Saturday, March 24, 2012

LƯU GIỮ LỊCH SỬ TỪNG NGƯỜI VIỆT với DỰ ÁN LỊCH SỬ TRUYỀN KHẨU NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT (Viễn Đông & Người Việt)



Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

IRVINE (NV) - Tại đại học UC Irvine đang hình thành một kho lưu trữ lịch sử cá nhân các thành viên trong cộng đồng Việt Nam do chính họ kể lại. Ðây là một dự án sưu tầm và giữ lại những câu chuyện theo phương pháp “oral history” của ngành lịch sử.

Dự án này, mang tên “Vietnamese American Oral History Project,” do Tiến Sĩ Thúy Võ Ðặng đứng đầu. Ðại học UC Irvine phê chuẩn dự án này vào tháng 11 năm 2011 và chương trình thu thập những câu chuyện này tiến hành được 4 tháng nay.

Tiến Sĩ Thúy Võ Ðặng tốt nghiệp Ph.D. ngành nghiên cứu sắc tộc tại đại học UC San Diego, và hiện làm nghiên cứu hậu tiến sĩ tại UC Irvine. Cô thực hiện luận án tiến sĩ về sự tương quan giữa chính trị văn hóa với ký ức, sử dụng phỏng vấn “oral history” với di dân gốc Việt thế hệ thứ nhất. Hợp tác với sáng hội Pacific Rim Foundation, cô phỏng vấn hơn 70 người Mỹ gốc Việt tại miền Nam California cho dự án của sáng hội này.

Nhiều bài nghiên cứu của TS Thúy Võ Ðặng được đăng trên tạp chí chuyên môn Amerasia Journal, tuyển tập Le Viet Nam Au Feminin, và tạp chí Journal of Vietnamese Studies. TS Thúy là thành viên ban quản trị hội VAALA và trung tâm St. Anselm. Cô cũng là blogger cho trang diaCritics.org.

Báo Người Việt phỏng vấn Tiến Sĩ Thúy Võ Ðặng về chương trình Vietnamese American Oral History Project. Cuộc phỏng vấn được thực hiện qua mạng xã hội Facebook.

-Vũ Quí Hạo Nhiên (NV): Xin chào Tiến Sĩ Thúy. Việc sưu tập những câu chuyện kể này tiến hành tới đâu rồi?
-TS. Thúy Võ Ðặng: Mọi việc tiến triển rất tốt! Cá nhân tôi đã hoàn tất 3 cuộc phỏng vấn được viết lại đầy đủ, nhưng cuộc phỏng vấn làm bằng tiếng Việt và chúng tôi vẫn còn phải tìm cách dịch ra tiếng Anh.
Các sinh viên của tôi cũng hoàn tất được 36 cuộc phỏng vấn. Ðó là những cuộc phỏng vấn mới, còn có những cuộc phỏng vấn có sẵn nữa.

-NV: “Hoàn tất” tức là sao? Như thế nào thì được gọi là một cuộc phỏng vấn hoàn tất?
-TS. Thúy Võ Ðặng: Một cuộc phỏng vấn phải đầy đủ giấy tờ và để làm cho xong phải đánh máy đầy đủ sẵn sàng để đưa qua Văn khố Ðông Nam Á - Southeast Asian Archive - trong thư viện UCI.
Tất cả những cuộc phỏng vấn này đều có thâu âm và hình ảnh. Một số cuộc phỏng vấn có kèm tài liệu gốc mà người được phỏng vấn họ tặng cho chúng tôi để cất chung vào văn khố.

-NV: Xin TS cho biết hiện nay dự án đã có những câu chuyện kể, những cuộc phỏng vấn, như nào rồi?
-TS. Thúy Võ Ðặng: Những câu chuyện chúng tôi phỏng vấn được rất đa dạng và hấp dẫn. Có nhiều câu chuyện từ trại cải tạo, cuộc đời những người gốc Hoa, một số cựu nhân viên Boeing, có hai người lai Pháp, các vị lãnh đạo trong cộng đồng, nghệ sĩ, thương gia.


-NV: TS có thể chia sẻ vài câu chuyện đặc biệt?
-TS. Thúy Võ Ðặng: Mỗi câu chuyện đều có tính đặc biệt. Ðiều hay nhất trong việc đi phỏng vấn là một số sinh viên của tôi phỏng vấn cha mẹ và đào ra được những chuyện của gia đình mà chính các em chưa bao giờ nghe.
Một trong những chuyện đó liên quan tới vụ một người “sponsor” ở Georgia thời thập niên 1980 đã lạm dụng tình dục một nhóm thiếu niên tỵ nạn Việt Nam tuổi teen.
Tôi thấy chuyện đó nói lên rất nhiều về sự lạm dụng hệ thống tìm người bảo trợ cho người tỵ nạn thời đó.
Một sinh viên khác phỏng vấn người thầy dạy tiếng Việt hồi trung học. Ông kể hồi ông còn trẻ ông trốn học nên bị bắt quân dịch. Sau chiến tranh ông bị đi tù cải tạo. Thành ra ông lại dùng câu chuyện này để khuyến cáo học trò đừng trốn học, đừng làm biếng, coi chừng bị đi tù!
Một người khác kể tôi nghe chuyện trong trại cải tạo. Ông bị giao việc sơn phông sân khấu cho một buổi văn nghệ. Một người bạn vẽ 3 cái hoa lên sân khấu, thì bị giám thị gọi lên. Giám thị hỏi tại sao lại vẽ 3 cái hoa. Họ hỏi có phải ông ấy muốn chỉ trích nhà nước là bọn “ba hoa” không. Họ bắt ông phải vẽ thêm một cái hoa nữa.

-NV: Ở trên, TS nhắc đến những cuộc phỏng vấn có sẵn. TS có thể nói thêm?
-TS. Thúy Võ Ðặng: Ngoài những cuộc phỏng vấn mới thực hiện, tôi còn đang làm việc với những cuộc phỏng vấn do Vietnamese American Heritage Foundation thực hiện trong dự án “500 Oral Histories” của họ.
Tôi cũng làm việc với những cuộc phỏng vấn do các sinh viên trong lớp của Giáo Sư Linda Võ ở UCI thực hiện từ 2003 tới 2005.
Vì vậy, công việc không chỉ là làm thêm nhiều cuộc phỏng vấn mới, mà thu thập những cuộc phỏng vấn có sẵn và bảo đảm chúng sẵn sàng để được đưa lên mạng online và được bảo quản lịch sử.
Tôi dự trù là tới cuối năm sẽ có 100 câu chuyện và hiện nay chúng tôi đang làm đúng tiến độ để đạt kết quả đó. Tôi mới có được loạt phỏng vấn đầu tiên của sinh viên tôi, và trong khoảng một tháng nữa tôi sẽ chuyển số này qua thư viện.

-NV: TS đã dùng những cách nào để thông báo cho mọi người biết về dự án này?
-TS. Thúy Võ Ðặng: Cho tới nay, đại học UCI gởi ra thông cáo báo chí, bản tin, bài viết. Tôi còn dùng các bản tin trong giới đại học, trang mạng của dự án, trang Facebook, và đi tới các sinh hoạt cộng đồng, thí dụ như tôi tới chương trình Common Ground của các bạn trẻ để tuyển sinh viên tình nguyện.
Thật ra cách loan báo tin tức hay nhất là truyền miệng - từ các sinh viên của tôi, các tổ chức cộng đồng mà tôi liên lạc, nhờ vậy mà những người được phỏng vấn (người kể, tiếng Anh gọi là Narrator) tin tưởng chúng tôi.

-NV: Báo chí Việt ngữ thì sao?
-TS. Thúy Võ Ðặng: Tôi hy vọng sẽ tung ra được một chiến dịch trên truyền thông Việt ngữ. Hiện nay Viễn Ðông đã viết bài về chúng tôi và tôi hy vọng Người Việt với Việt Báo cũng sẽ viết bài hoặc tặng quảng cáo miễn phí để những người Narrator liên lạc với chúng tôi.

-NV: Dự án của tiến sĩ có nhắm tới các tiểu bang xa không?
-TS. Thúy Võ Ðặng: Dự án này chỉ nhắm vào miền Nam California. Cho tới nay, chúng tôi có những người Narrator đến từ quận Cam, Los Angeles, San Diego, và một số đến từ vùng Inland Empire tức Riverside, San Bernardino, Imperial.
Một số người liên lạc với tôi từ khắp nơi nhưng chúng tôi chỉ phỏng vấn người ở miền Nam California. Có một giáo sư đại học Grinnell College ở tiểu bang Iowa liên lạc với tôi, muốn tặng những cuộc phỏng vấn do sinh viên của bà ấy thực hiện trong cộng đồng Việt Nam ở đó. Tôi đang nói chuyện với bà về việc này.

-NV: Nếu người ta muốn liên lạc với TS để kể chuyện mình lưu lại trong văn khố, thì phải làm sao?
-TS. Thúy Võ Ðặng: Họ có thể gởi email tới địa chỉ vaohp@uci.edu. Họ cũng có thể liên lạc với chúng tôi qua trang Facebook “Vietnamese American Oral History Project.”
Chúng tôi không sàng lọc người Narrator. Ai ở vùng Nam California đến với chúng tôi, chúng tôi cũng đều phỏng vấn.
Tuy nhiên, đây là một dự án nghiên cứu và sưu tầm cho hậu thế, nên mỗi người Narrator phải ký giấy đồng ý cho chúng tôi công bố câu chuyện của họ.

----------------------------------

Vanessa White/Viễn Đông
VienDongDaily.Com - 27/10/2011

Một bức hình chụp một gia đình tị nạn trong Văn Khố Đông Nam Á thuộc
Thư Viện Langson của đại học UC Irvine, là nơi sẽ lưu trữ toàn bộ Dự Án Lịch Sử
Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt (VAOHP) sau khi hoàn tất - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

IRVINE, California – Những người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California có một bề dầy lịch sử xoay quanh quá khứ của họ tại Việt Nam, những chuyến hành trình đi sang đất Mỹ, và sự hội nhập vào trong xứ sở quê hương mới của họ.
Bất luận là những điều được cảm nghiệm lần đầu tiên, hoặc được truyền lại qua kiến thức tổ tiên, những người Mỹ gốc Việt này phản ảnh những dòng lịch sử phong phú ấy bằng chính sự hiện diện của mình.
Nhưng còn những câu chuyện không được kể ra thì sao, vì xấu hổ, sợ hãi, hoặc vì cảm thấy bất xứng?

Nhiều người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những người thuộc thế hệ đầu tiên, cảm thấy ngại ngùng, lưỡng lự, khi kể về dĩ vãng của mình, vì nhiều lý do khác nhau. Tiến Sĩ Đặng Võ Thúy, người đứng đầu Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt (VAOHP) sắp khởi động, nói với nhật báo Viễn Đông như vậy. Chẳng hạn, những chuyện như sống sót từ chiến tranh, dời nơi sinh sống, và tái định cư, tất cả những chuyện ấy đều là những kinh nghiệm gây chấn thương tâm lý, mà nhiều người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhất đều không muốn làm hồi sinh lại, ngay cả chỉ là trong ký ức của họ. Ngoài ra, cũng có những người cảm thấy rằng những chuyện họ kể không đáng giá bao nhiêu cả.

Thế nhưng, TS. Thúy nói với Viễn Đông rằng dự án VAOHP sẽ đem những căn tính phức tạp bên trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California đến với một cử tọa rộng lớn và “đem lại tiếng nói cho cộng đồng bằng một cách thức mà lịch sử chính lưu không thể nào làm được”.

Tiến Sĩ Đặng Võ Thúy, người đứng đầu Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu
Người Mỹ Gốc Việt (VAOHP) ở đại học UC Irvine - ảnh do văn phòng VAOHP cung cấp

* Dự án VAOHP

TS. Thúy đứng đầu chương trình lịch sử truyền khẩu VAOHP, dưới thẩm quyền của Khoa Nhân Văn thuộc trường đại học University of California, Irvine (UCI). Dự án này sẽ được lưu giữ trong Văn Khố Đông Nam Á (Southeast Asian Archive) của hệ thống thư viện UCI, nổi tiếng trên thế giới. Dự án này sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà nghiên cứu, cũng như của công chúng, khi dự án được hoàn thành trong ba năm nữa.

Nhận được ngân khoản rộng rãi từ một nhà hiến tặng ẩn danh, mà VAOHP sẽ được phép công bố vào một thời điểm lý tưởng, phản ảnh một sự ý thức và mẫn cảm về mức độ đau thương bên trong cộng đồng Việt Nam ở miền Nam California, liên quan tới quá khứ của họ.

Mục đích của VAOHP là thu thập, lưu trữ, và phát tán những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau, từ trong lòng cộng đồng những người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California. Những cuộc phỏng vấn sẽ được thu âm, cũng như chuyển biên (ghi lại từng chữ thành bản văn), và tất cả những câu chuyện lịch sử truyền khẩu sẽ được đưa lên một trang mạng Internet.

Mặc dù hiện nay bà không thực hiện những cuộc phỏng vấn, TS. Thúy sẽ dạy một lớp về Kinh Nghiệm Người Mỹ Gốc Việt vào mùa đông năm nay. Khóa học này sẽ huấn luyện các sinh viên biết cách thu thập lịch sử truyền khẩu cho dự án VAOHP, cung cấp một nền tảng kiến thức cho họ để tiếp tục sự học tập về lâu về dài trong tương lai.

Bà Vicki Ruiz, khoa trưởng Khoa Nhân Văn của UCI và cũng là thành viên trong ủy ban cố vấn của VAOHP, nói với nhật báo Viễn Đông: “Có một điều rất quan trọng, đó là phỏng vấn các chứng nhân lịch sử, đặc biệt là những bậc cao niên, những người này đã gầy dựng cuộc sống mới cho chính mình và trong khi tạo lập như vậy, thì họ cũng đóng góp vào sự phát triển về kinh tế và văn hóa của Quận Cam, California, và toàn quốc Hoa Kỳ. Dự án này sẽ góp phần vào việc tìm hiểu một cách sâu rộng hơn về lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ”.

Mặc dù TS. Thúy nói với Viễn Đông rằng có sự khẩn cấp trong việc thủ đắc những phần lịch sử của thế hệ đầu tiên, VAOHP vẫn không bị hạn chế vào thế hệ ấy mà thôi. Dự án sẽ bao gồm những căn tính vượt lên khỏi mẫu người tị nạn lâu nay thường được miêu tả, mở rộng ra tới những tiếng nói của những người con lai, người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới tính, hoặc những người Mỹ gốc Việt mới di cư sang Mỹ.

TS. Thúy và phân khoa Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á Châu ở đại học UCI cũng như Giáo Sư Tiến Sĩ Võ Linda, thành viên ủy ban cố vấn VAOHP, đều đã thực hiện những công trình thu thập lịch sử truyền khẩu trong quá khứ và sẽ đưa những phần này vào chung với phần của các sinh viên.

Dự án VAOHP mong mỏi được hợp tác với các tổ chức khác hiện đang làm những dự án về lịch sử truyền khẩu của người Mỹ gốc Việt, để cho những ai muốn tiếp cận những bộ lịch sử khác nhau sẽ dễ dàng làm được điều ấy.

Bà Christine Woo, quản thủ thư viện chuyên về nghiên cứu đang làm việc cho Văn Khố Đông Nam Á của UCI, đồng thời đóng vai trò tham vấn cho VAOHP, nói với Viễn Đông: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có nhân viên và ngân quỹ để thu thập và ghi lại những câu chuyện do chính những người trong cộng đồng kể lại. Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ đưa cộng đồng đến sử dụng nhiều hơn các tài liệu, bộ sưu tập trong Văn Khố Đông Nam Á, và chính họ sẽ đóng góp thêm hình ảnh, thư từ, nhật ký, và các giấy tờ cá nhân khác vào văn khố ngày càng mở rộng của chúng tôi”.

* Tác động của VAOHP

TS. Thúy nói với nhật báo Viễn Đông rằng VAOHP là một dự án dài hạn, được hoạch định nhằm tồn tại cả hàng trăm năm, để cho những thế hệ tương lai có thể học hỏi về những công lao của những người Mỹ gốc Việt đóng góp cho miền Nam California.

GS. Linda nói với Viễn Đông: “Khi những [câu chuyện] này được đưa lên mạng lưới điện toán, chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu và giáo chức sẽ sử dụng tài liệu vào mục đích giảng dạy, và con cái chúng ta sẽ có thể tiếp xúc với những tài liệu này nhằm học hỏi về lịch sử cộng đồng chúng ta”.

Nhiều người ít khi có dịp tiếp xúc với người Mỹ gốc Việt, có thể chỉ qua việc tương tác với họ khi đi làm móng ở một tiệm làm đẹp hay đi ăn ở một nhà hàng Việt Nam, bà Woo nói với Viễn Đông. “Lịch sử truyền khẩu của VAOHP không những kết nối người Mỹ gốc Việt với nhau mà còn thuật cho người khác biết về họ qua chính giọng kể của họ”.

Bà Michelle Light, người đứng đầu Những Văn Khố Đặc Biệt của hệ thống thư viện UCI và một người giúp tham vấn cho VAOHP, nói với Viễn Đông rằng dự án này nhằm hỗ trợ ký ức và căn tính cộng động, đem đến kiến thức mới, sự hiểu biết và chữa lành. Bà hy vọng dự án sẽ khởi hứng cho những cuộc đối thoại kéo dài giữa các thế hệ già, trẻ.

GS. Linda nói với Viễn Đông: “Những câu chuyện về việc chúng tôi đến nước Mỹ như thế nào và tại sao, cũng như về những đấu tranh gian khổ mà chúng tôi gặp phải, để xây dựng cuộc sống mới tại đây, đều là một phần quan trọng của lịch sử Hoa Kỳ. Quả thật là một vinh dự khi có thể cộng tác với TS. Đặng Võ Thúy và hỗ trợ cho một dự án quan trọng như thế, đem lại lợi ích cho cộng đồng của chúng tôi”.

Trang mạng của Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt VAOHP: http://sites.uci.edu/vaohp/ .

Nguồn:
http://www.viendongdaily.com/khong-con-bi-an-nua-du-an-lich-su-truyen-khau-nguoi-my-goc-viet-HWKUufVa.html

.
.
.

No comments: