29/06/2011 - 14:55
Anh Trương Văn Hiền, người từng có mặt trong trận hải chiến Trường Sa hồi tháng Ba năm 1988, bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh và trả về nước ba năm sau đó. Ngày nay ký ức về những năm tháng đó vẫn còn ám ảnh trong từng giấc ngủ của anh.
Ra Trường Sa
Trong ngôi nhà tuềnh toàng ở thôn 3, xã Hòa Thắng, Tp. Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), anh Trương Văn Hiền cầm tấm ảnh chụp chung với những đồng đội cũ, trầm ngâm kể về chuyến ra Trường Sa không thể nào quên của mình. “Tôi nhập ngũ tháng 3-1986 khi vừa 18 tuổi, đóng quân tại Hải Phòng, thuộc tiểu đoàn 6 Hải Đồ, chuyên thực hiện nhiệm vụ đo đạc địa chất. Tháng 3-1988, chỉ còn đúng 15 ngày nữa là đến ngày giải ngũ, đang tính chuyện về quê thì nhận được lệnh của cấp trên chuẩn bị ra Trường Sa làm nhiệm vụ đo đạc trên đảo. Thế là đi thôi, không hề biết rằng sắp phải đối mặt với một trận chiến sinh tử ngoài đó”.
Tình hình tại Trường Sa lúc đó đang rất căng thẳng. Từ đầu năm 1988, hải quân Trung Quốc đã bắt đầu chiếm một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, anh Hiền cho biết trước khi ra đảo anh không được thông báo gì về tình hình ngoài đó, cũng không được huấn luyện hay chuẩn bị gì thêm. “Chỉ nghĩ ra đảo đo đạc vậy thôi!”, anh Hiền nói.
Ngày 11-3-1988, anh Hiền cùng các thủy thủ khác rời cảng Cam Ranh ra Trường Sa trên chiếc tàu vận tải HQ-604. “Tôi không nhớ rõ, có khoảng 100 thủy thủ trên tàu chia thành các đơn vị với những nhiệm vụ khác nhau, mà tôi cũng chưa quen ai trước đó. Theo tôi thấy lúc đó thì đó chỉ là tàu chở hàng, đưa vật liệu ra xây dựng đảo chứ không phải để phục vụ chiến đấu, vũ khí trên tàu chỉ chủ yếu là những khẩu AK thôi. Và tôi đã không lường trước được điều gì sẽ xảy đến tiếp đó!”.
Những giờ phút kinh hoàng
Chiều ngày 13-3, tàu HQ-604 thả neo gần đảo Gạc Ma để thủy thủ chuẩn bị chuyển vật liệu lên đảo để xây dựng. Ba tàu chiến của phía Trung Quốc liền áp sát, uy hiếp, yêu cầu hải quân Việt Nam rời khỏi đảo.
Dừng lại một chút cho ký ức hiện về, anh Hiền kể tiếp: “Sáng 14-3, sau khi thả thuyền nhỏ đưa quân tiến vào nhưng không đẩy được hải quân Việt Nam ra khỏi Gạc Ma, tàu chiến Trung Quốc đã nã pháo 100 mm tấn công. Tàu HQ-604 bị hư hại nặng, chúng tôi chống trả quyết liệt trong tình thế hoàn toàn không cân sức. Hàng loạt anh em trên đảo và trên tàu đã hi sinh, tôi bị thương nặng. Chỉ sau 15 phút thì tàu chìm. Tôi cố sức bơi, vơ được một tấm gỗ từ tàu vỡ ra, tôi bám lấy và cởi chiếc quần dài buộc mình vào tấm gỗ, sau đó thì không còn biết gì nữa. Khi tỉnh lại mới biết đã bị Hải quân Trung Quốc bắt sau 3 ngày 2 đêm trôi dạt trên biển. Đó là những giờ phút thật sự kinh hoàng mà đến giờ nó vẫn không thôi ám ảnh tôi”.
Anh Hiền cho biết đến bây giờ hễ khi trở trời là anh lại đau nhức khắp cả người. “Vì vết thương cũ trong trận chiến đó, với lại thời gian đầu khi bị bắt đưa về giam tại nhà tù Quảng Đông (Trung Quốc) họ đánh đập tra khảo dữ lắm. Nhiều lúc chỉ muốn chết cho xong. Ăn uống thì mỗi ngày chỉ ba mẩu bánh mì rất nhỏ và nước cháo, đều rất nhạt và khó ăn. Suốt hai năm như vậy, cho đến khi có đoàn của Hội Chữ thập đỏ quốc tế ghé thăm thì tình hình mới khá hơn, được cho đường và muối, và cũng được gặp lại 8 anh em cùng bị bắt làm tù binh trong trận đó”.
Cuộc mưu sinh đầy khó nhọc
Chị Bùi Thị Phượng, vợ anh Hiền, rơm rớm nước mắt kể: “Không biết trúng đạn rồi bị tra tấn thế nào mà giờ bệnh tình cứ hay tái phát. Khổ lắm. Bình thường thì anh hiền khô, không có gì bất thường, nhưng nhiều khi lên cơn là tôi phải đưa mấy đứa con đi lánh ở bên nhà chị, anh la hét, đập phá, có cây gì trong vườn là chặt hết. Lúc mới cưới tưởng không sống với nhau nổi, nhưng cũng quen dần. Rất nhiều đêm ảnh đau nhức không ngủ được. Thương lắm, nhưng nhà khó quá, chạy từng bữa ăn còn hụt hơi, biết làm sao!”.
Năm 1991, khi được thả, anh Hiền về quê (Hương Khê, Hà Tĩnh) trong niềm vui khôn tả của cả nhà, vì trước đó gia đình đã nhận được giấy báo tử của anh. Rồi anh lang bạt vào Nam làm thuê kiếm sống. Một trận lũ ở quê nhà đã quét sạch hết mọi thứ giấy tờ, huân chương... nên anh cũng không làm được thủ tục để nhận chế độ trợ giúp gì của nhà nước. “Chịu thôi, chứ giờ đi về đơn vị và các nơi xin chứng nhận này nọ thì đâu có tiền, mà cũng không biết chắc có được gì không!”, anh Hiền nói.
Anh Hiền và chị Phượng đều là những người tha hương vào Đắc Lắc làm thuê nên gặp nhau, rồi cưới nhau. Đến giờ, đã có hai đứa con, nhưng họ vẫn không có được mảnh đất cắm dùi, ngôi nhà nhỏ đang ở cũng là của nhà người chị cho ở nhờ.
Chị Phượng đau cột sống không thể làm gì kiếm ra tiền được nữa, cũng không có tiền mà đi chữa. Mọi khoản chi trong nhà đều trông chờ vào chút sức lực còn lại của anh Hiền. Những ngày bệnh không ‘quật’, anh ráng đi làm đủ thứ việc từ phụ hồ đến đào hố cà phê, cuốc cỏ... “Đứa con lớn năm nay đã vào lớp 10, cũng ráng cho nó được đi học tiếp. Nhưng không biết ráng được đến chừng nào. Nó cũng không phụ giúp gì được, vì còi cọc quá, có làm gì nổi đâu, ai người ta chịu thuê”, nỗi lo lắng hằn rõ trên đôi mắt khắc khổ của người cựu chiến binh một thời vào sinh ra tử.
.
.
.
No comments:
Post a Comment