Tranh chấp chủ quyền biển Đông:
Richard Pearson
The Diplomat - July 1, 2011
Người dịch : Một độc giả của trang Viet-studies.
3-7-2011
Tuyên bố chủ quyền của Đài Loan trên biển Đông hiện đã lỗi thời. Đài Loan có thể đạt được sự tín nhiệm cần thiết trong khu vực một khi họ chấp nhận từ bỏ những khẳng định chủ quyền vô lý này.
Những va chạm gần đây trên biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, và sau đó xảy các cuộc biểu tình trên đường phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là một sự nhắc nhở không mấy dễ chịu rằng vùng biển đầy căng thẳng kéo dài này của Đông Nam Á có thể sôi lên bất cứ lúc nào.
Tháng vừa qua, dư luận quốc tế chứng kiến các nhà ngoại giao, các quan chức từ Bắc Kinh, Hà Nội và Manila thường xuyên cáo buộc, phản đối và bác bỏ qua lại lẫn nhau. Ngay cả Singapore, một quốc gia vốn bình lặng, cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc giải thích rõ những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ.
Trong khi đó, Đài Loan tiếp tục lập lại tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển đảo đang tranh chấp. Ngày 15/6, Bộ Ngoại giao Đài Loan ra tuyên bố “các quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), Chungsha, Tungsha cũng như những vùng nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển xung quanh là phần gắn liền với lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)”. Thêm vào đó, theo bản tin Channel News Asia ngày 22/6, Ngoại trưởng Đài Loan Timothy C.Y. Yang cho biết Đài Loan đang tăng cường lực lượng quân đội tuần tra tại các đảo do Đài Loan nắm giữ.
Thật kỳ quặc, dù từ trước đến nay luôn trong tình trạng thù địch, các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của chính quyền Trung Quốc (Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa) và Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) lại gần như giống hệt nhau. Cả hai hiện nay đều yêu sách chủ quyền dựa trên cái gọi là “đường đứt khúc chín đoạn” hay còn gọi là “đường chữ U”, thể hiện trên các bản đồ được phát hành vào năm 1947 bởi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, với thủ phủ lúc bấy giờ là Nam Kinh.
Kể từ thời điểm 1947, những năm tháng sau đó, Đài Loan thường định kỳ ra tuyên bố các yêu sách chủ quyền. Năm 1993, Đài Loan khẳng định chủ quyền đối với phần lớn biển Đông, bao gồm các quần đảo Trường Sa, Đông Sa và Hoàng Sa. Năm 1995, trong khi lặp lại yêu sách “đường chữ U”, Đài Loan đồng thời tiến hành xây dựng trên đảo Ba Bình (phía Đài Loan gọi là đảo Thái Bình) thuộc quần đảo Trường Sa, bất chấp các tuyên bố chủ quyền từ lâu của Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đối với hòn đảo nhỏ này.
Lập trường của Đài Loan vẫn không thay đổi về cơ bản kể từ năm 1947, bất chấp cả Đài Loan và khu vực đã và đang có những bước phát triển đầy ấn tượng.
Bước vào năm 2011 mà vẫn bám vào yêu sách “đường đứt khúc chín đoạn” có từ năm 1947 là áp đặt một trách nhiệm không cần thiết đối với một Đài Loan hiện đại. Đài Loan cần có mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng Đông Nam Á. Với bản chất thể chế dân chủ, Đài Loan cần được xem là một đối tác quốc tế có trách nhiệm đối với châu Á và thế giới. Tuy nhiên, những yêu sách quá đáng về chủ quyền lãnh hải thể hiện qua tuyên bố năm 1947 đã phá hỏng hình ảnh của Đài Loan. Do đó, việc Đài Bắc tiếp tục gắn chặt với yêu sách lãnh hải của Trung Quốc sẽ phương hại đến lợi ích lâu dài của Đài Loan trong khu vực và quốc tế.
Qua việc tiếp tục yêu sách chủ quyền đã lỗi thời và không có cơ sở pháp lý, Đài Loan có nguy cơ bị các nước láng giềng ASEAN xa lánh trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa Đài Loan và các nước này tiếp tục phát triển về chiều sâu. Khi đứng cùng một phía với Bắc Kinh trong các yêu sách chủ quyền lãnh hải đầy tham lam bắt nguồn từ năm 1947, một Đài Bắc đang bị cô lập lại tiếp tục hứng chịu sự lạnh nhạt của các quốc gia láng giềng, vốn ngày càng cảnh giác với Trung Quốc. Trong trường hợp này, Trung Quốc có khả năng trở nên tương đồng quan điểm hơn với Đài Loan.
Hiện nay, tại những khu vực tranh chấp trên biển Đông, Đài Loan có cơ hội bày tỏ cam kết của mình đối với sự hòa hợp quốc tế và trở thành một lực lượng có tính xây dựng đối với sự ổn định khu vực. Đài Bắc nên điều chỉnh lại yêu sách của họ về chủ quyền lãnh hải sao cho phù hợp với luật quốc tế và chấp nhận được đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á.
Đài Loan nên khôn ngoan áp dụng tuyên bố chủ quyền được điều chỉnh lại dựa trên giới hạn 200 hải lý đối với vùng đặc quyền kinh tế của Đài Loan, phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Với quan điểm như vậy, Đài Loan mới có thể duy trì được chủ quyền phù hợp với thực tế trên biển Đông, đồng thời Đài Loan nên xuống thang khỏi các yêu sách chủ quyền mang tính tham vọng, hung hăng và xúc phạm chủ quyền của các nước khác trong khu vực. Thực hiện được điều này cũng sẽ điều chỉnh được lập trường của Đài Loan – không giống như lập trường của Bắc Kinh – đi theo hướng tuân thủ các quy định của UNCLOS cũng như luật quốc tế, và điều quan trọng là không tạo nên sự từ bỏ hàng loạt đối với lợi ích của Đài Loan trên biển Đông.
Nếu theo đề xuất nói trên, lợi ích vận chuyển thương mại cũng như lực lượng hải quân của Đài Loan sẽ vẫn tiếp tục được hưởng quyền tiếp cận, đi lại hợp pháp trên các tuyến hàng hải thuộc biển Đông. Một khi đàm phán với lập trường hợp lý hơn với chính phủ Việt Nam và Philippines, Đài Loan sẽ có cơ hội bảo vệ được các lợi ích về dầu mỏ, khí đốt và đánh bắt thủy sản trên vùng biển này. Những lợi ích này sẽ được đảm bảo tốt hơn trong bối cảnh một biển Đông hòa hợp hơn là một biển Đông đầy đối đầu như hiện nay. Hơn nữa, nếu dàn xếp theo đề nghị này, sẽ không đòi hỏi việc triệt thoái lực lượng Đài Loan ra khỏi đảo Ba Bình và các đảo khác. Chủ quyền đối với những hòn đảo có thể được thương lượng với nhau trong tương lai giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền, một khi Đài Loan thoát ra khỏi yêu sách chủ quyền phi lý của mình đối với toàn bộ biển Đông.
Điều quan trọng cần lưu ý, việc Bắc Kinh thường đe dọa sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, cũng không tạo ảnh hưởng nào đối với thái độ của Đài Loan. Có thể có một số quan ngại rằng Trung Quốc sẽ phản ứng quân sự đối với sự điều chỉnh yêu sách lãnh hải nếu có từ phía Đài Loan. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy điều ngược lại, như trường hợp Tổng thống Lý Đăng Huy năm 1991, đã không chính thức từ bỏ yêu sách chủ quyền của Đài Loan đối với Hoa Lục. Ngày nay, dù chưa công khai, Đài Loan vẫn có thể áp dụng một chính sách hợp lý và hài hòa đối với biển Đông. Chắc chắn lúc ấy, Bắc Kinh sẽ bày tỏ tức giận trong một thời gian, nhưng sau cùng mọi việc sẽ ổn.
Đài Loan, nếu theo đuổi lập trường chủ quyền trên thực tế (de facto) mang tính chấp nhận được về mặt quốc tế, biện hộ được về mặt pháp lý, thỏa hiệp hơn với các nước trong khu vực biển Đông, sẽ cổ vũ cho một chính sách đối ngoại trưởng thành hơn, thực tế hơn và thích nghi với khu vực hơn so với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Hơn nữa, việc Đài Loan ngầm thực hiện yêu sách chủ quyền lãnh hải có điều chỉnh phù hợp cũng giúp làm tiến triển cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Điều này không chỉ tạo áp lực lên Bắc Kinh đưa ra lập trường được chấp nhận hơn đối với các nước láng giềng, mà còn là bước đi đầu tiên giúp Bắc Kinh giữ được thể diện khi xuống thang đối với các yêu sách chủ quyền hiện tại của họ.
Trong cuộc tranh chấp trên biển Đông hiện nay, Đài Loan có cơ hội lớn để vượt lên Trung Quốc nhằm dành lấy sự tôn trọng của khu vực Đông Nam Á và thế giới, vốn đang cảnh giác và đầy lo âu.
Quân lực Đài Loan không và sẽ không bao giờ là yếu tố quyết định trong bất kỳ cuộc đối đầu quy mô lớn nào trên các hòn đảo, mỏm đá và bãi đá ngầm thuộc biển Đông. Bất cứ quyết định nào của Đài Loan nhằm điều chỉnh lập trường chủ quyền sẽ chủ yếu mang tính biểu tượng. Mặc dù vậy, động thái này sẽ gửi một tín hiệu quan trọng đến các nước láng giềng Đông Nam Á, đến cộng đồng quốc tế và đến Bắc Kinh. Và trong quan hệ quốc tế, những tín hiệu như vậy thật sự tạo hiệu ứng tích cực.
.
.
.
No comments:
Post a Comment