Lê Phước - RFI
Thứ hai 13 Tháng Sáu 2011
Từ cuối tháng 5, nguy cơ bạo động xã hội tại Trung Quốc càng rõ nét khi liên tiếp xảy ra các hành động chống chính phủ với các vụ tấn công bằng vũ khí. Liberation phản ánh tình hình này với bài viết nhận định : « Do lạm quyền quá mức, Nhà nước Trung Quốc làm bùng phát phẩn nộ ».
Tấn công bằng xe hơi có đặt bom, bằng thuốc nổ, đám đông giận dữ tấn công trụ sở chính quyền địa phương….từ hai tuần nay những hành động này xảy ra ngày càng nhiều, với mục đích là phản đối sự lạm quyền của nhà chức trách.
Ầm ỉ nhất có lẽ là vụ tấn công hôm 26/5 tại thành phố Phúc Châu tỉnh Giang Tây. Hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy, một đám khói khổng lồ bốc lên trước trước sự bàng hoàng của đám đông. Đó là vụ nổ của hai chiếc xe hơi có cài bom và một quả bom to, xãy ra giữa ban ngày, đã phá hủy mặt ngoài của 3 cơ quan Nhà nước, trong đó có tòa án. Ít nhất có 6 người bị thương và 3 người thiệt mạng.
Tác giả của vụ đánh bom này là một doanh nhân, không hài lòng với chính sách đền bù giải tỏa của Nhà nước. Ông đã đi kiện cáo khắp nơi, nhưng rốt cuộc cũng chẳng được gì. Và nguyên nhân dẫn đến hành động trên được ông thố lộ trên trang Facebook của mình : « Mười năm vô vọng tìm công lý đã buộc tôi phải chọn con đường này ».
Thứ sáu rồi, tại Thiên Tân, chính quyền địa phương xác nhận đã có nhiều cơ quan Nhà nước bị đánh lựu đạn, làm hai người bị thương. Trước đó một ngày, ở Bắc Kinh, một nữ phóng viên của kênh truyền hình Nhà nước CCTV đã bị tấn công và bị xẻo mũi giữa ban ngày ngay trước cửa cơ quan.
Thủ phạm của vụ xẻo mũi trên nằm trong số hàng trăm ngàn người Trung Quốc đi đấu tranh đòi công lý, nhưng vô vọng. Theo lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tòa án địa phương cùng nhau từ chối thụ lý các vụ án mà nguyên cáo là người dân và bị cáo là một cơ quan hay tổ chức nhà nước.
Vụ việc thường liên quan đến vấn đề giải tỏa đền bù. Mỗi ngày có hàng chục ngàn người dân bị mất đất và mất chổ ở với số tiền đền bù rẻ như bèo. Chính quyền bán lại đất này cho các nhà kinh doanh bất động sản, và tham nhũng là việc không phải hiếm hoi.
Từ mấy năm nay, vấn đề đất đai đã đẩy nhiều người vào tuyệt vọng, và đã có hàng chục chủ đất chọn cách tự thiêu để phán đối.
Một nhà báo dự định tranh cử hội đồng nhân dân tại Bắc Kinh nhận định « Sở dĩ có nhiều bạo động xã hội như vậy là do chính quyền không để cho người dân có tiếng nói, tất cả đều được quyết định kín, không có sự tham gia quyết định của người dân ». Theo ông này, người đánh bom ở thành phố Phúc Châu ngày 26/5 vừa nêu trên đã bị ép đến bước đường cùng, và anh buộc phải làm cho mọi người nghe thấy tiếng kêu của mình bằng hành động đánh bom. Nhà báo này khẳng định « Trung Quốc đang cần một nền dân chủ đại diện đúng nghĩa ».
Liberation cũng quan tâm đến số phận các nhà chức trách biết lắng nghe tiếng nói người dân. Tờ báo cho biết, đôi khi các nhà chức trách biết yêu dân này cũng chịu số phận bi thảm. Như chuyện một quan chức ở tỉnh Hồ Bắc. Ông này đứng về phía người dân yêu cầu chính quyền bồi thường thỏa đáng, thế là ông bị bắt vào ngày 26/5, bị buộc tội tham nhũng, và cuối cùng ngày 4/6 đã chết trong tù. Qua hình ảnh thi thể ông được loan tải trên Internet, ông có thể đã bị tra tấn đến chết.
Nghe tin ông mất, người dân được ông bảo vệ đã nổi lên phản đối. Từ hôm thứ tư, họ bao vây tòa thị chính thành phố. Chính quyền phải huy động cả ngàn cảnh sát và quân nhân võ trang để đối mặt với cơn phẩn nộ của người dân.
Theo số liệu chính thức, vào những năm 1990, mỗi năm xảy ra khoảng 9 000 vụ nổi dậy của người dân, nhưng năm 2010, con số này đã lên đến 127 000, tức mỗi ngày có khoảng 347 vụ.
Tình hình căng thẳng đến mức, hồi cuối tháng năm chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phải thừa nhận : « Trung Quốc đang lâm vào giai đoạn mâu thuẩn xã hội gay gắt, khiến cho việc quản lí xã hội trở nên khó khăn và phức tạp hơn ».
-----------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment