với cặp mắt thương hại. Nhưng khi người giáo viên vươn lên thoát nghèo bằng chính nghề nghiệp của mình thì bị xã hội mỉa mai gọi là “bán chữ”, thậm chí còn bị xem đó là hành vi phạm tội, lập ra đội chống dạy thêm để hạch sách. Xã hội đòi hỏi giáo viên phải sống thanh bạch như những “nhà giáo ngày xưa“ trong làng xã, nhưng quên mất rằng những “nhà giáo ngày xưa“ chỉ chăm lo việc dạy, còn cuộc sống được dân trong làng đảm bảo không để thầy phải bận tâm về cơm áo gạo tiền. Những người thầy mẫu mực được gọi là “vạn thế sư biểu” trong lịch sử như Chu Văn An, Khổng tử… đều có một cuộc sống đời thường thanh bạch giản dị nhưng không phải thiếu thốn những nhu cầu cần thiết…
(6) Có lẽ, rất nhiều giáo viên đều ước rằng, thay vì một năm có một ngày 20/11 với đủ các lời chúc hoa mỹ, quà tặng, với những lo lắng “đua quà” của phụ huynh, thì suốt cả năm cha mẹ hãy cùng chung tay với thầy cô trong việc giáo dục con em mình trở thành những người có ích trong xã hội, nói đúng ngôn ngữ tiếng Việt….. Cả xã hội thay đổi cách nhìn, nâng cao vị thế và cuộc sống thực tế của giáo viên trong cuộc chiến chống lại những cái xấu, để giáo viên xuất hiện trước mắt học sinh thân yêu với hình ảnh đẹp và mẫu mực của một thầy cô giáo đúng nghĩa. Và kết thúc lời tâm sự của nhà giáo Phạm Phúc Thịnh: “Ước gì đừng có ngày 20/11 hằng năm!“

Tôi tóm lược vài đoạn trong bài viết “Văn Hoá Cà Chớn” của một nhà văn trong nước. Tháng 11/2011 vừa qua tại Sài Gòn mà Các Anh gọi là Hồ Chí Minh, Công Ty Văn Hóa Truyền Thông Nhã Nam phát hành tập truyện “Sát Thủ Đầu Mưng Mủ” (mà nhà giáo Phạm Phúc Thịnh đã nói ở trên). Cái tên rất ư là kỳ cục vì nó không hàm chứa một ý nghĩa văn chương nào cả, nhưng lại là loại sách dành cho tuổi trẻ Việt Nam với nội dung gồm nhiều bức tranh vẽ vội nếu không nói là vẽ sơ sài, và dưới mỗi bức tranh có một thành ngữ được xếp vào loại “thành ngữ sành điệu”. Tất cả có khoảng 120 câu thành ngữ thông dụng của tuổi trẻ hiện nay, chẳng hạn như: “Ngất ngây con gà tây – Phi công trẻ lái máy bay bà già – Thuận vợ thuận chồng con đông mệt quá – Tào lao bí đao – Tự nhiên như cô tiên – Xấu nhưng biết phấn đấu – Đói như con chó sói – Một con ngựa đau cả tàu được thêm cỏ – Một điều nhịn chín điều nhục – Cái khó ló cái ngu – ….” Dưới nét nhìn của bất người Việt Nam nào còn quan tâm đ ến văn hoá dân tộc cũng tự hỏi: “Đây có phải là văn hoá mới xã hội xã hội chủ nghĩa không? Hỏi, cũng là trả lời: “Đúng vậy”. Câu trả lời này gợi lại chính sách của lãnh đạo cộng sản Việt Nam khi chiếm được Việt Nam Cộng Hòa đã ra lệnh tịch thu toàn bộ văn hoá phẩm trong xã hội dân chủ tự do, để thay vào bằng văn hoá mới xã hội chủ nghĩa, một thứ văn hoá “sáng tạo” ra một xã hội gian trá, dối gạt, lưu manh, …. nói chung nó là thứ văn hoá của một xã hội độc tài đảng trị. Tác giả cũng cho biết rất nhiều ý kiến phản đối dữ dội, vì cho rằng đây là một cuốn sách nhảm nhí, xuyên tạc thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Chị Thanh Hà, một nhân viên ngân hàng tức giận: “Tôi không hiểu vì sao một cuốn sách nhảm nhí như vậy lại được nhà nước cho xuất bản. Những câu thành ngữ tục ngữ Việt Nam đã bị cải biên xuyên tạc một cách trắng trợn. Thử hỏi, khi các cháu học sinh sinh viên sẽ học được điều gì trong sách? Với câu “Có chí thì ghê”, đã xuyên tạc ý nghĩa giáo dục tinh thần của câu “Có chí thì nên” của ông cha ta bao đời để lại cho con cháu noi theo. Nhìn chung, loại sách như vậy là phản lại truyền thống đạo đức Việt Nam.

3. CÁC ANH NGHĨ GÌ?

Chỉ mới ngần ấy sự kiện, tôi nghĩ cũng đủ giúp Các Anh nhận ra nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của lãnh đạo Các Anh “đã trồng được những thế hệ thần dân“ đúng theo bản chất của đảng, để tuân phục đảng chớ không phải lắng nghe nguyện vọng của dân, phục vụ đảng chớ không phải phục vụ dân mặc dù “dân là chủ còn cán bộ đảng viên là đầy tớ“, và chết cho đảng chớ không phải chết cho tổ quốc nhân dân. Cũng vì “những thế hệ mà giáo dục xã hội chủ nghĩa đã trồng được, đã dẫn đến một xã hội mà mọi người từ lãnh đạo cao nhất trải dài xuống các lãnh đạo trong hệ thống đảng với nhà nước, đến tận người dân, phải sống với nhau bằng những phương cách lọc lừa dối trá với nhau. Hãy nhớ rằng, người dân hoàn toàn không có lỗi gì trong xã hội Việt Nam ngày nay, mà là bắt nguồn từ bản chất của lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản.

Với một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã thật sự tác hại vào hai thế hệ đã qua, hai thế hệ hiện nay, và vẫn còn tiếp tục. Tác hại ngay trên cuộc sống thường ngày của mỗi người trong xã hội, và đã tạo nên một xã hội băng hoại đến mức mà văn hoá dân tộc từ bao đời Ông Cha truyền lại hầu như tan biến ngược chiều với sự vươn lên một cách thảm hại của dòng “văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa“, trong khi thứ văn hoá đó đã bị cộng sản Liên Sô và các quốc gia cộng sản vùng Đông Âu liệng vào thùng rác lịch sử hơn 20 năm trước rồi.

Tôi gởi sự suy nghĩ nhỏ nhoi hạn hẹp này đến Các Anh, hãy bình tâm mà nhận định một chuỗi sự kiện mà Các Anh vừa đọc qua, và suy nghĩ từ chiều sâu tâm hồn của chính mình chớ không phải tâm hồn của người đảng viên cộng sản. Mong Các Anh đừng đứng nhìn một cách vô cảm nữa mà hãy hành động “như một đầu tàu”, kéo theo 89 triệu bà con trên quê hương Việt Nam thân yêu, và mạnh dạn đứng lên quật sập cái chế độ cộng sản độc tài tàn bạo, một chế độ đã tạo nên một xã hội băng hoại bắt nguồn từ chính sách giáo dục ngu dân, để cùng nhau xây dựng một nền văn hoá khai phóng, nhân bản, khoa học, và phát triển một xã hội dân chủ pháp trị mà mọi người được hưởng một cách tự nhiên những quyền căn bản của mình. Nếu Các Anh “không thể đứng dậy làm đầu tàu” thì khi người dân đứng dậy, Các Anh hãy đứng về phía đồng bào mà hành động.

Tôi vững tin rằng, bà con trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại -đặc biệt là Những Người Lính Chúng Tôi- vẫn hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào, những thế hệ làm nên lịch sử.
“Tự Do, phải chính chúng ta tranh đấu, vì Tự Do không phải là quà tặng”.

Phạm Bá Hoa
Texas, tháng 1 năm 2012.

“Nhân Tết Nguyên Đán, tôi chúc Các Anh cùng gia đình Một Năm Nhâm Thìn 2012, được An Lành và Hạnh Phúc. Năm Mới, với nét nhìn mới về mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội vì nó bắt nguồn từ lãnh đạo của Các Anh, để nhận ra chân dung xã hội hiện nay mà nghĩ về một xã hội tương lai cho con cháu“


.
.
.

No comments: