Wednesday, March 21, 2012

MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI TRỪ QUÁ KHỨ (Nguyễn Gia Thưởng)



Nguyễn Gia Thưởng
Thứ ba, 20 Tháng 3 2012 10:45

Vẫn còn rất nhiều người muốn vứt bỏ cụm từ "hòa giải và hòa hợp" ra khỏi từ điển ngôn ngữ Việt Nam, vì sự hận thù đối với chế độ và chính quyền cộng sản vẫn còn cao ngất. Hễ nghe nói đến hòa giải và hòa hợp là có người cho rằng đây trò lừa bịp của cộng sản. Họ không biết rằng danh từ này phát xuất từ phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa trong lúc thương thuyết hiệp định Paris năm 1973. Chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức chính quyền cộng sản Việt Nam bấy giờ, đã nhất quyết đòi bỏ chữ hòa giải và chi ghi hòa hợp mà thôi. Và cuối cùng danh từ hòa giải được chấp ghi vào trong Hiệp Ðịnh Paris với danh từ hòa hợp (*).

Sự kiện này cho thấy đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ chủ trương hòa giải cả, vì họ luôn nghĩ rằng lịch sử nhân loại là một chuỗi dài đấu tranh giai cấp. Hòa giải không bao giờ nằm trong ngữ vựng của người cộng sản. Ðối với họ, chỉ có quyền lực là trên hết và quyền lực chỉ giành được bằng võ lực, bằng đầu họng súng, bằng khủng bố.

Những anh em binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa chỉ có một lòng lo giữ miền Nam nhưng sau đó thất trận, tin tưởng rằng sau bao nhiêu năm chiến tranh mọi người ai cũng mong thôi không đổ máu, muốn có hòa bình, nên đã mau chóng buông súng. Nhưng không ngờ nhóm lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam vẫn nuôi lòng hận thù với những người đã kháng cự lại làn sóng đỏ trước đó và đày đọa họ trong những trại giam mà chế độ cộng sản gọi là trại cải tao. Sự vô nhân đạo của những trại cải tao đã đạt tới cao điểm của hận thù. Chính vì chính quyền cộng sản đã bội ước điều 11 ghi trong Hiệp Ðinh Paris nên nhân dân miền Nam đã thù ghét cụm từ "hòa giải và hòa hợp", và cho đó là một trò bịp bợm của chính quyền sộng sản Việt Nam. Kể từ đó, cụm từ đẹp đẽ và đầy ý nghĩa này đã bị từ chối và đi sâu vào tiềm thức phản cảm của rất nhiều nạn nhân chế độ độc tài đảng trị cộng sản.

Tại sao đảng cộng sản không muốn hòa giải ?

Ðiều kiện để đi đến hòa giải phải là phía ra tay hành hạ nạn nhân công nhận lỗi của mình và phía nạn nhân tha thứ cho kẻ hành hạ mình. Hiện nay cả hai điều kiện này chưa hội đủ, mối hận thù do đó càng chồng chất thêm. Vì sau hơn 30 năm thống nhất đất nước, chưa một người nào trong đảng cộng sản đã tỏ ra sám hối và mở lời tạ lỗi với nhân dân Việt Nam vì những hành động tàn ác của họ tại quốc nội. Cho đến nay những hành động tàn sát dân chúng Việt Nam trong những vụ Cải cách ruộng đất, Nhân Văn-Giai Phẩm, Xét lại chống đảng, Học tập cải tạo, Đuổi người lên vùng kinh tế mới, Bán bãi xua người ra biển... vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của rất nhiều gia đình và những nạn nhân còn sống sót sau những tội ác đó.

Chính quyền cộng sản Việt Nam được xây dựng trên xương máu của hàng triệu người, nên việc xin lỗi đối với họ là một điều rất khó khăn. Họ cho rằng xin lỗi là mặc nhiên nhìn nhận những việc làm sai trái trong quá khứ. Đối với đảng cộng sản, tất cả những người mà họ đã tàn sát đều có tội, hoặc là kẻ thù của giai cấp vô sản, hoặc là những người bị tình nghi chống lại đảng cộng sản. Chính vì thế tội ác của đảng cộng sản Việt Nam đã chồng chất quá nhiều, và chỉ tăng lên chứ không có giảm. Đảng cộng sản rất muốn mọi người quên đi những tội ác này nhưng không phải dễ, trừ khi đảng cộng sản bị giải tán. Mọi sự đều qua đi trừ quá khứ.

Xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn chia làm ba thành phần: phe thua trận, phe thắng trận và phe bị lừa. Phe thắng trận vẫn tiếp tục cao ngạo coi mình là đỉnh cao trí tuệ, đã đánh thắng hai đế quốc lớn Pháp và Mỹ và do đó có toàn quyền cai trị đất nước. Phe thua trận chỉ mong được sống yên ổn với hy vọng được trả lại những gì đã mất, hay được kẻ chiếm đoạt cơ ngơi của gia đình mình hoàn trả lại. Phe bị lừa, đại đã số dân chúng Việt Nam hiện nay, chỉ biết than thân trách phận và chấp nhận sống trong âm thầm và nhẫn nhục với hy vọng ngày mai sẽ sáng sũa hơn, 37 năm đã trôi qua họ vẫn không thấy gì.

Như vậy, hòa giải và hòa hợp dân tộc là một điều rất cần thiết, phải kết hợp hai thành phần bị thua và bị lừa thành một khối để xây dựng lại đất nước.

Hệ quả tất yếu của bất bạo động

Thế giới ngày nay không còn ủng hộ những phong trào bạo động và bạo lực nữa. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã từ 30 năm nay chủ trương xây dựng dân chủ đa nguyên, đấu tranh bất bạo động trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Cho đến nay, hầu như mọi người đã mặc nhiên chấp nhận tinh thần đa nguyên và đấu tranh bất bạo động. Chỉ còn một số người vẫn còn thề sống mái không chấp nhận hòa giải. Những người này không hiểu rằng hòa giải chính là chính là triết lý chính trị để thực hiện tranh đấu bất bạo động và nâng cao tinh thần đa nguyên.

Bất bạo động phải được hiểu như:

- những giá trị của tinh thần huynh đệ, tôn trọng, hòa bình, tự do, trách nhiệm và tương trợ,
- một tiến trình đi tìm ý nghĩa, một lý tưởng cần đạt đến, luôn phải được bồi đắp,
- đặt bạo lực ra khỏi vòng pháp luật, xem bạo động là một hành vi xúc phạm đến nhân phẩm con người. Ðó là sự tôn trọng trong suy nghĩ, trong lời nói và trong hành động đời sống của người khác,
- bất bạo động không phải là một ý thức hệ, nhưng là một triết lý áp dụng vào đời sống hàng ngày và trong thái độ ứng xử của chúng ta,
- kháng cự lại những bất công với những vũ khí bất bạo động, thoát ra khỏi vòng xoắn hủy hoại của bạo lực,
- bất bạo động không có nghĩa là theo chủ thuyết chủ hòa (pacifism).

Những nguyên tắc hành động của bất bạo động dựa trên sự phân tích về bản chất của quyền lực: kẻ bị đàn áp không chấp nhận sự thống trị của kẻ đàn áp. Con người có khuynh hướng thụ động và cam chịu trước những bất công do đó vô tình trở nên đồng lõa, tiếp tay cho kẻ đàn áp. Bằng phương cách bất bạo động, nạn nhân từ chối không muốn là nạn nhân của kẻ đàn áp.

Hình ảnh sống động nhất của đấu tranh bất bạo động là Gandhi. Năm 1930, trên bờ biển Ấn Ðộ Dương, Gandhi bốc một nhúm muối trong tay và kêu gọi dân chúng xuống đường đòi xóa bỏ độc quyền phân phối muối của chính quyền Anh. Với cử chỉ tầm thường nhưng đầy ý nghĩa này, Gandhi đã dấy lên một cuộc "diễn hành muối" để đòi độc lập. Chính quyền Anh đã đánh dẹp và bắt bỏ tù hơn 60 000 người về tội không trả thuế muối. Theo lời nhắn nhủ của Gandhi, dân chúng Ấn đã không kháng cự lại và tiếp tục xuống đường đấu tranh bất bạo động. Kinh ngạc trước thái độ này, chính quyền Anh đã phải trả tự do cho số người bị bắt và chấp nhận cho người Ấn quyền được thu hoạch muối. Và cuối cùng chấp nhận trả độc lập cho Ấn Ðộ.

Hòa giải là một bắt buộc

Chủ trương bất bạo động phải gắn liền với hòa giải, nếu không việc đổ máu sẽ tiếp tục xảy ra. Hòa giải chính là tha thứ cho những ai trước đây đã ra tay hành hạ chúng ta nhưng nay đã thấy sai lầm của mình. Người Việt có tục ngữ "Ðánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại" để nói lên tinh thần hòa giải. Chính nhờ vào tinh thần hòa giải, chúng ta sẵn sàng đón nhận những người trước đây đã lầm lẫn hăng say ủng hộ chủ nghĩa Mác Lê và ngày nay đã thấy sự bế tắc của chủ nghĩa này, số người này mỗi ngày một thêm đông. Hòa giải là lối thoát cho những ai đã từng chạy theo cái ác để trở về với dân tộc trong tinh thần đa nguyên và bao dung.

Hòa giải không có nghĩa là xóa sổ những tội ác xâm phạm đến tính mạng và nhân phẩm của con người. Hòa giải đòi lại công bằng và chân lý cho nạn nhân.

Hòa giải là vũ khí bất bạo động chống lại chủ trương đấu tranh giai cấp, vì hòa giải không đòi hỏi xương máu mà chỉ đòi công lý. Hòa giải là tìm cách sống chung với nhau với tất cả những dị biệt.

Nếu chúng ta muốn sống chung với nhau, chia sẻ với nhau một tương lai chung trên đất nước Việt Nam một cách hài hòa, con đường đi tới bắt buộc phải qua hòa giải.

Nguyễn Gia Thưởng (Brussels)

------------------------------------

(*) Chương IV: Việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Ðiều 11 : Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ: Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;

Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

.
.
.

No comments: