Monday, June 13, 2011

NGƯỜI DÂN TRRUNG QUỐC ĐANG THÁCH THỨC XU THẾ ĐỘC TÀI CỦA NHÀ CẦM QUYỀN BẮC KINH (Willy Lam)


Willy Lam
Asia Times   -   Ngày 10 tháng 6 năm 2011

Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 12.06.2011


Trong một cuộc đối đầu được giới học giả ví với hình ảnh của David và Goliath, các công dân Trung Quốc giờ đây dường như đang phản công lại cái bộ máy Đảng-nhà nước thâu tóm mọi quyền lực đang ngày càng trở nên vô cảm với những khát vọng của nhân dân.
Những nỗ lực thách thức quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đang dâng cao cho dù cảnh sát, mật vụ và quân cảnh đang tăng cường triển khai những phương pháp tàn bạo để bịt miệng những tiếng nói gây mất ổn định hoặc “bất đồng”. Mặt khác, giới lãnh đạo dưới thời Hồ Cẩm Đào hình như đang dẫn đầu một chiến dịch toàn quốc nhằm khôi phục lại những chuẩn mực độc tài.
Trong vài tuần qua đã có những sự kiện khủng khiếp cho thấy những người dân Trung Quốc bình thường đã cực chẳng đã phải dùng đến những phương sách khủng khiếp để trút nỗi bất mãn đối với chính quyền. Sự kiện gây chú ý nhất là cuộc bạo động nổ ra ở khu Tự trị Nội Mông (IMAR) – nơi có sáu triệu người Mông Cổ đang sinh sống – được coi là tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc cuộc Cách mạng Văn hóa. Từ đầu tháng 5 khi hai người chăn gia súc người Mông Cổ bị xe tải của người Hán cán chết thì đã có những cuộc biểu tình của hàng ngàn cư dân làm rung chuyển thị xã Tích Lâm [Xilinhot] và các quận Zhenglan và Xiwu ở gần đó.
Người biểu tình, họ là những người nông dân chăn nuôi gia súc và sinh viên đại học, đã phản đối các công ty khai thác mỏ của người dân tộc Hán với lý do đã bóc lột những người chăn nuôi gia súc hầu hết đều là những người Mông Cổ.
Khác với Tây Tạng hoặc Tân Cương, Nội Mông hầu như tránh được bạo lực sắc tộc trong vòng 30 năm qua. Do ở Nội Mông có một phong trào bí mật đấu tranh vì dân tộc Mông Cổ và phong trào này đang tìm cách để Nội Mông được sáp nhập với Mông Cổ ở nằm ở ngay phía bắc của Nội Mông cho nên chính quyền ở Nội Mông trong đó có bí thư Đảng ủy Nội Mông Hồ Trung Hoa [Hu Chunhua] đã tìm cách xoa dịu sự căng thẳng do sự cố nói trên gây ra bằng lời hứa “kiên quyết bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật và các quyền lợi của nạn nhân”. Họ Hồ cũng hứa sẽ ủng hộ những người chăn gia súc bị ảnh hưởng đòi các công ty khai thác mỏ phải đền bù vì làm ô nhiễm những cánh đồng cỏ.
Lãnh đạo Đảng cũng lo lắng trước một loạt ít nhất năm vụ đánh bom trong vòng hai tuần qua ở các tỉnh Giang Tây [Jiangxi], Sơn Đông [Shandong], Thành Đô [Sichuan], Hắc Long Giang [Heilongjiang] và Thiểm Tây [Shaanxi]. Hầu hết các vụ đánh bom này, gây ra tổng số người chết là 10, dường như đều được thực hiện bởi những người chống đối chính quyền do có những nỗi bất bình oan ức.
Vụ gây xôn xao nhất đã xảy ra ở thành phố Phúc Châu [Fuzhou] thuộc Giang Tây [Jiangxi]. Hôm 26 tháng 5, Tiền Minh Kỳ [Qian Mingqi] đã liều chết cho nổ ba quả bom tại hai tòa nhà công sở tại thành phố hạng trung này. Ngoài Kỳ ra còn có ít nhất một người nữa bị chết và sáu người bị thương. Người đàn ông họ Tiền này đã nhận được rất nhiều “còm” bày tỏ sự ủng hộ và chia sẻ qua mạng Internet ở Trung Quốc bởi một điều anh là nạn nhân của nạn “chiếm đoạt đất đai”, một cách nói ám chỉ tới việc các quan chức thông đồng với các nhà đầu tư để ăn cướp đất đai của người dân. Không lâu trước khi thực hiện hành động giống như khủng bố nói trên, Kỳ đã viết trên mạng Internet rằng suốt mười năm qua anh đã gửi đơn khiếu kiện tới các quan chức ở Giang Tây và Bắc Kinh mà không có kết quả.
Trong vòng khoảng một tháng nay có tin đồn về “các cuộc tụ tập của người dân” dẫn đến sự đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại các tỉnh và thành phố trong đó có Giang Tây [Jiangsu], Quảng Châu [Guizhou], Hồ Nam [Hunan], Hồ Bắc [Hebei], Lan Châu [Gansu], Hà Nam [Henan], Quảng Đông [Guangdong], Tây Tạng [Tibet], Liêu Ninh [Liaoning], Bắc Kinh và Thượng Hải.
Mặc dù vẫn còn quá sớm để tiên đoán rằng tình hình bất ổn đột ngột xảy ra này sẽ thúc giục chính quyền hoặc là mở rộng tự do hoặc là tăng cường đàn áp hay không, song một điều đáng lưu ý là một số “trí thức công chúng” [public intellectuals: những trí thức ngoài công việc chuyên môn thì họ còn thường xuyên lên tiếng vì những vấn đề xã hội] có uy tín đã quyết định lợi dụng ngay chính những thể chế và các kênh chính thức để thúc giục đẩy mạnh cải cách chính trị.
Một số chủ bút, luật sư, giáo sư và nhà hoạt động của các tổ chức phi chính phủ trong tháng qua đã tuyên bố họ có ý định tự ứng cử đại biểu của các cơ quan lập pháp ở cấp cơ sở. Trong số đó có năm trí thức có tầm ảnh hưởng tới công luận đang tự ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh.
Ba ứng cử viên ở Bắc Kinh là Xiong We, nhà nghiên cứu thuộc một nhóm chuyên gia độc lập [think tank]; Wu Danhong, giáo sư môn chính trị học và luật học tại Đại học Trung Hoa và Yao Bo, một chủ bút kỳ cựu. Li Chengpeng, một nhà báo nổi tiếng và là một cây bút chính luận, đang có ý định ứng cử đại biểu ở Trùng Khánh, trong khi đó thì nhà văn tranh đấu cho nhân quyền Xia Shang đang hi vọng sẽ trở thành một đại biểu của hội đồng nhân dân ở một huyện thuộc Thượng Hải.
Cố gắng giữ vẻ bên ngoài sao cho không khiêu khích chính quyền, các nhà trí thức nói trên bám vào những chủ đề tương đối mang tính trung lập như “xúc tiến sự bình đẳng và công bằng xã hội” hiện đang là khẩu hiệu ưa thích của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hầu hết đều phát biểu “cương lĩnh tranh cử” của họ trên các blog cá nhân và các công cụ truyền thông xã hội khác.
Chẳng hạn, Li Chengpeng nói rằng ông hi vọng sẽ giúp người dân ở thành phố Trùng Khánh “thực hiện được những mong ước và nguyện vọng chính đáng, giám sát chính quyền và triển khai [những cải cách] xã hội.” Ứng cử viên Xiong We ở Bắc Kinh thì hứa sẽ cải thiện phúc lợi an sinh xã hội và các quyền công dân của những người “nhập cư” không được hưởng các quyền lợi pháp lý của người có hộ khẩu thường trú ở thủ đô.
Theo luật sư tranh đấu nhân quyền kỳ cựu Xu Zhiyong, người hiện đang hỗ trợ pháp lý cho các ứng cử viên tương lai nói trên, thì “sẽ còn có thêm những công dân hết lòng vì lợi ích chung đang cân nhắc tham gia cuộc bầu cử này”. Xu, nguyên là một đại biểu quốc hội của một huyện, nói thêm: “chỉ nguyên hành động ra trang cử” đã tạo ra một sự thúc đẩy cải cách. Zhang Minh, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Nhân dân lưu ý rằng chính phủ nên khuyến khích thêm nhiều công dân thực hiện các quyền dân chủ của họ. “Nhưng đúng là không khí [chính trị] ít cởi mở quá,” ông nói. “chính quyền đã bị quen với những cuộc bầu cử do họ kiểm soát vì thế mà có lẽ họ không muốn [những trí thức công chúng] tham gia.”
Thực ra còn quá sớm để tiên đoán Li Chengpen, Xiong We và những người khác liệu có được là ứng cử viên chính thức hay không. Cho dù đúng là Bắc Kinh ngay từ đầu những năm 1980 đã cho phép – ít nhất là trên giấy tờ – mọi người dân Trung Quốc đều có thể ứng cử vào hội đồng nhân dân ở các quận, các thành phố cỡ trung bình và các huyện thuộc các thành phố lớn như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải.
Chẳng hạn như vào hồi đầu tháng 5 thì Liu Ping, một người lao động thất nghiệp 47 tuổi đã bị từ chối quyền ứng cử vào cơ quan lập pháp của thị trấn Xinyu thuộc tỉnh Giang Tây. Vốn là một nhân viên cũ của Nhà máy Thép Xinyu, bà có thành tích quá khứ là đấu tranh vì các quyền lợi của công nhân. Năm ngoái, bà Liu đã nhiều lần tới Bắc Kinh để trao tận tay đơn khiếu nại cho các bộ ngành ở trung ương sau khi bà bị phân xưởng đuổi việc.
Chính quyền Xinyu đã tuyên bố rằng bà không thể ra ứng cử với lý do được viện ra là trước đó bà đã từng bị cảnh sát địa phương bắt giam trong 10 ngày vì đã ” gửi đơn kiện tới Bắc Kinh trái với quy định”. Các nhà quan sát tình hình chính trị ở Bắc Kinh đã nói thẳng thừng là chính quyền đang hoảng sợ trước việc những trí thức có đầu óc tự do và các luật sư nhân quyền tự ra ứng cử một phần bởi vì những ký ức của phong trào dân chủ hồi năm 1989. Hai năm trước, một số nhà hoạt động, trong đó có Wang Dan là lãnh tụ sinh viên ở Đại học Bắc Kinh và Li Shuxian là vợ của nhà vật lý kiêm lý luận gia dân chủ Fang Lizhi, đã ra tranh cử – mặc dù không thành công – tại cuộc bầu cử hội đồng nhân dân quận Haidian ở Bắc Kinh.
Phản ứng của Bắc Kinh trước số lượng gia tăng các trí thức có đầu óc độc lập tham gia vào cuộc bầu cử hội đồng nhân dân có thể phụ thuộc vào ngọn gió chính trị đang xoay theo chiều nào. Bất chấp bộ máy Đảng -nhà nước rõ ràng là đang nghiêng ngả theo hướng những tư tưởng bảo thủ, song một số rất ít ỏi phương tiện truyền thông của nhà nước đã đăng những bài báo kêu gọi một đầu óc cởi mở theo hướng đa nguyên. Viết trên tờ Southern Weekend có trụ sở ở Quảng Châu, Zhang Lihua nói “chỉ trích [chính quyền] cũng là một cách yêu nước.”
Ông Zhang, hiện là ủy viên đảng bộ quận Deqing ở tỉnh Phúc Kiến, lập luận rằng “chỉ trích [đảng và chính phủ] không có nghĩa là chống lại [họ]; và không thể so sánh việc chống lại [những chính sách nào đó] với việc là kẻ thù [của chính quyền].” Ông Zhang nói thêm rằng “toàn xã hội nên đối xử với cách suy nghĩ yizhi [bất tuân phục] bằng một thái độ bao dung .”
Ông Zhang đang nhắc lại quan điểm của một bài báo xuất bản hồi cuối tháng Tư trên tờ Nhân dân Nhật báo đã gây ra nhiều tranh luận. Rõ ràng là bài báo đó phản ánh quan điểm của thiểu số những người có đầu óc tự do trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, bài báo đã kêu gọi chính quyền “chấp nhận một thái độ bao dung đối với cách suy nghĩ yizhi“. Viện dẫn câu châm ngôn nổi tiếng của Voltaire về bảo vệ tự do ngôn luận của người có quan điểm đối lập với mình, bài báo nói rằng “cái tâm lý coi ‘anh là kẻ thù của tôi nếu anh nghĩ khác tôi’ phản ánh một sự hẹp hòi và yếu kém – và tâm lý này chẳng có ích gì đối với việc xây dựng một xã hội hài hòa “.
Nhưng việc Đảng có lẽ đang thực hiện một một nhảy thụt lùi đáng kể – ít nhất là trên phương diện tư tưởng và thái độ bao dung đối với sự bất đồng ý kiến – được chứng minh bằng một bài bình luận của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương Đảng (CCDI) trên tờ Nhân dân Nhật báo hôm 25 tháng 5.
CCDI, là ủy ban chịu trách nhiệm về kỷ luật và chống tham nhũng, nói rằng “giữ vững kỷ luật chính trị của Đảng là một cuộc đấu tranh chính trị quan trọng”. Bài bình luận này đã khiển trách nhiều quan chức trong Đảng không được nêu tên vì đã “phát biểu vô kỷ luật – và theo đuổi những kế hoạch của bản thân mình – liên quan đến những lý luận cơ bản, những đường lối và nguyên tắc của Đảng.” Bài bình luận thậm chí còn buộc tội một số đảng viên và cán bộ đã “bịa đặt và tung tin đồn có mục đích chính trị” dẫn đến hậu quả là “bóp méo hình ảnh của Đảng và đất nước”.
Chính giới ở Bắc Kinh đã suy đoán là CCDI có thể đang nhằm vào Thủ tướng Ôn Gia Bảo là người gần đây đã kêu gọi công chúng hãy cảnh giác với “những tàn dư của xã hội phong kiến “cũng như “ảnh hưởng độc hại của Cách mạng Văn hóa”.
Trong một bài xã luận về sự kiện đánh bom ở Giang Tây, tờ Hoàn cầu Thời báo đã viết rằng “sự chống lại những hành động giết người vì mục đích trả thù ” nên được thừa nhận là một “giá trị phổ quát”. “Ở đâu cũng vậy, những tên sát nhân đều bị trừng phạt, điều này cho thấy rằng việc cấm giết người là một giá trị phổ quát của nhân loại, giá trị này cao hơn tất cả mọi giá trị khác.” Cái loa này của Đảng đã lưu ý rằng sự cảm thông dành cho kẻ thực hiện “hành động khủng bố,” như được bày tỏ qua những bài đăng trên Internet, là triệu chứng cho thấy “sự nhầm lẫn những giá trị trong xã hội Trung Quốc”.
Bài báo còn khẳng định rằng bởi vì “Trung Quốc đang trên đường trở thành một xã hội được cai trị bằng luật pháp”, cho nên mọi bất hòa đều có thể được giải quyết bằng các phương tiện pháp lý.
Nhưng vấn đề dường như chẳng cần phải bàn cãi gì nữa ấy là vô số những sự kiện bùng phát ở Trung Quốc bởi vì những người thuộc những khu vực chịu thiệt thòi đã không thể sửa được những điều bất công, chẳng hạn như “sự chiếm đoạt đất đai”, thông qua những con đường pháp lý đich thực. Mặt khác, các cơ quan đảng-nhà nước được xem như chính họ đang vi phạm phát luật khi họ tiến hành sự đe dọa một cách có hệ thống và bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền được cả thế giới kính trọng chẳng hạn như nghệ sĩ Ngải Vị Vị.
Nếu các chính quyền liên quan cứ tiếp tục sử dụng những lý do vu cáo để ngăn chặn những trí thức ôn hòa tham gia vào các cuộc bầu cử ở cơ sở, khi ấy lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc có nguy cơ bị buộc tội là báng bổ “những giá trị phổ quát” được trân trọng cất giữ trong cả hiến chương của Liên Hiệp Quốc lẫn hiến pháp của chính Trung Quốc.

Tiến sĩ Willy Wo-Lap Lam là nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Jamestown. Ông từng là biên tập viên lâu năm tại những tờ báo lớn như Asiaweek, South China Morning Post [Bưu điện Hoa Nam buổi sáng] và trụ sở của CNN tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông là tác giả của năm cuốn sách về Trung Quốc, trong đó có cuốn được xuất bản gần đây nhất là Chinese Politics in the Hu Jintao Era: New Leaders, New Challenges [Nền chính trị của Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào: Những lãnh đạo mới, những thách thức mới]. Hiện nay tiến sĩ Lam giảng dạy các môn học nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Quốc tế Akita ở Nhật Bản và Đại học Trung Hoa ở Hồng Công.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

-----------------------------------


Bất ổn xã hội tại Trung Quốc gia tăng (SGTT)  Ngày 13.06.2011, 14:00 (GMT+7)


.
.
.

No comments: