Sunday, March 18, 2012

MÙA ĐÓI TRÊN NÚI CAO (Nông Nghiệp VN)



Thái Sinh
Thứ Hai, 05/03/2012, 10:19 (GMT+7)

Đang là mùa đói tháng ba, các cụ xưa có câu "Tháng tám đói qua, tháng ba đói kiệt". Mùa này ở trên núi dư thừa nắng gió, sương mù và giá rét. Khổ nỗi, những thứ đó chẳng làm vơi đi cái đói đang quằn quại trên nhiều gương mặt người trong những ngôi nhà ẩm thấp và tăm tối trên khắp các miền núi cao, khiến cho tháng ba ở đây như dài vô tận…



Tả Thàng là một trong những xã nghèo nhất huyện Mường Khương (Lào Cai), nằm chênh vênh trên ngọn nguồn của dòng sông Chảy. Trừ mấy tháng mùa mưa hầu như quanh năm Tả Thàng vật vã trong khô khát. Đã hơn mười giờ sáng, nhưng mù vẫn dày đặc, mặt đất lớp nhớp, khiến các con đường lên các thôn bản dựng ngược càng trở nên khó đi. Đất dẻo quánh, dính như bánh giầy, khắp các ngả đường nhão nhoét bùn đất trộn lẫn phân gia súc, ra khỏi nhà người ta phải xỏ chân vào ủng. Mọi người ở đây từ lớn bé, già trẻ ai cũng đi ủng, rất ít người đi dép. Đi ủng vừa ấm lại sạch, trông họ chả khác gì dân Cô-dắc sống trên các thảo nguyên của đất nước Ca-dắc-xtan.

Đường lên thôn Tả Thàng

Hôm qua là ngày cúng rừng, theo phong tục của người Mông, lễ cúng rừng được tổ chức vào đầu hoặc giữa tháng hai âm lịch. Trước đây, mỗi gia đình góp một con gà, chai rượu và một bát gạo mang đến khu rừng cấm đầu bản để làm lễ cúng thần rừng, thần núi và các thần lúa, thần ngô…cầu mong cho mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, mọi người khoẻ mạnh, gia súc, gia cầm sinh sôi đầy đàn mà không bị dịch bệnh. Trong lễ cúng rừng mọi người cùng nhau cam kết bảo vệ rừng, bởi rừng đã giúp cho họ có cây dựng nhà, cho họ củi đun nấu và sưởi ấm để chống lại giá lạnh tê tái của mùa đông trên núi cao. Ngày cúng rừng được coi là ngày lễ lớn trong năm sau Tết Nguyên đán, mọi người được nghỉ ba ngày, ba ngày lễ không ai được vào rừng chặt cây hay làm bất cứ việc gì, tất cả được nghỉ ngơi, nhà nào cũng mổ gà uống rượu. Sau lễ cúng rừng mọi người mới ra ruộng, lên nương vào rừng bắt đầu vụ cày cấy mới. Bây giờ, các hộ không phải góp rượu, góp gà như trước đây, mỗi hộ đóng dăm sáu chục ngàn cho trưởng bản để mua một con lợn cùng những đồ cúng. Sau lễ cúng mọi người cùng nhau uống rượu, nhảy múa, ca hát tưng bừng cho đến tận sáng hôm sau.
Dọc con đường lên Tả Thàng từng tốp trai gái mặc quần áo đi chơi rất đông, bởi ai cũng biết sau lễ cúng rừng là những ngày lao động vất vả, nhiều gia đình đối mặt với cái đói gay gắt đang chực chờ ngoài cửa. Chủ tịch xã Ma Phứ lắc đầu bảo: Tả Thàng có 3.104 ha, nhưng toàn đồi núi lại thiếu nguồn nước nên chỉ có 30 ha ruộng cấy một vụ, ngô có 286 ha cũng chỉ trồng một vụ thôi. Trên này khô khát lắm, bây giờ chỉ phát cỏ chờ đến tháng tư, tháng năm khi trời có mưa mới làm được đất, gieo được ngô. Năm nào mưa sớm thì được cấy sớm, còn mưa muộn thì phải cấy muộn, tất cả đều trông đợi vào nước trời. Năm nay nhuận hai tháng tư, nên khả năng mưa muộn, mọi nhà ở đây đều đợi mưa để cày cấy, bất kể là đêm hay ngày. Nhiều năm tôi phải cày bừa đêm để giữ nước. Năm nào cấy muộn thì năng suất thấp, thiếu đói là chắc rồi…

Thôn Sú Dí Phìn nằm hun hút dưới chân núi

Xã Tả Thàng chỉ có 9 thôn, với 413 hộ thì có tới 309 hộ nghèo, thiếu đói từ 2-3 tháng, trong số đó có khoảng 10% đói triền miên phải chạy ăn từng bữa quanh năm. Sống ở trên núi cao dốc dựng đứng tựa mặt ngựa, mưa xuống đều trôi tuột xuống sông Chảy, những thửa ruộng chiều ngang đám nào rộng nhất thì trải vừa cái chiếu, còn lại chỉ vừa một đường bừa. Đất gan gà cây lúa loi thoi như cỏ may, đám nào gần nhà thì được bón phân chuồng, đám nào xa nhà dốc cao thì bón phân hoá học, cũng chỉ bón "làm thuốc", chứ mấy nhà có tiền để mua phân? Trong 9 thôn chỉ có hai thôn Cán Cấu I và Cán Cấu II có nhiều ruộng, bà con ở đó cuộc sống tạm đủ, còn các thôn trên cao như: Tả Thàng, Sì Khà Lá, Sú Dí Phìn, Lầu Thí Chải, Páo Máo, Bản Phố… chẳng có ruộng, nên chủ yếu trồng ngô. Nơi này người dân ăn mèn mén quanh năm, nhiều hộ không có đủ ngô ăn. Không chỉ thiếu ăn mà còn thiếu nước sinh hoạt, nước sông Chảy xanh ngằn ngặt dưới chân núi nhưng người dân không thể xuống đó múc được, vì dốc cao dựng đứng không có đường xuống, nên người ta chỉ có thể ngắm dòng sông trong sự thèm khát. Gia đình chủ tịch Ma Phứ mùa khô nào cũng phải đi 3-4 cây số để thồ nước.
Tôi theo cán bộ văn phòng Lý Văn Phìn lên nhà Hàng Giàng thôn Tả Thàng chỉ cách trụ sở UBND xã mấy trăm mét. Thật khó tin nổi "ngôi nhà" của vợ chồng Hàng Giàng lại xập xệ chả hơn gì chiếc lều vịt, mái thấp lè tè, vách thưng bằng thân cây bương trống huếch trống hoác, ban đêm từ trong nhà nhìn ra thấy cả sao trời. Trong nhà không có một thứ gì đáng giá ngoài mấy chiếc nồi méo mó, đen nhẻm, một mớ rau cải, mấy cái bát vứt chỏng chơ bên cạnh bao muối trắng.
Lúc này vợ chồng Hàng Giàng không có nhà, chỉ có đứa bé gái chừng 5-6 tuổi mới đi học về, tôi đoán đây là con của Hàng Giàng, nó nhìn tôi lạ lẫm, gương mặt xanh xao vàng vọt, đôi mắt trố ra nom rất sợ. Hàng Vênh là em trai Hàng Giàng ngồi hơ tay trên bếp lửa bảo tôi: Anh Giàng không ở nhà, chắc đi uống rượu nhà ai. Mỗi năm nhà anh ấy chỉ thu được 10 bao lúa, ăn sắp hết rồi giờ chỉ còn nửa bao lúa kia thôi…

Trong ngôi nhà trống rỗng của gia đình Hàng Giàng

Tôi nhìn vào góc nhà mới hay trong đó còn một bao lúa đã vơi quá nửa, số thóc ấy chắc chỉ đủ ăn dăm bảy ngày nữa. Từ nay cho đến tháng chín mới tới vụ ngô, còn bảy tháng nữa chả biết vợ chồng Hàng Giàng kiếm cái gì ăn? Tôi mở vung hai chiếc nồi đặt cạnh bếp, một cái còn lại chút cơm nguội nhưng đặc sệt như cháo, còn một cái thì sạch bong, có lẽ đây là suất ăn trưa của đứa con gái?
Chúng tôi qua nhà Hàng Sinh, lúc này chỉ có vợ Hàng Sinh là Thào Dông ở nhà nhưng không biết nói tiếng Kinh, trong nhà còn dăm sáu bao thóc, Lý Văn Phìn bảo: Số thóc này cũng chỉ đủ ăn 4-5 tháng nữa, nhà này thiếu ăn khoảng 2 tháng… Tôi muốn leo lên mấy nhà phía trên cao, đường trong thôn lầy lội, bùn và phân gia súc ngập đến mắt cá chân, lại dốc và trơn mặc dù tôi đã kiếm được một cây gậy nhưng cũng khó mà leo lên được. Thấy thế Phìn bảo tôi: Mọi nhà ở đây cũng thế cả thôi, y giảng mà (như nhau), chả mấy nhà khá hơn đâu…
Cách đây mấy năm tôi lên Pha Long cũng thuộc huyện Mường Khương, dạo ấy đã cuối tháng 5, mùa đói đang gay gắt. Hình ảnh Lù Chẩn Bảo, dân tộc Nùng ở thôn Lao Páo đang ngồi ăn ngô rang thay cơm cùng với hai người hàng xóm cứ ám ảnh tôi mãi. Nhà Bảo nghèo lắm, đã đói từ lâu rồi, mấy ngày chẳng kiếm được gì ăn hôm ấy người hàng xóm mang cho bát ngô, chẳng đủ xay họ rang lên ăn cho qua cơn đói. Vợ Bảo là Vàng Thị Nùng ở nhà đói quá nên trốn sang Trung Quốc lấy chồng từ năm 1991, bỏ lại đứa con gái là Lù Thị Đông khi ấy cháu mới biết ngồi. Trông Bảo tiều tuỵ, hốc hác khó đoán là bao nhiêu tuổi, Bảo lắc đầu: Em chẳng nhớ mình bao nhiêu tuổi đâu, anh cứ ghi là em 40 tuổi cũng được...
Tôi hỏi Ma Phứ: Tả Thàng có phụ nữ đi Trung Quốc lấy chồng không? Ma Phứ đáp: Năm ngoái có hai cô, chẳng biết họ lấy chồng ở tỉnh nào. Từ ngày đi đến nay chưa thấy ai quay trở lại… Sau những xã dọc biên giới, bây giờ đến lượt những phụ nữ ở sâu trong nội địa, trong số phụ nữ ấy có bao nhiêu người bị lừa bán còn lại bao nhiêu người tự nguyện ra đi, phải chăng họ ra đi vì đói?
*
Thứ Ba, 06/03/2012, 10:30 (GMT+7)

Nhìn vào những ngôi nhà ở bản tái định cư thuỷ điện Huội Quảng, Bản Chát thì khó tin rằng người dân ở đây đang phải đối mặt với cái đói vàng mắt. Không ruộng vườn, tiền đền bù thì đã tiêu hết, cả bản lũ lượt kéo nhau đi làm thuê hay lên rừng kiếm cái ăn qua ngày. Hy vọng cuộc sống no đủ ở nơi tái định cư hãy còn xa vời lắm…

Bản tái định cư Pắc Khoa

Bản Pắc Khoa tựa lưng vào núi Khỉ nhìn ra cánh đồng xã Phúc Khoa (Tân Uyên, Lai Châu) có 52 hộ, 306 khẩu. Đây là bản tái định cư của người Khơ Mú mới di chuyển khỏi lòng hồ thuỷ điện Bản Chát từ ngày 18/2/2011. Nhìn những ngôi nhà mới dựng khá khang trang thì khó tin rằng cuộc sống của người dân nơi đây đang phải đối mặt với cái đói rạc dài chưa từng thấy. Vào độ này năm ngoái, bản nhộn nhịp và náo nhiệt tiếng đục, tiếng máy xẻ, máy cưa để dựng lên những ngôi nhà mới. Sau một năm mọi gia đình đã tạm ổn định nơi ăn, chốn ở, còn bây giờ thì mọi nhà đều bận rộn lo miếng ăn.
Khoảng chín giờ tôi đến Pắc Khoa, bản vắng tanh, chỉ gặp đôi ba người già và đám trẻ chưa đến tuổi đi nhà trẻ. Gió thổi thông thống từ đầu bản tới cuối bản, ở ngang lưng chừng núi nên gió nhiều quá. Trưởng bản Lò Văn Chô đang loay hoay tìm chiếc thẻ bảo hiểm y tế, anh bảo: Cháu gái đi bệnh viện sinh con, có mang thẻ bảo hiểm nhưng không đúng tên phải về lấy, chả biết để ở đâu…Tôi hỏi: Bản sao vắng thế, mọi nhà đã được phân đất sản xuất rồi sao? Chô lắc đầu: Làm gì đã có ruộng, mọi người rủ nhau đi làm thuê cả rồi. Người đi hái chè, người đi phụ hồ xây dựng, ở đâu có ai thuê thì đi. Mọi nhà trong bản đều đang đói, chỉ có khoảng chục nhà còn thóc ăn…
Chô cho hay: Trong số 52 hộ thì có 19 hộ đăng ký nhận tiền tự đi mua ruộng, còn 33 hộ đợi nhà nước phân ruộng. Từ quỹ đất ở của bản Pắc Khoa còn dôi 2,5 ha ruộng, Ban Quản lý dự án Xây dựng cơ bản và hỗ trợ bồi thường di dân tái định cư huyện Tân Uyên đề nghị phân số diện tích đó cho một số hộ, nhưng không ai nhận, họ đề nghị khi nào có đủ ruộng thì phân một thể, khi đó mọi người mới nhận. Còn diện tích ấy mọi nhà trong bản cùng trồng đậu, trồng lạc. Cho đến nay người đăng ký nhận tiền tự mua đất vẫn chưa nhận được đồng nào, thành ra cả người tự đi mua đất và người chờ phân đất đều chưa có một mét vuông đất sản xuất. Ông Lò Văn Tàng, Bí thư Đảng bộ xã Phúc Khoa cho biết: Diện tích ruộng theo định mức mỗi khẩu là 350m2, bản Pắc Khoa còn thiếu khoảng 5 ha nữa. Người dân sở tại đồng ý bán số ruộng cho bà con mới đến, nhưng không nhất trí với giá đất mà tỉnh Lai Châu quy định là 25.000đ/m2, họ đòi 90.000đ/m2 như giá đền bù ở Tam Đường khi xây dựng công trình thuỷ lợi. Xã và huyện đang thương thảo với bà con và xin ý kiến tỉnh. Vì thế, hiện chưa có đủ đất để giao cho bà con sản xuất…
Trưởng bản Chô cho hay, tháng 9/2011 bản được hỗ trợ lương thực đợt 3, nhà anh có 4 khẩu được lĩnh 13,288 triệu. Số tiền ấy đã đong gạo ăn hết từ lâu rồi, số thóc còn lại gia đình anh dùng tiền đền bù hoa màu, vật dụng kiến trúc để mua dự trữ. Nhiều gia đình đến Tết Nhâm Thìn không còn hạt gạo nào ăn, huyện cho tạm ứng một ít gạo để bà con ăn Tết, đến nay nhiều nhà không còn hạt gạo nào. Ruộng thì không có để sản xuất, vụ xuân 2012 gia đình Chô phải đi mượn ruộng ở bản Phúc Khoa để cấy, tới vụ gặt thì chia đôi số thóc. Chỉ có 30 hộ mượn được ruộng, mỗi nhà vài sào, số hộ còn lại vừa không mượn được ruộng lại không có tiền mua thóc giống, phân bón nên phải đi làm thuê kiếm tiền đong gạo đợi nhà nước phân ruộng. Chô thở dài: Chỉ còn hai tháng nữa là đến mùa cày cấy vụ mùa, nhưng đến nay bà con vẫn chưa được phân ruộng, chả biết bao giờ mới có ruộng. Không có ruộng thì năm sau càng đói…

Những hạt cơm nguội cuối cùng

Nói rồi Chô dẫn tôi qua nhà Hoàng Văn Bun. Nhà Bun hết gạo ăn từ Tết, bố của Bun là ông Hoàng Văn Phom dắt được con trâu từ bản cũ về, tới nơi ở mới do không có bãi chăn thả, con trâu gầy ốm ông Phom sợ nó chết nên rủ mọi người mổ đổi được 5 tạ lúa, Bun được bố cho một bao thóc xát gạo cho con ăn. Vợ Bun là Hoàng Thị Lả bảo: Số thóc bố cho đã ăn hết từ mấy hôm nay rồi, chồng cháu đang đi làm thuê. Hôm nào có việc thì làm, không có việc thì ở nhà hoặc lên rừng tìm rau măng, đào củ rừng… kiếm được cái gì thì ăn cái nấy. Lả ngồi bó gối nhìn ra cửa đợi chồng đi làm về có tiền đong gạo thổi cơm cho con ăn. Nhìn khắp nhà chả thấy bao thóc, bao gạo nào. Nhà Lò Văn Xuân xem ra còn bi đát hơn, gạo đã hết từ lâu, Tết được tạm ứng ít gạo chỉ đủ ăn mấy ngày, anh phải đi làm phụ hồ, cũng chẳng đủ việc làm nên hôm nay ở nhà đan rào trồng rau. Không có đất trồng rau, thứ gì cũng mua thì đào đâu ra tiền, nên phải vay mượn lung tung khắp nơi. Anh bảo: Hôm qua cháu lên quán "cắm" 20 kg gạo, giá mười bốn, thành tiền là hai trăm tám. Không có ai thuê làm thì chả biết lấy tiền đâu để trả…
Không cần giở sổ Lò Văn Chô kể vanh vách những gia đình như: Lò Văn Phớ có 8 khẩu, Lò Văn Phom 8 khẩu, Hoàng Văn Nhứng 5 khẩu, Lò Văn Tèn 8 khẩu… giờ đang đói lắm, phải chạy ăn từng bữa. Sắn cũng không có mà ăn, ở bản cũ thì còn có sắn nên cũng đỡ. Còn ở nơi tái định cư ruộng nương chưa có, chả biết làm gì để sống. Mọi người túa nhau đi làm thuê, người hái chè, người phụ hồ, người vào các bãi vàng… gặp việc gì thì làm cốt kiếm được đồng tiền để mua gạo và mắm muối. Buổi sáng trên con đường vào bản Pắc Khoa từng tốp người rồng rắn nhau đi làm thuê, nhiều người tối mịt mới trở về nhà.
Một nỗi buồn bi đát hiện rõ trên gương mặt Lò Văn Chô, anh lắc đầu chán nản: Thiếu ăn và thiếu cả nước sinh hoạt, đã mấy ngày nay nước sạch không về, cả bản phải xuống suối Nặm Bon gánh nước và tắm giặt. Đói quá, bà con đang đợi tiền hỗ trợ đời sống năm 2012, nhưng cán bộ bảo chưa có tiền, chẳng biết bao giờ mới có. Bản mới đẹp hơn bản cũ, nhưng mà đói thì đẹp làm gì…
*
*
Thái Sinh
Thứ Tư, 07/03/2012, 9:42 (GMT+7)

Các cụ xưa có câu: Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, muốn nhắn nhủ con cháu phải biết tự mình vươn lên, vượt qua gian khó để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Khốn nỗi, người nông dân miền núi không có đất, sinh đẻ vô tội vạ hoặc sa chân vào những tệ nạn xã hội thì đói nghèo truyền kiếp…
Trưởng bản Nà Lại Lò Văn Chang đang đan rào trên đám ruộng một vụ trước nhà, đây là bản của người Khơ Mú xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) mà tôi đã biết mấy chục năm rồi. Kỳ thực, tôi chưa thấy ở đâu lại nghèo như họ, mấy chục năm rồi vẫn cứ đói nghèo. Người Khơ Mú có nguồn gốc phía Nam Trung Quốc, sau những cuộc chiến tranh sắc tộc kéo dài họ dạt xuống miền núi phía Bắc Việt Nam từ mấy thế kỷ trước. Họ tụ lại bên dòng suối Nặm Be sinh cơ lập nghiệp, khai khẩn đất hoang. Tôi biết ông Lò Văn Mu là người đúc lưỡi cày nổi tiếng của mấy huyện: Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ khi xưa.

Những đứa trẻ bản Nà Lại trong mùa đói

Ông cũng là người làm ruộng nổi tiếng, chỉ riêng bàn tay ông đã khai khẩn vài ha ruộng từ các đám sình lầy. Mỗi năm chỉ cấy một vụ nhưng đủ thóc ăn cả năm. Một dạo huyện Than Uyên mời ông làm chuyên gia cho lò đúc lưỡi cày của huyện, lương gấp ba, bốn lần thợ, làm được mấy tuần thì ông bỏ về, vì ông nhớ vợ, ham "đúc người" hơn là đúc lưỡi cày. Vợ ông đẻ gần chục đứa con, mỗi lần con cái ông xây dựng gia đình ông lại cắt ruộng chia cho mỗi đứa mấy đám. Người con cả của ông là Lò Văn Ngắm cũng chẳng kém cha, đẻ 8-9 đứa con, thành ra ruộng chia cho mỗi đứa con bây giờ chỉ được vài trăm mét vuông. Như thế còn khá, nhiều gia đình không có đất để chia cho con cái.
Nghe tôi hỏi chuyện đói, Chang ngừng đan rào bảo tôi: Giờ này chẳng ai ở nhà đâu chú ạ, họ đi làm thuê hết cả rồi, khoảng 11 giờ trưa cháu dẫn chú lên mấy hộ nghèo của bản… Bản Nà Lại có 101 hộ năm 2011 có 61 hộ nghèo đói, năm 2012 phấn đấu rút xuống còn 45 hộ. Tôi chả hiểu sự "phấn đấu" ấy là gì, ngay cả mẹ và vợ trưởng bản đây cũng đang đi hái chè thuê ngày kiếm vài chục ngàn. Chang bảo: Trong số hộ nghèo ấy có khoảng hơn chục hộ đói, họ đói lắm, đói quanh năm như gia đình ông Lò Văn Inh, Hoàng Văn Mia, Hoàng Văn Đì, Phan Văn Trình, Vàng Văn Phà, Vàng Văn Den, Vàng Văn Hưng…
Tôi biết, trong số những hộ đói ấy có ba bố con ông Hoàng Văn Mia, Vàng Văn Phà đói truyền kiếp, những hộ này đều không có ruộng nương, quanh năm suốt tháng họ đi làm thuê kiếm ăn. Hình ảnh ông Hoàng Văn Mia hai con mắt mờ đục lui cui trong bếp nướng lá khoai bon giã nhuyễn cho bữa trưa mấy năm trước cứ ám ảnh tôi mãi, đây là bữa ăn "gia truyền" của gia đình ông từ bao nhiêu năm nay rồi. Bao nhiêu năm trước ăn, bây giờ vẫn ăn, chỉ khi nào vợ ông đi hái chè có tiền mới đong được gạo.
Hai đứa con dâu của ông Vàng Văn Phà trước ngôi nhà rách nát

Đứa con trai và con rể ông là Hoàng Văn Đì và Phan Văn Trình bị người ta lừa bán vào bãi vàng tận Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên, sau mấy tháng đội đất chui hầm tưởng chết, may mà chúng đã trốn được về không thì đã bỏ xác từ lâu rồi, chúng cũng chẳng có gì để giúp vợ chồng ông cả. Thành ra cả bố lẫn con quanh năm đói khát. Đứa con gái ông là Hoàng Thị Mặc thì bị bán sang Trung Quốc đã chục năm nay chưa một lần về thăm. Khi tôi đến ông không có nhà, cửa khép hờ bằng một tấm phên, cạnh nhà ông lại mọc lên một túp lều nữa, hỏi ra mới biết đó là nhà của vợ chồng Lò Văn Hán - Lò Thị Xương. Hán lấy vợ khi 17 tuổi, vợ 14 tuổi, sinh được hai đứa con, nhưng một đứa chết khi mới sinh. Nhà Hán hết gạo từ lâu lắm rồi, nó đang theo Lò Văn Ngắm đúc lưỡi cày lấy tiền đong gạo.
Trưa tôi theo Chang lên núi tìm đến gia đình ông Vàng Văn Phà. Ba bố con ông ở gần nhau, ông Phà được nhà nước hỗ trợ nên mái nhà lợp bằng tấm lợp, vách trát tooc xi, so với ngôi nhà rách nát như "tổ đỉa" của hai thằng con trai thì đã khá lắm rồi, nhất là con gái ông là Vàng Thị Liên đi "xuất ngoại" sang Trung Quốc làm ăn đã gửi chút tiền về mới sắm được cái tủ gỗ dán.
Ông Phà đi làm thuê không có nhà, chỉ có vợ đang ngồi vẩn vơ trước cửa sưởi nắng. Hai đứa con dâu là Lò Thị Đoai, Lường Thị Hương đang địu con, tôi hỏi: Hai đứa mới đi hái chè thuê về à? Chúng lắc đầu bảo: Chúng cháu ở nhà trông con thôi… Tôi vào nhà Hương ngồi trên chiếc giường chôn bốn cái cọc sát mặt đất. Những tấm giát làm bằng thân cây mai ọp ẹp đã mủn nhiều chỗ. Trong nhà không có một thứ gì đáng giá, tôi nhìn quanh quẩn thấy chiếc tủ đựng thức ăn làm bằng chiếc loa hỏng đặt ở góc nhà, trên đó là một lọ dưa muối, trong chiếc nồi méo mó có những hạt gì đen đen giống như hạt đậu, Hương cũng không biết hạt gì vì mẹ chồng vừa mang xuống cho ba mẹ con ăn bữa trưa.
Ngôi nhà "tổ đỉa" của gia đình Lường Thị Hương

Chồng Hương là Vàng Văn Hưng đi làm tối mới về, khi đó mới có tiền đong gạo nấu cơm cho cả nhà ăn. Tôi mở chiếc tủ đựng thức ăn, trong đó có một chiếc bát con đựng mấy miếng tóp mỡ đen nhẻm. Hương cúi mặt bảo: Không có ruộng, nghèo đói quá xấu hổ lắm cán bộ ơi…
Không chỉ người dân Nà Lại đói vì thiếu đất sản xuất do đẻ vô tội vạ, ngay cả huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nơi đất rộng người thưa, nhưng do toàn đồi núi, dốc dựng ngược hiện nay cũng đang trong giai đoạn "khủng hoảng" thiếu đất. Xã La Pán Tẩn có 621 hộ, năm 2011 có 85,98 hộ nghèo, sang năm 2012 do tách hộ nên số hộ nghèo tăng lên 92,96%. Nhìn vào con số ấy mà khiếp, gần như cả xã nghèo đói, sự nghèo đói ngày một tăng mà không biết bao giờ mới dừng. Cách nay ba chục năm vào độ tháng ba Mù Cang Chải ngập màu hoa thuốc phiện, hoa thuốc phiện đẹp rực rỡ trên khắp các triền núi, người ta trồng thuốc phiện để bán cho Công ty Một cây chế biến thuốc tân dược. Di chứng để lại là hàng ngàn người nghiện hút, một dạo người ta thống kê được Mù Cang Chải cứ 10 người thì có một người nghiện.
Bố con Giàng A Ký

Thống kê mới nhất La Pán Tẩn hiện còn 105 người nghiện hút, thì thôn Pú Nhu có hơn 40 người trên 100 hộ. Nơi đây lại thiếu đất sản xuất, số hộ đói ăn từ 2-3 tháng trên 70%, số hộ đói quanh năm, đói "truyền kiếp", đói kiết xác từ đời cha đến đời con khoảng hơn 40%. Tôi theo Phó bí thư Đảng ủy xã Trần Xuân Kiên lên nhà Giàng Páo Ly ở thôn La Pán Tẩn, năm nay 61 tuổi, ông đã nghiện hút 25 năm từng đi cai nghiện ở Trung tâm cai nghiện Thác Bà. Bây giờ về nhà ông vẫn chưa bỏ được thuốc phiện, ông bảo: Thỉnh thoảng mình đến nhà các cụ già xin tý sái hút cho đỡ nhớ. Cũng giống như chơi gái thôi, lâu lâu cũng phải làm một phát… Nhà ông Ly ít ruộng, mỗi năm thu được 30-35 bao thóc, nhà có 7 miệng ăn nên năm nào cũng đói. Ai có việc thì làm, nhưng ông Ly già rồi ít người thuê, ông lên núi nhặt quặng được trả 70-80 ngàn ngày, phần mua gạo phần mua thuốc hút. Năm ngoái được nhà nước cứu đói 5 đợt, nên cũng đỡ, năm nay thì chưa thấy gì...
*
*
Văn Hùng
Thứ Năm, 08/03/2012, 9:48 (GMT+7)

* Huyện Quan Hóa gửi công văn hỏa tốc đề nghị được cứu đói

Nhiều nông dân xứ Thanh lại đối mặt với cái đói. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 huyện với 66.537 nhân khẩu đang thiếu lương thực. Ước tính, số gạo cần được cứu tế cho đồng bào thiếu đói là 1.522 tấn. Các hộ đói tập trung ở các huyện miền núi và vùng ven biển. Trong đó khu vực miền núi chiếm số đông.

Đói đến nỗi anh Kiếp phải đếm từng củ sắn trên gác bếp để phân chia cho 4 miệng ăn được 3-5 ngày tới

Bà Phạm Thị Hoa - PCT UBND huyện miền núi Quan Hóa vừa có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc đề nghị được cứu đói cho nhân dân trong thời kỳ giáp hạt tháng 3. Công văn này cho biết, toàn huyện hiện có 18 xã, thị trấn có số hộ đói đến mức báo động đỏ với tổng số 922 hộ (4.610 nhân khẩu). Trước tình hình cấp bách người dân hết gạo ăn, các loại lương thực khác như khoai, sắn, ngô cũng đang cạn kiệt dần nên lãnh đạo huyện Quan Hóa đề nghị tỉnh cứu tế cho nhân dân 207.450 kg gạo trong thời gian 3 tháng với 1 khẩu 15kg/tháng.
Theo PCT Phạm Thị Hoa thì tình hình đói của nhân dân vượt quá khả năng cứu tế của huyện nên rất cần sự cứu trợ của tỉnh. Tuy nhiên, đã sau 10 ngày, hiện công văn này chưa nhận được phúc đáp từ phía cấp trên, đồng nghĩa cái đói của đồng bào cứ thế kéo dài thêm.
Có mặt tại các xã Thanh Xuân, Phú Sơn, Phú Thanh, Trung Sơn, Nam Tiến và Nam Động của huyện Quan Hóa những ngày này mới thấm thía được cái đói đến lay lắt biết nhường nào của đồng bào. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói kéo dài thời gian qua là do người dân ở đây thiếu đất sản xuất để có thể tự túc lương thực. Như xã Thanh Xuân có gần 8 ngàn ha đất tự nhiên nhưng chỉ có 30ha đất nông nghiệp. Vậy thì rất khó để đảm bảo nguồn lương thực cho 2.450 nhân khẩu trong xã hiện nay.
Bên cạnh đó là địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, dân trí thấp, con em ít được học văn hóa và học nghề vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; thêm vào đó là đẻ nhiều đã khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi rẻo cao này khó khăn chồng chất. Tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp là thực trạng chung ở hầu hết các xã ở huyện Quan Hóa. Còn diện tích nương rẫy gieo trồng ngô, lúa nương trong các năm 2010-2011 lại bị hạn hán kéo dài, mất mùa trên diện rộng nên bà con nông dân chưa thể tự túc được lương thực.
Vượt hơn 180km từ TP Thanh Hóa, chúng tôi đã đến được với đồng bào dân tộc bản Tân Sơn, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa. Con đường từ trung tâm xã vào bản chỉ có 4km nhưng đi mất nhiều thời gian. Xe máy cứ lên số 2 về số 1 gầm rú, qua hết chỗ cua khúc khuỷu này lại qua chỗ cua tay áo kia. Cứ thế sau nhiều đoạn cua thót hết cả tim vì suýt ngã, chúng tôi mới đến được bản Tân Sơn. Ông Hạt - PCT xã thở phào sau khi xe đỗ trước nhà trưởng bản: “Hôm nay trời nắng còn đi vào được sớm chứ gặp phải trời mưa thì sáng đi, chiều mới tới nơi vì không những không chạy được xe máy mà đi bộ cũng hết sức khó khăn”.
Cũng với câu chuyện về đường sá, trưởng bản Phạm Bá Cập bày tỏ: “Ở miền xuôi các xã có điều kiện lại được DN tham gia góp kinh phí cùng nhân dân xây dựng nông thôn. Ở đây vốn dĩ khó khăn, không có DN tài trợ, năm vừa rồi, cả bản quyết tâm mãi mới góp được mỗi hộ 200 ngàn để thuê máy ủi vào đây tạo hình hài một con đường để có chỗ đi lại”.
Rít điếu thuốc lào, mịt mù khói bay, trưởng bản Cập tâm sự: “Đất ít, đá nhiều đã hạn chế rất lớn đến phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của đồng bào. Cả bản có 57/138 hộ đói nghèo và riêng thời điểm này có 30 hộ đói lay lắt không thể kiếm đâu ra lương thực mà ăn”.
Được trưởng bản dẫn đường, chúng tôi đến thăm nhà anh Phạm Bá Kiếp, 45 tuổi, một trong những gia đình khó khăn nhất hiện nay của bản.

Căn nhà tuềnh toàng của anh Phạm Bá Kiếp

Trong căn nhà tuềnh toàng, rách nát ấy, bố con anh Kiếp đang chuẩn bị bữa tối bằng việc lấy sắn trên gác bếp xuống để nấu. Anh Kiếp cho hay: “Nhà có 4 người mà sắn không còn nhiều nên phải tính xem còn bao nhiêu củ để chia cho từng người trong mấy bữa ăn”. Theo lời anh Kiếp thì mỗi bữa, một người chỉ được một củ sắn luộc mà thôi. Nếu như vậy thì chừng ấy sắn trên gác bếp của nhà anh may chỉ đủ kéo dài 3-5 ngày nữa là cùng. Trong khi nhà không còn thóc, gạo, chẳng có ngô, khoai gì cả. Ở cái tuổi trung niên ấy, ở dưới xuôi người ta khỏe mạnh có thể làm được nhiều việc nặng nhưng với anh Kiếp chỉ việc đứng dậy lấy mấy củ sắn mà lập cập không vững. Thiếu gạo, ngày ngày ăn sắn đã làm sức lực anh ngày một kiệt quệ.
Chúng tôi đến nhà anh Cao Văn Nhâm cùng bản với anh Kiếp. Ngôi nhà sàn lợp bằng lá cọ đã dột nát của anh Nhâm rộng chừng vài chục mét vuông nhưng trong đó có 6 người sinh sống. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đứa con gái lớn đã bỏ học, ở nhà trông em, giúp bố mẹ làm việc đồng áng. Quần quật quanh năm với một sào ruộng lúa và mấy sào sắn, ngô nhưng lương thực vẫn không đủ cho cả gia đình ăn. Anh Nhâm cho hay, gia đình chỉ có thể tự túc được gạo trong khoảng 2-3 tháng. Thời gian còn lại trong năm là sắn và ngô.

Anh Cao Văn Nhâm đang bón từng miếng sắn cho hai đứa con nhỏ ăn thay bữa cơm tối

Thương nhất là lũ trẻ, chúng chẳng có đủ cơm. Đứa con út của anh hơn hai tuổi, mắt vàng như củ nghệ cắt đôi, ho hanh hách nước mắt choèn ra nhoẹt ướt đôi má xanh phù, ọng nước. Thấy có người lạ, chúng cứ trố mắt ra nhìn. Trong gian nhà bé nhỏ ấy hiển hiện góc bếp choán gần hết nửa diện tích. Căng mắt lên một chút có thể thấy nồi niêu, dao rựa lổn nhổn giữa đống hòm xiểng lăn lóc ở xó nhà. Mùi cứt gián, mùi ẩm mốc, mùi nước đái trẻ con khai khai.
Xung quanh bếp lửa, các con của anh đang háo hức chờ đợi một sự sống nào đó từ trong cái nồi có vẻ to bự kia. Ngọn lửa bốc cháy cao hơn, mùi sắn chui qua khe hở của vung thơm ngọt làm bụng tôi cũng cồn cào huống hồ chi bọn trẻ.
- Sắn cháy. Tôi buột miệng.
Cháy một chút mới ngon, anh bảo thế và nhắc nồi xuống rồi đổ úp vào một cái rổ con con. Anh Nhâm nói: “Nhà hết gạo lâu rồi, cả tháng nay lũ trẻ đều ăn sắn như thế cả. Mời các chú ăn sắn cùng với bố con tôi”. Đồng bào dân tộc vậy đó, đói nhưng sẵn sàng san sẻ. Tôi nhìn bọn trẻ, khuôn mặt của chúng như sáng hẳn lên trong ánh lửa. Thấy lũ trẻ hì hục vừa thổi phù phù vừa cắn ngốn ngấu những miếng sắn mới luộc tôi thấy thương chúng cả tháng nay không biết hạt cơm tròn hay méo. Nhìn chúng hì hục ngốn từng miếng sắn mà lòng tôi quặn thắt và thầm nghĩ biết lúc nào thì dân Tân Sơn có đủ cơm gạo ăn hằng ngày, áo quần ấm áp quanh năm?!
Ước ao có một bữa cơm no của mấy đứa trẻ ở bản Tân Sơn thật khó khăn. Các cháu còn nhỏ, bố mẹ vẫn lam lũ nhưng không đủ gạo. Tôi dám chắc rằng sẽ còn có rất nhiều đứa trẻ ở nơi này đang có những khát khao như thế, chúng không ước ao gì khác ngoài được bữa cơm no thay cho khoai và sắn. Chẳng lẽ cái dạ dày và sự háu đói của các cháu đã quen với sự đạm bạc mãi thế sao? Ăn vẫn ngon, vẫn hết vèo cả củ sắn lớn hơn tay chân của chúng. Những năm tháng thơ ấu vẫn có vẻ như an bình dù các cháu hầu như không biết đến thịt, trứng, sữa hay thứ lương thực, thực phẩm nào khác ngoài cơm trắng một vài tháng, trong khi khoai, sắn lại cứ dài dài...
*
*
Đắc Thành
Thứ Sáu, 09/03/2012, 9:48 (GMT+7)

Xã Thạch Lâm (Bảo Lâm, Cao Bằng) có 1.012 hộ thì chỉ có khoảng 112 hộ có cơm ăn vài ba tháng còn lại lót bụng bằng mèn mén quanh năm. Những hộ nói là có cơm ăn nhưng thực chất là cơm độn ngô, xen kẽ bữa cơm độn bữa mèn mén, đối phó mùa giáp hạt.
Không mấy hộ có cơm
Đến TX Cao Bằng, gặp người bạn đồng nghiệp hỏi về đói mùa giáp hạt, anh nói luôn: Cứ lên huyện Bảo Lâm, mùa này dân không đói mới lạ.
Cung quốc lộ 34 đang trong giai đoạn uốn nắn hàng trăm khúc cua vắt qua núi nên đất đá ngổn ngang, bùn lầy lội, sau gần một ngày vượt quãng đường gần 200km tôi đã có mặt ở thị trấn Bảo Lâm. Tá túc qua đêm ở đây gặp người dân hỏi về xã nào nghèo đói nhất huyện thì ai cũng rầu rầu: Thạch Lâm là số một. Xã ấy nghèo nhất, xa nhất… tỉnh Cao Bằng.

Trẻ con Thạch Lâm sống trong cảnh thiếu đói

Sáng sớm hôm sau chúng tôi từ trung tâm thị trấn vượt gần 30km đường đất uốn lượn dọc theo sườn núi đá lên dốc, xuống đèo. Càng đi đập vào mắt tôi bốn phía núi đá thẳng đứng hiện ra và cảnh người dân đang phát cỏ đốt lửa khói bay nghi ngút. Nhìn xuống vực sâu những đám ruộng bé nhỏ được cày xới phơi nắng chờ mưa gieo trồng. Xã Thạch Lâm có diện tích tự nhiên 8.774ha, có 4 dân tộc anh em sinh sống gồm Mông, Tày, Nùng và Kinh phân bố ở 15 bản. Trong đó, người Mông chiếm 96%.
Ông Hoàng Nguyên Phúng, Bí thư Đảng uỷ xã Thạch Lâm cầm trên tay danh sách hộ nghèo đói, cho biết: “Xã có 15 bản thì nghèo đói sàn sàn nhau hết, ngô, rau rừng quanh năm. Nhà có gạo nấu cơm ăn cũng cầm cự đến tháng 4 âm lịch là hết sạch và lại chuyển qua ngô”. Lý giải cho cái nghèo, cái đói, ông Phúng cho rằng: “Diện tích sản xuất ngày một bị thu hẹp, đặc biệt sau nhiều năm canh tác bây giờ đã bạc màu”.
Cái tên Thạch Lâm được tách ra từ xã Quang Lâm cách đây 7 năm về trước và từ đó một xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn được biết đến. Tôi hỏi ông Phúng tên Thạch Lâm có phải là rừng đá không? Ông trả lời: “Cái này tôi không rõ lắm nhưng núi đá thì ở đây nhiều vô kể. Ngọn núi nào cũng dốc thẳng đứng, đá nhiều hơn đất”.
Rời trung tâm xã, tôi theo anh Hoàng Văn Quyết, một cán bộ xã lên bản Phiêng Roỏng, tới thăm nhà trưởng bản Lý Xáu Páu. Gặp ông hỏi về cái đói mùa giáp hạt, ông Páu “nã” một mạch không đứt quãng: “Bản có 72 hộ thì đến 70 hộ ăn mèn mén quanh năm không biết đến cơm là gì”.
Người dân xã Thạch Lâm dọn nương chờ mưa xuống gieo trồng vụ ngô mới

Tôi hỏi ông Páu: Thế còn 2 hộ không đói? Ông Páu cho hay: “Hai hộ ấy khá nhất bản là gia đình tôi và ông Hoàng Văn Nó, chúng tôi có được ít ruộng lúa nước, do đó năm nào cũng có ít lúa cất trong nhà. Ngoài ra hai chúng tôi có nhiều nương ngô nên tàm tạm ấm bụng”. Ông Páu bấm ngón tay nhẩm tính, năm nay tôi thu hoạch được 25 bao lúa nuôi 6 miệng ăn. Mỗi tháng ăn hết 3 bao, vị chi trong vòng 6 tháng sẽ hết (vụ thu hoạch từ tháng 8). Nhìn trong nhà ông chỉ còn 3 bao lúa, tôi thắc mắc, ông Páu giải thích: “Đáng lẽ hết lúa rồi nhưng tôi có kế hoạch ăn cơm độn ngô, ăn xen kẽ bữa ngô, bữa cơm mới dành lại được từng ấy. Ở vùng đất này bổ cuốc xuống gặp đá, chỉ độc canh cây ngô, còn trồng lúa nương thì không chết cũng chẳng cho được mấy hạt”.
“Trước đây vào mùa đói người Mông lên rừng đào củ mài trừ bữa nhưng đào mãi củ mài đã kiệt. Nay vào mùa giáp hạt người dân chạy bữa qua ngày cũng lên rừng nhưng chỉ hái được ít rau rừng về luộc chấm muối trừ bữa. Đói không chịu được thì nhà nào có con trâu, bò, gà hay vật dụng có giá trị đem bán kiếm cái mà ăn”, ông Páu tâm sự.

“Cơm thừa, cơm cháy bỏ bụng là nhất rồi”
Đến thăm gia đình Hoàng Giống Páo (33 tuổi), bản Phiêng Noỏng, nằm bên con đường liên bản. Trước cửa nhà lụp xụp có một đứa trẻ bưng bát cơm độn ăn rất ngon miệng. Chúng tôi bước vào trong thì rỗng tuếch, tài sản duy nhất là một cái giường ọp ẹp và mấy cái xoong nồi, bát đĩa nằm lăn lóc bên bếp. Vợ chồng Páo có 6 người con và chỉ được một cái nương nhưng vừa rồi mở đường liên bản đã xén mất hơn nửa nay chỉ trồng được khoảng 4kg ngô giống mỗi vụ.

Gia đình Hoàng Giống Páo ngon miệng với bữa cơm thừa, cơm cháy của công nhân dựng cột điện cho

Bồng đứa con thứ 6 mới sinh, vợ Páo nhóm lửa bắc nồi lên bếp, thấy vậy tôi liền hỏi: Nấu cái gì đó? Vợ Páo không biết tiếng Kinh nên tôi chỉ tay vào đó. Hiểu ý liền mở nắp xoong cho xem thì một nồi cơm cháy đen sì, cơm nguội đóng cục lẫn lộn. Tôi hỏi tiếp: Mùa giáp hạt mà có cơm ăn sướng thế? Nghe vậy anh Páo đáp liền: “Nhà có lúa đâu mà nấu cơm. Hôm nay, có các anh công nhân lên đây chôn cột điện và đóng lán ở cạnh nhà cho đó. Cứ sau mỗi bữa ăn, cơm ăn không hết hoặc cơm cháy dưới nồi họ gọi vợ con tôi sang lấy về, có cơm bọn trẻ mừng lắm. Hiện ngô hết rồi không biết lấy gì cho chúng ăn, có được cơm thừa, cơm cháy cho vào bỏ bụng là nhất rồi”.
Nồi cơm vợ Páo hấp nóng được nhắc xuống bếp thì những đứa con xanh xao, ở trần chạy lại tranh nhau bốc ăn. Anh Páo khoe: “Từ khi các anh công nhân lên đây bọn trẻ bụng lúc nào cũng căng hết nên chẳng đánh nhau tranh phần, đòi bố mẹ cho ăn no. Công nhân lên làm đường gia đình có cơm ăn, tôi còn xin được vào làm chôn cột điện mỗi ngày kiếm được mấy chục”.
Tôi hỏi Páo sao đẻ nhiều con thế? Páo đáp: “Vợ mình sinh 4 đứa con trai liên tiếp nên cố gắng kiếm mấy cô con gái để nhờ. Con gái không uống rượu giúp mình làm việc nhiều, ai ngờ vợ mình lại vừa sinh thêm một thằng nữa”.
Để mắt thấy tai nghe về cái đói, cái nghèo chúng tôi vào gia đình Hoàng Chư Tu (30 tuổi) đang chuẩn bị bữa tối, trên mâm dọn ra chỉ có mèn mén với tô gừng cắt lát nấu muối cùng bát canh rau rừng. Nhà Tu có 3 đứa con, mèn mén được nấu từ sáng sớm, sau đó để bên bếp bố mẹ đi làm đến tối mới về, mấy đứa con Tu ở nhà cứ đói vào mở nồi lấy ăn và đi ngủ trước. Thấy người lạ đến thăm nhà đúng bữa tối, Tu mời chúng tôi ăn cùng nhưng nói khéo: “Nhà không có ruộng lúa nước, đất xấu không trồng được lúa nương nên quanh năm ăn ngô, gia đình mình không có cơm mời cán bộ đâu. May cho cán bộ đến hôm nay còn mèn mén mà ăn chứ hết tháng này nhà Tu không còn ngô nữa”.

.
.
.

No comments: