Wednesday, April 27, 2011

KHÍA CẠNH PHÁP LÝ TRONG VỤ KIỆN 2 CÔNG TY VIỆT NAM BUÔN NGƯỜI (Hiền Vy, RFA)


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2011-04-26

Vụ án tại Houston liên hệ đến 2 công ty môi giới Hoa Kỳ và 2 công ty Việt Nam đưa các công nhân qua làm việc tại Texas và Louisiana có thêm những diễn tiến mới. .

Xin nhắc lại là sau khi tòa án tiểu bang Texas phạt 2 công ty môi giới Hoa Kỳ phải bồi thường dân sự cho các nạn nhân 60 triệu Mỹ Kim, thì vào ngày 13 tháng Tư, 2011, hai tổ hợp luật sư Tammy Trần và Tony Buzbee đã đại diện các công nhân Việt Nam chính thức khởi kiện 2 công ty Việt nam là Interserco và Vinamotors về tội buôn người và vi phạm khế ước tại tòa án liên bang, khu vực Galveston, thuộc tiểu bang Texas.

Tiếp theo đó, Đại học Luật Khoa South Texas College of Law tại Houston, tiểu bang Texas đã có một buổi họp cùng tổ hợp luật sư Tammy Trần và các nạn nhân để giúp đỡ những nạn nhân này lo thủ tục xin Visa. Giáo sư Luật Naomi Joyce Jiyoung Bang, chuyên về luật di trú, giải thích về tình trạng của các lao động Việt Nam này như sau:

Nạn nhân của sự buôn người

Hiền Vy: Kính chào giáo sư Naomi Bang, xin bà cho biết quá trình làm việc của bà và các sinh viên trong sự giúp đỡ pháp lý cho các công nhân lao động Việt Nam.
Prof. Bang: Chúng tôi biết trường hợp này khoảng hơn một năm rưỡi nay và chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề của những công nhân này để coi có giúp được gì cho họ không. Mới đây họ vừa thắng một vụ kiện rất lớn, vụ này giúp chúng tôi trong công việc xin Visa cho họ vì 2 công ty tại Mỹ đã thỏa thuận bồi thường. Sự thỏa thuận bồi thường này chứng tỏ là những công nhân này là nạn nhân của sự buôn người. Trong luật di trú có loại hộ chiếu để giúp đỡ nạn nhân của tệ nạn buôn người, gọi là T-Visa.

Hiền Vy: Tình trạng di trú của các nạn nhân bây giờ như thế nào?
Prof. Bang: Họ đến Mỹ với Visa H2B, tức là loại Visa tạm thời cho công nhân làm việc tại Mỹ, và được công ty môi giới hứa hẹn là Visa sẽ được gia hạn, nhưng chưa bao giờ Visa của những công nhân này được gia hạn cả. Họ đến Mỹ để làm thợ hàn cho công ty Coast to Coast nhưng đến ngày mà đáng lẽ Visa của họ được gia hạn thì họ lại được chỉ thị là phải trở về nước trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Hiền Vy: Bà đang giúp cho các nạn nhân ở lại Hoa kỳ dưới dạng VISA nào và trên căn bản pháp lý nào và theo bà thì khả năng được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận ra sao?
Prof. Bang: Chúng tôi rất tin tưởng rằng họ đủ điều kiện để xin T-Visa, là loại Visa cho nạn nhân của sự buôn người. Chúng tôi tin rằng những sự kiện mà họ đã trải qua như phải trả tiền để được qua đây, rồi bị đối xử như những tù nhân mặc dầu phải trả những chi phí cho cuộc sống tại đây ... và họ đã hoàn toàn bị bóc lột, bị lợi dụng.
Thật khó mà tưởng tượng được là những sự cố như vậy lại xảy ra ngay tại Hoa Kỳ.

Hiền Vy: Như vậy lý do chính để bà xin Visa cho họ là vì họ là nạn nhân của sự buôn bán lao động, phải không ạ ?
Prof Bang: Có 2 loại Visa có thể xin được trong trường hợp này là T-Visa và U-Visa. T-Visa cấp cho các nạn nhân của dịch vụ buôn người theo đạo luật Bảo Vệ Nạn Nhân Của Các Vụ Buôn Người được ban hành năm 2000 và được sửa đổi vào năm 2003 và mỗi năm đạo luật này có thêm điều khoản để bảo vệ nạn nhân của các vụ buôn người. Ngoài ra các nạn nhân cũng có bằng chứng là họ bị đối xử tàn tệ để xin cấp U-Visa nhưng chúng tôi đang xin T-Visa cho họ vì chúng tôi thấy có chứng cớ rõ ràng họ là nạn nhân của đường dây buôn người và chúng tôi muốn là họ được Visa càng sớm càng tốt.

Không thể đổ lỗi cho công ty môi giới

Hiền Vy: Bà có thống kê gì về nạn buôn người từ VN và các nơi khác đến Hoa Kỳ không ?
Prof. Bang: Cho đến nay tôi chưa có thống kê về nạn buôn người từ VN qua Hoa Kỳ mặc dầu tôi cũng làm nhiều vụ liên quan tới Việt Nam. Nạn buôn người xảy ra khắp nơi trên thế giới và mang lại cả bạc triệu, bạc tỉ cho những người làm việc trong các âm mưu này và đáng tiếc là tệ nạn buôn người xảy ra rất nhiều tại vùng Houston này.

Hiền Vy: Bà có lời khuyên nào cho những công ty môi giới để họ tránh trường hợp bị phạt nặng nề như những công ty đang bị không ạ?
Prof. Bang: Tôi nghĩ các công ty làm việc này nên nhìn vào những sự kiện đang xảy ra và đừng có đối xử tệ với những công nhân lao động như họ đã đối xử với những nạn nhân này. Họ nên theo luật lệ của Hoa Kỳ, từ luật di trú đến luật lao động thì họ sẽ tránh được phiền phức. Tại Hoa Kỳ công nhân được bảo vệ rất chặt chẽ. Đặc biệt đối với những công ty Hoa Kỳ thì họ cần phải cẩn trọng, phải nghiên cứu kỹ lưỡng các công ty môi giới vì nếu vi phạm luật pháp thì xứ Mỹ rất nghiêm ngặt và họ không thể đổ lỗi cho các công ty môi giới mà nói rằng là họ không biết gì cả.

Hiền Vy: Xin cảm ơn Professor Naomi Bang

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

--------------------------------------

VIỆT NAM và MỘT SỐ CÔNG TY BỊ KIỆN BUÔN NGƯỜI TẠI TEXAS






.
.
.

No comments: