Mai Vân - RFI
Thứ hai 27 Tháng Sáu 2011
Thời sự Châu Á rất được báo Pháp quan tâm, từ phiên tòa xét xử 4 lãnh đạo Khmer Đỏ mở ra tại Phom Penh, cho đến vụ nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc Hồ Giai vừa được trả tự do. Tuy nhiên đáng lưu ý là ý kiến của cựu bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yuriko Koike trên báo Le Figaro về sự cần thiết của Hoa Kỳ tại châu Á.
Dưới tựa đề "Châu Á sau cuộc chiến tranh Afghanistan lần thứ hai", bà Yuriko Koike ghi nhận là vào tháng Bảy tới đây, thế giới sẽ chứng kiến hai cột mốc quan trọng trong quan hệ đôi khi phức tạp giữa Hoa Kỳ và châu Á.
Trước hết là bước khởi đầu của tiến trình kết thúc cuộc chiến tranh mà Washington tiến hành trong gần mười năm nay ở Afghanistan sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo việc rút 30.000 quân vào mùa hè tới. Kế đến là kỷ niệm 40 năm chuyến công vụ bí mật của Henry Kissinger đến Bắc Kinh, một bước ngoặt trong cuộc chiến tranh lạnh thời ấy và bước đầu tiên của Trung Quốc trên con đường hiện đại hóa. Việc Mỹ bắt tay với Trung Quốc đã tạo ra một cú sốc, đặc biệt cho Nhật Bản.
Theo cựu bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, việc quân đội Hoa Kỳ sắp rút khỏi Afghanistan cũng gợi lại, ít ra là đối với một số người châu Á, một sự kiện thứ ba, thậm chí còn tạo ra chấn thương sâu đậm hơn : cuộc tháo chạy của người Mỹ khỏi Sài Gòn vào năm 1975. Vào khi ấy, quyết định của Hoa Kỳ có vẻ như đã dự báo một chiều hướng tổng quát hơn : đó là việc Mỹ rút chân khỏi châu Á, do việc công chúng Mỹ đã quá mệt mỏi với chiến tranh và bị chủ nghĩa tự cô lập cuốn hút.
Trong thực tế, Hoa Kỳ quả thực là đã có chiều hướng co cụm lại sau thất bại tại Việt Nam năm 1975, và việc họ thiếu quan tâm đến Afghanistan sau khi Liên Xô rút quân vào năm 1989 đã đẩy nước này vào tình trạng hỗn loạn và để cho Al Qaeda một mình tung hoành. Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều lãnh đạo châu Á đang tự hỏi là Hoa Kỳ sẽ tôn trọng những cam kết nào, một khi quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates : Hoa Kỳ sẽ không rút chân khỏi châu Á
May mắn thay, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã trấn an bạn bè và đồng minh của Mỹ ở châu Á là Washington không hề có kế hoạch tháo lui khỏi khu vực.
Tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore gần đây - một diễn đàn an ninh liên chính phủ có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lương Quang Liệt – ông Gates đã tỏ rõ quan điểm của Mỹ là sẽ tiếp tục hiện diện tại châu Á. Ông cam kết sẽ tăng số lượng tàu chiến Mỹ trú đóng tại Singapore trong khuôn khổ một thỏa thuận chiến lược giữa hai nước; tăng gia số lượng tàu Mỹ ghé các hải cảng tại châu Á; tăng thêm các cuộc tập trận hải quân chung; và cải thiện công cuộc hợp tác quân sự đa phương.
Thậm chí điều có thể làm cho châu Á yên tâm hơn nữa, là những nguyên tắc mà theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, sẽ chỉ đạo các chiến lược tương lai của Hoa Kỳ ở châu Á :
- trao đổi thương mại tự do và thông thoáng;
- ủng hộ các quyền tự do, nhà nước pháp quyền, tinh thần trách nhiệm và chủ quyền của các quốc gia châu Á;
- tự do sử dụng các tuyến hàng hải và hàng không hay không gian mạng, của cả châu Á lẫn thế giới;
- và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào.
Những nguyên tắc này rất quan trọng, vì các nước như Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và ngay cả Mông Cổ, đều cần đến sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực để cân bằng thế lực ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc ông Gates sắp rời khỏi chức bộ trưởng quốc phòng có khả năng đe dọa các cam kết kể trên. Sự thiếu vắng một chiến lược châu Á rõ ràng và có sức thuyết phục của Mỹ hoàn toàn có thể làm cho một số lãnh đạo châu Á nghi ngờ về khả năng Hoa Kỳ duy trì được quyền bá chủ quân sự của mình, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ đang bị khó khăn kinh tế, đang dự trù cắt giảm ngân sách và đang có những cam kết khác ở nước ngoài.
Sự thiếu chính sách rõ ràng có thể trở nên đáng lo ngại nếu giới lãnh đạo Trung Quốc đánh giá thấp tính khả thi của các cam kết của Mỹ ở châu Á.
Tuy nhiên, thiết lập một cơ cấu đảm bảo hòa bình ở châu Á không thể là công việc của riêng nước Mỹ. Bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á cũng cần phải xem xét nghiêm túc các loại hình trật tự khu vực mà mình mong muốn, và bắt đầu làm việc cùng với nhau để thiết lập một kiến trúc đảm bảo hòa bình, trong đó tất cả các nước châu Á có thể phát triển thịnh vượng và cảm thấy được bảo vệ.
Đặc biệt là chính phủ Nhật Bản cần phải xác định một chiến lược mạch lạc và nhất quán, gắn bó với châu Á, thay vì lúc thì chạy theo Trung Quốc để rồi ngay sau đó lại đi theo Mỹ. Để xác định một chiến lược khả thi, Nhật Bản cần phải đặt ưu tiên cho việc đào sâu quan hệ đối tác với các nền dân chủ lớn khác ở châu Á như Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc.
Câu hỏi quan trọng nhất : Trung Quốc có thật tâm hợp tác với các láng giềng, và với Mỹ, hay không ?
Các mối nghi ngờ mà nhiều người châu Á hiện đang có về các ý đồ của Trung Quốc đều có cơ sở, dựa trên việc Bắc Kinh luôn luôn che giấu sức mạnh quân sự ngày càng tăng của họ, cũng như quan điểm ngày càng hung hăng của giới lãnh đạo Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Hậu thuẫn vô điều kiện của Trung Quốc đối với chế độ Bắc Triều Tiên mà không ai kềm hãm được, lại càng làm tăng thêm nghi ngờ về việc Trung Quốc có lưu tâm đến thái độ quan ngại của các nước láng giềng về an ninh của họ hay không.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong thập niên này, ba trong số năm nền kinh tế chính trên thế giới nằm tại châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ). Thực tế này đã có được nhờ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, giúp cho tình hình ổn định và dự báo được.
Những gì diễn ra ở Afghanistan sau khi rút quân đội Mỹ rút đi sẽ là một bài trắc nghiệm, đo lường khả năng của các cường quốc châu Á sẵn sàng hợp tác để thiết lập một trật tự khu vực. Về lâu về dài, quyền lợi của các nước châu Á này giống nhau, vì không có nước nào - kể cả Trung Quốc - muốn thấy Afghanistan một lần nữa, trở thành nơi trú ẩn của bọn khủng bố.
Thế nhưng, chỉ có một sự đồng thuận mạnh mẽ về tương lai của Afghanistan mới ngăn chặn được một cuộc đấu tranh mới nhằm giành quyền kiểm soát quốc gia này. Nhưng nếu tìm được đồng thuận, điều này sẽ cung cấp một điểm khởi đầu cho việc phát triển một trật tự xuyên châu Á, dựa trên thoả thuận chứ không phải là trên sức mạnh quân sự.
.
.
.
No comments:
Post a Comment