Tạ Phong Tần
Jul 11, '11 6:15 AM
Tờ Người Lao Động ngày 22/6/2011 vừa đăng bản tin rất “thú vị”, toàn văn như sau:
“Ngày 22-6, Công an TPHCM đã tổ chức lễ tuyên thệ và ra mắt 6 phòng mới, gồm: Bảo vệ chính trị nội bộ 6; An ninh kinh tế; An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư; An ninh xã hội; Cảnh sát truy nã tội phạm; Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
6 phòng trên gồm:
- Bảo vệ chính trị nội bộ 6 (PA67): chuyên chống khủng bố, phản động trong nước
- An ninh kinh tế (PA81): chống phá hoại kinh tế, bảo vệ đường lối chính sách về kinh tế (trừ lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đầu tư)
- An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (PA84): chống phá hoại kinh tế lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đầu tư
- An ninh xã hội (PA88): chống âm mưu lợi dụng vấn đề xã hội để phá hoại
- Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52): thực hiện công tác truy nã, truy tìm (kể cả tội phạm quốc tế lẩn trốn tại TPHCM)
- Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC81): thực hiện công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp theo quy định”.
Trong ngành công an, lực lượng cảnh sát (phiên hiệu bằng chữ C) và an ninh (phiên hiệu bằng chữ A) có số phòng, ban nghiệp vụ tương đương nhau, làm nhiệm vụ giống như nhau, có điều phân chia ra theo lĩnh vực là tội phạm về trật tự xã hội (thuộc cảnh sát) hay an ninh chính trị (thuộc an ninh) theo các chương của Bộ Luật Hình Sự mà làm việc thôi. Đã thành lập ở cấp tỉnh, thành phố thì tất nhiên cũng phải thành lập giống y như thế ở cấp Cục (thuộc Tổng cục, Tổng cục thì trực thuộc Bộ), nếu không thì lấy ai chỉ đạo, lãnh đạo về mặt “chuyên môn” ngành dọc đây? Quy định này thực hiện thống nhất trong toàn quốc, tỉnh thành, quận huyện nào cũng giống y như nhau. Ví dụ: Bên cảnh sát có phòng cảnh sát kinh tế thì bên an ninh cũng có phòng an ninh kinh tế, bên cảnh sát có cơ quan cảnh sát điều tra thì bên an ninh cũng có cơ quan an ninh điều tra, v.v…
Năm 2001, khi tôi còn công tác ở đơn vị an ninh điều tra công an tỉnh Bạc Liêu thì khối an ninh con số phiên hiệu đơn vị chỉ có đến 38 thôi, không ngờ chưa đến 10 năm, con số phòng, ban nghiệp vụ của “công an ta” tăng lên vùn vụt hơn gấp đôi năm 2001, tức là đến 88. Đó là về đơn vị, chớ chưa nói đến quân số, nhưng chắc chắn quân số cũng phải tăng theo với cấp số nhân, chớ chẳng lẽ thành lập đơn vị mới mà không có quân? Có thể hiểu sau đó con số “tiền nước tiền dân” để “nuôi quân” cũng tăng lên gấp nhiều lần.
Đọc bản tin, thấy tên những đơn vị mới được thành lập mà giật nảy mình, và lại tiếp tục ngạc nhiên đến há hốc cả mồm. Ô hay! Chẳng phải mấy năm trước đây đã có Cục A42 (tất nhiên có thêm phòng PA42 ở các tỉnh, thành) có nhiệm vụ chống khủng bố rồi hay sao mà nay lại thêm phòng PA67? Còn cái tên phòng “chống âm mưu lợi dụng vấn đề xã hội để phá hoại” nghe càng mơ hồ hơn. Chẳng phải đã có đơn vị cảnh sát trật tự xã hội chuyên về các vấn đề xã hội rồi hay sao? Hay là có những vấn đề xã hội công khai và những vấn đề xã hội cần phải che giấu nên phải thêm những đơn vị vốn chuyên “thi hành công vụ” bằng cách giấu mặt, giấu tên, giấu đơn vị… theo kiểu “xã hội đen”?
“Lợi dụng vấn đề xã hội” là cái gì? Từ điển tiếng Việt giải thích “xã hội” có hai nghĩa, thứ nhất là “Hệ thống trong đó con người sống chung với nhau thành những cộng đồng, tổ chức”; thứ 2 là “Các tập đoàn người cụ thể nào đó, có cùng chung phong tục, luật pháp, v.v…”. Như vậy, trừ phi bạn đừng sinh ra đời, nếu đã là con người thì bất cứ hành động nào của bạn cũng đều là “vấn đề xã hội” cả.
Hồi xưa, để trốn đời, các ẩn sĩ vào chốn rừng sâu núi thẳm cất nhà tự cày cấy lấy lương thực mà ăn, không dính dáng đến ai. Đời nay, làm gì có rừng hoang cho ai ở, đất đai nơi nào cũng có chủ trực tiếp (người sử dụng) và chủ gián tiếp (“nhà nước ta”), nên bạn sống một mình trong rừng cũng vẫn “động chạm” đến quyền lợi của người khác, tức là “vấn đề xã hội”, bởi lẽ rừng cũng là tài sản của người khác. Từ chuyện ăn, mặc, ở, ngủ, lao động sản xuất… tối thiểu nhất phục vụ sinh hoạt cá nhân của bạn nhất nhất đều có sự liên quan đến người khác, tức là “vấn đề xã hội”. Cái khái niệm mơ hồ “vấn đề xã hội” này như một tấm lưới vô hình trói chặt lấy người dân Việt Nam, khiến cho nhất cử nhất động đều có thể bị vướng vào nguy cơ “lợi dụng vấn đề xã hội” và trở thành tội phạm.
Ở Mỹ và các nước phương Tây, ở Hồng Công và Đài Loan (nói chung là những quốc gia, đảo quốc không xã hội chủ nghĩa) từ rất lâu rồi đã có lực lượng cảnh sát đặc biệt chuyên bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người chống tham nhũng, nhưng ở Việt Nam thì không có lực lượng này, dù tham nhũng ở Việt Nam luôn được xếp hạng “hoành tráng” so với thế giới, và đã không ít lần giới trí thức Việt Nam “lên báo” đề nghị thành lập nhưng “nhà nước ta” trả lời rằng “không có kinh phí” rồi im ru bà rù đến nay luôn. “Nhà nước ta” không chịu bỏ tiền (của dân) ra lập lực lượng bảo vệ nhân chứng và chống tham nhũng, điều này cũng dễ hiểu khi chính người đứng đầu đất nước là ông Chủ tịch Nguyễn Minh Triết công khai khẳng định trước Hội nghị Việt kiều rằng “Tham nhũng là mượn tiền” và tham nhũng là “là qui luật muôn đời”.
Vì vậy, cách đây không lâu, sau khi “nhà nước ta” tổ chức vinh danh các công dân có thành tích dũng cảm chống tham nhũng trên báo chí, thì không cần mất nhiều thời gian, lập tức đã có 2 con người dũng cảm là anh Trần Văn Giáp (ngụ phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) và ông Nguyễn Văn Vinh ở thôn Liêm Công Phường, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bị “côn đồ” vây đánh trọng thương phải nhập viện, mà không được “người nhà nước” có trách nhiệm bảo vệ an toàn tính mạng. Cho đến nay chưa có tên “côn đồ” nào đánh anh Giáp, ông Vinh bị pháp luật trừng phạt cả.
Trong những lần biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội, Sài Gòn tháng 6 vừa qua, “nhiều bloggers mô tả cảnh công an chìm nổi “đứng đông nườm nượp” tại Sài Gòn, “công an khắp nơi”. Theo blog Facebook của Nguyễn Thông thì “Công an đủ sắc phục kín đặc như bức thành lũy thép kiên cố bảo vệ trại Tàu, cần chi mấy chiếc hàng rào sắt. Chỗ này có lẽ là điểm nóng nhất nên anh nào cũng dùi cui hoặc máy bộ đàm. Để ý thấy mấy anh cảnh sát trật tự thì dùi cui, còn anh an ninh thì bộ đàm. Cầm máy đàm oai hơn nên rất ra vẻ ta đây, lộ liễu. Số công khai còn đông đặc như thế thì số chìm biết đường nào mà lần”.
Điều đáng phải suy nghĩ là lực lượng công an (đã nói ở trên) tăng cường thêm không phải để chống ngoại xâm, nếu để chống ngoại xâm, phải tăng cường các lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng cơ. Vậy thì chỉ có thể hiểu, lực lượng này được thành lập, tăng cường để chống… nhân dân Việt???
Tạ Phong Tần
__________
Nguyên văn lời nói của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết (vào Google search sẽ thấy video này):
“… Chúng ta từ một nước trong chiến tranh, chưa có những cái kinh nghiệm trong quản lý, và ở nước người ta đó thì muốn tiêu cực, muốn tham nhũng cũng khó, vì hệ thống luật pháp nó chặt chẽ. Còn ở Việt nam của mình, thì có khi không muốn tham cũng động lòng tham, cái người thủ quĩ cứ giữ tiền khư khư, ở quĩ lúc nào cũng có số dư, cho nên lúc bí quá thì em mượn một chút, mượn không thấy ai đòi hết,thì em mượn thêm.
Chứ không phải người Việt nam tham những nhứt thế giới, không phải vậy! Cho nên tui đề nghị quí vị ở nước ngoài khi nghe những thông tin này, rồi nhìn về Việt nam cũng đừng có hốt hoảng, cứ nghĩ rằng trong nước mình tiêu cực quá… Mấy hồi sao mấy ổng óanh giặc sao giỏi thế? Mà bây giờ ổng tiêu cực thế… Đây là qui luật muôn đời”.
.
.
.
No comments:
Post a Comment