Đức Tâm - RFI
Thứ hai 12 Tháng Ba 2012
Hôm nay, 12/03/2012, nhân Ngày Thế giới chống kiểm duyệt Internet, tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF( Reporters Sans Frontieres), đóng trụ sở tại Pháp, đã ra một bản báo cáo 2012 về những quốc gia kẻ thù của internet và vẫn giữ nguyên Việt Nam trong danh sách này. Bahrain và Belarus gia nhập danh sách đen, trong khi đó, Venezuela và Libya được xóa tên.
Như vậy, trong danh sách mới 2012, các nước bị coi là kẻ thù của internet bao gồm: Ả Rập Xê Út, Bahrain, Belarus, Miến Điện, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Iran, Uzbekistan, Syria, Turkmenistan và Việt Nam. Đây là những quốc gia áp dụng chính sách hạn chế tiếp cận với internet, kiểm duyệt gắt gao, trấn áp giới ly khai dùng internet và thực hiện chính sách tuyên truyền trên mạng.
Đối với Việt Nam, Phóng viên Không Biên giới nhận định rằng, lo sợ ảnh hưởng của các cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập, chính quyền Việt Nam, mắc bệnh hoang tưởng, đã gia tăng trấn áp và kiểm soát internet nhằm ngăn cản mọi nguy cơ gây bất ổn định chế độ. Một trong những bằng chứng cụ thể nhất là cách ứng xử của chính quyền đối với các cuộc biểu tình hồi mùa hè 2011, phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ban đầu, chính quyền làm ngơ, nhưng sau đó, đã nhanh chóng chuyển sang trấn áp vì lo ngại những người biểu tình đưa ra các yêu sách khác. Thay vì tăng cường kiểm duyệt, chính quyền đã tiến hành theo dõi, bắt bớ hàng loạt.
RSF đánh giá rằng nhờ có internet, blog, các nhà báo-công dân đã tiếp tục chiếm lĩnh những khoảng trống mà báo chí chính thống đã bỏ lại, do bị kiểm duyệt nặng nề. Mặt khác, làn sóng bắt giữ, trấn áp những người viết blog, công dân mạng và nhà báo, vốn đã khởi động từ vài năm qua, đã gia tăng cường độ trong năm 2011. RSF cũng nhắc lại nhiều trường hợp các nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, viết blog vẫn bị giam giữ như linh mục Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày…
Theo RSF, ưu tiên của chính quyền Việt Nam là tiếp tục nắm giữ quyền lực, bất chấp hình ảnh của đất nước. Các áp lực quốc tế cũng ngày cảng giảm hiệu quả. Trong bối cảnh đó, Quốc hội Hoa Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc ép Việt Nam tôn trọng các quyền tự do của công dân. Đầu năm 2012, các nghị sĩ Mỹ xem xét một dự luật, theo đó một phần viện trợ tài chính không liên quan đến các dự án nhân đạo và khả năng hợp tác quân sự giữa hai nước, phụ thuộc vào việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
Đánh giá tình hình chung trên thế giới, tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho rằng 2011 là năm bạo lực chưa từng thấy chống lại những người sử dụng internet: “Trong năm 2011, các công dân mạng đã là tâm điểm của những thay đổi chính trị tác động đến thế giới Ả Rập. Cùng với các nhà báo, họ đã cố gắng làm cho kiểm duyệt thất bại, nhưng đổi lại, họ cũng đã phải trả giá đắt». Theo thống kê của RSF, 5 người đã thiệt mạng và gần 200 bloggers, công dân mạng bị bắt, tăng 30% so với năm 2010.
.
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment