Thursday, July 14, 2011

CÁC NHÂN SĨ TRÍ THỨC VIỆT NAM ĐƯA KIẾN NGHỊ BẢO VỆ & PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC (BBC, RFA)




BBC
Cập nhật: 08:53 GMT - thứ năm, 14 tháng 7, 2011

Một nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam lại tiếp tục gửi kiến nghị về thực trạng quan hệ Việt-Trung, lần này lên Quốc hội và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bản kiến nghị mang tựa đề 'Về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay' có chữ ký của 20 nhân sỹ trí thức, với các tên tuổi như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, Giáo sư Chu Hảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Giáo sư Tương Lai và nhà văn Nguyên Ngọc.
Ký ngày 10/07 và gửi đi ngày 13/07, đây là một trong ít nhất ba văn bản liên quan tới quan hệ Việt-Trung trong thời gian gần đây, cho thấy quan tâm và quan ngại sâu sắc về chủ đề này trong dư luận Việt Nam.
Trong một trường hợp hy hữu, chuyên trang Tuần Việt Nam của báo điện tử VietnamNet đã đăng trích đoạn kiến nghị này.

Nội dung kiến nghị mà BBC có trong tay gồm có ba phần.
Trong phần đầu, các nhân sỹ trí thức , phân tích về những sự kiện mới xảy ra trong quan hệ giữa hai nước.
Bản kiến nghị đánh giá rằng "Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng".
"Trung Quốc đang ra sức phát huy quyền lực dưới mọi hình thức, nhằm thâm nhập và lũng đoạn nhiều quốc gia trên khắp các châu lục."
Các nhân sỹ nhận định, mặc dù đã có cố gắng nhân nhượng để bình thường hóa và phát triển quan hệ hai bên, "cho đến nay cục diện cơ bản diễn ra trong quan hệ hai nước là: Việt Nam càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới".
"Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện ý đồ chiến lược của họ".
Một nét chính mà bản kiến nghị nói là thành công của Trung Quốc trong thực hiện ý đồ chiến lược là sự "xâm nhập, thậm chí có mặt chi phối, lũng đoạn về kinh tế của Trung Quốc" đối với Việt Nam.
"Những hiện tượng thâm nhập của Trung Quốc về kinh tế kéo dài nhiều năm, có nhiều sự việc nghiêm trọng và còn đang tiếp diễn, đặt ra câu hỏi: Phía Trung Quốc đã làm gì, bàn tay của quyền lực mềm của họ đã thọc sâu đến đâu?"
Các vị nhân sỹ chỉ trích thái độ mà họ gọi là lãnh đạo "đã quá dè dặt, không công khai minh bạch thực trạng nghiêm trọng trong quan hệ Việt-Trung" cho người dân được biết.
"Thực trạng hiện nay làm cho dân bất bình, khó hiểu lãnh đạo nước mình trong quan hệ với Trung Quốc."
Để minh chứng, bản kiến nghị cũng nhắc tới thông tin về cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn với lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 25/06.
"Thông tin này có những nội dung mập mờ, khó hiểu, gây ra nhiều điều băn khoăn, lo lắng cho dư luận trong nước và thế giới."

Khó khăn nội tại
Phần thứ hai của bản kiến nghị đề cập tới các khó khăn và "mối nguy lớn" ở trong nước. Đó là việc nền kinh tế Việt Nam đang trong tìn trạng phát triển kém chất lượng và "lâm vào khủng hoảng kéo dài".

5 điểm kiến nghị
Công bố thực trạng quan hệ Việt-Trung
Trình bày cho dân rõ thực trạng đất nước
Thực hiện đủ quyền tự do dân chủ của dân
Kêu gọi toàn dân hòa hợp, hòa giải, đoàn kết
Đảng CSVN phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết

Bên cạnh đó là thực trạng văn hóa-xã hội xuống cấp, và đặc biệt là "Chế độ chính trị còn nhiều bất cập, cản trở sự phát triển của đất nước".
Các nhân sỹ trí thức kết luận: "Toàn bộ thực tế hiện nay buộc dân tộc ta phải tạo được bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước".
Từ đó, họ đưa ra trong phần ba của bản kiến nghị 5 khuyến cáo chính đối với Đảng CSVN và Quốc hội.
Đó là: 1. Công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân toàn thế giới thực trạng quan hệ Việt - Trung;
2. Trình bày rõ với toàn dân thực trạng đất nước hiện nay, thức tỉnh mọi người về những nguy cơ đang đe dọa vận mệnh của Tổ quốc, dấy lên sự đồng lòng và quyết tâm của toàn dân;
3. Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy định;
4. Kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, cùng nhau thực hiện hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần vị tha và khoan dung; và
5. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với tính cách là đảng cầm quyền duy nhất và cũng là người chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình đất nước hiện nay, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ đẩy mạnh cuộc cải cách chính trị, giải phóng mọi tiềm năng của nhân dân, đẩy lùi mọi tệ nạn tham nhũng và tha hóa, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng yếu kém và lệ thuộc hiện nay...
Những người chấp bút cũng kêu gọi người dân Việt Nam ký tên vào bản kiến nghị.
Hiện chưa có phản ứng gì từ phía Văn phòng Trung ương Đảng và Quốc hội Việt Nam trước kiến nghị mới nhất này.
Một kiến nghị hồi đầu tháng của 18 nhân sỹ trí thức yêu cầu cung cấp thông tin về chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn đã được Bộ Ngoại giao phúc đáp.
Tuy nhiên,  cuộc họp dự tính giữa những người kiến nghị và Bộ Ngoại giao đã không thành hiện thực.

----------------------------------------------------

Khánh An, phóng viên RFA
2011-07-14

Hôm qua 13/7, 20 nhân sĩ, trí thức đã gửi một bản kiến nghị đến Quốc Hội và Bộ Chính trị về việc “bảo vệ và phát triển đất nước”, trong đó nêu bật lên nguy cơ lãnh thổ bị Trung Quốc uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng trong khi có quá nhiều khó khăn và mối nguy lớn đang xảy ra trong nước.
Kèm theo đó là những kiến nghị lớn, mang tính cách cải tổ, giải quyết toàn bộ những vấn đề căn bản để giải phóng năng lực của từng người dân Việt Nam.
Khánh An phỏng vấn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng là một trong những người ký tên trong kiến nghị về nội dung của bản kiến nghị này.

Nhiều vấn đề

Khánh An: Thưa ông Lê Hiếu Đằng, được biết ông là một trong những người ký tên trong Bản kiến nghị vừa được gửi đến Quốc Hội. Một số ý kiến của dư luận cho rằng so với bản kiến nghị của các nhân sĩ trí thức đã gửi đến Bộ Ngoại giao khoảng hơn một tuần trước thì đây là bản kiến nghị mang tính cách tổng hợp toàn bộ những vấn đề đang tồn tại của đất nước trong bối cảnh sự toàn vẹn lãnh thổ đang bị uy hiếp bởi nước láng giềng Trung Quốc. Là một người ký tên trong cả hai bản kiến nghị, ông có thể nói cụ thể hơn về sự khác biệt của hai bản kiến nghị không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Hai cái đó hoàn toàn khác nhau ở chỗ kiến nghị gửi Bộ Ngoại giao chỉ là về vấn đề Trung Quốc thôi, còn kiến nghị mà chúng tôi vừa gửi cho Quốc Hội và Bộ Chính trị là một kiến nghị hết sức toàn diện, đặt rất nhiều những vấn đề cơ bản của đất nước. Do đó mà kiến nghị sau có giá trị là kiến nghị của nhân sĩ trí thức và nhân dân Việt Nam đề nghị Quốc Hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, và Bộ Chính Trị, với tư cách là cấp lãnh đạo, thì phải giải quyết những vấn đề cơ bản của đất nước như vậy thì đất nước mới có thể phát triển được. Nếu không giải quyết, nó sẽ trì trệ và thậm chí sẽ có những biến chứng rất nguy hiểm hết sức nguy hiểm.
Do đó như trong kiến nghị mà chúng tôi nói, vấn đề nóng bỏng hiện nay là vấn đề Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng vấn đề lớn hơn chính là tình hình kinh tế, xã hội như thế này nó tạo điều kiện cho Trung Quốc họ xâm lấn một cách toàn diện và mặt kinh tế, văn hóa, các vùng lãnh thổ trong nội địa của chúng ta, chứ không phải chỉ là vấn đề Biển Đông.
Thành ra, muốn giải quyết vấn đề một cách căn cơ thì phải giải quyết vấn đề dân chủ, phải thực hiện các quyền tự do cho người dân, phải giải quyết vấn đề giáo dục và giải quyết nhiều vấn đề nữa thì mới có thể giải phóng được năng lực của người Việt Nam, để mỗi người dân đóng góp cho việc xây dựng đất nước. Như vậy mới bảo vệ được đất nước, bảo vệ được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ một cách căn bản hơn. Do đó, kiến nghị mà chúng tôi mới gửi nó toàn diện hơn, tập trung vào những vấn đề cơ bản của đất nước.

Sức mạnh lòng dân

Khánh An: Như ông vừa mới nói, bản kiến nghị tập trung vào những vấn đề rất cơ bản của đất nước. Thực ra, những vấn đề này trước nay cũng đã được đề cập đến rất nhiều lần, tuy không mang tính cách tổng hợp như trong bản kiến nghị, nhưng cũng đã được nhắc đến bằng nhiều hình thức từ truyền thông, kiến nghị đến hội thảo, thậm chí trên bàn họp của Quốc Hội, nhưng cho đến nay khả năng giải quyết từng vấn đề xem ra không mấy hiệu quả. Như vậy theo ông, những kiến nghị đưa ra lần này có tính khả thi không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Trước hết, chúng tôi gửi cho Quốc Hội bởi vì Quốc Hội sắp họp phiên họp đầu tiên. Dù sao về mặt hình thức, Quốc Hội vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất. Khi gửi như vậy tức là chúng tôi đặt trách nhiệm của Quốc Hội trước những vấn đề lớn của đất nước như trong kiến nghị đã nêu, cũng như gửi cho Bộ Chính Trị. Thành ra, Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về tình hình hiện nay. Đấy là chúng tôi muốn xác định trách nhiệm của hai cơ quan đó trước một số vấn đề. Và khi xác định trách nhiệm, chúng tôi mới đề xuất một số vấn đề giải quyết thì mới thoát ra khỏi tình hình hiện nay được. Như vậy mới tạo được sức mạnh toàn dân để chống lại bất cứ ý đồ xâm lược nào của nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, có những người lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.
Còn khả năng thực hiện như thế nào thì tôi nghĩ với sức mạnh của người dân, người dân đồng tình với kiến nghị này thì có thể trước mặt chưa thực hiện được nhưng trong cả một quá trình đấu tranh vì lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước thì chúng ta thực hiện được điều đó với sức mạnh của người dân, nhất là giới nhân sĩ trí thức, những người còn tâm huyết với đất nước hiện nay, kể cả những người Việt Nam ở nước ngoài. Trong kiến nghị cũng đã nói rõ, vấn đề đoàn kết dân tộc đặt ra trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết. Như vậy nó sẽ tạo một áp lực cho chính quyền, buộc chính quyền phải thay đổi.
Tôi nghĩ với xu thế hội nhập hiện nay, với sức mạnh của người dân và dòng chảy hiện nay như trong kiến nghị có nói là “tiến bộ, hòa bình và môi trường” thì những lý tưởng đó buộc các nhà lãnh đạo phải có suy luận và có thay đổi. Chúng tôi làm cũng với niềm tin như vậy nhưng rõ ràng, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn. Như tôi nói, vấn đề dân chủ cũng như tất cả mọi vấn đề không thể nào mình có ngay được, mà phải thông qua quá trình đấu tranh, thậm chí phải hy sinh, mất mát. Nhưng chúng tôi chấp nhận chuyện đó bởi vì lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân.

Khánh An: Vâng, lúc nãy ông có đề cập đến vai trò của Quốc Hội, rõ ràng về mặt hình thức, Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho tiếng nói của người dân, nhưng trên thực tế, hiệu quả cũng như khả năng giải quyết nhiều vấn đề của Quốc Hội còn khá hạn chế. Như vậy khi ký vào bản kiến nghị cho Quốc Hội, ông có nuôi một hy vọng gì không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ trong Quốc Hội có những người vẫn còn tâm huyết chứ không cam chịu đóng vai trò tượng trưng, vai trò “cây kiểng”. Ví dụ như Quốc Hội khóa trước có những người như anh Nguyễn Minh Thuyết và một số anh chị khác, chị Ngoan ở Hà Nội. Vì vậy tôi tin rằng Quốc Hội khóa này cũng sẽ có những người tâm huyết, tuy không nhiều, nhưng chính tiếng nói của họ trước Quốc Hội có ảnh hưởng trong xã hội Việt Nam rất nhiều. Ví dụ như vấn đề đường sắt cao tốc trong Quốc Hội vừa rồi đã bác bỏ chủ trương của chính phủ. Chúng tôi nghĩ rằng kiến nghị này chúng tôi sẽ gửi cho tất cả các đại biểu quốc hội và mỗi đại biểu quốc hội phải có trách nhiệm suy nghĩ về những vấn đề đó và với tư cách là đại biểu của người dân thì phải đấu tranh như thế nào để những điều đó trở thành hiện thực. Tôi tin là trong đại biểu quốc hội có người còn tâm huyết và dám đấu tranh vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân, chứ không phải vì lợi ích một tập đoàn hay cá nhân nào cả.

Khánh An: Cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do.

Bản kiến nghị vừa rồi được gửi đến cho Quốc Hội và Bộ Chính Trị với 20 chữ ký của các trí thức hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như giáo sư Hoàng Tụy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, giáo sư Chu Hảo, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, TS. Nguyễn Xuân Diện, giáo sư Tương Lai, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu…hiện nay đang được công bố rộng rãi trên các trang blog, mạng xã hội để lấy chữ ký của toàn dân, kể cả hải ngoại. Quý vị có thể gửi vào email vào địa chỉ kiennghi1007@gmail.com để ký tên vào kiến nghị trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật các tin tức mới nhất về bản kiến nghị trong các chương trình phát thanh sau.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

--------------------------------------------

Tuần Việt Nam
14/07/2011

.
.
.

No comments: