Friday, July 1, 2011

ASEAN VÀ TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG (Tài liệu tham khảo đặc biệt của TTXVN)




Tài liệu tham khảo đặc biệt
của
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Thứ Năm, ngày 30/06/2011

Đăng bởi basamnew on 01.07.2011


TTXVN (Niu Đêli 28/6)
Giáo sư Baladas Ghoshal, Viện nghiên cứu Hoà bình và Xung đột (Ấn Độ) vừa viết bài phân tích về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, và cho rằng ASEAN cần có lập trường thống nhất và kiên định hơn trong việc đối phó với chiến lược chia để trị của Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp tại khu vực này. Nội dung bài viết như sau:

Tháng trước, căng thẳng tại Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) lại leo thang khi Việt Nam và Philippin phàn nàn về những hoạt động của Trung Quốc và thậm chí là sự quấy rối của nước này tại các khu vực đang tranh chấp. Điều này đã xoáy sâu vào những tranh cãi lâu nay xung quanh các vùng nước lãnh thổ ở Đông Nam Á, và nhấn mạnh sự quan ngại của các nước trong khu vực trước sự khẳng định của Trung Quốc. Điều này cũng phơi bày sự yếu kém của ASEAN khi đối đầu với Trung Quốc, và có thể ảnh hưởng đến vai trò trung gian của tổ chức này như đã từng tuyên bố trong cấu trúc an ninh, kinh tế, chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên quan đến một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, Malaixia, Philippin và Brunây. Inđônêxia không có tranh chấp chủ quyền nhưng từ lâu đã tham gia rất chủ động vào việc tổ chức các biện pháp xây dựng lòng tin với mục tiêu giảm căng thẳng và tránh các cuộc xung đột lớn trong khu vực. Các nước thành viên ASEAN khác mặc dù không liên quan bất kỳ tranh chấp nào, song lại rất lo ngại về tranh chấp tại Biển Đông và coi đây là vấn đề có nhiều nguy cơ bùng nổ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Do tất cả các nước ASEAN không có liên quan ở cấp độ như nhau đến tranh chấp cho nên dẫn đến hậu quả là các nước không có quan điểm tương đồng nhau, không có một đường hướng thống nhất trong ASEAN đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, thậm chí mặc dù tất cả các nước thành viên đã cam kết xây dựng lòng tin và lôi kéo sự can sự của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp và xung đột trong khu vực. Mỗi nước thành viên ASEAN đều xem xét Trung QUốc theo quan điểm lợi ích quốc gia mình – cho dù Trung Quốc là mối đe doạ hay là nguồn lợi nhuận về kinh tế. Kết quả là, quan điểm của ASEAN về vấn đề chiến lược và chính trị đối với Trung Quốc là tương đối yếu kém. Để bù đắp sự yếu kém này, ASEAN đã thường xuyên sử dụng các biện pháp ngoại giao và cố gắng quốc tế hoá các vấn đề khu vực để gắn kết và thu hút sự can dự của các cường quốc trên thế giới nhằm cân bằng với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Chiến lược như vậy có thể đã mang lại vị thế ngoại giao cao hơn cho ASEAN nhưng nó lại không giấu được sự yếu kém của tổ chức này trong việc đối đầu với một bá chủ khu vực, Trung Quốc.

Trung Quốc hiểu và ngày càng tận dụng triệt để điều này. Trước đây, Trung Quốc đã tạo ra những bất đồng lớn giữa Malaixia và Philippin xung quanh đề xuất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và Trung Quốc đưa vào đó rất nhiều vấn đề từ nghiên cứu, cứu hộ đến khai thác chung ở Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc lại đang sử dụng chiến thuật “chia để trị” đối với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, cố gắng cô lập các nước có tranh chấp. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì thừa nhận rằng “có tranh chấp chủ quyền hàng hải và lãnh thổ” giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng, nhưng ông lại nói “những tranh chấp ấy không nên được nhìn nhận như tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN bởi vì các nước có tranh chấp chỉ là một số nước thành viên của ASEAN”. Tuyên bố đó chỉ ra rằng Trung Quốc muốn chia ASEAN thành các nước có tranh chấp với Trung Quốc và các nước không có tranh chấp với Trung Quốc.

Vì các nước ASEAN không có quan điểm thống nhất đối với Trung Quốc, nên tất cả các nước, dù là cá nhân hay tập thể, thực tế nhiều khi đã đi chệch hướng khi theo đuổi chính sách điều chỉnh lợi ích của Trung Quốc về vấn đề này. Điều này khuyến khích Trung Quốc theo đuổi những gì mà Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippin Mercado những năm 1990 gọi là chính sach “vừa đàm phán vừa chiếm đoạt”. Thậm chí những thành công hạn chế mà ASEAN đã đạt được trong việc lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc đối thoại trong nhiều năm qua, như Đối thoại ASEAN – Trung Quốc, Hội thảo Biển Đông do Inđônêxia tổ chức và sáng kiến Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), phần lớn là vì sự điều chỉnh trong chính sách cũ với lợi ích thiết yếu và sự e ngại sau này liên quan đến chủ quyền dân tộc và không can thiệp voà công việc nội bộ của nước khác.

Chính sách can dự của ASEAN đối với Trung Quốc và cách tiếp cận mềm mỏng và luôn điều chỉnh của các nước ASEAN chỉ mang lại lợi ích vĩnh viễn duy nhất trong cách nói gác lại tranh chấp, nhưng nó không hiệu quả trong việc điều chỉnh tranh chấp hay kiềm chế tranh chấp để không làm gia tăng những xung đột tại Trường Sa. Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong hai thập kỷ vừa qua chứng tỏ rằng họ chỉ nói mà không làm gì đối với tiến trình xây dựng lòng tin tại Biển Đông, điều mà ARF, CSCAP (Hội thảo về hợp tác an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương), nhiều tuyên bố và hoạt động ngoại giao, cũng như các thoả thuận song phương với Trung Quốc, đang cố gắng đạt được. Từ lâu, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm không đồng thuận với vấn đề về chủ quyền trên Biển Đông; và cũng không chân thành về vấn đề phát triển chung các nguồn tài nguyên ở khu vực này.

Cách điều chỉnh Trung Quốc không phải là thông qua việc phơi bày sự yếu kém của ASEAN mà phải thông qua một quan điểm thống nhất và kiên định để chuyến đi thông điệp mà như trước đây các ngoại trưởng ASEAN đã phát biểu ngày 18/3/1995 sau khi Trung Quốc công khai chiếm bãi Vành Khăn. Chính sau tuyên bố trên mà Trung Quốc không chỉ đồng ý giải quyết đa phương với ASEAN mà còn tỏ ra linh hoạt hơn về vấn đề này. Chiến lược châu Á của Trung Quốc là giải quyết song phương với bất kỳ nước nào từ đó sử dụng sức mạnh của mình để đạt được lợi ích lớn nhất từ mối quan hệ không cân xứng. Nhưng bằng việc sử dụng sự đoàn kết thay cho sức mạnh quân sự, ASEAN, mặt khác, ép Trung Quốc phải giải quyết vấn đề với các nước thành viên của mình như một nhóm thống nhất. ASEAN không thể có được sự thống nhất tương tự như vậy trong thời gian sau này vì xung đột lợi ích quốc gia bắt đầu chia tách ASEAN và cũng vì khủng hoảng kinh tế châu Á đã làm nhiều nước thành viên và bản thân tổ chức này gặp khó khăn.

Đầu năm 1992, sau khi ASEAN và Trung Quốc trở thành đối tác đối thoại, ASEAN đã thông qua Tuyên bố về Biển Đông, trong đó tổ chức này – không phải các nước thành viên – hối thúc “tất cả các bên liên quan” kiềm chế để tạo ra “không chỉ tích cực cho giải pháp cuối cùng đối với tất cả các tranh chấp”. Mười năm sau, năm 2002, Trung Quốc ký văn bản mang tên Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với toàn khối ASEAN, chứ không phải với các quốc gia mà Trung Quốc có tranh chấp vẫn chưa được giải quyết. Kể từ đó, ASEAN và Trung Quốc đang nghiên cứu về một Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) tại Biển Đông, nhưng thoả thuận khó đạt được. Đến nay, Trung Quốc vẫn chỉ nói mà không làm đối với hai cam kết trên. Trung Quốc sử dụng ngoại giao và chiếm đóng thô bạo để thúc đảy mục tiêu của mình ở Biển Đông. Sau 19 năm đối thoại, hiện nay nói rằng ASEAN là một khối không liên kết thì không đúng, mà thậm chí còn tồi tệ hơn.

Cách tiếp cận hiện tại của ASEAN đối với Trung Quốc quá mềm mỏng và yếu đuối. ASEAN cần thông qua một quan điểm thống nhất và kiên định hơn về vấn đề này như họ đã làm vào tháng 3/1995, và cũng như năm 2010 tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Hà Nội. Để đạt được vai trò trung tâm của mình, ASEAN phải đóng vai trò xây dựng trong mối quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc, những cường quốc chính sẽ định hình tương lai của châu Á-Thái Bình Dương. Mối quan hệ gần gũi của ASEAN với Ấn Độ có thể sẽ là một nhân tố ổn định. Hơn hết, chính sự thống nhất trong ASEAN không những định hình được vị thế ngoại giao tương lại của mình mà còn là khả năng để đối phó với Trung Quốc.

***

TTXVN (Băng Cốc 26/6)

Với nhan đề “Thế khó xử nguy hiểm của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông”, xã luận báo “Dân tộc” của Thái Lan ngày 26/6 viết: Các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể lựa chọn các cuộc đấu tranh riêng rẽ với Trung Quốc, vì điều đó chỉ có thể dẫn đến kết cục làm tổn hại sự đoàn kết của ASEAN.

Một diễn biến mới lạ tại khu vực Biển Đông là việc ASEAN giờ đây trở nên hang hái hơn trước trong việc tiếp cận các vấn đề liên quan đến tranh cãi chủ quyền tại khu vực này. Trước thời điểm tháng 7 năm ngoái, ASEAN rất rụt rè và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc theo cơ chế song phương từng được áp dụng trong gần hai thập kỷ qua. Thế nhưng lúc này điều đó dường như đã thay đổi khi các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam và Philippin, đẩy mức cảnh báo cao hơn và kiên quyết công khai hoá tranh chấp. Diễn biến mới này tất yếu khiến bầu không khí tại khu vực Biển Đông nóng lên thêm nhiều cấp độ.

Năm ngoái Mỹ, nước luôn đứng bên lề để dõi theo tranh chấp trên Biển Đông, đã can dự tích cực hơn với các nước ASEAN dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh, đảm bảo tự do và an toàn tuyến hàng hải qua khu vực này. Động thái đó của Mỹ đã giúp các thành viên ASEAN có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông có thêm động lực bổ trợ. Tuy nhiên điều này cũng sẽ khiến triển vọng giải quyết tranh chấp trở nên phức tạp hơn. Vấn đề đang được quan tâm là liệu có bên nào dám để căng thẳng hiện nay leo thang trở thành xung đột vũ trang tiềm tàng với sự tham gia trực tiếp của các siêu cường? Dù muốn hay không, sẽ có những cái giá đáng kể nào đó phải trả cho tương lai mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Bằng cách nào đó các nước ASEAN sẽ phải vượt qua sự khác biệt lập trường vì lâu nay các nước có và không có tranh chấp ở Biển Đông thường không trực tiếp trao đổi thẳng thắn với nhau khi đề cập đến mối quan hệ toàn cục giữa ASEAN với Trung Quốc. Việt Nam đã công khai thái độ đối với Trung Quốc, với việc người dân tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc trong tuần thứ ba liên tiếp. Diễn biến này tương tự như những gì đã xảy ra gần đây tại Trung Quốc khi Bắc Kinh phản ứng trước vụ Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá của nước này trên vùng biển gần hòn đảo tranh chấp giữa hai nước. Cách tranh cãi ngoại giao như vậy có thể dễ dàng ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương, hiện đang một lần nữa được thử thách, giữa ASEAN với Trung Quốc. Mối quan hệ này từng được coi là một trong các mối quan hệ tốt nhất giữa ASEAN với các đốit tác đối thoại, nhưng cảm nhận đó hiện nay không còn trong ASEAN.

Một vấn đề hết sức kỳ cục là khi Trung Quốc trở nên quyền lực hơn, có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn và được thế giới công nhận thì ASEAN lại tìm đến các cường quốc khác để có được cảm giác yên tâm từ các cam kết của họ. Các nước thành viên ASEAN cứng rắn hơn trong đòi hỏi của quyền rõ ràng đang mời các siêu cường bên ngoài can dự vào giải quyết tranh chấp. Bằng cách quốc tế hoá quyền tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông, các nước này muốn tạo đối trọng để chống lại sự quyết đoán hơn của Trung Quốc. Đây là một ý tưởng sai lầm vì Trung Quốc sẽ không chịu khuất phục trước sự ngây thơ này. Những gì đang diễn ra sẽ chọc tức giới lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, khiến họ chủ trương cứng rắn hơn với ASEAN và kết cục dẫn đến bất ổn định toàn bộ khu vực và về lâu dài phá hoại mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.

Khác với Mỹ, Trung Quốc gần gũi với ASEAN về địa lý và mọi tác động tiêu cực từ phương Bắc đều sẽ tác động trực tiếp và kéo dài tới ASEAN. Các nước ASEAN đừng quên rằng Mỹ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn của họ, cả trong nước lẫn quốc tế. Vì thế ASEAN cần khôn ngoan hơn trong lập trường của mình và trong giải quyết các bất đồng chính trị nội bộ, nhất là trong các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa ASEAN với các siêu cường. Nếu không có một lập trường chung về vấn đề này, ASEAN rốt cục sẽ suy yếu. Nếu ASEAN muốn nâng cao vị thế trên trường quốc tế, các nước thành viên trước tiên hãy tự giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.

Với nhan đề “ASEAN sống trong môi trường nguy hiểm ở Biển Đông”, xã luận của báo này ngày 22/6 viết môi trường bình yên trên Biển Đông đã bị phá hoại nghiêm trọng sau khi căng thẳng tại đây đã tăng lên gấp bội trong vài tháng gần đây. Nếu cứ để căng thẳng tiếp tục leo thang, nó sẽ tiến tới đỉnh điểm và xung đột quân sự chưa từng thấy trong lịch sử có thể xảy ra.

Trong thời gian gần đây, các bên đòi chủ quyền đều đã hành động theo cách thức mà các bên khác không thể khoan dung. Việt Nam gần đây đã lên án Trung Quốc mạnh mẽ tới mức khiến các bạn bè ASEAN và cộng đồng quốc tế ngạc nhiên. Trong suốt thập kỷ qua, là một thành viên ASEAN có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam đã kìm nén sự phẫn nộ trước Trung Quốc và hành xử theo nguyên tắc chung của ASEAN coi tranh chấp Biển Đông là vấn đề có thể giải quyết song phương với Trung Quốc và với từng nước thành viên ASEAN khác có tranh chấp. Tuy nhiên sau khi giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, Việt Nam đã bất ngờ nổi lên như một động lực thúc đẩy ASEAN phơi bày tranh chấp. Trong năm ngoái, tranh chấp Biển Đông đã được đẩy lên và trở thành một vấn đề khu vực có nguy cơ trở thành điểm nóng ở Đông Nam Á. Các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, đã vào cuộc để khẳng định việc đảm bảo tự do và an toàn của tuyến vận tải biển đi qua khu vực này. Diễn biến mới này đã buộc các thành viên ASEAN khác không có tranh chấp ở Biển Đông cũng phải tham gia.

Philippin gần đây cũng gia tăng mức độ chỉ trích Trung Quốc xâm phạm các bãi san hô, nơi được coi là có nhiều trữ lượng dầu và khí đốt mà Manila khẳng định chủ quyền. Philippin đã lên tiếng sau một loạt va chạm, được coi là phép thử mối quan hệ song phương tương đối mạnh mẽ giữa Philippin với Trung Quốc. Mặc dù mối quan hệ này vẫn tốt đẹp nhưng cũng như các bên tranh chấp chủ quyền khác, Philippin cũng nhận ra rằng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không thể nhân nhượng.

Các diễn biến mới trên Biển Đông báo hiệu tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền sẽ sớm có thái độ giống nhau trong việc đảm bảo các đòi hỏi chủ quyền của mình không bị lãng quên hoặc bị các đối thủ khác mạnh hơn lấn lướt. Nếu tất cả các bên tranh chấp đều kiên định thái độ mới này, điều đó sẽ không có lợi cho quan hệ trong tương lai giữa Trung Quốc với ASEAN đồng thời sẽ dẫn tới sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Sự khác biệt quan điểm giữa các thành viên ASEAN có tranh chấp và các thành viên không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã làm suy yếu sức mạnh tập thể của ASEAN. Nếu các thành viên ASEAN bị đẩy tới chỗ phải lựa chọn đứng về bên nào đó, điều này sẽ đe doạ nghiêm trọng hơn nữa tình đoàn kết ASEAN.

Hiện nay các bên tranh chấp đều muốn các thành viên ASEAN, kể cả các thành viên không có tranh chấp, biểu thị lập trường chung chống lại sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn của Trung Quốc cho thấy rất khó có thể đạt tới bất kỳ sự đột phá nào trong các cuộc thảo luận nhằm đưa Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trở thành một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Khi bế tắc này kéo dài, Trung Quốc và ASEAN sẽ phải tìm kiếm một nền tảng chung để thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông. Tuy nhiên, triển vọng tìm kiếm một nền tảng hợp tác chung chỉ có thể xảy ra sau khi Trung Quốc điều chỉnh lại chính sách và lập trường đối với ASEAN sau hàng loạt sự cố vừa qua trên Biển Đông trong thời gian gần đây./.
.
.
.

No comments: