Monday, June 27, 2011

KÍNH THƯA CÁC ĐỒNG CHÍ CHƯA BỊ LỘ ! (Nguyễn Hưng Quốc)



Theo Tạp chí Nhà quản lý
Thứ ba, 08/6/2010 15:18 GMT+7

Thưa các đồng chí, những người đã trót nhúng tay vào chàm như tôi!



Kể từ khi tôi phải đứng trước vành móng ngựa, không ngày nào tôi không nghĩ đến các đồng chí. Tôi cứ ngẫm mãi tại sao mình lại phải dấn thân vào chốn lao tù như thế này mà các đồng chí lại không? Tại sao nhiều đồng chí "ăn" đậm hơn tôi rất nhiều lần, không những không dính đòn mà còn có cơ hội ăn đậm hơn nữa? Tại sao cùng là những kẻngày ngày đua nhau cấu véo tài sản của dân chúng mà lại có cảnh "người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm"? Đau lắm!

Tôi năm nay tuổi chưa đến 60, tức là không được từng trải qua cuộc kháng chiến 9 năm nhưng cũng đã từng lăn lộn trong công cuộc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Trên tay tôi đã từng có những đồng đội trước khi trút hơi thở cuối cùng, miệng vẫn mỉm cười mãn nguyện vì mìnhđã hiến dâng cho một tương lai sạch sẽ, thơm tho. Lúc đấy, tôi đã khóc, không những khóc mà còn gào thét, thề với lòng mình rằng sẽ xé tan trờiđất để thực hiện cho bằng được những lời trăng trối ấy.

Nhưng rồi trời đất đổi thay. Từ chỗ phải vào bản làng đổi từng chiếc gương con cho các cô gái người dân tộc để lấy rổ bắp, con gà... thì bây giờ quanh tôi là cả một kho tiền, mà cửa giả chỉ là tranh tre nứa lá. Nói cho hình tượng thế thôi chứ kho tiền ở đây là tiền dự án của Nhà nước, được bảo vệ bằng các cửa giả là hệ thống quản lý của Nhà nước. Thông thường thì việc quản lý tiền công bao giờ cũng khó hơn tiền tư bởi lòng tham luôn luôn thường trực trong đâu đó ở mỗi con người. Thế là tôi dính, các đồng chí cũng dính. Cũng như các cô gái bán thân, khó khăn nhất là lần "đi khách", sau nữa thì còn gì để mà mất. Tôi cứ trượt theo mãi, quên cả lời thề với đồng đội năm xưa.

Nhưng cái đau của tôi là ở chỗ cùng là những kẻ quên lời thề, tại sao các đồng chí lại nhìn tôi như cái nhìn của những kẻ ngoài cuộc? Có phải tôi tham lam hơn các đồng chí không?... Tất cả những câu hỏi đó lúc nào cũng quay cuồng trong đầu tôi để tìm lời lý giải. Để làm gì ư? Để trảthù, để tố cáo, các đồng chí biết không? Để các đồng chí phải vào đây cùng với tôi. Để lấy lại sự công bằng...

Nhưng than ôi! Đấy chỉ là những ước mơ vô vọng. Tôi biết rằng cácđồng chí phải giỏi giang hơn tôi, phải khôn ngoan hơn tôi, phải từng trải hơn tôi thì mới được như thế.

Tôi đã nhận ra sai lầm của tôi rồi, các đồng chí ạ. Tôi sẽ phấn đấu ra tù sớm. Điều này không khó bởi trong bộ máy quản giáo này cũng có nhiều đồng chí chưa bị lộ, tôi lại có tiền để lo lót, để bơm vá. Sẽ có nhiều lý do tạo dựng để tôi được ra sớm. Lúc đó, tôi sẽ liên kết với cácđồng chí để tiếp tục tìm kiếm vinh quang trong sự giàu có.

Ở đất nước này, chúng ta còn có thể kiếm được rất nhiều tiền từ đống tài sản công hữu khổng lồ trong khi hệ thống quản lý lại là "tranh tre nứa lá".Chúng ta sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Các đồng chí dạy tôi cách không phải bước chân vào nhà tù, còn tôi sẽ dạy các đồng chí nếu chẳng may phải vào tù thì thoát nhanh bằng cách nào...

Ôi, tuyệt vời quá! Không ngờ rằng cuối đường hầm lại mở ra một ánh hào quang chói lòa. Bởi tại sao? Bởi vì chúng ta luôn luôn là "đồng chí" của nhau.

Theo Tạp chí Nhà quản lý

-----------------------------------


Chuyện kể: trong một cuộc họp chi bộ ở Việt Nam, một đảng viên bị mang ra kiểm điểm về tội tham nhũng. Người đảng viên ấy bị bắt quả tang và đã thành khẩn nhận tội. Trước mặt các đồng chí của mình, với vẻ mặt nghiêm trang và nước mắt rươm rướm, ông bắt đầu bài tự kiểm điểm bằng một lời chào trân trọng:

“Kính chưa các đồng chí trong chi bộ.
Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ.”

Câu chuyện ý vị và sâu sắc. Nó cho thấy ở Việt Nam, liên quan đến vấn đề tham nhũng, sự khác biệt giữa các đảng viên chỉ nằm ở một điểm: một số người đã bị lộ và đại đa số chưa bị lộ. Vậy thôi. Không hề có người thanh liêm và trong sạch.

Không có và, trong tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, không thể và sẽ không bao giờ có một thống kê nào cụ thể về con số các đảng viên tham nhũng. Những tài liệu do các cơ quan quốc tế công bố, chẳng hạn Việt Nam “được” xếp vào hạng thứ ba trong danh sách các nước tham nhũng nhất vùng châu Á – Thái Bình Dương có lẽ chỉ có ý nghĩa tương đối. Sự thực có khi còn tệ hại hơn nữa. Trong trường hợp này, tôi tin vào kinh nghiệm trực tiếp của dân chúng hơn là các con số thống kê chính thức.

Mỗi người Việt Nam, đang sống hoặc đã từng sống ở Việt Nam, hãy tự đặt cho mình hai câu hỏi:

Một, có bao giờ mình hoặc bạn bè và thân nhân của mình từng đút lót một số tiền nào đó để công việc được trôi chảy? Ví dụ, cho công an phường để chứng nhận một loại giấy tờ gì đó; cho hiệu trưởng để con mình được nhận vào học ở một trường tiểu hay trung học nào đó; cho một nhân viên trong bệnh viện để người nhà mình có được một cái giường để nằm, v.v…
Hai, có đảng viên hay viên chức nào ở Việt Nam có mức sống kham khổ hơn những người dân bình thường có mức lương (chính thức) tương tự?

Tôi tin câu trả lời phổ biến nhất cho câu hỏi thứ nhất là Có và cho câu hỏi thứ hai là Không.

Trong một xã hội đảng trị như Việt Nam, tất cả các đảng viên đều nắm giữ các chức vụ quan trọng trong guồng máy nhà nước, từ trung ương xuống địa phương, từ các cơ quan chính phủ đến các công ty quốc doanh. Lương chính thức của các đảng viên ấy, dù ở bất cứ chức vụ nào, cũng đều rất thấp. Ngay cả lương của một thứ trưởng, như lời tiết lộ của ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ kiêm Đại biểu Quốc Hội thành phố Hà Nội, chỉ có năm triệu (5.000.000) đồng. (http://daibieuquochoi.vietnamnet.vn/content.aspx?id=612)  Năm triệu đồng là bao nhiêu? Chỉ tương đương với hơn 260 đô la Mỹ (theo hối suất hiện nay là một đô la Mỹ ăn 19.000 đồng Việt Nam). Với vật giá và mức sống ở Việt Nam hiện nay, số lương ấy chỉ đủ để người ta sống một cách chật vật. Như vô số những ngưòi lao động bình thường và lam lũ khác. Vậy mà, ở Việt Nam, hầu như không có đảng viên nào nghèo cả. Tất cả đều có mức sống cao hơn hẳn những người dân bình thường. Tại sao? Họ có nguồn thu nhập nào khác chăng? Có lẽ có. Nhưng hầu như tất cả đều nằm trong… túi của người khác.

Những chuyện như vậy có thể kiểm tra dễ dàng trong đời sống hằng ngày. Thử nhìn vào nếp sống của các chủ tịch, phó chủ tịch, bí thư đảng, phó bí thư đảng ở ngay cấp phường, cấp xã mà xem. Rồi thử nhìn lên mức sống của các cán bộ lãnh đạo từ cấp quận, huyện lên cấp tỉnh, thành phố và lên cao hơn nữa, cấp trung ương mà xem. Có người nào mà da dẻ không hồng hào mơn mởn? nhà cửa không khang trang, xe cộ không bóng loáng? con cái không đi du học ở nước ngoài, phần nhiều bằng con đường tự túc về tài chính? Có người nào phải lo âu tính toán cho từng buổi đi chợ như hàng chục triệu người dân bình thường khác?

Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết lương của ông chỉ có năm triệu đồng một tháng. Tôi không hề biết ông, nhưng tôi dám cam đoan là căn nhà ông thứ trưởng ấy đang sở hữu (chứ không phải căn nhà ông được cấp trong thời gian đang tại chức) không phải là một căn nhà trệt trong một con hẽm khuất tồi tàn nào đó; trong nhà, nhất định sẽ không thiếu bất cứ một tiện nghi xa hoa nào cả. Nếu ông có con đang trong lứa tuổi đi học, tôi chắc phần lớn chúng sẽ học đâu đó ở ngoại quốc. Rượu ông uống chắc chắn không phải là rượu đế rẻ mạt sản xuất ở trong nước. Thuốc lá ông hút, nếu ông nghiện, chắc chắn sẽ là thuốc lá ngoại. Đi chợ, vợ ông hay người giúp việc, sẽ không phải đắn đo tính toán từng lạng thịt hay từng bó rau như bao nhiêu gia đình khác cùng mức lương như ông.

Nạn tham nhũng có lẽ ở đâu cũng có. Và thời nào cũng có. Ngay ở Mỹ hiện nay, không ai dám bảo đảm là không có tham nhũng. Tổng thống, phó tổng thống và các bộ trưởng chắc là không tham nhũng. Nhưng còn quan chức ở các cấp địa phương, đặc biệt là cảnh sát? Thực sự tôi không chắc. Và có lẽ cũng không ai dám chắc. Thế nhưng, tôi dám chắc một điều: Tham nhũng, ở Mỹ cũng như ở các quốc gia Tây phương, nếu có, chỉ là những ngoại lệ. Là ngoại lệ, chúng khá hiếm hoi. Và, nếu bị phát hiện, chắc chắn, chúng sẽ bị lên án gay gắt.

Ở miền Nam trước 1975 chắc chắn cũng có tham nhũng. Nhiều nữa là khác. Chả thế, ông Trần Văn Hương, người từng giữ chức phó tổng thống thời bấy giờ, đã không phải than thở: “Trị hết tham nhũng thì lấy ai mà làm việc?”
Câu nói ấy cho thấy ông Trần Văn Hương thừa nhận hai điều: một, nạn tham nhũng rất phổ biến; và hai, có ít nhất một số người lãnh đạo không tham nhũng. Cái khó của những người lãnh đạo ấy là khó hoặc không thể kiếm ra các thuộc hạ hay cộng tác viên hoàn toàn trong sạch.

Còn bây giờ? Chắc chắn câu nói của Trần Văn Hương vẫn còn chính xác. “Trị hết tham nhũng thì lấy ai mà làm việc?” Nhưng có lẽ phải thêm một câu này nữa: “Trị hết tham nhũng bây giờ thì lấy ai mà… lãnh đạo?”

Nếu thuộc cấp tham nhũng mà lãnh đạo trong sạch thì người ta còn hy vọng là tình hình, một lúc nào đó, sẽ thay đổi. Nhưng nếu cả thuộc cấp và lãnh đạo đều tham nhũng, lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ, thì mọi hy vọng đều biến thành ảo vọng. Đảng cầm quyền sẽ tự biến thành một đám mafia chỉ theo đuổi một mục tiêu tối hậu là: cấu kết với nhau để vét sạch tài sản của đất nước.

Nguồn: Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)
.
.
.

No comments: