Sunday, March 4, 2012

BÃO TÁP THÀNH ĐÔ - TRÙNG KHÁNH TRÊN BẦU TRỜI TRUNG QUỐC (Tiến Hồng)



Bão táp Thành Đô - Trùng Khánh trên bầu trời Trung Quốc
Tiến Hồng
Chủ nhật, 04 Tháng 3 2012 01:07

Ngày 6/2/2012, một tuần lễ trước chuyến đi quan trọng sang Mỹ của ông Tập Cận Bình đã xảy ra một biến cố ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, được báo chí nước ngoài coi là một « cơn bão táp chính trị », một « cơn địa chấn » thay đổi thế thăng bằng nội bộ trong cơ cấu lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc trước đại hội đảng vào mùa Thu năm nay.

Vào ngày này, Vương Lập Quân, một « người hùng chống băng đảng » của thành phố Trùng Khánh trên 30 triệu dân, một phó thị trưởng kiêm giám đốc công an vừa được cho « nghỉ dưỡng sức », đã giả dạng thường dân đi xe đến toà lãnh sự Mỹ ở Thành Đô cách đó 340 km. Theo nguồn tin ngoại giao, sau trên 10 giờ thương thảo căng thẳng giữa ba bên (phái viên Trùng Khánh, người Mỹ và nhà cầm quyền Bắc Kinh), ông Vương đã « tự ý ra đi » (theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ). Bên ngoài, khoảng 70 xe của công an Trùng Khánh đã bao vây, chờ sẵn để đưa ông Vương Lập Quân về Trùng Khánh. Nhưng phái viên của ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Trung Quốc đã áp tải ông Vương lên máy bay về Bắc Kinh sáng ngày 8/2/2012 để điều tra.

Có phần chắc ông Vương đã xin tị nạn mặc dù phát ngôn viên toà đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh « miễn bình luận » về tin đồn này. Tân hoa xã ngày 9/2/2012 đành phải thừa nhận « ông Vương Lập Quân đã đến Tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Đô và ở lại đó một ngày ».

Sự cố trên có tầm mức rất nghiêm trọng vì ba lý do. Trước hết, đây là lần đầu tiên một viên chức cấp cao của Trung quốc đã tìm cách xin tị nạn trên lãnh thổ của mình. Thứ hai, ông Vương Lập Quân từng là cánh tay phải của ông Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh, một « siêu sao » trên chính trường Trung quốc từ hơn một năm nay và là ứng viên sáng giá nhất trong số bảy ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị sẽ được bàu lại tại đại hội đảng lần thứ 18 sắp tới (1). Sự việc xảy ra sẽ có ảnh hưởng không những đến tương lai chính trị của ông Bạc Hy Lai mà cả « mô thức Trùng Khánh » mà ông Bạc là tiêu biểu. Thứ ba, đây là lần đầu tiên các tin đồn chính trị quan trọng đã được loan tải rộng rãi trên trang mạng xã hội mặc dù sự ngăn chặn của guồng máy kiểm duyệt từ nhà cầm quyền Trung Quốc.

Các tin đồn và làn sóng tự do trên trang mạng Trung Quốc

Với 495 triệu người Trung quốc sử dụng internet, có đến 195 triệu dùng trang mạng xã hội mà Weibo, phiên bản Twitter của Trung quốc được coi là nắm độc quyền. Chỉ từ một tin 140 chữ (geek) được một blog cá nhân đem lên là giây lát sau hàng trăm ngàn người đã nhận được thông tin và từ đó nhân rộng lên (chưa kể phần trả lời). Nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc đã bất lực trong vấn đề kiểm duyệt dù đã ngăn chận các từ khoá như : Vương Lập Quân, Bạc Hy Lai, tị nạn chính trị,…(2).

Trong các tin đồn được đưa lên mạng trong biến cố về Vương Lập Quân, người ta thấy các tin này nhiều khi trái ngược nhau. Có tin nói trước đó 11 cộng sự viên của ông Vương đã bị bắt giữ vì có dính líu đến một vụ cấu kết băng đảng (vụ Tieling). Ông Vương e sợ bị ông Bạc Hy Lai hy sinh. Nhưng tin được nhiều người chia sẻ cho rằng ông Vương biết được bà vợ ông Bạc đã chuyển nhiều tiền mờ ám ra nước ngoài nên gửi đơn tố cáo lên Ban kiểm tra trung ương đảng vào ngày 2/2/2012. Một tin cho biết ông Vương đã có thư ngỏ sau khi bị cho nghỉ việc tố cáo ông Bạc là « đạo đức giả », tham nhũng và « xã hội đen lớn nhất của Trung Quốc ». Một tin cho rằng ông Vương đã tuyên bố khi ra khỏi tòa lãnh sự Mỹ: « Tôi là con dê tế thần của Bạc Hy Lai. Giữa ông ta và tôi là cuộc chiến sinh tử. Tôi đã chuyển hồ sơ ông ta ra nước ngoài ». Tin ông Vương đưa đơn tố cáo vào ngày 2/2/2012 đã được tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post loan tải. Ngày 2/2/2012 cũng là ngày ông Vương bị cho « nghỉ dưỡng sức » trong chức vụ giám đốc công an (với bàn chẩn đoán xác nhận ông Vương bị trầm cảm được đưa lên mạng). Sự trùng hợp hai sự cố cùng một ngày có thể cho ta nhiều suy diễn khác nhau.

Ngoài những tin đồn về mối mâu thuẫn nội bộ Vương-Bạc, một số tin đồn khác cho rằng biến động về ông Vương là hậu quả của cuộc tranh chấp quyền lực trước thềm đại hội 18. Ông Vương chỉ là con tốt thí. Việc hạ tầng ông Vương và đưa một người của phái Thành đoàn lên thay là muốn nhắm vào ông Bạc Hy Lai. Ông Bạc đành phải hy sinh ông Vương để cứu lấy mình. Và ông Vương đã không chấp nhận thân phận này.

Cuộc đấu đá nội bộ và phe phái

Tờ South China Morning Post ngày 22/2/2012 trích dẫn nguồn tin từ Hội nhân quyền dân chủ tại Hồng Kông cho biết ông Bạc Hy Lai đã nhận trách nhiệm về ông Vương và đệ đơn từ chức. Tuy nhiên, ngày 21/2/2012, đài truyền hình quốc gia vẫn cho đăng tải hình ảnh ông Bạc Hy Lai trong một cuộc họp mặt chính trị khiến cho người ta chưa thể biết chắc số phận ông Bạc ra sao. Nhưng ông Bạc ở trong thế rung rinh.

Ông Bạc Hy Lai (62 tuổi) được coi là một thành phần sáng giá của phái Thái tử đảng (clan des Princes), tương tự như ông Tập Cận Bình. Đây là một liên minh khá tản mát bao gồm con cái các công thần sáng lập đảng (dù đa số đã từng bị thất sủng trong Cách mạng văn hoá và sau đó được phục hồi). Phái này tự coi là gìn giữ di sản cộng sản và coi mình đương nhiên có quyền lãnh đạo. Tuy nhiên, trong phái Thái tử đảng có hai khuynh hướng khác nhau. Ông Bạc Hy Lai thuộc phái tả khuynh Tân Mao, đưa ra mô thức Trùng Khánh (đối nghịch với mô thức Quảng Đông tự do hơn của bí thư tỉnh Uông Dương). Trong mô thức Trùng Khánh, các bài ca cách mạng được loan truyền rộng rãi (phong trào « ca Hồng, đả Hắc », chưa kể một số các khẩu hiệu của Mao được loan tải rộng rãi trên điện thoại di động); việc chống băng đảng được thực hiện triệt để, mạnh tay, đi quá khuôn khổ luật pháp (3), chương trình an sinh xã hội, xây nhà rẻ tiền cho nông dân chuyển hộ khẩu được thực hiện nhanh chóng.Trong khi đó, ông Tập Cận Bình thuộc phái Thượng Hải (ông từng là bí thư thành ủy Thượng Hải), được sự che chở của ông Giang Trạch Dân, người đã từng lãnh đạo đảng trong mười năm. Phái Thượng Hải tự do hơn, chủ trương phát triển bằng mọi giá, ưu đãi các vùng giàu có và các tư bản đỏ (thuyết Ba đại diện của Giang Trạch Dân). Giới thạo tin tiết lộ là ông Bạc Hy Lai đã được ông Giang Trạch Dân của phái Thượng Hải ủng hộ vì thân phụ của ông là Bạc Nhất Ba, một trong « Bát bất tử » được hồi phục, đã giúp ông Giang trong cuộc tranh giành quyền lực. Nhưng hiện nay ông Giang không còn ảnh hưởng đáng kể.

Cả hai phe phái liên minh Thái tử đảng và Thương Hải có một đối thủ : phái Thành đoàn (clan des Jeunesses communistes) mà ông Hồ Cẩm Đào là đại biểu. Phái Thành đoàn chiếm đa số và bao gồm những thành phần xuất thân khiêm tốn nhưng đã trưởng thành trong Đoàn Thanh niên cộng sản. Phái này có khuynh hướng dân túy (populiste), chú trọng các vùng nông thôn, nghèo khó, bảo vệ môi trường (chủ trương Xã hội hài hoà của ông Hồ Cẩm Đào), không nhắc đến quá khứ cũng như dị ứng với các Thái tử đảng kiêu ngạo.

Việc phái Thành đoàn của ông Hồ Cẩm Đào chấp nhận để ông Tập Cận Bình phái Thái tử đảng thay thế mình sau này phát xuất từ một cuộc thăm dò hạn chế năm 2007 và đã được Wikileaks tiết lộ. Ông Tập Cận Bình là con của một Phó thủ tướng từng chiến đấu ở Diên An, bị thất sủng và giam giữ 16 năm nhưng sau này hồi phục. Ông Tập thuở thiếu thời đã hoạt động ở nông thôn, làm việc hăng say, khiêm tốn và biết dung hoà các khuynh hướng và quyền lợi đối nghịch. Đây là ưu điểm chính.

Ông Bạc Hy Lai tuy thuộc phái Thái tử đảng (có cha từng là Phó thủ tướng, bị giam giữ, hành hạ 10 năm thời cách mạng văn hoá, mẹ bị đánh chết) nhưng lại có một nhân cách khác hẳn ông Tập. Ông Bạc đẹp trai, ăn nói lôi cuốn, có khuynh hướng dân túy tả khuynh, được báo nước ngoài coi như một Kennedy của Trung Quốc. Có báo ngoại quốc cho rằng nếu để đại hội 18 tự do bầu thì ông Bạc sẽ dẫn đầu. Ông Bạc nổi tiếng chủ yếu do thành tích dẹp băng đảng (triades-một loại hội kín có từ thời Mãn Thanh) mà công đầu là ông Vương Lập Quân (52 tuổi), đã được ông điều về từ Liêu Ninh.

Ông Bạc Hy Lai mặc dù được nổi tiếng nhưng con đường hoạn lộ không bằng phẳng. Năm 2007, việc ông đang là Bộ trưởng thương mại và vận động ghế Phó thủ tướng nhưng cuối cùng được đưa về Trùng Khánh có thể coi là một hình thức thất sủng đưa đi xa Bắc Kinh theo tiết lộ của Wikileaks (4). Ông Bạc đã biến thách thức trở nên một thành công ngoài dự đoán của cấp lãnh đạo đảng. Cấp lãnh đạo hiện nay, đặc biệt là ông Hồ Cẩm Đào của phái Thành đoàn hoàn toàn không có thiện cảm với ông Bạc. Ông Bạc không thực hiện những chỉ thị của Bắc Kinh, coi thường ông Hồ, và để lộ liễu tham vọng không bờ bến. Ông lại muốn chơi trội nên đã phạm một số sai lầm lớn. Tháng 6/2011, ông Bạc dẫn một hồng ca đoàn 500 người lên Bắc Kinh trình diễn nhưng cả chín thành viên của ban Thường vụ đều không tham dự. Sau đó, ông lại cho đăng tải trên Trùng Khánh nhật báo một bài phỏng vấn một người bà con của ông Hồ ca tụng thành tích của ông Bạc. Đây là một hành động đề cao thiếu tế nhị. Tháng 11/2011, trong khi ông Hồ Cẩm Đào đang tham dự hội nghị APEC, ông Bạc đã tổ chức một cuộc duyệt binh đại quy mô ở Trùng Khánh như muốn thách thức Bắc Kinh.

Nhưng ngay cả với ông Tập Cận Bình và các nhà lão thành cách mạng của phái Thái tử đảng, ông Bạc cũng có vấn đề. Phong cách mị dân, tả khuynh, coi thường các phe phái khác, nhất là muốn chơi trội, chắc chắn khiến ông Tập e ngại. Các nhà lão thành cách mạng cũng không thể quên được chi tiết đăng tải trên Wikileaks theo đó ông Bạc đã làm đơn tố cáo và từ cha trong khi ông Bạc Nhất Ba bị giam cầm (dù sau này cha ông đã tha thứ và tiếp tục vận động cho con). Thật là trái ngược với chi tiết ông Tập Cận Bình làm mười lá đơn để xin khoan hồng cho cha.

Cũng cần ghi nhận một chi tiết: mặc dù ông Bạc theo khuynh hướng Tân Mao nhưng đã cho gửi con theo học đại học danh tiếng ở Anh (Oxford) và Mỹ (Harvard). Vợ ông là luật sư thành công trong một vụ kiện ở nước ngoài.

Tương lai đầy bất trắc của đại hội 18

Những tin tức mới nhất cho thấy Bắc Kinh muốn làm giảm cường độ trầm trọng của vấn đề khi để cho phát ngôn viên Quốc hội đưa ra hai thông tin: ông Vương vẫn tiếp tục bị điều tra nhưng vẫn còn giữ chức vụ đại biểu Quốc hội và không có bất đồng, mâu thuẫn giữa hai ông Vương và Bạc. Về thông tin thứ nhất, đây chỉ là thông lệ khi một đại biểu Quốc hội chưa bị đưa ra toà xét xử. Về thông tin thứ hai, lời tuyên bố của phát ngôn viên Quốc hội nếu không muốn nói là dối trá « theo lệnh trên » thì chỉ làm cho những dấu hỏi liên quan đến lý do đào thoát của ông Vương ở toà lãnh sự Mỹ càng tăng thêm. Mười giờ trong lãnh sự quán Mỹ của ông Vương sẽ tiếp tục là một bí ẩn mà các phe liên hệ đều muốn che dấu, kể cả phía Mỹ.
Chúng ta có thể tin chắc là kết quả thực điều tra ông Vương sẽ được giữ kín và chỉ cho phổ biến những gì theo sự dàn xếp trong thượng tầng giữa hai phe Thái tử đảng và Đoàn phái.

Theo sự nhận định chung, phe Đoàn phái có thể sẽ không làm mất mặt quá đáng ông Bạc Hy Lai nhưng chắc chắn ông Vương đã mất hết cơ hội để có mặt ở Ban Thường vụ Bộ chính trị. Có thể ông Bạc sẽ giữ một chức vụ tượng trưng trong Quốc hội.

Trong mọi trường hợp, Đại hội đảng tháng 10/2012 sẽ có nhiều pha « cụp lạc » trong việc tranh giành quyền lực giữa hai phe. Tương lai những bước đi sắp tới của Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào kết quả của cuộc thư hùng này.

Rennes 03/03/2012
Tiến Hồng

(1) Bộ chính trị Trung Quốc gồm 25 ủy viên trong đó có 9 thành viên nằm trong Ban thường vụ. Vào tháng 10/2012, hai thành viên được coi là chắc chắn được bầu lại trong Ban thường vụ là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã lãnh đạo hai nhiệm kỳ không thể được tái cử theo quy định của đảng.

(2) Kể từ 16/3/2012, các cá nhân muốn được đăng ký vào trang mạng weibo phải khai rõ danh tính và ID của máy tính. Đây là một đòn mạnh mà nhà cầm quyền Trung quốc đánh vào người sử dụng trang mạng xã hội.

(3) Trong chiến dịch “Trùng Khánh an bình” phát động cách đây ba năm, trên 500 băng đảng (ma túy, gái điếm, cờ bạc, vũ khí) bị loại trừ, 5.700 người bị bắt giữ, 35% bị đưa ra xét xử với hàng chục án tử hình, 77 viên chức bảo kê bị bắt giữ trong đó có cựu giám đốc công an và tư pháp bị án tử hình. Trong chiến dịch này, ông Vương được coi là anh hùng với hàng chục vết thương và được gợi hứng dựng thành phim truyện. Tuy nhiên phương thức thực hiện hoàn toàn đi ra ngoài khuôn khổ luật pháp (tra tấn bị cáo, chỉ dựa vào ép buộc tố giác, xét xử cấp bách với án định sẵn, bào chữa bị coi thường). Nhiều luật sư Trung quốc ở Trùng Khánh bị cản trở kể cả bị bắt giam khi biện hộ cho bị cáo.

(4) Ngoài lý do không được ông Ôn Gia Bảo chấp nhận, ông Bạc lại có vấn đề liên quan đến Pháp luân công. Ông đã cho ông Vương Lập Quân bắt giữ, tra tấn (kể cả lấy các bộ phận) khoảng 500 người của Pháp luân công trong thời gian ở Liêu Ninh năm 2002. Ông đã bị phái này đề nghị truy tố trên hàng chục nước nên là một cản trở cho việc tiếp xúc với nước ngoài khi ông làm bộ trưởng thương mại năm 2004. Khi cặp Bạc-Vương ở Trùng Khánh, việc bắt giữ và hành hạ Pháp luân công vẫn tiếp diễn với khoảng 360 người trong năm 2011.

.
.
.


1 comment:

Anonymous said...

HAY QUÁ