Minh Anh - RFI
Thứ sáu 16 Tháng Ba 2012
Cuối cùng mọi người ai cũng biết được số phận của ông Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Hôm qua, thứ năm 15/03/2012, Tân Hoa Xã loan báo Ban Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra quyết định cách chức ông Bạc Hy Lai. Sự kiện này đã được các báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến. Theo nhận định của các báo Pháp, ông Bạc Hy Lai là nạn nhân của một cuộc « đấu đá nội bộ ».
« Đấu đá bè phái dậy sóng ngay trong lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc » là nhận xét của nhật báo công giáo La Croix. Tờ báo cho rằng « việc loan báo chính thức cách chức ông Bạc Hy Lai hôm qua « đã gây ra nhiều tác động », « làm dậy sóng những lời đồn thổi về một một sự tăng cường đấu đá nội bộ trong lòng Đảng cộng sản ». Nhận định về sự kiện này, tờ báo cho rằng có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số nhà quan sát thì cho rằng đấy chính là thành quả của những người ủng hộ cải cách, mong muốn chống lại trường phái « cánh tả bảo thủ mới » mà ông Bạc Hy Lai là một trong những người đại diện rõ nét. Còn đối với một số khác, thì lại nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là sự trả thù từ những quan chức bị vạ lây do cuộc chiến chống tham nhũng của người đàn ông đầy quyền lực nhất tại Trùng Khánh.
Sự kiện này cũng lộ rõ là « Hệ thống chính trị Trung Quốc là một trong những hệ thống mập mờ nhất trên thế giới sau Bắc Triều Tiên. Một điều chắc chắn là sự kiện này chứng tỏ rằng vấn đề kế thừa vẫn chưa được giải quyết xong và tình thế bên trong vẫn chưa ổn định ».
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, sự kiện này cũng giúp cho giới quan sát hiểu rõ phần nào lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đưa ra hôm thứ Tư 14/3 vừa qua. Ông cảnh báo về nguy cơ « thảm kịch lịch sử giống như thời Cách mạng Văn hóa » có thể quay trở lại. Les Echos cho rằng sai lầm của Bạc Hy Lai là đã khiến cho giới truyền thông chú ý đến mình một cách quá lộ liễu qua việc định tìm cách quay về những giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội và tìm cách đề cao những giá trị thời Mao Trạch Đông.
Nhận định này cũng được báo Le Monde đồng chia sẻ. Dưới danh nghĩa khám phá lại « những giá trị của chủ nghĩa xã hội », ông Bạc Hy Lai nuôi dưỡng một kiểu « chủ nghĩa Mao ngoại lai » : làm sống lại nhiều vở kịch lớn thời cách mạng huy hoàng và cho hát lại bài hát « Đông phương hồng » tại Trùng Khánh. Tên tuổi của ông xuất hiện hầu như khắp nơi trong làng báo chí đến mức thêu dệt thành một huyền thoại. Ông chính là người đã đáp trả được một số căn bệnh trầm kha tại Trung Quốc ngày nay : bất công ngày càng tăng, thiếu một Nhà nước pháp quyền và trống vắng về tinh thần. Nói tóm lại, một mô hình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội công bằng nhưng dưới sự bảo hộ của nhà nước, một kiểu Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, mô hình của Bạc Hy Lai lại đối lập với mô hình « tự do » về kinh tế và chính trị của ông Uông Dương tại Quảng Đông, thành phố biển phía Nam của Trung Quốc, một trong những thành phố giàu có nhất và đông dân nhất.
Cũng liên quan đến quan điểm này, Le Figaro có cái nhìn sâu sắc hơn. Nhà bình luận Arnaud De La Grange, trong bài viết đề tựa « Những mưu toan ngay trong lòng quyền lực Trung Quốc », cho rằng bối cảnh của những vụ chạm trán đang diễn ra có thể được diễn giải theo hai khía cạnh chính : tranh giành quyền lực giữa hai phe và quan điểm nhìn về mô hình phát triển kinh tế-chính trị.
Thứ nhất là tính tập đoàn quyền lực, mà trung tâm chính là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, gồm chín thành viên, thường được mệnh danh là « chín vị hoàng đế ». Vị trí này thường được thông qua bằng một thỏa thuận. Tác giả cho rằng, nền chính trị của Trung Quốc không hoàn toàn là một khối nguyên vẹn, mà bao gồm một bên là phe bảo thủ nhất và bên kia là phe cải tiến.
Cứ liệu thứ hai chính là vị chủ tịch sắp mãn nhiệm nhất thiết phải bảo vệ cho bằng được những vây cánh quyền lực, khi nhận thức được rằng thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc sẽ phải lãnh đạo đất nước cho một thời hạn là mười năm, tức là đến tận năm 2022. Giống như ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào cũng phải sắp đặt càng nhiều người của mình vào ngay trong vòng quyền lực cao nhất để có thể giữ được tầm ảnh hưởng.
Theo Arnaud De La Grange, vụ ông Bạc Hy Lai có thể được hiểu theo nhiều cách. Đấy vừa là một cuộc chiến giữa hai phe, một bên là Đoàn Thanh niên Cộng sản và bên kia là « những ông hoàng ». Hay cũng có thể được hiểu là một cuộc chiến giữa « mô hình Trùng Khánh », thuộc phe bảo thủ và « mô hình Ô Khảm » của những người ủng hộ cải cách.
Như vậy, trong trường hợp đầu tiên, đấy sẽ là một cuộc đọ sức của con người vì quyền lực. Trường hợp thứ hai, chính là sự đối đầu giữa hai tầm nhìn về một Trung Quốc cho tương lai.
Đấu đá nội bộ, chính là cú sốc của giới viên chức chống lại phe những ông hoàng. Nghĩa là, một bên là Đoàn Thanh niên Cộng Sản, mà lãnh tụ chính là ông Hồ Cẩm Đào. Đấy chính là những người xuất thân từ thành phần trung lưu và được thăng tiến nhờ vào tài năng. Còn phía bên kia là « những ông hoàng » trong đó có ông Tập Cận Bình, là con cháu của những quý tộc đỏ, những người có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước Trung Hoa.
Một học giả uyên thâm về Trung Quốc nhận xét, việc ông Bạc Hy Lai bị gạt ra khỏi cuộc chiến đặt ra vấn đề xem xét lại thỏa thuận đạt được hồi năm rồi, vốn được dựa trên nguyên tắc « quyền lực chia ba » : tức là, ba ghế cho Đoàn Thanh niên Cộng sản, ba ghế cho phe « ông hoàng » trong đó có Bạc Hy Lai và ba ghế cho các nhóm khác. Như vậy, vấn đề còn lại là thỏa thuận để tìm một tên khác để thay thế ông Bạc Hy Lai.
Về mặt cơ bản, đấy chính là sự đối lập giữa hai mô hình phát triển kinh tế-chính trị-xã hội giữa một bên là thành phốTrùng Khánh do Bạc Hy Lai làm đại diện và bên kia là tỉnh Quảng Đông của ông Uông Dương.
Mô hình Trùng Khánh khêu gợi lại những giá trị chủ nghĩa Mao, xác lập một chủ nghĩa quân bình và mở cửa kinh tế dưới sự kiểm soát của chính phủ. Trong khi đó, ông Uông Dương, Bí thư tỉnh Quảng Đông, người đã quản lý thành công các cuộc khủng hoảng vừa qua, nhất là vụ « Ô Khảm » lại chủ trương cần phải mạnh dạn cải cách khi cho rằng nên giảm bớt vai trò của Đảng và nới lỏng hơn xã hội dân sự.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì vụ án Bạc Hy Lai chứng minh cho thấy « mô hình Trùng Khánh » đã bị phá sản và đã bị gạt ra ngoài cuộc chơi, nó « hé mở một hướng cải cách mới hiện đại hơn mà không quá rẽ sang trái ». Như vậy, « các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới sẽ có nhiều quyền tự do hơn để tìm kiếm một sự đồng thuận và thúc đẩy nhanh các biện pháp cải cách ».
--------------------------
Tú Anh - RFI
Thứ sáu 16 Tháng Ba 2012
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định là nhân dân Trung Quốc gần như mất hết tin tưởng vào đảng Cộng sản. Lời tuyên bố này mới được công bố hôm nay 16/03/2012 trong bối cảnh tranh giành quyền lực ở cấp thượng tầng cùng lúc với lời cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về nguy cơ xảy ra một vụ « Cách mạng văn hóa » như trong thập niên 60.
Theo tuyên bố của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì đảng Cộng Sản mà ông sắp lên lãnh đạo vào tháng tới đây chỉ là nơi tập trung thành phần giá áo túi cơm cần phải được « trong sạch hóa ».
Những tệ nạn trong đảng cầm quyền suốt hơn 63 năm tại Trung Quốc là « thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm đã xâm nhập mọi cấp đảng viên » với những mức độ khác nhau và làm mất uy tín trong dân chúng.
Bài phát biểu của lãnh đạo tương lai Trung Quốc được trình bày tại Trường Đảng hồi đầu tháng Ba và mới được công bố hôm nay trên báo đảng Cầu Thị, một ngày sau khi xảy ra vụ thanh trừng cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, thế hệ « hoàng tử đỏ ».
Theo AFP, vào lúc tất cả những chức vụ quan trọng tại Trung Quốc, từ cấp thấp nhất đến cấp lãnh đạo, từ trong chính quyền đến lãnh vực kinh tế, xí nghiệp, đều nằm trong tay đảng viên, ông Tập Cận Bình lo ngại rằng đảng Cộng sản đã biến thành nơi chia chác đỉnh chung. Vào đảng là để có cơ hội vinh thân phì gia, chứ không phải vì lý tưởng hay mục đích cao đẹp phụng sự đất nước và nhân dân.
Lãnh đạo tương lai của Trung Quốc nhận định : "Nhiều người gia nhập Đảng không phải vì chủ nghĩa Mác hay để nỗ lực xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Hoa, hoặc là để chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng cho chính nghĩa cộng sản, mà họ vào Đảng vì được hưởng đặc quyền đặc lợi cá nhân".
Nhân vật sắp lên thay Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh đến yếu tố mà ông gọi là « ý thức hệ trong sáng » để duy trì « tinh thần sáng tạo và tính chiến đấu». Sở dĩ đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc bị mất tín nhiệm, bị sa đọa là do « tư tưởng không trong sáng ».
Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để kiến tạo « sự trong sáng » nơi người cộng sản Trung Quốc ?
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến giải pháp « củng cố tổ chức, kiểm soát việc kết nạp đảng viên , tăng cường giáo dục và thanh tra ». Sau cùng là « thanh lọc hàng ngũ một cách kiên quyết, khai trừ những phần tử thoái hóa nghiêm trọng không thế cứu vãn ».
Một ngày sau khi thanh trừng Bạc Hy Lai, lãnh đạo đảng Cộng sản tại Trùng Khánh, những lời tuyên bố đao to búa lớn này được giới quan sát xem là dấu hiệu của những xung khắc gay gắt trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo giáo sư Willy Lam, đại học Hồng Kông, thì Bạc Hy Lai là nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực giữa phe xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản do Hồ Cẩm Đào thống lĩnh và phe « con ông cháu cha » được gọi là giới hoàng tử đỏ như Bạc Hy Lai.
Phải ngăn chận được « phe bảo thủ » thì phe tạm gọi là « cải cách » mới có thể hy vọng kéo dài đặc quyền sau khi thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ra đi. Thực chất thì cả hai phe đều thi hành chính sách áp bức với dân từ hơn 60 năm qua.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo có vẻ không yên tâm cho tương lai của chế độ. Thứ Tư vừa qua, ám chỉ cuộc nổi dậy của dân oan làng Ô Khảm chống bất công và tham nhũng, Ôn Gia Bảo tuyên bố không loại trừ Trung Quốc sẽ gặp biến động mà ông gọi là « một bi kịch » như cuộc cách mạng văn hóa thời Mao nếu không « cải cách » kịp lúc.
Tuy nhiên, cũng như những lần kêu gọi trước, Thủ tướng Trung Quốc không nói rõ là « cải cách gì và cụ thể ra sao ».
Chuyên gia Jean-Philippe Beja thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp dự báo sẽ còn nhiều « diễn biến » bất ngờ trong thời gian tới.
------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment