Wednesday, March 7, 2012

ĐỐI XỬ VỚI BẤT ĐỒNG : CÂU CHUYỆN Ở Ô KHẢM & TIÊN LÃNG (Trần Vinh Dự)


Thứ Ba, 06 tháng 3 2012

Ô Khảm (Wukan) là một làng ở tỉnh Quảng Đông với dân số khoảng 12 nghìn tới 20 nghìn người, theo nhiều nguồn tin. Gần đây, Wukan trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới vì cuộc nổi dậy của người địa phương chống lại chính quyền.

Cũng giống như nhiều địa phương khác ở Trung Quốc, Wukan bị ảnh hưởng bởi việc chính quyền địa phương dựa chủ yếu vào bán đất để tạo nguồn thu cho ngân sách. Hoạt động bán đất này thường được mô tả là thu đất hoặc cướp đất vì chính quyền thường đền bù cho nông dân với mức phí rất hình thức sau đó bán cho các nhà phát triển bất động sản với giá nhiều khi lên tới 50 lần giá đền bù. Đây là một trong những lý do chính khiến trung bình trong những năm vừa rồi có tới hơn 90 nghìn cuộc đấu tranh của người dân, riêng năm 2010 lên tới 180 nghìn cuộc.

Người dân ở Wukan cho rằng quan chức địa phương đã bán đất nông nghiệp cho các nhà phát triển bất động sản khiến họ không còn đất canh tác và mất kế sinh nhai. Nhiều người còn cho rằng họ không hề biết gì về việc bán chác này cho đến khi máy móc được kéo đến đề xây dựng. Theo Financial Times, một số dân địa phương cho rằng các quan chức này đã kiếm lợi lên tới 1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 156 triệu USD) vì bán đất công cho một hãng phát triển bất động sản tên là Country Garden. Nông dân địa phương đã dành nhiều năm khiếu kiện ở nhiều nơi vì cho rằng các quan chức ở địa phương họ đã biển thủ tiền đền bù đất đai từ năm 2006 với số tiền lên tới 700 triệu Nhân dân tệ (110 triệu USD). Tuy nhiên, các cuộc khiếu kiện của họ không được lắng nghe.

Bắt đầu từ sáng 21 tháng 9, 2011, hàng nghìn người dân Wukan đã tập trung biểu tình và đập phá một khu công nghiệp ở địa phương. Cảnh sát được điều đến và bạo lực diễn ra khiến một số người bị bắt. Ngay ngày hôm sau, người dân đã tụ tập tấn công đồn cảnh sát với các vũ khí tự tạo và đòi thả người. Khoảng 400 cảnh sát chống bạo động được điều đến và bạo lực tiếp tục leo thang. Báo Financial Times mô tả cuộc tấn công của cảnh sát chống bạo động đối với người biểu tình là “không phân biệt đối tượng” (indiscriminate).

Sau cuộc bạo động tháng 9, chính quyền đã cho phép người dân bầu ra 13 đại diện để tham gia đàm phán. Tuy nhiên, một trong số đại diện này, Xue Jinbo, đã qua đời trong khi bị tạm giam trong một tình huống được New York Times mô tả là khả nghi. Điều này dẫn tới cuộc bạo loạn vào bắt đầu từ ngày 12 tháng 12 với hàng nghìn người tham gia. Báo Daily Telegraph tường thuật rằng có khoảng 1000 cảnh sát dã chiến được điều đến nhưng vẫn không giành được quyền kiểm soát làng Wukan. Quan chức của Đảng và chính quyền ở địa phương phải bỏ chạy. Phía cảnh sát phải thành lập các chốt chặn và đồn canh nhằm ngăn chặn tiếp tế từ bên ngoài, trong khi điện thoại và internet bị cắt.

Bước đột phá đã đạt được sau 8 ngày bạo động. Vào ngày 20 tháng 12, các quan chức cao cấp của tỉnh Quảng Đông đã chấp thuận các đòi hỏi cơ bản của người biểu tình, bao gồm cả việc thả toàn bộ những người dân bị cảnh sát bắt trong đợt biểu tình và hoàn trả lại đất đã bị chiếm đoạt. Chính quyền tỉnh Quảng Đông cũng thừa nhận sai lầm trong việc giải quyết các khiếu nại của dân và thề sẽ trừng trị tệ tham nhũng.

Điểm khiến Wukan trở nên độc đáo không phải chỉ dừng lại ở đó. Theo Wall Street Journal, thông thường, trong các trường hợp như ở Wukan, chính quyền (các tỉnh) thường đợi tới khi quan tâm của truyền thông không còn nữa thì bắt đầu trừng phạt những lãnh đạo của các phong trào đấu tranh này. Thế nhưng ở Wukan thì câu chuyện lại đi theo hướng ngược lại hoàn toàn. Chính quyền đã tỏ ra thực hiện đúng các cam kết, thậm chí còn cho những người nổi loạn cơ hội để tự tổ chức chính quyền cấp làng của họ. Một trong các lãnh đạo của cuộc nổi loạn, ông Lin Zuluan, đã được bầu làm bí thư chi bộ Đảng của làng. Hồi đầu tháng 2 vừa rồi dân làng đã tổ chức bầu chọn ra hội đồng bầu cử để thực hiện cuộc bầu cử dân chủ vào tháng 3 này nhằm chọn ra các đại diện của làng và sau đó là trưởng thôn (mayor). Đảng Cộng Sản Trung Quốc có vẻ như không có bất cứ dấu hiệu nào là sẽ tham gia vào quá trình bầu cử này.

Cũng cần nói thêm rằng người dân Trung Quốc được phép bầu lãnh đạo của các làng từ những năm 1987. Tuy nhiên quá trình bầu cử ngày bị kiểm soát ngặt nghèo và ngân sách của bộ máy lãnh đạo các làng này thì đều do huyện (county) quyết. Có một số địa phương đã thử “vượt rào” và cho tổ chức bầu cử dân chủ ở cấp huyện tuy nhiên đều bị chính quyền trung ương trừng phạt.

Đứng dưới góc độ này, báo chí thế giới nhìn nhận rằng trường hợp Wukan có vẻ như đang đại diện cho một thái độ ứng xử mới của chính quyền Trung Quốc đối với các cuộc bạo động của dân chúng. Chính vì điều này mà Wukan trở nên độc đáo và được quan tâm đặc biệt.

Ông Ðoàn Văn Vươn và 3 người thân khác đang chờ bị đưa ra xét xử về tội danh cố ý mưu sát. Hình : danlambaovn.blogspot.com

Trường hợp ở Tiên Lãng của Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng với trường hợp của Wukan. Tuy nhiên điểm khác chính, về mặt câu chuyện xảy ra như thế nào chứ không phải về cách hành xử của chính quyền, là ở chỗ Tiến Lãng là cuộc đối đầu của một gia đình với chính quyền địa phương chứ không phải của tập thể đông đảo người dân.

Câu chuyện ở Tiên Lãng cũng khiến bạo lực nổ ra và chính quyền cấp trên phải can thiệp. Trong trường hợp ở Wukan là tỉnh ủy của Quảng Đông, trong trường hợp của Tiên Lãng là Thủ tướng CP. Chính quyền cấp trên trong trường hợp của Tiên Lãng cũng kết luận chính quyền địa phương mắc sai lầm, hủy bỏ quyết định của địa phương, và một số cán bộ địa phương bị cách chức. Điểm khác biệt rõ ràng giữa hai nơi là lãnh đạo cuộc bạo loạn ở Wukan giờ đang trở thành lãnh đạo của địa phương. Còn những người “nổi loạn” ở Tiên Lãng thì đang ở trong tù. Một điểm khác biệt lớn nữa là cuộc nổi loạn của người dân Wukan dẫn tới việc thay đổi cách ứng xử của chính quyền trung ương và việc cho phép quá trình bầu cử dân chủ thực sự ở cấp làng (tương đương cấp xã ở Việt Nam) trong khi vụ việc ở Tiên Lãng mới chỉ dừng lại ở câu chuyện một vụ việc đơn lẻ.

***

XEM THÊM :


Viết Lê Quân
7-3-2012  10:20 GMT +7

Nền dân chủ ở Ô Khảm liệu có phải là điều kiện để những phong trào chống tham nhũng và chống trưng thu ruộng đất vô lối ở Trung Quốc hy vọng vào một mặt bằng chính trị ở vị thế cao hơn, ít ra cũng trên phương diện hình thức?

Chuyện chưa từng có tiền lệ
Vào năm 2011, đã có những việc “lần đầu tiên” xảy ra ở Trung Quốc. Ô Khảm là một minh họa sống động như thế. Và năm nay – 2012, cũng hứa hẹn sẽ có thêm những “lần đầu tiên” tiếp theo diễn ra. Ô Khảm đã lại mở màn cho xu thế của những câu chuyện chưa từng có tiền lệ ở đất nước này.

Vào ngày 3/3/2012, một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông: lần đầu tiên người dân Ô Khảm được chính tay mình và bằng chính tâm hồn mình bầu chọn người đứng đầu của mình. Người đứng đầu đó lại chính là một trong những người đã lãnh đạo thành công cuộc biểu tình chống trưng thu ruộng đất cách đây ba tháng.
Đã không có bất kỳ ứng cử viên nào được chính quyền Quảng Đông giới thiệu “đi cơ sở” ở Ô Khảm, cho dù toàn bộ truyền thống về công tác nhân sự lớn nhỏ từ trước tới nay đều phải bắt nguồn từ quan điểm “lấy quan làm gốc”.
Sự việc hy hữu trên khiến người ta cứ ngỡ Ô Khảm là một đảo quốc trong thế giới lý tưởng của Voltaire – nơi mà tính bình quyền chỉ đến với mọi người khi người ta đã không còn chờ đón nó nữa.

Nhưng ở một khía cạnh khác, sự việc cũng trở nên khó xử không kém. Để giải quyết vấn đề tại ngôi làng có số dân chỉ chiếm 1/100.000 dân số Trung Quốc, nghe đâu vụ việc này đã phải đề đạt tới cấp thường vụ Bộ chính trị.
Một phép thử đang diễn ra trong chuyến tàu hoàng hôn. Không có Ô Khảm, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cũng đã đủ “điên đầu” với làn sóng chống trưng thu đất đai nổi lên ở hầu hết 70 thành phố lớn của đại lục. Đó là hậu quả tất yếu từ năm 1990 đến nay, với 43% nông dân bị chính quyền trưng thu đất đai. Cách đây không lâu, một cuộc điều tra tại 17 tỉnh và khu vực do Đại học nhân dân Bắc Kinh tiến hành, được công bố trên báo 21st Century Business Herald, đã phát lộ: 12,7% nông dân bị trưng thu đất mà không được nhận bồi thường, 9,8% nông dân bị chính quyền quỵt tiền đền bù… Tại một số địa phương, đất trưng thu đã được các công ty bất động sản quốc doanh và tư nhân bán lại với giá trung bình cao gấp 40 lần so với giá đền bù.

Nhưng xung đột đất đai chỉ là một trong nhiều “diễn biến hòa bình” mà Bắc Kinh có đầy đủ lý do để quan ngại sâu sắc.

Lần đầu tiên người dân Ô Khảm được chính tay mình và bằng chính tâm hồn mình bầu chọn người đứng đầu của mình. Ảnh: AP

Dân chủ tượng trưng và con dao hai lưỡi
Trong bối cảnh quá khó xử trên, Ô Khảm lại trở thành… chuyện nhỏ. Trước hết, theo cách so sánh truyền thống của người Trung Quốc, ngôi làng này là quá nhỏ so với tầm vóc của cả một quốc gia vĩ đại và có dân số lớn nhất thế giới. Thứ nữa, nếu có phải “thí điểm” một phép thử về trao quyền dân chủ cho Ô Khảm thì cũng không vì thế mà chính quyền trung ương sẽ đánh mất chính kiến về chính sách tập quyền của mình.

Một lần nữa, cũng như chiến dịch đánh lạc hướng dư luận trong nước ra khu vực biển Đông vào tháng 7/2011, Bắc Kinh thấy cần phải làm một điều gì đó để ít ra cũng làm nguôi ngoai cái đầu nóng của những người nông dân bị đẩy vào tình thế bức bách. Ô Khảm dĩ nhiên là một ví dụ và một cơ hội tuyệt vời, để ít ra dân chúng cũng lần đầu tiên chấm điểm cho chính quyền về một hành động dân chủ mang tính thực chất.

Song trong thực tế, nếu Ô Khảm trở thành một tiêu điểm về thực chất dân chủ và là địa phương đầu tiên có đủ lý do để tiếp nhận một sự nhượng bộ từ chính quyền trung ương, thì kỳ vọng của Bắc Kinh về việc sẽ không xảy ra thêm những Ô Khảm khác lại là điều kiện để những phong trào chống tham nhũng và chống trưng thu ruộng đất vô lối ở Trung Quốc hy vọng vào một mặt bằng chính trị ở vị thế cao hơn, ít ra cũng trên phương diện hình thức.

Mặt khác, không phải bất kỳ ai trong giới lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh cũng đều quay lưng với Ô Khảm. Thủ tướng Ôn Gia Bảo là một gương mặt được người dân kỳ vọng ở thái độ dân chủ không phải bằng lối phát ngôn sáo rỗng. Đã không phải một lần, vị thủ tướng này tỏ ra ưu ái đến dân chúng, đến những người bị thu hồi đất và bị mất đất, bắt đầu từ nhận định “sự oán ghét của dân chúng”, cho đến gần đây nhất là bênh vực quyền sở hữu đất đai của người dân.

Tiếng nói của Ôn Gia Bảo vì thế đã tỏ ra có đôi chút trọng lượng và phần nào có sức lan tỏa, dù đây lại là vị thủ tướng sắp mãn nhiệm. Nhưng trong cái nhìn cởi mở hơn, dù sao đó cũng là tiếng nói hiếm hoi xuất hiện trong giới quan chức sắp về hưu – một hiện tượng không dễ kiếm tìm trong cơ chế xã hội được coi là khép kín.

Không khí xung đột đất đai ở Trung Quốc cũng vì thế mà có cơ may lắng dịu lại đôi chút, lồng trong bầu không khí chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 18 của Bộ chính trị.

Có lẽ tất cả sẽ chỉ thay đổi đáng kể vào một thời điểm nào đó, khi Ô Khảm không còn được xem là “lần đầu tiên”, mà đã trở thành một tiền lệ cho các tiền lệ khác.

.
.
.

No comments: