Mai Vân - RFI
Thứ hai 21 Tháng Hai 2011
Phong trào biểu tình đòi dân chủ tại các nước Ả Rập, như vết dầu loang, tiếp tục lan rộng ở vùng Bắc Phi và vùng Vịnh, bất chấp tình trạng bị đàn áp thẳng tay tại một số nơi như ở Libya. Sự kiện Trung Quốc đàn áp gới ly khai dám kêu gọi biểu tình ủng hộ Cách mạng Hoa nhài cũng rất được chú ý.
Le Monde nêu bật trước tiên trong hàng tựa trang nhất : "Đàn áp thô bạo tại Libya, Barhain và Yemen". Tờ báo ghi nhận bên dưới : "Các cuộc nổi dậy không ngừng lan rộng, và nay đến lượt Djibouti".
Le Figaro chú ý đến "cuộc nổi dậy đã lan rộng khắp Libya", tít trên trang nhất. Tường thuật tình hình ở trang trong, Le Figaro nhận thấy là mặc dù bị đàn áp đẫm máu, 174 người chết trong vòng 4 ngày, nhưng người xuống đường không thối lui, và tại thành phố Benghazi, thành phố lớn thứ nhì ở Libya, những người biểu tình hầu như đã kiểm soát thành phố, còn lực lượng an ninh thì đã lại rút về căn cứ của họ, trong lúc lãnh đạo các ủy ban nhân dân thân chính phủ thì đã bỏ chạy.
Le Figaro cũng như các đồng nghiệp, chưa nhìn thấy lối thoát như thế nào đối với các chế độ độc tài trong vùng, mà chỉ thấy là "sự tức giận người dân đang như vết dầu loang, từ Bắc Phi, với Maroc đang bị khuấy động, cho đến các nước vùng Vịnh, và cuối tuần qua đến lượt Djibouti.
Các cuộc nổi dậy cũng đã gợi cảm hứng cho người dân Trung Quốc : trên những site web, có lẽ đặt ở nước ngoài, có lời kêu gọi những người thất nghiệp, sinh viên, động viên nhau đi biểu tình. Lực lượng cảnh sát đã được chính quyền triển khai hùng hậu tại 13 thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải. Họ bắt người để ngăn chặn các cuộc biểu tình kiểu 'cách mạng Hoa nhài'. Theo tờ báo, từ thứ bẩy vừa qua, nhiều nhà hoạt động bảo vệ dân quyền đã biến mất.
Libération, cũng theo vết dầu loang, và cũng chú ý đến Maroc, nơi mà hôm qua, lần đầu tiên, theo tờ báo, hàng ngàn người biểu tình đã đòi chính phủ từ chức. Tờ báo cũng trích thành tựa, lời của một thanh niên, mang biểu ngữ : "Đây chỉ mới là bước đầu".
Trung Quốc bóp nghẹt phong trào ủng hộ Cách mạng Hoa nhài
Libération cũng ghi nhận cách đối phó khác nhau của các chính quyền : đàn áp đẫm máu như chế độ của ông Kadhafi', trong lúc mà tại Bahrain, quân đội rút lui, và chế độ cho biết sẵn sàng đối thoại. Tờ báo cũng nhìn sang Trung Quốc, nước đã "bóp nghẹt cuộc biểu tình của giới ly khai".
Đặc phái viên Libération tại Thượng Hải đã mô tả cảnh 3 nhân viên công an mặc sắc phục, cùng với 5 người mặc thường phục vây bắt một sinh viên độ 20 tuổi bên ngoài một quán cà phê ở Quảng trường Nhân Dân, ngay trung tâm Thượng Hải. Thanh niên đã bắt đầu diễn thuyết trước một đám đông nhỏ gồm những người đã đáp ứng lời kêu gọi biểu tình vì dân chủ mà giới ly khai Trung Quốc đã tung ra trên mạng Internet.
Trang mạng Bác Tấn (Boxun) do giới ly khai Trung Quốc ở hải ngoại quản lý, trước đó đã xác định rằng : "Trung Quốc cũng cần một cuộc cách mạng hoa nhài". Hộ đồng thời kêu gọi người Trung Quốc theo gương Tunisia và Ai Cập, tập hợp lại tại các thành phố lớn vào lúc 14 giờ ngày hôm qua 20/02, để hô to khẩu hiệu : « Chúng tôi muốn có ăn, có việc làm, nhà ở và một hệ thống công bằng ». "Tuy nhiên, công an Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó vì họ đã theo dõi chặt chẽ các trang blog và các mạng như Twitter đã loan truyền lời kêu gọi đó.
Thế là, theo Libération, hàng chục cảnh sát chống bạo động và một chiếc xe trang bị máy quay video đã được huy động đến, vây quanh Quảng trường Nhân Dân ở Thượng Hải. Đám đông nhỏ biểu tình hầu như không phản ứng gì khi công an xông vào bắt chàng thanh niên táo bạo đó và kéo xệch anh ta lên xe.
Những người tham gia biểu tình, trong đó có một số giả vờ làm khách bộ hành, chỉ dám chụp cảnh bắt giữ bằng máy điện thoại di động của họ mà thôi. Một cụ già 78 tuổi đã về hưu chứng kiến cảnh tượng này đã thì thầm : « Vấn đề ở đây là người Trung Quốc ghét chủ nghĩa cộng sản, nhưng lại có tâm lý sợ hãi ». Cụ già này nói tiếp : « Chính phủ này là một chính phủ của kẻ cướp và kẻ côn đồ ». Ông đã thì thầm như trên ở giữa đám đông, và sử dụng tiếng Anh để người chung quanh không hiểu ông nói gì.
Kéo chúng tôi ra một chỗ vắng vẻ, ông nói thêm: "Tại Trung Quốc, không có dân chủ, không có tự do ngôn luận, không có quyền tự do nào cả. Ở các nước bình thường khác, quân đội phục vụ đất nước, nhưng ở Trung Quốc, họ lại phục vụ Đảng Cộng sản. ».
Ngoài thanh niên bị bắt kể trên, theo đặc phái viên Libération, dường như còn có hai người khác cũng bị bắt giữ tại Thượng Hải. Các cuộc tụ tập nho nhỏ cũng diễn ra ở Bắc Kinh, trên đại lộ Vương Phủ Tỉnh, và ở 11 thành phố khác như Thành Đô, Tràng Sa và Quảng Đông. Ở nơi nào cũng thế, chính quyền đã cho triển khai một lực lượng ngăn chặn hùng hậu.
Từ "hoa nhài" bị cấm trên các diễn đàn, giống như từ "Ai Cập", "Tunisia" và "dân chủ"
Theo tờ báo Pháp, có lẽ không phải là ngẫu nhiên mà vào hôm kia, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu kiểm soát một cách chặt chẽ hơn màng lưới Internet, vốn đã là đối tượng của một chế độ kiểm duyệt rất hà khắc. Hiện nay, theo Libération, từ "hoa nhài" đã bị cấm trên các diễn đàn, tương tự như các từ "Ai Cập", "Tunisia" và "dân chủ".
Thất bại trong việc huy động lực lượng vào hôm qua tuy nhiên đã không làm cho giới bất đồng chính kiến nản lòng, cho rằng điều đó chỉ tương đối mà thôi. Ông Bào Đồng, nguyên bí thư của cựu Tổng bí thư Triệu Tử Dương, bị kỷ luật sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989 xác định : « Ngay cả khi không đạt kết quả mong muốn, lời kêu gọi biểu tình này cho thấy là người dân Trung Quốc vẫn khao khát dân chủ ».
Về phần mình, nhà văn Hà Thanh Liên trên mạng Twitter, đã không ngần ngại chỉ trích một chính quyền Trung Quốc hoang tưởng, nhìn đâu cũng thấy địch. Theo ông : « Duy trì ổn định bằng vũ lực có thể có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng không bao giờ hiệu nghiệm trong dài hạn... Tốt nhất là chính quyền nên trao trả quyền lực lại cho nhân dân ».
Còn một người sử dụng Twitter khác, bút danh là FreeMandchuria (tạm dịch là Mãn Châu Tự do) thì kêu gọi tung ra trên mạng lời kêu gọi biểu tình cứ mỗi hai tháng một lần để làm cho XIN TRICH : « Đảng Cộng sản ăn cướp đó phải sống trong lo âu thường xuyên[...]. Điều quan trọng không phải là thực sự xuống đường ».
Một khách hàng Twitter khác thì tiếc răng ‘’Hoa nhài Trung Quốc chưa nở’’ vì còn thiếu ‘’một chất xúc tác, một khẩu hiệu có sức động viên, một đòi hỏi và mục tiêu rõ ràng’’. Tuy nhiên nhân vật này hy vọng rằng : « Hoa nhài sẽ nở trong thời gian tới đây ».
.
.
.
No comments:
Post a Comment