Saturday, March 17, 2012

SAU THỈNH-NGUYỆN-THƯ, HÃY NÓI HỘ ĐỖ THỊ MINH HẠNH (Tâm Việt)



03/17/2012

Như nhiều người nhận-định, cuộc ra quân ngoạn mục của cộng-đồng VN tại Mỹ trong chiến-dịch Thỉnh-nguyện-thư (nay đã lên hơn 150 nghìn chữ ký) đã mang lại một số kết-quả. Tuy-nhiên, đây mới chỉ là những kết-quả bước đầu, ta không thể vội "ngủ quên trên vòng hoa nguyệt-quế" mà ta phải nghĩ ngay đến những bước kế-tiếp để triển khai cái thế mới của cộng-đồng chúng ta ở xứ này -- sức mạnh được Toà Bạch Ốc ghi nhận qua cuộc gặp gỡ ngày 5 tháng 3, tiếng nói được cả trăm văn-phòng Dân-biểu Nghị-sĩ trên Quốc-hội lắng nghe trong ngày hôm sau.

Thừa thắng xông lên, Tiến-sĩ Nguyễn Đình Thắng của Boat People S.O.S. đã nghĩ ngay đến và lập-tức thực-hiện một chiến-dịch mới: Về địa-phương, hơn 500 người đã tham-gia cuộc vận-động hành-lang hôm 6 tháng 3 nên, thứ nhất, nên có thư cám ơn các dân-biểu nghị-sĩ mà chúng ta đã có cơ-hội gặp hay thăm viếng, và hai, thúc giục họ ủng-hộ cho các dự-luật nhân-quyền hiện đang được đưa ra ở Lưỡng viện Quốc-hội (Hạ-viện và Thượng-viện). Nói là làm, ông cũng đã cung-cấp những lá thư mẫu để chúng ta có thể dùng, sửa sang đôi chút nếu cần rồi gởi đi ngày một ngày hai.

Ngày 13/3, đúng sinh-nhật của Đỗ Thị Minh Hạnh, người con gái 27 tuổi can trường tranh đấu cho quyền lao-động của các công-nhân VN, nhạc-sĩ Trúc Hồ trên SBTN cũng đã đọc lá thư "Sinh-nhật trong tù" rất cảm-động của một cây bút ở Pháp nói về em. Dù bị một toà án ở Trà Vinh tuyên án 7 năm tù (cùng với người bạn đồng-hành của em, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, bị 9 năm) sau khi đã tổ-chức thành công một cuộc đình công 10.000 người ở một hãng làm giầy của Đài-loan, Đỗ Thị Minh Hạnh vẫn kiên cường bất khuất trong tù, chia cơm xẻ áo với các bạn đồng-tù, và gởi ra những bức thư thật thân thương cho người mẹ ở bên ngoài viết bằng một tuồng chữ còn rất học trò.

Từ Việt Khang đến Đỗ Thị Minh Hạnh

Sau Việt Khang đến Đỗ Thị Minh Hạnh là một bước đi đúng. Vì sao? Vì cả hai đều là những người trẻ sinh sau thời CS vào thành ở trong Nam (1975), những người không mang nặng hành-lý từ quá-khứ, không có hận thù, mà tấm lòng xuất phát từ hiện-tình tối tăm của đất nước dưới thời CS. Họ cũng còn là biểu-tượng của những giới mà người ta thường không nghĩ là hay làm chính-trị: Việt Khang biểu-tượng cho giới nghệ-sĩ (không có chuyện "Thương-nữ bất tri vong-quốc-hận"), còn Minh Hạnh biểu-tượng cho chính giai-cấp mà Nhà nước Việt-Cộng nói là họ tôn vinh, giới lao-động đang bị bóc lột đến xương tủy!

Một trong những lý-do chính cuộc cách mạng dân-chủ ở VN cho đến ngày nay chưa thành công, theo tôi, là vì chúng ta đặt quá nặng các vấn-đề trừu tượng (tự do, dân-chủ, nhân-quyền), những quan-tâm của lớp trí-thức, không đi sát với cuộc sống hàng ngày của người nông-dân (70% dân-chúng) hay công-nhân (20% dân-chúng). Trong khi đó, chúng ta, nhất là ở hải-ngoại, không hiểu gì lắm về những oan ức của dân oan bởi chúng ta chưa đi cày một ngày nào, không thể thấu hiểu được một trường-hợp như của gia-đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên-lãng, Hải-phòng. Chúng ta cũng đa-phần là người làm việc ở bàn giấy nên không thể thông-cảm với những công-nhân bị bóc lột trên khắp nước mà những em như Quốc Hùng hay Minh Hạnh cố gắng giúp đỡ.

Do đó, để thành công, theo tôi, chúng ta cần phải vặn lại cái đồng-hồ của chúng ta, làm sao cho nó ăn khớp với tần-số của 90 triệu dân ở trong nước. Chỉ khi đó chúng ta mới thở được cùng nhịp với đại-đa-số dân-chúng ở quốc-nội và cùng với họ, làm cuộc cách mạng sắp tới đây.

Uỷ-ban Bảo-vệ Người Lao-động VN (UBBV)

Cũng vì nhìn ra vấn-đề từ khá lâu này mà vào cuối tháng 10 năm 2006, một số nhà dân-chủ ở hải-ngoại đã bắt tay nhau tổ-chức Hội-nghị "Cơm áo và Tự do" ("Bread and Liberty") ở Vác-sa-va, Ba-lan, để thành-lập Uỷ-ban Bảo-vệ Người Lao Động VN ("Committee to Protect Vietnamese Workers," viết tắt là CPVW) với thành-viên giờ đây hiện-diện ở nhiều quốc gia trên thế-giới, kể cả Việt-nam. Chủ-tịch, chẳng hạn, là ông Trần Ngọc Thành ở Ba-lan; có hai phó-chủ-tịch ở Hoa-kỳ, một ở miền Đông và một ở miền Tây; tổng-thư-ký là ông Đoàn Việt Trung ở Úc; chưa kể các thành-viên thuộc các tiểu-ban công-tác, hiện đang sinh sống ở Bỉ, Pháp, Đức, Tiệp, Ba-lan, Mỹ, Canada...

Tại sao lại Ba-lan? Đó là vì Ba-lan là quê hương của phong trào lao-động Đoàn Kết (Solidarnosc), nơi giai-cấp công-nhân đã tự-động đứng lên cứu mình và cùng lúc đạp đổ được cả thành trì lâu năm của CS ở xứ đó cũng như ở Đông-Âu rồi Liên-Xô. Ba-lan vì đó là quê hương của ông Lech Walesa, người thợ điện đã làm gương cho cả thế-giới và có lúc đã lên làm đến Tổng-thống xứ của ông, qua lá phiếu lương-thiện của toàn-dân. Ba-lan, thứ nữa, là vì ở đó chúng ta đã có kinh-nghiệm của không ít người "lao động xuất khẩu" có lúc đã được Hà-nội gởi ồ ạt sang Liên-Xô và các nước Đông-Âu để trả nợ chiến-tranh. Và cuối cùng, Ba-lan vì ở đó, chúng ta có những người bạn hết mình với chúng ta như ông Chojecki, một người đã sang thăm và cổ-động chúng ta, không những ở Mỹ mà còn ở cả Úc-châu và Tây-Âu.

Trước cả khi có Tiểu-ban Mã-lai, UBBV đã vận-động được đài truyền hình Kênh số 7 (Channel Seven) ở Úc đi quay tình-cảnh sinh sống rất tồi tệ của công-nhân "xuất khẩu lao động" của VN sang Mã-lai làm việc ở hãng Hytex. Chính sau khi chương-trình này được chiếu lên 3 bản tin thuộc Kênh số 7 ở Úc, hãng này đã phải chịu bồi thường và cải thiện điều-kiện sinh sống của 20.000 công-nhân ngoại-quốc làm việc cho hãng, trong đó có gần 8.000 người Việt. Ai muốn xem có thể vào Youtube  
http://www.youtube.com/watch?v=e9ZktmrGGMU để rõ.

Đến tháng 5-tháng 6/2009, UBBV lại hướng-dẫn một ký-giả người Đan-mạch sang viếng thăm công-nhân ở xí-nghiệp Ching Luh của hãng làm giầy Nike, những người đã bị đuổi vì cầm đầu một cuộc đình công đòi hỏi cải thiện điều-kiện làm việc. Bản tường-trình của ký-giả này sau đó được đăng lại trên 10 quốc gia Bắc-Âu nên đã có một tiếng vang khá bất lợi cho hãng và đã đem lại những đền bù cho các công-nhân kia.

Để đi vào Việt-nam, đã có một thời-gian UBBV ở Úc xuất bản những tờ thông tin ngắn gọn, chỉ có hai trang để dễ chuyền tay nhau khi nó đi vào trong nước, với những thông tin liên-hệ đến đời sống và điều-kiện làm việc của công-nhân VN. Những thông tin như các cuộc đình công, những tin tức chính-xác như quyền-lợi của công-nhân theo luật-định (do cựu-thẩm-phán Nguyễn Cao Quyền đóng góp), những bài vè phổ-biến trong dân-chúng (do nhà thơ Trương Anh Thuỵ gom lại) v.v. Lúc cao nhất, tờ thông tin này đã đến tay được hàng chục nghìn người một tháng. Sau đó, vì thiếu phương-tiện nên bản tin chỉ còn được duy-trì trên trang mạng của UBBV.

Đại-hội II của UBBV ở Kuala Lumpur

Cuối tháng 12/2009, UBBV họp Đại-hội kỳ 2 ở Kuala Lumpur với các thành-viên đến từ nhiều quốc gia, trong đó có cả công-nhân đang lao-động tại Mã-lai và người đến từ Việt-nam. Chính vì lý-do này mà tình-báo của Việt-Cộng cũng như người của Sứ-quán Hà-nội ra sức theo dõi. Mặc dầu vậy, Đại-hội vẫn đã họp được thành công với sự tham-gia của đại diện Công-đoàn Mã-lai và sự góp mặt của một đại diện các đại-học Mỹ có nhiệm-vụ tìm ra nguồn gốc của các mặt hàng bán trong các cửa hàng đại-học ("university stores") ở Mỹ (nếu nguồn gốc của những mặt hàng này là tù-nhân hay những người bị ép làm nô-lệ thì các đại-học sẽ từ chối không mua).

Đại-hội 2 đã bầu ra được một giàn lãnh-đạo mới cho nhiệm-kỳ 2009-2012 cũng như lập ra một số tiểu-ban công-tác, trong đó có Tiểu-ban Mã-lai và Tiểu-ban Việt-nam làm việc với Phong trào Lao Động Việt ở trong nước.

Sau mấy ngày Đại-hội, một số thành-viên ở lại đã được hướng-dẫn đi thăm hai thành phố có đông người "lao động xuất khẩu" để tìm hiểu về tình-cảnh và điều-kiện làm việc và sinh sống của họ. Cùng đi với phái-đoàn còn có hai bác-sĩ VN ở Úc sang đi phát thuốc và khám bệnh cho những ai cần săn sóc.

Qua những cuộc gặp gỡ rất thân-tình, chúng ta được nghe nỗi lòng và âu lo của các công-nhân đi lao động ở nước ngoài này. Không những họ đã phải bán nhà bán cửa hay đi vay nợ để đóng hàng nghìn đô-la để được đi, mong là mang được ít tiền về giúp gia-đình ở quê nhà. Nhưng khi sang nước người, giấy thông-hành ("hộ-chiếu") bị tịch thu (bất hợp pháp), nhiều khi phải làm quần quật mà lương lậu bị cắt xén (không ít tai-nạn xảy ra vì phải làm quá giờ, buồn ngủ, có thể mất ngón tay hay mất cả bàn tay cũng có), gặp rủi ro (như cháy nhà, chẳng hạn) thì không có bảo hiểm, v.v...
Chính những trường-hợp này đã gây rất nhiều xúc-động và UBBV đôi khi đã phải quyên tiền để giúp những trường-hợp đáng thương nhất, như có người bị cháy tới 60-70 phần trăm.

Một vài trường-hợp khác thì sự can-thiệp của UBBV có thể chỉ là những cải thiện nhỏ nhoi nhưng vẫn là cả một sự an ủi đối với những người xa quê hương và hầu như bị quên lãng hoàn-toàn (kiểu "đem con đi bỏ chợ"). Còn trông chờ ở Sứ-quán thì vô ích.

Đại-hội III của UBBV sắp nhóm họp ở Mỹ

Mặc dầu UBBV, cũng như tổ-chức CAMSA ("Liên-minh chống Nô-lệ Hiện-đại ở Á-châu") của Tiến-sĩ Nguyễn Đình Thắng, đã có những cố gắng phi thường để giúp đỡ các "lao động xuất khẩu" ở Mã-lai cũng như ở một số quốc gia khác (Đài-loan, Đại-Hàn...) và cũng đã có một số kết-quả nhất định và khá khích-lệ song vấn-đề còn rất lớn. Thứ nhất là vấn-đề tài-chánh: các thành-viên UBBV, chẳng hạn, là những người rất giàu thiện-chí song không phải là ai cũng có thừa phương-tiện (một cái vé máy bay từ Mỹ hay Pháp sang Mã-lai, Đại-Hàn hay Đài-loan không rẻ), chưa kể đi sang mấy nơi đó đôi khi cũng phải bỏ tiền ra giúp đỡ những trường-hợp khẩn-cấp cần giúp đỡ, mình không thể quay mặt đi được.

Song trở ngại lớn nhất vẫn là sự thiếu hiểu biết, ít thông-cảm trong cộng-đồng hải-ngoại đối với giai-cấp công-nhân. Người thì cho họ là CS đưa đi thì mình cần gì tiếp tay? Người thì nói, họ đi là lựa chọn của họ thì họ có gặp khó khăn, đó không phải là trách-nhiệm của chúng ta! Lại có người bảo: Đây là những anh chị còn trẻ, khoẻ, họ đâu cần chúng ta giúp đỡ! Đúng hết nhưng cho đến khi chúng ta ở trong hoàn-cảnh của họ thì chúng ta mới cảm thấy hết cái đau xót của họ--ở một chỗ bế tắc nơi quê nhà, nơi không có lối ra (như các dân oan) song đi sang xứ người nhiều khi vẫn kẹt cứng

Chính vì thế mà sau nhiệm-kỳ 3 năm, Uỷ-ban Bảo-vệ Người Lao Động VN đang chuẩn-bị họp ở Mỹ vào hạ-tuần tháng 6 tới đây để:

Trước nhất tường-trình với đồng-bào về những công-tác đã làm được trong gần 6 năm qua, những thành công cũng như những trở ngại.

Thứ hai, mời gọi thêm sự tham-gia của những tấm lòng thiện-nguyện ở Mỹ, đặc-biệt là trong giới trẻ.

Thứ ba, vận-động cho việc phóng thích những người vô tội như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương... những người chỉ biết xả thân vô vị lợi cho quyền-lợi của người lao-động ở VN, những người không có một tấc sắt trong tay và hoàn-toàn chủ-trương bất bạo-động.

Thứ tư, kêu gọi những Mạnh Thường Quân và những tấm lòng quảng đại tiếp tay cho UBBV có phương-tiện làm việc và có thể giúp ích được nhiều hơn.

Thứ năm, gây nên một sự chú ý và ý-thức rộng rãi trong cộng-đồng người Việt hải-ngoại để từ đó, đánh động lương-tâm nhân-loại trước các vấn-đề lao-động của VN.

Trong mục-đích này, UBBV đự-tính sẽ có một cuộc gặp gỡ với cộng-đồng Nam Cali vào chiều Chủ-nhật, 17/6/2012, ở Westminster, CA, và tuần lễ sau đó ở vùng thủ-đô Washington với cộng-đồng miền thủ-đô (DC-Maryland-Virginia).

Tâm Việt

.
.
.

No comments: