Monday, June 27, 2011

MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA TRUNG QUỐC (Hàn Vịnh Hồng)




Hàn Vịnh Hồng  -  Liên hợp Buổi sáng (Xinhgapo)
Đăng bởi anhbasam on 27.06.2011

Tài liệu tham khảo đặc biệt của
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Thứ Năm, ngày 23/6/2011
TTXVN (Hồng Công 20/6)

Trang web tờ Liên hợp Buổi sáng (Xinhgapo) ngày 15/6 đăng bài của đặc phái viên Hàn Vịnh Hồng của báo này tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết những sự kiện mang tính tập thể giờ đây không phải là điều gì đó mới mẻ ở Trung Quốc. Điều làm mọi người bất an là những oán hận từ các đối tượng cụ thể được mở rộng ở phạm vi lớn hơn và ngày càng xuất hiện nhiều đòn báo thù tàn ác. Dưới đây là nội dung bài viết:

Một đôi vợ chồng trẻ người ngoại tỉnh bán hàng trước cửa siêu thị nảy sinh tranh cãi với nhân viên đội bảo vệ trị an sở tại. Sau đó, lãnh đạo địa phương và xe cứu thương tới hiện trường. Khi người vợ mang bầu chuẩn bị được đưa lên xe cứu thương, có người kiên quyết ngăn cản. Lúc này, hiện trường đã trở nên đông đúc với hàng trăm người vây quanh phẫn nộ và họ bắt đầu ném gạch đá, chai lọ vào nhân viên chính quyền cùng cảnh sát. Cuộc bạo động nhuốm màu bạo lực kéo dài ba ngày ở thị trấn Tân Đường thuộc thành phố Tăng Thành (Quảng Châu, Quảng Đông) đã khai màn như vậy.

Mấy năm lại đây, những sự kiện mang tính tập thể đã không còn là điều gì đó mới mẻ ở Trung Quốc, nhưng các giới vẫn cần phải cảnh giác cao độ với những diễn biến ở Tân Đường. Nguyên nhân không phải là sự kiện bạo động ở Tân Đường có thể kéo dài hoặc tăng lên về quy mô, mà nằm ở chỗ xuất phát điểm của nó rất nhỏ, trong khi có tốc độ lan truyền tình cảm lại rất nhanh. Đồng thời, những người tham gia bạo động không chỉ tấn công cơ quan công quyền và nhân viên công vụ, mà còn nhằm cả vào những đối tượng vô tội, bao gồm xe buýt, người qua đường, hạ tầng, công trình kiến trúc ven đường… Trên Internet, có cư dân đã đưa lên các tấm hình cho thấy tứ chi đều bị thương tổn bởi gạch đá tấn công trong vụ bạo động. Nghe nói, những kẻ gây ra sự kiện bạo động ở Tân Đường chủ yếu là người Tứ Xuyên.

Không chỉ là Tân Đường, trong tháng 6, thành phố Triều Châu thuộc tỉnh Quảng Đông cũng xảy ra sự kiện bạo lực mang tính tập thể. Một công nhân người Tứ Xuyên ở thị trấn Cổ Hạng, huyện Triều An (thành phố Triều Châu) chỉ vì đòi lương đã bị chặt đứt gân tay, gân chân. Đồng hương của người công nhân nọ liền bao vây đập phá đồn công an, xe cộ ngoài phố, tấn công người qua đường vô tội. Sau bạo động, người bản địa ở Cổ Hạng đã phải lập đội tự vệ để đánh lại người từ nơi khác đến. Tới nay, 20.000 người ngoại tỉnh ở Cổ Hạng và 60.000 người Cổ Hạng bản địa, không một ai cảm thấy an toàn.

Chuyên gia xã hội học Trung Quốc Vu Kiến Vanh từng phân chia các sự kiện mang tính tập thể ở nước này thành hai loại: sự kiện trút giận tập thể và bạo động. Khác biệt giữa hai loại này là trong bạo động, những kẻ tham gia tấn công cả các đối tượng không liên quan như cửa hàng buôn bán, người qua đường. Trong hai sự kiện Tân Đường và Cổ Hạng, người ta thấy phạm vi mục tiêu tấn công của những kẻ tham gia đã được mở rộng từ cơ quan quyền lực sang nhóm mà họ cho rằng phải chịu trách nhiệm gián tiếp về sự bất hạnh của họ – người bản địa (có thân phận cao hơn họ, nền tảng vất chất ưu việt hơn họ, văn hoá và ngôn ngữ khác họ). Diễn biến của cuộc bạo động ở Tân Đường và Cổ Hạng khiến người ta không thể không liên tưởng tưói sự kiện đốt phá, cướp bóc ngày 14/3/2008 ở Lhasa, Tây Tạng. Đằng sau hai cuộc bạo động này cũng là sự đối lập của nhóm người thuộc các dân tộc khác nhau.

Điều làm mọi người bất an là những oán hận từ các đối tượng cụ thể được mở rộng ở phạm vi lớn hơn và ngày càng xuất hiện nhiều đòn báo thù tàn ác. Về hành vi bạo lực cá nhân có vụ cắt mũi, huỷ hoại dung nhan nữ phóng viên đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngay trước cổng cơ quan này hay việc một người đàn ông ném bom tự tạo vào toà nhà chính quyền Thiên Tân, làm 2 người bị thương mà nguyên nhân chỉ vì con trai tự sát do mắc bệnh trầm cảm và bị vợ ly dị hoặc chuyện ông Tiền Minh Kỳ ở Phủ Châu, Giang Tô bị tháo dỡ nhà đã đánh bom theo kiểu tự sát nhằm vào các cơ quan chính quyền, làm 3 người thiệt mạng. Về sự kiện bạo lực mang tính tập thể, ngoài Tân Đường và Cổ Hạng, trong mấy ngày qua còn có việc hàng ngàn người dân ở thành phố Lợi Xuyên, tỉnh Hồ Bắc bao vây tấn công toà thị chính sau khi Cục trưởng Cục Chống tham nhũng chết đột ngột trong thời gian ông này bị cách ly điều tra.

Mấy ngày trở lại đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu, một phụ trương của Nhân dân Nhật báo, tờ báo của cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, liên tục đăng bài bác bỏ ý kiến cho rằng xã hội Trung Quốc đang trở nên “rối loạn bất an”. Trong bài xã luận đăng ngày 14/6, Thời báo Hoàn Cầu đã coi Internet là một “bị can” phải chịu trách nhiệm khi cho rằng Internet đã phóng đại ảnh hưởng của những sự việc mang tính riêng lẻ, làm trầm trọng thêm ấn tượng của người dân về “rối loạn bất an” xã hội. Mới đây, tờ báo này cũng đã chỉ trích một số nhân vật nổi tiếng tham gia cổ suý cho hiện tượng thù ghét quan chức, thù ghét cảnh sát và thù ghét người giàu, thổi lên sự thù hận xã hội, tổng kết “tội ác của chế độ”, “tội ác của chính quyền” từ những sự kiện không công bằng cụ thể, “tạo ra đích ngắm trút giận cho tình cảm xã hội”.

Quả thực, bình luận nêu trên có căn cứ khách quan và hợp lý, cho thấy sự phức tạp của Trung Quốc. Rất nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc (thậm chí là cả các thành phố nhỏ và vừa), một mặt vẫn trong cảnh thái bình ca hát, mặt khác thần kinh của người dân lại bị kích thích bởi những thông tin đánh bom, bạo động xuất hiện ngày càng nhiều. Sự kích thích đó đã tăng tới mức đủ để ảnh hưởng tới toàn cục chưa? Câu trả lời là vẫn chưa đủ.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm chú ý là tình hình đang đi xuống. Những chính quyền tạo ra cảnh thái bình ca hát hiện nay, đồng thời cũng có trách nhiệm trong việc gây ra sự bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn, sự ách tắc trong kênh biểu đạt ý kiến của người dân và sự thiếu minh bạch trong pháp trị. Nếu như lợi ích của các công nhân Tứ Xuyên được bảo đảm trong thời gian dài, họ đã không phải làm quen với việc sử dụng “hội đồng hương”, một tổ chức có màu sắc xã hội đen, để ra mặt bảo vệ mình và mức độ bạo lực trong sự kiện ở Tân Đường có thể sẽ không cao như vậy. Sau lớp vở hào nhoáng của thành thị, nhân tâm con người dường như trở nên lạnh lẽo.

Hàng loạt sự kiện gần đây một lần nữa đã làm nổi cộm đặc trưng ổn định mong manh: “nguyên nhân nhỏ, tốc độ lan tràn lớn” của xã hội Trung Quốc. Ổn định mong manh đương nhiên vẫn là ổn định. Nhưng với bản năng hướng về phía trước, các phần tử trí thức rất có thể sẽ nghĩ rằng hiện thực còn tệ hại hơn. Lẽ nào nhà cầm quyền không tính tới điều này? Trong khi nguy cơ chưa thổi phồng, nên thừa nhận rằng những sự kiện bạo động và đánh bom đều là các tín hiệu cảnh báo.

***

Tờ “Đại Công báo” (Hồng Công) ngày 15/6 đã đăng bài viết của chuyên gia Thái Hiểu Ưng phân tích đặc điểm và thực trạng tiến trình đô thị hoá của Trung Quốc, đồng thời cho rằng để tiến trình này phát triển bền vững, rất cần có những chiếc “van an toàn”. Bài viết như sau:

Từ một góc độ nào đó, đô thị hoá ở Trung Quốc thực sự có thể làm nổi bật thành tựu hiện đại hoá của nước này, tạo nên một bức tranh rực rỡ màu sắc khiến người ta ngưỡng mộ. Nhưng cũng phải thấy rằng đô thị hoá ở Trung Quốc đang phơi bày những mâu thuẫn và khó khăn đã từng xuất hiện trong giai đoạn lịch sử tương tự ở các nước phát triển. Nói thẳng rằng rất nhiều vấn đề mà xã hội Trung Quốc hiện đang gặp phải trong quản lý đều liên quan mật thiết tới tiến trình đô thị hoá của nước này.
Vậy, tình trạng cụ thể và đặc điểm của tiến trình đô thị hoá ở Trung Quốc thực tế ra sao?
Đặc điểm thứ nhất là tốc độ nhanh. Kể từ sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời đến nay, đô thị hoá cũng giống như phát triển kinh tế – xã hội của Trung Quốc, đã trải qua một con đường gập gềnh. Nếu xét theo giai đoạn phát triển, thời kỳ sau cải cách mở cửa năm 1978 có thể phân chia như sau: trước năm 1978 là giai đoạn đầu của đô thị hoá, mức độ đô thị hoá của Trung Quốc lúc đó chỉ đạt 17,92%, sau năm 1978 là giai đoạn thúc đẩy tốc độ đô thị hoá; tới năm 1996 bắt đầu bước vào thời kỳ cao trào phát triển đô thị hoá. Năm 2008, mức độ đô thị hoá của Trung Quốc đã đạt 45,68%, năm 2009 đạt 46,59%, người Trung Quốc chỉ mất 30 năm để đuổi kịp lịch trình đo thị hoá 200 năm của phương Tây.

Sự tăng mạnh của “nhân khẩu thành thị ăn theo”
Điều này nói lên vấn đề gì? Nó cho thấy Trung Quốc đã tiến vào giai đoạn tăng vọt của đô thị hoá, nói cách khác, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển đô thị hoá quá bình thường. Theo tốc độ hiện nay, chỉ trong vòng 3-5 năm tới, tức là vào nửa cuối kỳ của “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, mức độ đô thị hoá của Trung Quốc hoàn toàn có thể đạt tới trên 50%, thậm chí có người còn dự đoán sẽ đạt tới 70%, điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ cơ bản hoàn thành tiến trình đô thị hoá.
Đặc điểm thứ hai là quy mô lớn. Do khu vực mở rộng (diện tích) của thành phố là vô cùng hữu hạn nên chữ “lớn” ở đây chủ yếu là chỉ lượng dân số tăng lên. Lấy Bắc Kinh làm ví dụ, năm 1948, thành phố chỉo có 2,03 triệu người, đến năm 2008 đã có 21,97 triệu người (bao gồm cả dân nội thành và ngoại tỉnh đến Bắc Kinh). “Quy hoạch tổng thể thành phố Bắc Kinh” đã đề ra đến năm 2020, quy mô tổng dân số của Bắc Kinh cần khống chế ở mức 18 triệu người, nhưng số liệu một cuộc điều tra gần đây cho thấy nhân khẩu thường trú tại Bắc Kinh đã lên tới 19,72 triệu người từ năm 2009. Có thể thấy mục tiêu khống chế dự kiến đã bị phá vỡ trước hẳn 10 năm.
Đằng sau những sự việc và con số điển hình này rõ ràng cho thấy sự phát triển nhanh chóng của tiến trình đô thị hoá tại Trung Quốc. Tốc độ cao này đương nhiên đã mở ra một khoảng không gian phát triển kinh tế và việc làm, có ích trong việc thúc đẩy phồn vinh kinh tế và tiến bộ xã hội. Nhưng từ đó cũng sinh ra nhiều vấn đề. Tác giả cho rằng trong số các vấn đề này, ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất đối với tương lai của Trung Quốc là những mối đe doạ tiềm ẩn. Ở các thành phố lớn và vừa đã xuất hiện hiện tượng tập trung mật độ dân số đông của thành phần được gọi là “nhân khẩu thành thị ăn theo”. Loại “nhân khẩu thành thị ăn theo” này được ước đoán khoảng 200 triệu người.

“Phát triển bền vững” đối diện với áp lực
Đô thị hoá đã tạo ra một lượng lao động rẻ mạt gần 200 triệu người ầm ầm tiến vào các thành phố lớn và vừa, những người này sẽ phải đối mặt với những điều gì? Là giá nhà cao, giao thông tắc nghẽn, tình cảm con người nhạt nhẽo và các điều kiện về bảo hiểm y tế, giáo dục, cũng như phúc lợi an sinh xã hội đều không công bằng. Quan trọng nhất là, để được ở trong cái ngõ nhỏ của thành phố, họ đành phải làm những công việc hèn mọn nhất với đồng lương ít ỏi. Ngoài ra, từ góc độ sinh hoạt thành thị, cũng có thể tưởng tượng ra, nếu 80% dân số Trung Quốc sống ở thành phố thì đó sẽ là một cảnh tượng kinh người: thành phố cần phải xây dựng hệ thống an sinh xã hội và dịch vụ xã hội khổng lồ như thế nào để đáp ứng nhu cầu sinh sống của lượng người lớn như vậy: cung cấp điện nước, giao thông, cung ứng thực phẩm, xử lý rác thải, đảm bảo an ninh và lực lượng cảnh sát khổng lồ để duy trì trật tự và xử lý các vụ việc phát sinh. Ngoài ra, nếu một ngày nổ ra khủng hoảng kinh tế, hàng trăm triệu người sống trong thành phố (mà đa phần là người dân thường) sẽ xuất hiện sự giẫm đạp mang tính sinh tồn, điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chính quyền và tính căn bản của xã hội. Tóm lại, đô thị hoá tốc độ cao khiến cho sự phát triển bền vững của các đô thị Trung Quốc phải đối mạt với áp lực ngày càng lớn, hiện nay tại Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều xung đột xã hội mang tính đông người, phi chính trị, đây không phải là những biểu hiện cho sự cận kề bão hoà của những áp lực này hay sao?
Thực chất của đô thị hoá đối với Trung Quốc chính là sự tiến bộ của công nghiệp hoá, nhất định phải tiến hành trong thực tế, không thể dao động, nhưng cùng với nó là một kiểu tiến bộ phải trả giá, là một kiểu sốc không thể tránh trong lịch sử. Đoàn tàu xã hội đang tăng tốc này nên chăng cần có một “cửa thoát hiểm” hoặc “van an toàn”? Trước thực trạng này, cũng đã có một số người đôn đáo tìm kiếm biện pháp phòng ngừa. Có người đề ra có thể phát “thẻ xanh” cho những người nông dân có thể vào thành phố, có công việc hoặc những lao động ngoại tỉnh, sau vài năm tuân thủ luật pháp, thẻ xanh tự động chuyển thành hộ khẩu thành phố (đã có hộ khẩu) cầm theo thẻ phúc lợi chuyển sang khu vực xung quanh ở, để tạo không gian cho những người mới đến thành phố. Những biện pháp này có khả thi không? E rằng chỉ làm trò cười.

Xây dựng các thành phố vừa và nhỏ
Tác giả cho rằng biện pháp thực sự có thể giải quyết vấn đề này và là chiếc “van an toàn” cho đô thị hoá tại Trung Quốc là cần mạnh mẽ, thực sự phát triển và xây dựng các thành phố vừa và nhỏ. Tư tưởng này thực sự đã được ông Phí Hiếu Thông đưa ra luận chứng từ thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước và cũng đã được các nhà quyết sách chú ý tới. Về sau, do nhiều nguyên nhân nên đã bị xếp lại, quan trọng nhất là tư tưởng từ trên xuống dưới đều chưa chuẩn bị đầy đủ hoặc mọi người lúc đó chưa chú ý nhiều tới các hoàn cảnh khó khăn và bức bối của đô thị hoá tốc độ cao.
Cho dù như vậy, trên cơ sở tổng kết những sai lầm trước kia, theo tác giả, hiện đã đến lúc cần đẩy nhanh xây dựng và phát triển các thành phố vừa và nhỏ (bao gồm các thị trấn nhỏ), xây dựng ngay trong bố trí chiến lược và quy hoặc thống nhất của phát triển đất nước. Nhưng kiểu “trùng tu công trình cũ” này, một là cần điều trị các chứng bệnh cũ, hai là cần học tập kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài một cách nghiêm túc. Công nghiệp hoá đi trước dẫn dắt đất nước trong quá trình xây dựng thành phố vừa và nhỏ, tuy cách làm mỗi nơi mỗi khác nhưng về đại thể đều có một số cách làm khá thành công, ví như họ đều coi trọng uy quyền của quy hoạch, đều coi trọng xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dịch vụ công cộng, đều coi trọng văn hoá khu vực và môi trường nhân văn, đều coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái, cũng đều coi trọng cá tính riêng biệt của mỗi thành phố…
Xây dựng thành phố vừa và nhỏ tuyệt đối không thể “có cũng được không có cũng được” bởi vì chúng có thể là những chiếc “van an toàn” đáng tin cậy nhất trong tiến trình đô thị hoá của Trung Quốc. Chúng vừa có thể bảo đảm cho sự bền vững của đô thị hoá, lại vừa có thể giảm tải lượng lớn sự bùng phát của “căn bệnh đô thị hiện đại”; chúng vừa có thể là con đường lưu động bổ trợ hai hướng trù bị thống nhất giữa thành phố và nông thôn, lại có thể là nơi giúp hàng trăm triệu công dân tìm thấy mảnh vườn, ngôi nhà đáng tin cậy và dựa vào. Đồng thời, chúng có thể khiến cho người Trung Quốc hiện đại không bị lạc đường trong rừng đô thị thành phố được xây bằng xi măng, sắt thép./.
.
.
.

No comments: