20-2-2011
Tính đến nay đã hơn một tháng, số phận của những người thủy thủ Việt Nam trên tàu của công ty Hoàng Sơn vẫn mịt mờ ngày về. Hiện tại chưa có một cách giải quyết nào cứng rắn, mạnh mẽ từ phía công ty Hoàng Sơn và từ chính phủ Việt Nam để cứu các thuyền viên thoát khỏi tay hải tặc Somali.
Theo tờ Dantri đưa tin hôm 21/01 một cách “mù mờ” về thông tin các thuyền viên trên tàu của công ty Hoàng Sơn gặp nạn. Tờ báo dẫn tin về vụ tàu Hoàng Sơn Sun bị hải tặc Somalia bắt cóc ngày 20/1, những vẫn chưa xác định được thông tin cụ thể về số phận của 24 thuyền viên, thủy thủ trên tàu là thuộc nước nào?. Tuy nhiên, sau một ngày cũng trên trang Dantri đã xác định cụ thể danh tính toàn bộ 24 thủy thủ trên tàu là người Việt Nam nhưng chưa liên lạc được. Thuyền trưởng là anh Đinh Tất Thắng cùng một thuyền phó và toàn bộ thủy thủ còn lại đều là quốc tịch Việt Nam. Được biết có khoảng 10 thủy thủ ở Hải Phòng, số còn lại đến từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và Quảng Bình. Tờ báo cũng mô tả phía công ty Hoàng Sơn mới chỉ dừng lại ở việc đến thăm hỏi và động viên các thân nhân của những người bị nạn. Họ mong chờ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để cứu giúp các thủy thủ sớm được trở về với gia đình.
Từ đó đến nay, vụ việc này không được nhắc đến, các phương tiện truyền thông có lẽ được chỉ đạo “từ trên” nên đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”?. Sự sống và cái chết của các thuyền viên trong tay hải tặc Somali có được chính phủ Việt Nam quan tâm ?.
Chúng tôi quyết định đi tìm hiểu sự việc. Qua nhiều nguồn thông tin tin cậy: Chúng tôi biết được chính phủ Việt Nam đã có sự “quan tâm” đối với các thuyền viên bị nạn một cách khá dè dặt như muốn lãng tránh sự việc này.
Được biết, sau khi nghe tin dữ, thân nhân của các những người gặp nạn đã “kêu cầu” khẩn thiết lên các cấp chính quyền đề nghị lên tiếng và hành động để cứu “công dân” của mình sớm được an toàn. Sau nhiều lần đề nghị của“nhân dân”, trên Chính phủ mới chỉ dừng lại ở việc gửi công văn đến các nước như Oman, Yemen và những nước xung quanh Somali. Thực tế, các nước này cũng không thể giải quyết được những vụ việc liên quan đến cướp biển. Như chúng ta biết Somali là một quốc gia gần như là vô chính phủ. Còn các nước kia thì đang bị dân chúng biểu tình đòi dân chủ (Chính phủ của họ đang đau đầu giải quyết vấn đề của họ) Vậy thì chính phủ Việt Nam nói chuyện bằng… văn bản với hải tặc thông qua ngoại giao các nước đó liệu có kết quả ??? Một việc làm chỉ để cho có!
Theo các thông tin chúng tôi được biết. Đến nay, đã là hơn một tháng các thuyền viên trên tàu Hoàng Sơn bị hải tặc bắt giữ và đòi tiền chuộc, cuộc sống của những thủy thủ này như ngàn cân treo sợi tóc. Mọi nhu yếu phẩm đã cạn kiệt, tiền của và hàng hóa bị khoắng sạch, chúng cùng ăn uống nên thực phẩm dự trữ đã hết. Nhiên liệu cho tàu hoạt động cũng không còn. Nhiều nạn nhân được hải tặc cho phép điện thoại về, cho biết: họ bị đánh đập rất dã man, họ đang sống trong lo âu và tuyệt vọng…
Về việc hải tặc đòi tiền chuộc, chúng tôi được biết lúc đầu chúng ra giá khoảng 7 triệu đô, sau rút xuống còn 5 triệu, mới đây nhất thì chúng rút xuống 3,5 triệu. Thời gian càng kéo dài thì sự nguy hiểm đến tính mạng của các thủy thủ càng lớn. Các thân nhân đang vắt kiệt sức lực để đóng góp của cải vật chất cứu các thủ thủy. Nhưng với số tiền quá lớn nên những gia đình nạn nhân khó đủ sức, công ty Hoàng Sơn, một công ty tư nhân thì đang lâm vào tình trạng gần như phá sản. ..Tình hình các nạn nhân thật là bi đát.
Các thủy thủ Việt Nam làm ăn với nước ngoài, ngoài kiếm tiền bằng cách bán sức lao động cho chủ nước ngoài để nuôi bản thân và gia đình, còn một khoản không nhỏ phải nuôi chính phủ, nhưng khi gặp hoạn nạn thì chính phủ đã làm gì?.
Trên các phương tiện thông tin toàn cầu có đăng tải nhiều vụ việc hải tặc Somali tấn công cướp tàu cùng các thủy thủy và đòi tiền chuộc. Nhìn rộng ra thế giới mới thấy được người dân bị gặp nạn được các chính phủ của họ bảo vệ như thế nào. Sau hàng loạt phản ứng mạnh mẽ của Nga, Mỹ, EU, mới đây các chính phủ Nhật, Hàn, Malaysia cũng đã hành động rất mạnh tay với hải tặc. Cùng thời gian với các thủy thủ trên tàu thuộc công ty Hoàng Sơn của Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc đã đột kích giải thoát tàu Sambo Jewelry, vốn bị bọn cướp biển Somalia bắt giữ từ trung tuần tháng 1 trên biển Arab, và 21 con tin thuộc nhiều quốc tịch. Lực lượng hải quân Hàn Quốc đã tiêu diệt 8 tên cướp biển, bắt sống 5 tên khác.
Nói như vậy có thể sẽ có thể chính phủ Việt Nam bao biện cho rằng: Đó là Hàn Quốc, nếu làm như Hàn Quốc thì sẽ gây nguy hại đến tính mạng của các thủy thủ !?. Đây là một sự bao biện hết sức mâu thuẫn. Hải tặc tấn công tàu và bắt cóc con tin để làm gì ngoài mục đích là tiền. Nếu không kiếm được món tiền từ việc bắt giữ các thủy thủ làm con tin thì hải tặc có tha mạng sống cho con tin của chúng không? Chỉ có 2 cách hoặc là thỏa thuận tiền chuộc, hoặc là tấn công hải tặc. Một chính phủ hoặc vì tiếc ba triệu rưỡi hoặc thậm chí là bảy triệu đôla mà bỏ mặc không cứu công dân của mình thì phải gọi chính phủ đó như thế nào đây?
Lại nhớ rất nhiều vụ ngư dân miền Trung bị “tàu lạ” tấn công, cướp, giết, đánh đập như cơm bữa suốt bao năm nay nhưng tuyệt nhiên không thấy lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân nhân dân Việt Nam hay Chính phủ Việt Nam có một động thái nào thực sự hiệu quả, khiến cho kẻ làm bậy phải chùn tay. Vậy, lúc này đây, những công dân Việt Nam đang nằm trong tay “thế lực đen”, tính mạng bị đe dọa hàng giờ, còn Chính phủ vẫn còn đang suy tính xem “nên xuất quân gì” trước “thế cờ” này thì liệu rằng lòng tin của người dân Việt Nam có bị xói mòn thêm?
Sự sống và cái chết của các thủy thủ trên tàu Hoàng Sơn Sun bị hải tặc bắt giữ hơn tháng nay như con chim mỏi cánh giữa biển cả mênh mông gặp cơn bão táp. Là một chính phủ của dân, do dân, và vì dân thì hãy mau mau ra tay, hãy hành động để cứu công dân của mình. Đừng im thin thít như thịt nấu đông kẻo lai mang thêm cái tiếng trong nhân dân, bia ghi sử chép là dân tộc Việt Nam phải chịu khốn cực sống dưới một chế độ, một chính phủ “sống chết mặc bay”.
Các thủy thủ và thân nhân của họ đang khẩn thiết kêu cầu đến tất cả quí vị trong nước cũng như trên thế giới hãy lên tiếng bằng nhiều cách thức khác nhau, để cứu lấy mạng sống của các thủy thủ trên tàu Hoàng Sơn.
Hà Nội, 20.02.2011
Paulus Lê Sơn
.
.
.
No comments:
Post a Comment