TỰ DO NGÔN LUẬN - Tiếng Nói của Người Dân Việt Nam Đòi Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận
1- "Đoàn Văn Vươn. Gió Tiên Lãng thổi anh ra khắp nước. Lấy mạng sống giữ ruộng vườn. Khi chính quyền thành bọn cướp. Từ thân phận con lươn. Anh nổ súng trước. Để được làm con người. Đất của dân máu và nước mắt. Sao cướp ngày đến cướp mồ hôi ?... Ông thủ tướng phải về Hải Phòng tháo ngòi nổ. Nông dân bị đẩy tới chân tường. Trời tích bão nén cuồng phong phẫn nộ..." Đấy là những vần thơ đầy hào khí của nhà văn Trần Mạnh Hảo, nêu bật hai anh hùng nông dân Đoàn Văn Vươn - Đoàn Văn Quý như những ngòi nổ kích bom, những cánh chim báo bão. Quả vậy, cơn cuồng phong phẫn nộ hình thành từ việc gieo gió áp bức của Hồ Chí Minh và đang tích lại do bao chính sách lẫn hành vi cướp đoạt (từ vật chất đến tinh thần) của đảng Cộng sản gần 60 năm nay, trong một tương lai rất gần sẽ bùng lên thành cơn bão. Quả vậy, ngòi nổ mà Nguyễn Tấn Dũng muốn tháo hôm 10-02 đã bị nhóm cường hào ác bá, lũ cát cứ địa phương lắp lại mấy ngày sau đó qua những tuyên bố lếu láo gian trá, coi thường cấp trên, mạ lỵ công luận của tay thành ủy «Gu-gồ chấm Tiên Lãng» tại câu lạc bộ Bạch Đằng, hay qua hành vi vừa dẫn côn đồ đàn áp phá nhà người dân vừa thụ lý hồ sơ xét xử nạn nhân của tay đại tá công an mặt lợn. Ngòi nổ này cũng đang được lắp lại bởi đám thuộc hạ áp bức, bầy «trời con địa phương» khắp mọi miền đất nước, khiến cho nhiều chim báo bão khác chắp cánh cho Đoàn Văn Vươn cũng xuất hiện. Chẳng hạn các đoàn dân oan đang lục tục éo nhau về hang ổ của đảng Cộng sản : «Hôm nay 28-02-2012, hàng trăm nông dân từ Dương Nội (Hà Đông - Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên) tập họp trước trụ sở Mặt trận Tổ quốc (Hà Nội) phản đối tình trạng cưỡng chế đất đai, giải tỏa nghĩa trang. Trong tuần trước, các dân oan Dương Nội, Văn Giang cùng với nông dân Đắk Nông đã kéo về thủ đô yêu cầu phải giải quyết những oan nghiệt tại địa phương. Tại Nam Định, nhiều nông dân đã biểu tình ngồi trước trụ sở chính quyền tỉnh ngày 24-02. Theo thông tin từ Hà Nội, nông dân khiếu kiện đã biến cuộc mít tinh hôm nay thành tuần hành trên đường Bà Triệu và nói sẽ có hành động «mạnh như Đoàn Văn Vươn» nếu không được lắng nghe» (RFI, 28-02-2012).
Những nông dân bị cướp đất này, cùng với những nông dân sắp mất quyền sử dụng đất vào năm tới, khi giáp hạn thời 20 năm bị đặt ra cách độc đoán bởi cái gọi là «Luật đất đai» đầy bất công, phi lý và lừa gạt của Cộng sản, là những cánh chim tiên báo trận cuồng phong vũ bão sẽ quét sạch (có thể là trong máu) cái tập đoàn ác ôn trung ương vốn đã chỉ thòng một câu trong Hiến pháp mà cướp hàng triệu triệu hécta đất của nông dân và các tập đoàn ác ôn địa phương vốn đã và đang trở thành những đại điền chủ còn tham tàn và độc ác hơn thời Thực dân phong kiến (nếu đảng CS không mau chóng phế bỏ hay sửa đổi tận căn luật đất đai này).
2- Một cánh chim báo bão khác đã bay trên bầu trời ngột ngạt tích dông của đất nước và cũng đang sải cánh ra hải ngoại. Đó là nhạc sĩ Việt Khang với hai bài hát: «Việt Nam tôi đâu ?» lẫn «Anh là ai ?» và với những tháng ngày biệt giam vô định trong lao tù Cộng sản. Ngôn từ của Anh tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đã đánh động con Hồng cháu Lạc, đã khơi dậy cơn phẫn nộ nơi nhân tâm về sự tàn ác của một tập đoàn thống trị đã mất hết tình cảm con người, tình nghĩa đồng bào và tình tự dân tộc : «Xin hỏi, anh là ai ? Sao bắt tôi ? tôi làm điều gì sai ?Xin hỏi anh là ai ? Sao đánh tôi, chẳng một chút nương tay ? Xin hỏi anh là ai ? Không cho tôi xuống đường để tỏ bày. Tình yêu quê hương này, dân tộc này, đã quá nhiều đắng cay...». Những ngôn từ đó cũng khơi dậy nỗi ưu tư khắc khoải nơi dòng dõi Tiên Rồng về nguy cơ đô hộ và diệt chủng do bàn tay của lũ ngoại thù cướp nước và lũ nội thù bán nước: «...Tôi không thể ngồi yên. Khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng. Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm. Một nghìn năm hay triền miên tăm tối. Tôi không thể ngồi yên. Để sau này con cháu tôi làm người. Cội nguồn đâu khi thế giới này không còn Việt Nam». Cánh chim Việt Khang này đang gây ra cơn bão chữ ký của hơn 100.000 người Việt thuộc cộng đồng tỵ nạn tại Hoa Kỳ và nhiều cơn bão nữa trong tương lai tại các cộng đồng tỵ nạn hải ngoại khác cũng như nhiều tác động lên đường lối bang giao với Hà Nội của nhiều chính phủ dân chủ.
Dĩ nhiên, cùng với tù nhân lương tâm Việt Khang, còn nhiều tù nhân lương tâm khác cũng là những cánh chim báo bão đang khiến công luận xôn xao phẫn nộ, đang phơi bày tất cả bộ mặt nhân quyền lem luốc của tập đoàn Ba Đình, đang làm dấy lên vô số chiến dịch đòi can thiệp và đòi tự do cho họ, đang khơi dậy những phong trào yêu nước, tổ chức đấu tranh nhằm giải thể chế độ độc tài độc đảng. Nào là những Trần Huỳnh Duy Thức, những Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, những Đỗ Thị Minh Hạnh, những Phạm Thanh Nghiên, những Trần Anh Kim, những Vi Đức Hồi, những Bùi Thị Minh Hằng, những Nguyễn Xuân Nghĩa, những Cù Huy Hà Vũ v.v. và v.v....
3- Trong lãnh vực tôn giáo cũng không thiếu nhiều cánh chim báo bão. Sau cánh chim báo bão đang bị nhốt trong lồng tại một tu viện ở Ninh Bình (do tay trong lẫn tay ngoài) là Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, một cánh chim báo bão khác là Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh vốn đã xuất hiện với nhiều lời nói thẳng thắn phê bình chế độ, nhiều hành động bất chấp cấm cản của nhà cầm quyền, nhiều cử chỉ hiệp thông sâu sắc với các nạn nhân bị áp bức, nhiều lối ứng xử đúng với tư cách một mục tử sẵn sàng vì đoàn chiên mà thí mạng. Cánh chim đó từ lâu đã bị gây khó dễ bằng nhiều cách và mới đây đã bị dằn mặt qua việc chính quyền Kon Tum sai côn đồ đả thương một thuộc cấp của ngài, linh mục Nguyễn Quang Hoa hôm 24-02 sau một chuyến hành lễ. Nhiều cánh chim báo bão khác cũng đã xuất hiện từ lâu nơi bản thân Hòa thượng Thích Quảng Độ, ứng viên giải Nobel Hòa bình, vốn đang bị nhốt trong lồng «Thanh Minh Thiền viện», nơi bản thân Linh mục Nguyễn Văn Lý, ứng viên giải Sakharov Nhân quyền, vốn đang bị nhốt trong lồng «Nam Hà Kim Bảng», nơi bản thân mục sư Dương Kim Khải, chiến sĩ của dân oan, vốn đang bị nhốt trong lồng «tù ngục Bến Tre», nơi những tín đồ Hòa Hảo bị áp bức triền miên đến độ tuyên bố sẵn sàng tự thiêu giành lại quyền tự do tôn giáo (x. bản tin của Á châu Tự do ngày 24-02-2012), nơi cả một cộng đoàn tu sĩ, Dòng Chúa Cứu Thế (nay được công luận gọi là Dòng Chúa Cứu Nước cho cụ thể), vốn đã và đang lên tiếng cách dõng dạc cho công lý, cho nhân quyền tại Sài Gòn lẫn Hà Nội, cũng như đã bao phen lãnh đòn thù trên thân xác lẫn cơ sở từ một nhà cầm quyền chuyên sử dụng côn đồ và mang bản chất côn đồ.
Những cánh chim báo bão từ trong tôn giáo đó đang khiến cho Hà Nội kinh hoảng, thành ra Nguyễn Tấn Dũng phải tức tốc đặt một tướng công an (Phạm Dũng) làm trưởng ban tôn giáo và mới có lời cảnh báo gần đây từ Ba Đình (x. Á châu Tự do ngày 28-02-2012) : «Chính phủ Việt Nam cảnh báo cán bộ quản lý tôn giáo và chính quyền các cấp không được để xảy ra các điểm nóng về tôn giáo trong năm 2012. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại một Hội nghị tổ chức tại Hà Nội vào hôm nay (28-2). Các báo cáo tại Hội nghị cho thấy năm 2011 vấn đề khiếu kiện đòi các cơ sở và đất đai sở hữu của các tôn giáo đã bớt gay gắt. Báo cáo cũng cho rằng “đã có bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước để hạn chế sự phát triển không bình thường của đạo Tin Lành tại Việt Nam”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các ban ngành là năm 2012, công tác tôn giáo sẽ có nhiều biến động. Theo lời ông, các vấn đề dân tộc và tôn giáo có thể bị những thành phần mà ông gọi là “các thế lực thù địch phản động” tiếp tục lợi dụng để chống phá Nhà nước ».
4- Cũng phải coi như những cánh chim báo bão là các nạn nhân vô tội đã chết từ bàn tay của công an, bọn kiêu binh thời mới, mà sau bao tháng ngày vẫn không đòi được công lý và đang gây một làn sóng căm phẫn trong mọi giới đồng bào. Đó là anh Nguyễn Công Nhựt, bị cái gọi là «Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao» rốt cục vu khống tự tử trong đồn công an Bình Dương, đó là ông Trịnh Xuân Tùng, chỉ được «giải oan» bằng cái án nhẹ hều cho tên trung tá Hà Nội đã đánh ông gãy cổ, đó là em Lê Xuân Dũng và ông Lê Hữu Nam ở Thanh Hóa bị cho là đã chết vì «đạn lạc», và gần cả trăm nạn nhân khác của cái lực lượng «chỉ biết còn đảng còn mình». Tất cả đang tạo nên một con sóng ngầm, một đám mây tích điện, một ngòi nổ kích bom. Như bài thơ năm nào của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện : «Trong bóng đêm đè nghẹt. Phục sẵn một mặt trời. Trong đau khổ không lời. Phục sẵn toàn sấm sét. Trong lớp người đói rét. Phục sẵn những đoàn quân. Khi vận nước xoay vần. Tất cả thành nguyên tử».
Cũng có thể xem như cánh chim báo bão là tình trạng ngày càng tồi tệ của nền kinh tế, tài chánh quốc gia, là sự sụp đổ của các ngân hàng, sự vỡ nợ của các tập đoàn công nghiệp, như cảnh báo gần đây của ông Châu Xuân Nguyễn, chuyên viên kinh tế từ hải ngoại từng được chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngỏ ý mời làm cố vấn : «Kinh tế khủng hoảng bắt đầu ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng. Bất động sản tê liệt và không vực dậy được trong ít nhất 3 năm, Thị tường Chứng khoán đang bị vực dậy giả tạo vì lãi suất còn rất cao và thanh khoản Ngân hàng (NH) là bế tắc. Hệ thống NH đang trên đà suy sụp vì thanh khoản yếu kém. Doanh nghiệp Nhà nước thì chỉ chờ chết mà thôi vì tham nhũng băng hoại tất cả 21 Tập đoàn và Tổng Công ty. Điều quan trọng là 90 triệu dân nhìn thấy sự bất tài của CS trong việc giải quyết những vấn nạn này và một thành phần đại đa số người dân nhìn thấy khủng hoảng này: sẽ có rất nhiều Doanh nghiệp không bao giờ mở cửa lại và viễn ảnh khủng hoảng này kéo dài ít nhất 3 năm, nếu không là 5 năm nữa» (Lời kêu gọi cá nhân gởi tới 90 triệu đồng bào).
Đảng Cộng sản đang lo âu trước những cơn bão này và vừa tổ chức «Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4» nhằm chỉnh đốn đảng hôm 27-02 tại Hà Nội. Nhưng với não trạng khư khư giữ lấy quyền lực độc tài, cải cách kinh tế hơn là cải tổ chính trị, vừa hô hào nhau sống đạo đức vừa bao che nhau làm tội ác, coi mọi tác nhân thúc đẩy tự do dân chủ, sự thật công lý là «lực lượng thù địch», thì thử hỏi cái đảng đó có sống sót chăng qua cơn bão định mệnh đang ló dạng ở chân trời?
Ban Biên Tập (số 142, ngày 01-03-2012)
DOWNLOAD :
.
.
.
No comments:
Post a Comment