Saturday, July 16, 2011

Bán Nguyệt San TỰ DO NGÔN LUẬN - SỐ 127 - NGÀY 15-7-2011



Tránh né là một trong những sở trường của Việt cộng. Điều này đã bắt nguồn từ nguyên thủy, nơi con người Hồ Chí Minh. Đầu thế kỷ thứ 20, khi nổi lên làn sóng cách mạng mang tên Phong trào Đông Du với lực lượng nòng cốt cổ động và thực hiện là Duy Tân Hội lẫn cụ Phan Bội Châu và với mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập cho nước nhà, thì có một thanh niên tên Nguyễn Tất Thành cũng lên đường ra khỏi nước mùa hè năm 1911. Hôm 31-5-2011, 100 năm sau sự kiện đó, tại Sài Gòn đã diễn ra cuộc Hội thảo với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước”, được tổ chức do Thành ủy đảng CS thành Hồ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Hành chánh Quốc gia, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Thế nhưng, lịch sử giờ đây cho thấy anh cựu học sinh trường Quốc học Huế ấy chẳng hề ra đi tìm đường cứu nước theo lời kêu gọi của cụ Phan và theo gương bằng hữu ái quốc đương thời, mà chỉ ra đi tìm đường cứu nhà thôi: trước hết là tìm sinh kế cho riêng mình qua việc viết thư từ trên tàu Amiral Latouche-Tréville xin tổng thống Pháp cho vào học Trường Thuộc địa để sau về làm quan cho giặc (thư ngày 15-09-1911); thứ đến là tìm sinh kế cho thân phụ đang bị triều đình bãi chức qua việc viết thư từ New York cho khâm sứ Pháp tại Huế, xin ông cho cha mình “được nhận một công việc như thừa biện ở các bộ, hoặc huấn đạo, hay giáo thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quý của Ngài” (thư ngày 15-12-1912).

Về sau, đang khi các nhà cách mạng Việt Nam như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh tìm cách khôi phục nền độc lập đích thực cho đất nước bằng con đường nhân bản và dân chủ thì Hồ Chí Minh lại tránh né mà đưa cả dân tộc vào ách nô lệ của Cộng sản Nga Tàu. Tiếp đến, sau khi kết thúc cuộc Cải cách ruộng đất tàn khốc đẫm máu, giết chết cả nửa triệu đồng bào, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã nêu lên những vi phạm nguyên tắc pháp lý rất trầm trọng trong vụ việc này, với ngầm ý quy trách cho “Hồ Chủ tịch”. Ông ta liền tránh né trách nhiệm bằng cách đẩy Võ Nguyên Giáp (được tưởng là “người hùng Điện Biên” lúc ấy) ra đọc lời công nhận có sai lầm trong buổi mít-tinh ở Nhà Hát lớn Hà Nội ngày 29-10-1956, và sau đó bằng cách đầy đọa đến chết vị Luật sư vừa tài ba vừa can đảm….

Não trạng tránh né trách nhiệm trước quốc dân như thế đã được di truyền cho các thế hệ lãnh đạo CSVN mãi tới hôm nay. Như năm 1974, lúc Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền cai quản của Việt Nam Cộng Hòa, Hà Nội vẫn “tuyệt bất động thủ, thủ khẩu như bình, bình chân như vại”. Như năm 1988, những hành động khiêu khích của các chiến hạm Trung Cộng tại Trường Sa đã khiến tình hình căng thẳng tột độ. Trước hiện trạng đó, bộ tư lệnh hải quân đã báo cáo tình hình liên tục lên Bộ Chính trị để xin câu trả lời "Trung Quốc là bạn hay thù?" và xin lệnh hành động, nhưng đã chẳng bao giờ có lệnh hành động cũng chẳng có câu trả lời. Rốt cuộc, các tàu quân vận cùng bộ đội thủy thủ Việt Nam hôm ấy đã trở thành mục tiêu sống cho các chiến hạm của giặc, và hai hải đảo của Tổ quốc bị xâm chiếm. Báo chí nhà nước lúc đó (hẳn nhiên là được lệnh từ Bộ Chính trị) cũng hoàn toàn yên lặng về biến cố này.

Các sự kiện gần đây liên quan đến tình hình Biển Đông và trò gây hấn của Trung Cộng càng cho thấy rõ thái độ tránh né của lãnh đạo đảng và nhà nước Việt cộng.

Trước hết xin nói về Hội nghị Trung ương 2 khoá 11 của đảng CSVN. Khai mạc từ hôm mồng 4 và kéo dài tới mồng 10-7-2011, hội nghị này diễn ra trong thời điểm đất nước đang đứng trước nhiều thử thách rất nghiêm trọng. Đó là các hành động có tính toán của nhà cầm quyền Trung cộng: trắng trợn xâm phạm hải phận VN và ngang nhiên ngăn chặn các hoạt động kinh tế của VN trên hải phận này. Cụ thể là đã hai lần (26-05 và 09-06-2011) cho các tầu hải giám và ngư chính (chiến hạm trá hình của Trung cộng) cắt cáp thăm dò địa chấn của các tầu thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Thế nhưng, ngay trong phần mở đầu diễn văn khai mạc Hội nghị, tân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chẳng hề dành một từ nào để nói tới hiểm hoạ to lớn và cận kề của đất nước, trong khi mọi tầng lớp nhân dân đang vô cùng phẫn uất, kể cả một bộ phận quan trọng trong đảng. (Xin lưu ý là trước đó, trong cả hai lần tấn công của Trung cộng, lực lượng hải quân và không quân Việt Nam đều đã bị Bộ Chính trị không cho phép ngăn cản tàu giặc và bảo vệ lãnh hải lẫn các hoạt động kinh tế của đất nước). Trái lại ông Trọng chỉ tô son trát phấn cho đảng, nào là “cả nước vui mừng trước thành công tốt đẹp của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng”, nào là “cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đạt thắng lợi toàn diện, to lớn”, nào là “toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng…”. Rõ ràng Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng một đàng cố mớm cho cả nước những việc mà đại đa số nhân dân chẳng tha thiết quan tâm gì, thậm chí ngán tận cổ; đàng khác tiếp tục thái độ tránh né, chơi trò “đà điểu rúc đầu xuống cát”, hoàn toàn im lặng trước những việc khiến toàn dân, kể cả nhiều đảng viên, hết sức băn khoăn sôi sục. Ngược lại, hầu như toàn bộ thời gian hội nghị chỉ để thảo luận về phương án nhân sự cao cấp và phân chia tranh giành các chức vụ lớn nhỏ. Người ta có nói đến việc đề bạt nhiều nhân vật vô tài bất tướng, thiếu tư cách dư xảo trá vào những chức vụ quan trọng như bộ trưởng Bộ Công an hay viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Thứ đến là việc thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của ban lãnh đạo Việt cộng, hôm 25-06-2011, đã sang Tàu gọi là hội đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung cộng Đới Bỉnh Quốc tại Bắc Kinh. Xảy ra sau những cuộc biểu tình từ Hà Nội đến Sài Gòn của nhân dân, nhất là của giới trí thức và giới sinh viên, chống các vụ Trung cộng xâm phạm hải phận và gây hấn tàu bè Việt Nam, phái đoàn cao cấp bộ Ngoại giao này đã gây sự chú ý và tạo nhiều kỳ vọng. Thế nhưng, khi trở về nước, vẫn là cái cảnh “ra vô cũng thằng cha khi nãy”, sứ bộ Việt cộng vẫn chỉ ca tụng tình hữu nghị “16 chữ vàng” và quan hệ “4 tốt” giữa Việt Nam với Trung Quốc, chỉ nói đến cam kết "giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị". Nghĩa là Việt Nam chấp nhận đàm phán song phương, một phương thức mà Trung Quốc luôn luôn chủ trương để khai thác thế mạnh nước lớn. Vẫn là một kiểu tránh né hết sức bạc nhược của tập đoàn lãnh đạo Việt cộng, chỉ biết đặt sự sống còn của đảng trên sự sống còn của Tổ quốc. Vài ngày sau, Tân Hoa Xã lại hé mở cho biết nội dung đàm phán song phương ấy như sau: a- Đồng thuận về những nguyên tắc cơ bản giữa Việt cộng và Trung cộng để giải quyết những tranh chấp trên Biển giữa hai quốc gia, không cho nước ngoài can thiệp; b- Tuyên bố Hoàng Sa-Trường Sa và các vùng biển vây quanh thuộc chủ quyền Trung Quốc, như Trung cộng đã luôn khẳng định và Công hàm của Việt cộng đã từng thừa nhận; c- Tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình phẩm hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước!?!

Bản tin này, không thấy đăng trên báo chí Việt Nam, đã chẳng những gây thắc mắc mà còn gây phẫn nộ cho toàn thể người Việt trong lẫn ngoài nước. Phản ảnh tâm tình này, 18 nhà trí thức quốc nội đã gởi ngay một kiến nghị ngày 02-07, a- yêu cầu Hồ Xuân Sơn cho biết thông tin do Tân Hoa Xã có đúng sự thật không? Trong trường hợp những thông tin trên của Trung Quốc không chính xác, yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi; b- Cho biết quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của Phạm Văn Đồng năm 1958; c- Thông báo chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc trong buổi gặp đó.

Bộ ngoại giao Việt cộng hứa gặp gỡ giải thích cho nhóm trí thức ấy vào sáng ngày 13-07-2011. Vốn biết từ lâu tâm địa Việt cộng, dư luận đã chẳng đặt hy vọng nhiều vào lời hứa này. Và quả thực, cuộc gặp bất thành hoàn toàn vì bộ Ngoại giao chẳng mời đúng thể thức (kiểu bất lịch sự), chẳng gặp đủ cả nhóm (hay ít nhất những vị đã tỏ thiện chí đến ngồi chờ trước trụ sở của bộ), không phải chính Hồ Xuân Sơn mà là phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới tiếp chuyện. Theo nhận xét của nhiều nhà bình luận, quyết định khinh suất của bộ Ngoại giao Việt cộng chẳng thèm đối thoại với các nhân sỹ trí thức là động thái hết sức phản ngoại giao, chứng tỏ Bộ không hiểu tinh thần yêu nước sôi sục của người dân, không hiểu động lực của thế giới hiện thời và không tính hết hậu quả tai hại mọi mặt do quyết định sai lầm ấy gây ra! Và thật sự một lần nữa Việt cộng lại chơi bài né tránh, nhất là né tránh đặt vấn đề (chưa nói phản bác) bức Công hàm bán nước vô lý trái luật mà Trung cộng vẫn luôn ung dung và ngang ngược dựa vào để bắt bí Việt cộng.

Nói đến thái độ tránh né của lãnh đạo Việt cộng, thiết tưởng cũng nên nói đến sự tránh né kiểu vô trách nhiệm và đáng xấu hổ của nhiều thành phần khác trong xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt nhân những cuộc biểu dương lòng yêu nước suốt các chủ nhật tháng 6 và tháng 7 này. Trước hết đó là sự vắng bóng của tất cả mọi thành viên tân Quốc hội. Một lần nữa, đây cũng chỉ là lũ gia nô chỉ biết nhìn tay và trông mặt ông chủ gần giữa lúc ông chủ gần này cũng chỉ nhìn tay và trông mặt ông chủ xa và lớn nơi Bắc Kinh. Thứ đến là các chỉ huy của hai lực lượng có bổn phận giữ yên bờ cõi và trật tự xã hội. Kể ra họ cũng có mặt, nhưng là để chiêu dụ nhân dân ngưng cuộc biểu tình, nhất là để trấn áp đồng bào như một lũ côn đồ chẳng còn biết mình cũng da vàng máu đỏ, cũng con Hồng cháu Lạc, cũng đồng số phận trên mảnh đất hình chữ S thiêng liêng. Cuối cùng là giới lãnh đạo tinh thần (trí thức dân sự và trí thức tôn giáo). Ngoại trừ những vị dấn thân nhập cuộc biểu tình, phản biện hoặc tranh đấu từ bao lâu nay mà ai cũng biết, giới lãnh đạo tinh thần này xem ra đang để tinh thần của mình cho Cộng sản lãnh đạo qua thái độ dửng dưng với vận nước, lãnh đạm trước lòng ái quốc sôi sục của đồng bào, thờ ơ trước nguy cơ mất Tổ quốc tiêu Dân tộc. Tránh né như thế có yên hàn bản thân và gia đình chăng khi giặc Tàu đã đứng trước cửa?
Ban Biên Tập (số 127, ngày 15-07-2011)

.
.
.

No comments: