Wednesday, June 29, 2011

BẮC KINH ÉP HÀ NỘI NGỒI XUỐNG ĐÀM PHÁN SONG PHƯƠNG VỀ BIỂN ĐÔNG (tin Tân Hoa Xã)


29-06-2011

Tranh chấp ở biển Nam Hải: Bắc Kinh ép Hà Nội ngồi xuống đàm phán song phương


Bắc Kinh – Hôm thứ Ba ngày 28 tháng Sáu, Trung Quốc kêu gọi Việt Nam thi hành một sự đồng thuận song phương về vấn đề ở biển Nam Hải mà hai bên đã đạt được, qua cuộc viếng thăm Trung Quốc của viên công sứ đặc biệt của Việt Nam ông Hồ Xuân Sơn tuần rồi.

“Chúng tôi đã có những bàn thảo rất sâu sắc, rốt ráo với phía Việt Nam về vấn để biển Nam Hải trong suốt cuộc viếng thăm của vị công sứ đặc biệt, và hai bên đã đồng ý giải quyết những tranh chấp qua sự thương thảo một cách thân hữu và tránh làm những động thái có thể làm trầm trọng thêm hay làm phức tạp vấn đề,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Hong Lei nói ở cuộc hội báo.
Cả hai nước đều phản đối những lực lượng bên ngoài dính dáng vào chuyện tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và cả hai nước hứa hẹn tích cực định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước, ông Hong nói.
“Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ thực hiện sự đồng thuận với chúng tôi và có những nỗ lực để bảo đảm sự ổn định và hoà bình cho vùng biển Nam Hải,”
ông Hong nói.

Trong suốt cuộc viếng thăm vừa chấm dứt của ông Hồ Xuân Sơn, cũng là thứ trưởng Ngoại giao của Việt Nam, ông Sơn đã gặp Ủy viên Quốc vụ ông Đới Bỉnh Quốc và cũng đã có những buổi thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân.
Hai bên đã đồng ý sẽ gia tăng sự tham khảo về một hiệp ước liên quan đến những nguyên tắc căn bản để trực tiếp giải quyết việc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam, cam kết sẽ làm việc tích cực, năng nỗ hơn để ký một thỏa thuận càng sớm càng tốt, theo bản thông báo dành cho báo chí được công bố bởi Bộ Ngoại giao về cuộc họp giữa hai ông Đới Bỉnh Quốc và ông Hồ Xuân Sơn.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố tính chủ quyền không thể tranh cãi được lên những quần đảo ở vùng biển Nam Hải và vùng lãnh hải quanh đó.

Tài liệu lịch sử Trung Hoa cho thấy năm 1958, nhà nước Trung Quốc lên tiếng cho rằng những quần đảo nằm ở vùng biển Nam Hải là một phần của lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và Thủ tướng Việt Nam dạo đó ông Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự đồng ý trong một văn bản ngoại giao gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai.

Đã không có sự bất đồng từ bất cứ nước nào về tính chủ quyền của Trung Quốc ở vùng này cho đến thập niên 1970, khi một số nước bao gồm Việt Nam và Phi Luật Tân cho rằng họ có một phần chủ quyền lên những quần đảo này.

Sau một thời gian tranh chấp và thương thảo lâu dài, ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng đề nghị của ông ta về vấn đề này là gạt qua một bên những tranh chấp và đề nghị cùng hợp tác khai thác cùng nhau trong vùng.

Tháng Mười Một năm 2002, Trung Quốc và khối ASEAN gồm 10 nước đã chấp thuận một Bản Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên trong vùng Biển Nam Hải, sắp đặt một căn bản chính trị cho một sự hợp tác thương mãi có khả năng xảy ra giữa Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN cũng như sự ổn định và hoà bình dài hạn trong vùng.

Tháng Ba năm 2005, ba công ty dầu của Trung Quốc, Việt Nam và Phi Luật Tân ký một sự thoả thuận tay ba ở Manila để cùng thăm dò dầu và khí ở vùng biển Nam Hải đang nằm trong vòng tranh chấp.


© DCVOnline

Nguồn:
(1) China urges consensus with Vietnam on South China Sea issue. Newsxinhuanet.com, 28 June 2011
(2) Tựa đề do DCVOnline đặt.

-----------------------------------



DPA by Marianne Brown – Rim lược dịch
28-06-2011
http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=8544

Hà Nội – Trong lúc những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam giờ bước qua tuần thứ tư, việc nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc mới đây của Hà Nội đã đặt vấn đề là làm thế nào nhà nước Việt Nam có thể cân bằng cho tốt giữa những yêu cầu ngoại giao và với nhu cầu bày tỏ lòng yêu nước của quần chúng trong nước.

Một bản thông cáo chung được công bố hôm Chủ Nhật cho thấy mối căng thẳng dịu đi giữa hai nước láng giềng qua việc tranh giành tính chủ quyền ở biển Nam Hải. Nhưng một số thành phần của công chúng đã bày tỏ sự giận dữ đối với việc được xem là sự nhượng bộ của Hà Nội, theo một số nhà quan sát, điều này đã cho những người hoạt động chống nhà nước cộng sản thêm cái cớ để chỉ trích.

Bên ngoài toà đại sứ Trung Quốc ở thủ đô Việt Nam, việc hằng chục người tụ tập đã là một hình ảnh quen thuộc trong tháng rồi, họ vẫy khẩu hiệu và la lớn “Quần đảo Trường Sa là của Việt Nam” và “Trung Quốc: nước lớn, hành xử đê tiện.”

Quần đảo Trường Sa nằm trong khu vực người ta cho rằng có nhiều nguồn hải sản và khoáng sản, và là chủ thể cho sự tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam, và nhiều nước khác trong khối Đông Nam Á châu.

Căng thẳng tăng cao trong những tuần qua sau khi Việt Nam lên án Trung Quốc sách nhiễu tàu thăm dò địa chấn và tàu đánh cá Việt Nam trong vùng biển đang tranh chấp, trong lúc Bắc Kinh viện lý rằng tàu Việt Nam đi vào lãnh hải của Trung Quốc bất hợp pháp và làm nguy hiểm đến sinh mạng của ngư dân Trung Hoa.

Nhà cầm quyền Việt Nam cho đến nay, đã đồng ý một cách bất thường đối với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Nhưng những cưỡng chế ngoại giao có thể buộc họ vào thế phải ra bản thông cáo chung, sau cuộc viếng thăm Bắc Kinh của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn vào cuối tuần rồi.

Cuộc thương thảo, theo bản thông cáo chung đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm thứ Hai, nói rằng “nhấn mạnh nhu cầu cần tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước.”

Một số thành phần ở Việt Nam nói là họ không muốn ý kiến của họ bị lái theo lối định hướng đó, và họ đã chỉ trích cung cách thỏa hiệp với Trung Quốc của nhà nước Việt Nam.

Một tổ chức hoạt động đấu tranh cho dân chủ bị cấm hoạt động ở Việt Nam là Việt Tân nói trong thời gian gần đây là nhà nước Việt Nam “bất lực, không có khả năng” giải quyết chuyện tranh chấp lãnh hải. Nhưng Việt Tân cũng nói là tình trạng này như ngọn đèn chiếu lên một ánh sáng hữu ích nhằm phơi bày những sai lầm của nhà nước cộng sản Việt Nam.

“Vấn đề Trung Quốc là một cơ hội tốt để thấy rõ ràng hơn là nhà nước Việt Nam thiếu năng lực lãnh đạo đất nước,” một công dân Hoa Kỳ và cũng là một thành viên của Việt Tân ông Nguyễn Quốc Quân, người bị giam sáu tháng tù năm 2008 vì tội chuẩn bị tờ rơi kêu gọi dân chủ.

Đối với nhà báo và cũng là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã về hưu ông David Brown, thì sự tham dự trong những “thương thảo song phương” của Việt Nam, sau nhiều tháng khăng khăng cho rằng bất cứ cuộc thương thảo nào cũng nên nằm dưới sự bảo hộ của Hiệp hội Các Nước Đông Nam Á châu (ASEAN), “cho thấy đó là một bước lùi cho người Việt Nam,” và có thể làm cho quần chúng phẫn nộ hơn nữa.

Bản thông cáo chung hôm Chủ Nhật đi xa hơn cảnh nhép miệng thường thấy nhằm ca ngợi mối quan hệ tốt giữa hai bên, ông nói.

“Có vô số cuộc gặp gỡ các cấp giữa thành phần ưu tú người Việt và người Hoa,” ông nói, và thêm rằng mỗi một gặp gỡ như thế đều sản sinh ra một lời tuyên bố nghe ngọt ngào, êm tai. “Nhưng bản thông cáo chung lần này là một điều gì đó hơn thế, và có thể gây nên niềm phẫn nộ của công chúng.”

Ông Brown giải thích là “99.5 phần trăm người Việt chỉ biết sống cho hiện tại,” và quan tâm hơn đến chuyện không bị mất mặt hơn là một giải pháp dài lâu. “Vấn đề thực sự bây giờ là sau khi có ba hay bốn tuần đụng độ với Trung Quốc thì giờ họ đang gắng tìm một thỏa hiệp,” ông nói.

Nhưng ông Brown nói là ông không nghĩ điều này sẽ tạo nên một cơ hội tốt đẹp cho phong trào đấu tranh cho dân chủ. Ý kiến này được ông Carl Thayer - một chuyên viên nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á châu của Viện Phòng thủ Úc – người đã từng nói cái cảm tính chống Trung Quốc còn lâu mới có thể thành một sự hăm dọa được nhà nước này.

Những cuộc biểu tình vừa xảy ra có mức độ nhỏ và được được sắp xếp khéo léo, và chính cái dữ kiện rằng người dân đang lên tiếng kêu gọi nhà nước có hành động “là tái xác nhận tính hợp pháp (của nhà nước) để giải quyết vấn đề quốc tế,” ông nói.

Ông thừa nhận là đã có cơ may cho nhà nước Việt Nam có thể được xem như là bán tháo hết cho Trung Quốc. Nhưng sự chọn lựa thay vào đó, ông nói, là mắc phải “sự giận dữ của Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế và những mối quan hệ khác.”

Nhà nước có thể làm hơn thế nữa để cho người dân hiểu và có thể chấp nhận hướng hành động về mặt ngoại giao (của nhà nước Việt Nam), ông nói.

“Tại sao bộ quốc phòng không thể đến trường Đại học Quốc gia Hà Nội và nói chuyện?” ông nói. Đó có thể là một cơ hội để giải thích cho công chúng hay rằng “anh không có thể đá vào ống chân của Trung Quốc mà không cần nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy ra ngay sau đó.”

Và những người quốc gia đang gây rắc rối có thể được xoa dịu nếu nhà nước cộng sản Việt Nam có thể “làm cho họ hiểu rằng ngoại giao không là cái rõ ràng như trắng và đen trong trường hợp đặc biệt này,” ông Brown nói.


© DCVOnline

Nguồn:  (1) Vietnam weighs patriotism against diplomacy in China spat. DPA by Marianne Brown, 27 June 2011

.
.
.

No comments: