Monday, March 12, 2012

THÊM MỘT CÂU HỎI CHO TIÊN LÃNG (Nguyễn Quang Lập)


Nguyễn Quang Lập
12.03.2012

Việc bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cho biết vừa làm đơn gửi một số cơ quan chức năng Hải Phòng xem xét lại mức kỷ luật của ông Nguyễn Văn Khanh (Tại đây!) là một sự kiện đáng chú ý. Trong khi chồng đang bị giam giữ, bản thân đang bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, các chị vẫn làm đơn xin giảm mức kỷ luật cho ông Khanh, điều đó chẳng những chứng tỏ cái tâm sáng của các chị mà còn cho thấy việc kỉ luật ông Khanh là có vấn đề.

“Bà Hiền cho biết, bà và chị dâu làm đơn là do trước khi xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất, họ nghe ông Đoàn Văn Vươn nhắc nhiều về việc ông Khanh từng phản đối quyết định thu hồi và cưỡng chế đầm mà Huyện ủy Tiên Lãng đã ban hành. “Tôi được biết ông Khanh và một người khác ở Viện kiểm sát do phản đối từng bị đuổi ra khỏi cuộc họp. Nhưng không hiểu sao hôm đó ông Khanh vẫn dẫn đầu đoàn cưỡng chế?” ( Theo báo Nông nghiệp) Tất nhiên đây chỉ là chuyện ” nghe nói” và chẳng ai có thể dựa vào cái sự nghe nói để giải quyết cả. Nhưng chính quyền huyện Tiên Lãng thì biết rõ ông Khanh có phản đối việc thu hồi đất để đến nỗi ” bị đuổi ra khỏi cuộc họp” hay không?
Có một văn bản xác nhận việc ông Khanh phản đối việc thu hồi đất Thông báo về kết luận của ông Nguyễn Văn Khanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ( tại đây!)trong đó ghi rõ:

“Hồi 15h ngày 18/10/2010, tại phòng họp số 1 trụ sở UBND huyện Tiên Lãng, sau khi làm việc và nghe ý kiến 2 hội viên của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ là ông Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân, đại diện UBND huyện Tiên Lãng là ông Vũ Văn Khanh kết luận:
Một là: nhanh chóng, khẩn trương tiếp tục giao lại đất cho nhân dân để nhân dân sản xuất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tình hình an ninh, chính trị của địa phương, chấm dứt tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Hai là: Việc thỏa thuận giữa UBND huyện Tiên Lãng với ông Luân và ông Vươn để giải quyết vụ án hành chính, nay UBND huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho các ông thuê đất theo quy định của pháp luật.
Ba là: Yêu cầu phòng Tài nguyên – Môi trường cung cấp mẫu đơn xin thuê đất theo đề án 30 cho ông Luân và ông Vươn đồng thời, hướng dẫn ông Luân và ông Vươn làm thủ tục xin thuê đất để trình Chủ tịch huyện Tiên Lãng, giải quyết theo Giám đốc thẩm.”

Văn bản này rất quan trọng để xác định công tội của ông Khanh.

Trong bài Mía sâu có đốt ( tại đây!), ông Huỳnh Văn Cát đã nhắc lại Khoản 5(điều 9 mục 1) của Luật CBCC (2008) ghi rõ: “Về chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định, trong trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo với cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình

Có lẽ cái tội của ông Khanh là khi thấy “quyết định đó là trái pháp luật” chỉ phản đối miệng mà không “kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định“. Người ta có thể căn cứ vào điều này để bắt chẹt ông. Bắt chẹt thôi chứ người ta biết thừa ở trong cơ chế này số người cả gan ” thông báo bằng văn bản” như luật định may lắm chỉ chiếm 1 phần triệu.

Đến đây thì xuất hiện câu hỏi: Tại sao biết ông Khanh phản đối mà chính quyền huyện Tiên Lãng vẫn giao cho ông Khanh vai trò trưởng ban cưỡng chế? Phải chăng đây là trò chơi buộc ông Khanh phải nhúng chàm để hết đường chối cãi? Hay là ông Khanh sau khi phản đối cưỡng chế đã bị phê phán nặng nề, nguy cơ mất chức treo ngay trước mũi nên đã thuận theo chính quyền huyện Tiên Lãng, vui vẻ nhận chức trưởng ban cưỡng chế để ” lập công chuộc tội”?

Cho đến nay ông Khanh không hề lên tiếng. Sự im lặng này có thể dẫn đến hai giả thiết: Một là ông Khanh bụng thì vẫn phản đối nhưng ngoài mặt đã thuận theo chính quyền huyện Tiên Lãng, bây giờ há miệng mắc quai. Hai là ông Khanh rất muốn lên tiếng nhưng sợ “giang hồ đất Cảng” trả thù nên không dám?

Cả hai trường hợp đều có thể xảy ra. Nhưng xét thấy sự hồ đồ, điêu ác và tráo trở của nhiều ông quan trong chính quyền Tiên Lãng, sau vụ cưỡng chế khu đầm Đoàn Văn Vươn, thì mình tin vào giả thiêt thứ hai. Đám quan lại đất Cảng có khi còn nguy hiểm hơn cả “giang hồ đất Cảng”, ông Khanh sợ là phải.

Nguyễn Quang Lập
.
.
.

Thụy My  -  RFI
Dimanche  11  Mars  2012


(LND : Phụ trang Địa chính trị của Le Monde - tờ báo thuộc loại uy tín nhất nước Pháp - đề ngày 11/03/2012 đã dành một bài báo ngắn để nói về sự kiện Đoàn Văn Vươn, mang tựa đề « Vụ trục xuất một người nuôi thủy sản, xì-căng-đan cấp quốc gia ở Việt Nam ». Tác giả là Bruno Philip, thông tín viên của Le Monde tại Đông Nam Á, viết từ Bangkok. Bài báo có một số chi tiết chưa được chính xác, nhưng vẫn xin tạm dịch lại ở đây).

Một hoạt cảnh bất thường nhưng lại ít được truyền thông đưa tin, đã diễn ra ngày 5/1 tại miền Bắc Việt Nam : một người nuôi thủy sản ở Hải Phòng là Đoàn Văn Vươn đã tổ chức cố thủ tại nhà cùng với nhiều thành viên trong gia đình. Trang bị vũ khí tự tạo và chất nổ, họ đã chống cự lại lực lượng vũ trang được điều đến để trục xuất họ ra khỏi mảnh đất của mình. Bốn bộ đội và hai công an đã bị thương trong cuộc đụng độ, ông Đoàn và ba người thân bị bắt giam.

Việc cưỡng chế vẫn diễn ra thường xuyên ở Việt Nam : cũng như tại Trung Quốc, nơi mà trưng thu đất đai vốn là một nhân tố « gây bất ổn xã hội » - xin lặp lại từ ngữ mà chế độ cộng sản Trung Quốc thường dùng -người ta nhận thấy tại xứ sở của Hồ Chí Minh, số lượng các vụ lạm dụng quyền lực kiểu này ngày càng tăng lên. Kịch bản hầu như đều giống nhau : chính quyền địa phương cấu kết với những người đầu cơ địa ốc hay nhà đầu tư, để kiếm chác lợi nhuận từ các dự án địa ốc béo bở.

Chính những người nông dân phải chịu thua thiệt. Luật pháp cho phép những người lãnh đạo cấp huyện hay cấp tỉnh tự cho mình cái quyền thu hồi đất đai, trên danh nghĩa lợi ích công. Vì vậy mà không mấy ngạc nhiên khi 70% các vụ kiện tụng chính quyền địa phương là có liên quan đến tranh chấp đất đai.

Đáng ngạc nhiên nhất trong câu chuyện về « những người cố thủ » ở Hải Phòng là ngày 10/2, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến tại đây. Sau khi lắng nghe bản báo cáo điều tra về các nguyên nhân gây ra xung đột, người đứng đầu chính phủ đã đứng về phía « người nổi dậy », ông Đoàn ! Thủ tướng lên án chính quyền địa phương đã vi phạm pháp luật, và yêu cầu họ tự kiểm điểm. Những người lãnh đạo huyện Tiên Lãng, nơi xảy ra sự kiện, bị ngưng chức.

Phản ứng của Thủ tướng có thể sẽ không ngăn trở được việc ông Đoàn Văn Vươn phải ra tòa. Nhưng điều này biểu lộ sự lo ngại sâu xa của chính quyền Việt Nam. Vào lúc mà ông Nguyễn không ngừng bày tỏ sự chú tâm đến công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thì cần phải chứng tỏ quyết tâm của mình bằng việc làm cụ thể. Dù đảng Cộng sản cứng rắn về chính trị, nhân quyền ở Việt Nam liên tục bị vi phạm, nhưng chính quyền vẫn ý thức được tiềm năng gây tác hại lớn lao của loại vụ việc này.

Câu chuyện trên đây tiêu biểu cho « hình mẫu của những bất hợp lý trong hệ thống quy định về đất đai ở Việt Nam » - David Brown, nhà ngoại giao Mỹ hưu trí và là chuyên gia về khu vực đã nói với AFP như thế. Ông nói thêm : « Hồ sơ này về cơ bản là vấn đề tồn vong của chế độ ».

Việc ông Đoàn Văn Vươn là người công giáo đã khiến những người phụ trách giáo phận phải tỏ thái độ, và gây chú ý đến các vụ xung đột thường xảy ra giữa Nhà nước và các giáo xứ về vấn đề nhà đất. Một bản tin của « Giáo hội châu Á », cơ quan thông tin của cơ quan truyền giáo Paris, cho biết Đức Giám mục Hải Phòng đã bày tỏ sự lo âu cho ông Đoàn, « là người có nhân thân tốt và nhiệt thành cộng tác với các hoạt động của giáo xứ », hơn nữa, « trước đó đã được ca ngợi về năng lực làm ăn giỏi ».

Ngay cả cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng đã lên tiếng ủng hộ cho bị cáo, như rất nhiều blogger khác. Dù sao đi nữa thì cách xử sự của Thủ tướng cũng đã tạo ra một tiền lệ.

.
.
.

No comments: