TS Nguyễn Đình Thắng
Saturday, March 03 @ 22:50:00 EST
Ngày 3 tháng 3, 2012
Chiến dịch thỉnh nguyện thư đang tạo không khí phấn khởi, nô nức, nhộn nhịp trong tập thể người Việt trải rộng khắp đất nước Hoa Kỳ rộng lớn. Nhiều phái đoàn đến từ gần 40 tiểu bang đang đổ về Hoa Thịnh Đốn cho cuộc vận động trong hai ngày: 5 tháng 3 ở Toà Bạch Ốc và 6 tháng 3 ở Quốc Hội.
Cho đến nay phần lớn chúng ta nhắc nhiều đến ngày 5 tháng 3 ở Toà Bạch Ốc và ít nhắc đến cuộc vận động mang ý nghĩa và tầm quan trọng không kém ở Quốc Hội. Sau đây là ý nghĩa của cuộc vận động này:
(1) Tạo ý thức nơi các nhà làm luật và chính sách về tình trạng nhân quyền vô cùng tồi tệ và ngày càng xấu đi ở Việt Nam: Chính phủ Việt Nam đã thay thế Miến Điện trong cương vị của kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất trong toàn vùng Đông Nam Á.
(2) Vận động các vị dân biểu và thượng nghị sĩ Liên Bang vận dụng mọi cơ hội có được để lên tiếng về nhân quyền trực tiếp với chính quy n Việt Nam hay thông qua Hành Pháp Hoa Kỳ.
(3) Vận động một số vị dân biểu hỗ trợ chúng ta trong việc thiết định tiến trình hội ý và hợp tác giữa Hành Pháp Hoa Kỳ và tập thể người Mỹ gốc Việt về các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ và ở Việt Nam.
(4) Dùng quyền lập pháp để ảnh hưởng chính sách đối ngoại, qua các đạo luật, cụ thể là HR 1410 (Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam) và HR 156 (Đạo Luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam).
(5) Kêu gọi ngăn lại dự tính cắt giảm nặng nề chương trình Việt ngữ của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
Số người tham gia có thể vượt quá 500. Trong đó đa phần là người Việt nhưng cũng có một số người sắc dân khác yểm trợ. Số văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ hẹn gặp đã lên quá một trăm. Ngày thứ Hai một toán tình nguyện viên sẽ tiếp tục làm các buổi hẹn đến giờ phút chót.
Ngoài các buổi hẹn này, phái đoàn vân động sẽ rải ra để trao tài liệu cho toàn bộ các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ còn lại.
Về cách chia toán vận động, chúng tôi sẽ phân bổ những người đến từ cùng thành phố vào các toán khác nhau để:
(1) mỗi toán sẽ gồm thành viên đến từ nhiều vùng cử tri và như vậy sẽ gặp gỡ được nhiều vị dân cử hay nhân viên của họ;
(2) mỗi vị dân cử sẽ thấy được rằng cuộc vận động này là một nỗ lực của người Việt ở toàn quốc. Mỗi toán sẽ có một người rành rẽ đường đi nước bước trong Quốc Hội làm trưởng toán.
Để chuẩn bị cho cuộc vận động này, chúng tôi đã thông tin cho tất cả các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ về chiến dịch thỉnh nguyện thư của chúng ta. Với số người ký tên vượt kỷ lục và ngày càng tăng cao, tiếng nói của phái đoàn vận động sẽ có trọng lượng và ảnh hưởng hơn.
Mở vận hội cho quê hương và dân tộc sẽ là một hành trình dài. Do đó, cuộc vận động ồ ạt tại Hoa Thịnh Đốn sẽ được tiếp nối ngay sau đó bởi những cuộc vận động âm ỉ tại văn phòng của các vị dân biểu và thượng nghị sĩ ở từng địa phương nhằm thôi thúc các hành động lập pháp.
Vận động cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp là hai vế cần thiết của cùng một nỗ lực.
Bài liên quan:
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Monday, June 20 @ 00:38:49 EDT
Trong những ngày gần đây, người dân trong nước đã chứng tỏ khả năng tập hợp qua các cuộc biểu tình đồng loạt ở nhiều thành phố. Tuy số người tham dự còn ít, nhưng đây là những cuộc thao dượt cần thiết cho những vận động quy mô hơn sau này, không những về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải mà còn cả về những vấn đề nhân quyền, dân quyền, công lý.
Người Việt ở hải ngoại, ngoài việc đưa tin và bày tỏ tinh thần đoàn kết qua các cuộc biểu tình hay tuần hành, cần có những hành động cụ thể hơn để yểm trợ. Một cách yểm trợ rất cần thiết hiện nay là dung quốc tế vận để đẩy lùi nguy cơ chính quyền dùng bạo lực đàn áp người dân khi họ biểu lộ quan điểm một cách ôn hoà.
Hành động quốc tế vận cụ thể nhất hiện nay của người Việt ở Hoa Kỳ là vận động cho các đạo luật nhân quyền cho Việt Nam đã được đưa vào Quốc Hội. Việc vận động này, dù kết quả đến đâu chưa rõ, tự nó cũng tạo sự chú ý cần thiết của cả Lập Pháp lẫn Hành Pháp Hoa Kỳ.
Năm ngoái trước khi rời Quốc Hội, Dân Biểu Cao Quang Ánh đưa vào Hạ Viện đạo luật Chế Tài Việt Nam Về Vi Phạm Nhân Quyền (Vietnam Human Rights Sanctions Act) với hy vọng mở ra một hướng mới trong giới lập pháp quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Đạo luật này, thay vì chế tài cả một quốc gia, tập trung chế tài những giới chức chính quyền can dự vào việc chà đạp nhân quyền của người dân: vừa ngăn cấm những thủ phạm di dân vào Hoa Kỳ vừa chế tài các tài sản của họ Một đạo luật như vậy sẽ vượt qua được lập luận rằng biện pháp chế tài kinh tế gây thiệt hại cho người dân vô tội hơn là cho những kẻ đàn áp.
Quả như DB Ánh kỳ vọng, ngày 23 tháng 3, DB Ed Royce (Cộng Hoà, CA) đưa đạo luật này vào lại Hạ Viện (HR 156) và ngày 24 tháng 5 Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Cộng Hoà, TX) đưa đạo luật ấy vào Thượng Viện (S 1051) . Nếu được cả Hạ Viện và Thượng Viện cùng thông qua, thì đạo luật này sẽ trở thành luật trừ khi có sự phủ quyết của Tổng Thống Obama.
Trong thời gian gần đây, công an Việt Nam ngày càng có những hành động bạo lực đối với người dân, từ đánh chết người nơi công cộng đến bắt giam và tra tấn những thành phần kêu gọi dân chủ hay bảo vệ sự vẹn toàn của tổ quốc. Đạo luật trên là một công cụ hữu hiệu để đối phó với tình trạng leo thang đàn áp này vì từng cá nhân công an can dự và mọi giới chức trong hệ thống chỉ huy họ đều có thể nằm trong tầm nhắm của đạo luật.
Song song, ngày 13 tháng 5, Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, NJ) đưa vào Hạ Viện Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam (HR 1410). Đạo luật này bao gồm nhiều biện pháp tổng quát hơn, kể cả biện pháp chế tài đối với cả chế độ, các khoản trợ giúp cho phong trào dân chủ, và đòi hỏi Bộ Ngoại Giao phúc trình chi tiết về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Những tổ chức người Việt ở Hoa Kỳ quan tâm đến tình hình đất nước cần có ngay kế hoạch để đồng loạt vận động Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua hai đạo luật kể trên. Đó là một cách thức thực tế và hữu hiệu để yểm trợ cho đồng bào quốc nội trong lúc này.
Ngày 2 tháng 7 tới đây, khoảng 200 người Việt thuộc mọi lứa tuổi và thành phần sẽ hội tụ về Hoa Thịnh Đốn để cùng đề ra kế hoạch chung nhằm phát triển nội lực và thế đứng chính trị cho cộng đồng Việt. Tôi hy vọng đây sẽ là một đóng góp đáng kể cho công cuộc quốc tế vận, không chỉ riêng cho các đạo luật kể trên mà cho sự vẹn toàn và phát triển đất nước Việt Nam về lâu dài.
Cựu DB Cao Quang Ánh sẽ có mặt tại hội nghị này. TNS John Cornyn mới đây gởi thư chúc mừng và yểm trợ hội nghị. DB Christopher Smith cũng gởi văn thư hoan nghênh nỗ lực hội tụ người Việt để phát huy sức mạnh của cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ và tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam.
Thông tin về hội nghị có đặt tại trang mạng: http://vasummit2011.org.
.
.
.
No comments:
Post a Comment