Sunday, July 3, 2011

Báo TỔ QUỐC - SỐ 114 - NGÀY 1-7-2011



Thư tòa soạn
Phát hành 01/07/2011

Những thông điệp đến từ Trung Quốc

Những khiêu khích liên tục vừa qua trên Biển Đông – trong đó cần nhấn mạnh là Trung Quốc đã tấn công các tầu Việt Nam đang hoạt động rất sâu trong lãnh hải Việt Nam – không chỉ là một bước leo thang mới. Chúng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trung Quốc đã khẳng định một cách dứt khoát quyết tâm chiếm đoạt Biển Đông bằng mọi giá.
            Cám dỗ của Biển Đông đã phải rất lớn mới có thể khiến Trung Quốc uy hiếp và gây thù hận với Việt Nam, một nước láng giềng lớn mà những người cầm quyền đã chấp nhận làm chư hầu cho họ. Hơn thế nữa Việt Nam còn là một đối tác kinh tế quan trọng và thuận lợi, hàng năm đem lại cho Trung Quốc một khối thặng dư ngoại thương trên 10 tỷ USD, chưa kể số hàng lậu khổng lồ được đưa vào Việt Nam một cách gần như không có kiểm soát. Quan hệ giữa hai nước đang có lợi lớn cho Trung Quốc.
            Như vậy thông điệp đầu tiên đến từ Trung Quốc là sự gia tăng gây hấn hiện nay nằm trong một chọn lựa chiến lược có suy tính và không thể đảo ngược. Việt Nam không còn gì để mất nếu chọn thái độ đương đầu, ngược lại quỵ lụy cầu xin một giải pháp song phương như Hà Nội vẫn làm và còn vừa làm qua bản "thông tin báo chí chung" ngày 27-6 vừa qua chỉ là khờ khạo.
            Cơ bản hơn, thông điệp thứ hai là Trung Quốc không tin rằng chủ nghĩa Mác-Lênin và chế độ cộng sản có thể tồn tại được như một mô hình chính trị trong trật tự thế giới đang thành hình. Nếu tin như thế chắc chắn Trung Quốc đã tìm mọi cách để xiết chặt quan hệ hữu nghị thay vì gây hấn với nước láng giềng "xã hội chủ nghĩa anh em" Việt Nam. Sau cùng là một thông điệp về nội tình Trung Quốc. Mô hình phát triển của Trung Quốc đã đạt tới giới hạn của nó và đã tích lũy đủ mâu thuẫn để đưa đến xung đột bên trong như nhiều thông tin đang xác nhận. Dựng lên những kẻ thù ở bên ngoài để xoa dịu những rạn nứt bên trong là bài bản cố hữu của mọi chế độ độc tài. Trung Quốc đang cần một kẻ thù. Việt Nam phải phản ứng -bởi vì không phản ứng chỉ là dại dột- nhưng cũng phải phản ứng một cách thông minh để không tạo lý cớ cho Trung Quốc gây chiến.
            Phản ứng hiển nhiên là trước hết dựa vào công pháp quốc tế; đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An LHQ, tìm kiếm một đối sách chung với các nước ASEAN, và nhất là tranh thủ sự hỗ trợ của thế giới. Hoa Kỳ và các cường quốc dân chủ vừa có khả năng vừa có nhu cầu áp đặt một cách ứng xử văn minh. Một biện pháp cụ thể khác là triệu hồi đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc để buộc Trung Quốc cũng phải rút đại sứ của họ về. Trước thái độ ngạo nghễ của sứ quán Trung Quốc, hạ thấp mức độ đại diện ngoại giao giữa hai nước cũng là giảm bớt lý do căng thẳng.
            Chính quyền cộng sản Việt Nam đã không chọn cách ứng xử hiển nhiên này vì nó đòi hỏi một thay đổi chính trị mà họ từ chối. Một mặt, dù muốn và cần ngăn chặn sự lộng hành của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước nước dân chủ cũng không thể bảo vệ một chế độ trắng trợn đàn áp nhân quyền. Mặt khác bài học của muôn đời là chỉ chống được ngoại xâm nếu có đoàn kết dân tộc, nghĩa là nếu những người cầm quyền chấp nhận điều mà mọi người Việt Nam đều muốn: dân chủ.
            Tình thế hiểm nghèo hiện nay một lần nữa phơi bày mâu thuẫn gay gắt giữa quyền lợi của đất nước và quyền lợi của chế độ. Chính quyền này sẽ còn gây tổn hại cho đất nước đến bao giờ?
Ban biên tập Tổ Quốc


01 – 07 – 2011
Nhóm trí thức yêu nước Việt Nam trong và ngoài nước phối hợp thực hiện

Số 114 . Ngày 01 – 07 – 2011

Mục Lục

Thư tòa soạn : Những thông điệp đến từ Trung Quốc
Nguyễn Thanh Giang : Hoa Kỳ cần đền đáp quá khứ đau thương bằng hành động bảo vệ Việt Nam trước họa xâm lăng của Trung Quốc
Việt Hoàng : Ví sao chúng ta cần đến tổ chức
Nguyễn Trọng Vĩnh : Nhân vụ tàu Viking 2
Văn Công Hùng : Sóng đã nổi và chân trời đã gió
Nguyễn Văn Huy : Đảng cộng sản Việt Nam phải chọn lựa
Nguyễn Gia Thưởng : Trước khi đánh người phải biết giữ mình
Tiêu Dao Bảo Cự : " Toàn dân nghe chăng ? Sơn hà nguy biến !"
Bùi Tín : Tình bạn Mỹ Việt giữa hiểm họa bành trư
Thanh Trúc : Thầy giáo Nguyễn Thượng Long tường thuật lại vụ bị công an sách nhiễu
Carlyle A. Thayer : Chiến mược của Trung Quốc trên biển Đông và triển vọng xung đột vũ trang
Trần Văn Lệ : Thơ. Hỡi tất cả đồng bào ! Đứng dậy !
Đào Như : Giục giã Biển Đông
Trần Lâm : Vụ án Cù Huy Hà Vũ một góc nhìn
Vi Đức Hồi : Đối mặt

.
.
.

No comments: