Wednesday, March 7, 2012

CA NHẠC SĨ vs CHÍNH TRỊ GIA TẠI TÒA BẠCH ỐC (N Nguyen)



(Xin phép mượn cái tựa đề "Ca Nhạc Sĩ vs Chính Trị Gia" của ông Lê Phú Nhuận - Người Lính Già 73, để làm cái tựa cho bài này.)
N Nguyen
07/03/2012
http://www.lyhuong.net/uc/index.php/bandoc/1930-1930

Kết quả về việc đệ trình Thỉnh Nguyện Thư (TNT) và trình bày về vấn đề nhân quyền Việt Nam tại Toà Bạch Ốc vào ngày 05/03/2012 vừa qua có người cho là thành công, có người cho là thất bại, còn Trúc Hồ thì cho là "huề". Vấn đề thành công hay thất bại, thắng hay thua thật khó nhận biết khi không được xem xét kỹ càng và khách quan.

Khi chúng ta đi chùa hay đến nhà thờ với cái tâm là để cúng Phật, để dâng lòng cho Chúa thì cho dầu có gặp hay không gặp được cha hoặc thầy thì vẫn không có một điều gì mảy may làm cho chúng ta buồn phiền hay vui hơn. Vì mục đích của chúng ta khi đi Chùa hay đến Nhà Thờ là đem lòng mình dâng cho Chúa, cho Phật chứ không phải đến để gặp cha hay thầy.

Tuy nhiên Chùa và Nhà Thờ là những chốn rộng mở cho công chúng (ai muốn đến, muốn đi tuỳ nghi) trong khi đó Toà Bạch Ốc là một cơ quan công quyền cao cấp, là một biểu tượng quyền lực của nước Mỹ, hơn nữa Cộng Đồng Người Việt được mời vào (chứ không phải xin vào) do đó Toà Bạch Ốc cần phải có một sự tiếp đón tương xứng của chủ nhà đối với khách mời. Vì cảm thấy không tương xưng như mong đợi (cộng thêm một số chuyện không vừa ý) do đó Việt Dũng và Trúc Hồ đã bỏ ra nữa chừng, và Việt Dũng vì quá giận đã gọi sự "không tương xứng" ấy là "vô lễ". Thiện nghĩ chữ "vô lễ" ở đây không đúng lắm mà phải dùng chữ "thất lễ" cho trường hợp chủ đối với khách.

Nếu "người Mỹ trọng nguyên tắc và rất thực tế để giải quyết các công việc; nhất là không câu nệ về hình thức" thi chẳng có gì để nói. Nhưng nếu việc "thất lễ" là một sự sắp xếp có dụng ý thì người đáng bị chê trách là vị chủ nhà chứ không phải khách mời. Nhất là vị chủ nhà lại là một cường quốc số 1, đại diện cho thế giới tự do và luôn luôn hô hào, cổ võ cho tinh thần và giá trị dân chủ, tự do, và nhân quyền.

Nói đến việc "thất lễ" của Mỹ thì có quá nhiều trường hợp đã diễn ra trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam và mãi cho đến ngày hôm nay. Có những lần sự "thất lễ" của Mỹ, một kẻ có quyền lực và chỉ vì quyền lợi của Mỹ, đã trở nên "trịch thượng" hoặc biến thành "tàn ác", "nham hiểm", "hèn hạ". Những lần "thất lễ" trắng trợn nhất của Mỹ là việc giết hại hai anh em TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu, những cái chết bí ẫn của các vị Tướng tài giỏi của QLVNCH, những lần bắn lầm (friendly fires), sự án binh bất động trong thời gian đầu của vụ tổng công kích Tết Mậu Thân, rồi cho đến việc hành xử một cách hạ cấp khi ép TT Nguyễn Văn Thiệu ký Hiệp Định Ba Lê năm 1973, sự vô tâm trước những chiến sĩ Hải Quân bị nạn trong trận chiến Hoàng Sa, và cuối cùng là Ngày Uất Hận 30 Tháng Tư!

Trở lại với sự bất mãn và những lời tuyên bố nóng nảy của Trúc Hồ và Việt Dũng thì có người cho rằng họ "tỏ ra yếu kém về chính trị". Quá đúng! Nếu chúng ta nhận xét Việt Dũng và Trúc Hồ như là những con người bình thường thì quả thật họ là những người "yếu kém về chính trị". Nhưng Trúc Hồ và Việt Dũng không phải là những con người bình thường mà là những người nghệ sĩ có lòng với dân tộc, quê hương, có một tâm hồn nhạy cảm, luôn luôn có những tình cảm nồng nàn, những cảm xúc mạnh mẽ, ... rất dễ "tức cảnh sinh tình" mà những người bình thường không thể có được.

Chính vì vậy mà Việt Dũng mới có "Một Chút Quà Cho Quê Hương", Trúc Hồ mới có "Bên Em Đang Có Ta", "Bước Chân Việt Nam", "Một Ngày Việt Nam", "Đáp Lời Sông Núi", ... dó đó sự tức giận cùng với những lời tuyên bố "yếu kém về chính trị" (trước những tình cảnh không thể "im tiếng mà phải lên tiếng") là những cảm xúc CHÂN THẬT, BÌNH THƯỜNG, CẦN PHẢI CÓ của những người nghệ sĩ có lòng. Như vậy nếu mong đợi Trúc Hồ và Việt Dũng có những phản ứng và lời nói trầm tĩnh, khéo léo, ... già dặn về chính trị thì đó là một sự "mong đợi thái quá" và không chính đáng!

Cũng giống như CSVN mang bản chất hèn với giặc ác với dân thì làm sao chúng ta có thể mong đợi bọn chúng yêu thương dân Việt, chống trả ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất tổ?! - "xin đừng mong đợi thái quá"! Hoặc giả sử cứ hy vọng 14 cái nón cối trong bộ chính trị thuộc loại "đỉnh cao trí tuệ" i tờ rít sẽ có ngày sáng tác được một bản nhạc thì có phải chăng đây là một sự "mong đợi thái quá"!

Vậy việc cộng đồng Người Việt được Toà Bạch Ốc mời vào để trình TNT, trình bày về vấn đề nhân quyền tại VN là một thành công vượt ngoài dự tính. Vì có rất nhiều TNT nhưng có lẽ từ trước cho tới nay chưa có một tố chức nào, một cộng đồng nào mà tạo được tiếng vang, gây được sự chú ý, theo dõi của Toà Bạch Ốc và của giới truyền thông của Mỹ. Còn việc đón tiếp như thế nào, có sự hiện diện của ai, nhân viên Toà Bạch Ốc đề cập đến những vấn đề gì, họ thực hiện vấn nhân quyền như thế nào, ... thì đó là vấn đề của Toà Bạch Ốc chứ không phải của chúng ta. Nói một cách khác giá trị của một con người là cung cách đối xử của mình đối với tha nhân chứ không phải là cách mà mình bị đối xử. Ví dụ việc bắt giam, đánh đập, tra tấn, thủ tiêu của nhà cầm quyền CSVN đối với những người đứng lên bày tỏ lòng yêu nước, phản đối sự bất công đã tạo ra vô ngần những sự thù ghét, khinh khi đối với chế độ trong khi đó những người bị đối xử một cách tàn tệ thì giá trị của họ đã không những không bị mất mát (“Nobody can hurt me without my permission”) mà còn được mọi người yêu thương, quý trọng, tôn sùng.

Ngoài ra còn có một nguồn tin nói rằng - trong buổi đệ trình TNT tại Toà Bạch Ốc Đại Diện Hành Pháp có yêu cầu ngược lại phái đoàn cộng đồng Người Việt những điều như sau:

1. Bảo vệ sức khỏe cho những người làm nail;

2. Yêu cầu chúng ta có thêm nhiều thông dịch viên để giúp đồng bào mình;

3. Vận động đồng bào chúng ta đừng thụ động, tham gia các sinh hoạt chính trị, cộng đồng.

Nếu đúng như vậy thì điều này cho thấy Toà Bạch Ốc không những "thất lễ" mà còn tỏ ra yếu kém về nghề nghiệp (unprofessional) vì đây là một buổi đệ trình TNT, trình bày về vấn đề nhân quyền tại VN chứ không phải là một buổi nói chuyện về vấn đề an sinh xã hội và các sinh hoạt cộng đồng. Việc gì ra việc đó, có chương trình nghị sự, có sắp xếp, có phân công, có giờ giấc rõ ràng ... chứ không phải là một buổi họp báo, một cái diễn đàn tự do.

Tóm lại việc vận động ký TNT trên trang nhà của Toà Bạch Ốc do Trúc Hồ và TS Nguyễn Đình Thắng khởi xướng là một sự thành công kỷ lục với trên 140,000 chữ ký.

Và cũng chính vì cái cảm xúc của Trúc Hồ, Việt Dũng mà đã làm động lòng hơn 140,000 con tim trên đất Mỹ và hàng triệu con tim trên thế giới và tại quê nhà. Đặc biệt là trong số trên 140,000 con tim này phần lớn là của các thế hệ trẻ - những người sinh sau 1975 và hoàn toàn không bị "va chạm" bởi những hệ lụy của cuộc chiến Việt Nam.

Từ trước cho tới nay và cho cả trong tương lại chắc chắn không thể nào có một đảng phái chính trị, một tổ chức, một hội đoàn, đoàn thể nào có thể tạo được một kỹ lục như thế. Đây là một thách thức cho ngay cả nước Mỹ, vì muốn đạt được con số trên 140,000 chữ ký đã là khó, nhưng còn khó hơn, gần như là vô phương (impossible) khi phải tính theo tỷ lệ. Tức là nếu có một TNT nào được đưa ra cho cả nước Mỹ với dân số 300 000 000 (3 trăm triệu) thì con số chữ ký cần có để qua mặt cái TNT của chúng ta thì phải là 100 lần nhiều hơn: 140 000 X 100 = 14 000 000 (14 triệu), vì cộng đồng Người Việt ở Mỹ chỉ có vào khoảng 3 000 000 (3 triệu) người tức là 1 phần trăm dân số của nước Mỹ.

Tuy nhiên ở đây chúng ta không cần thách thức, cũng không cần bàn chuyện hơn thua mà chúng ta phải vui mừng và hãnh diện là con số kỹ lục này đã nói lên được sự đoàn kết và tấm lòng yêu nước thương nòi của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại. Đây chính là điều làm cho CSVN phải run sợ!

N Nguyen
07/03/2012

Ghi chú: Số chữ ký ghi nhận khi bài viết này được gởi đi là: 140,072
.
.
.

No comments: