Sunday, February 13, 2011

VỀ QUAN HỆ VIÊT NAM - TRUNG QUỐC (anhbasam)

Đăng bởi anhbasam on 13/02/2011

Đôi lời: Nhân vật “gần đất xa … dân” này mới đây gây nhiều tranh cãi quanh bài phỏng vấn của tờ báo Trung Quốc. Mời bà con coi thêm bài: Giáo sư Nguyễn Huy Quý có phải là nhà Trung Quốc học?” của nhà nghiên cứu  Đinh Kim Phúc và bấm vô đây để biết thêm nhiều phản ứng của cư  dân mạng. Còn bài gốc tiếng Anh ở đây: China-Vietnam: synergy greater than discord.
Ngoài ra, sau những trần tình của Nguyễn Huy Quý, một blogger đã cho BS biết ông có trong tay bản ghi âm cuộc phỏng vấn này, song chưa muốn đưa lên, vì e sẽ rất bất lợi cho sức khỏe Nguyễn Huy Quý.
Còn với riêng TTXVN, sau một tháng rưỡi mới đưa lại bài này (với lối ỡm ờ vốn có về thời gian của bài báo: “số ra gần đây“), họ có ý gì, một miếng thảm lót đường hoan hỉ đưa chân “tân TBT” vào Nhà đỏ, hay chỉ là thực hiện cái nghiệp vụ báo chí cà-là-mèng thâm căn cố đế thôi? Xin bà con đánh giá, đặc biệt lưu ý vài dòng phi lộ, ít khi có, của chính TTXVN nặn ra cốt để nhấn mạnh thêm (phòng khi “tân TBT” không có thì giờ để mắt đến nội dung bài? Hic!)
---------------------

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
VỀ QUAN HỆ VIỆT – TRUNG
Tài liệu tham khảo đặc biệt (bản in, không có trên mạng, được Ba Sàm thường xuyên cho đánh máy lại và đưa lên trang)

Thứ Bảy, ngày 12/02/2011
TTXVN (Bắc Kinh 7/2)

Theo “Thời báo hoàn cầu” số ra gần đây: Trong các thập niên 70, 80 thế kỷ trước, giữa hai nước láng giềng Trung Quốc – Việt Nam đã có một thời kỳ không yên ả, mãi đến năm 1991 quan hệ hai nước mới được bình thường hoá. Năm 1993 Viện nghiên cứu Trung Quốc-Viện khoa học xã hội Việt Nam thành lập, chuyên gia nổi tiếng của Việt Nam về vấn đề Trung Quốc, Giáo sư Nguyễn Huy Quý bắt đầu giữ chức Viện trưởng, cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 8/2002. Trong thập niên 1950 từng là lưu học sinh tại Khoa lịch sử, Trường Đại học Bắc Kinh, năm nay 74 tuổi, “nhà thông hiểu Trung Quốc” Nguyễn Huy Quý đã “nghỉ nhưng vẫn không hưu”, luôn quan tâm đến vấn đề phát triển trong quan hệ hai nước và tình hình mỗi nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của “Thời báo hoàn cầu” mới đây, Giáo sư Nguyễn Huy Quý tỏ ý lạc quan về triển vọng quan hệ Việt-Trung, đồng thời đặc biệt lưu ý rằng thế lực bên ngoài bắt đầu can thiệp vào vấn đề Nam Hải (Biển Đông) giữa hai nước mà các thế lực đó không hề có liên quan, đó chính là gây mâu thuẫn trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc “không nên mắc lừa” trong vấn đề này, đồng thời ông cũng nhận định Trung Quốc và Việt Nam cần có mối quan hệ đặc biệt giống như quan hệ Mỹ-Anh. Dưới đây là nội dung trả lời phỏng vấn của Giáo sư Nguyễn Huy Quý.

----------------------

Thời báo hoàn cầu (TBHC): Là học giả Việt Nam lâu năm nghiên cứu Trung Quốc, Giáo sư nhìn nhận thế nào về quan hệ hai nước trước đây?
Giáo sư Nguyễn Huy Quý (GS NHQ): Tôi thường nói hai nước Trung Quốc-Việt Nam có quan hệ “ba đồng” là Đồng văn-Đồng chủng-Đồng chí: Việt Nam khác với phần lớn các nước ASEAN khác, văn hoá Việt Nam và văn hoá Trung Quốc là cùng (đồng) nguồn gốc; Trung Quốc có 56 dân tộc, Việt Nam có 54 dân tộc, khu vực biên giới Việt-Trung có một, hai chục dân tộc sống chung ở cả hai bên biên giới, nhà lãnh đạo Việt Nam Nông Đức Mạnh là người dân tộc Tày, qua nghiên cứu cho thấy, dân tộc thiểu số lớn nhất này ở Việt Nam và dân tộc Choang ở Trung Quốc sống qua biên giới của nhau; hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Những yếu tố này đều rất quan trọng. Giống như quan hệ của Mỹ với Anh cũng khác với quan hệ của Mỹ với các nước phương Tây khác, vì hai nước Mỹ-Anh không chỉ gắn liền với nhau về chính trị mà về phương diện dân tộc cũng tương đồng. Bởi thế, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc vốn phải được coi là mối quan hệ đặc biệt, chỉ do nguyên nhân lịch sử nên mới xuất hiện một số vấn đề. Thời kỳ quan hệ Trung-Việt xấu đi tôi rất buồn. Lúc đó có rất nhiều học giả Việt Nam nghiên cứu Trung Quốc bị buộc phải chuyển ngành, có người nghiên cứu lịch sử Trung Quốc hoặc văn học Trung Quốc phải chuyển sang nghiên cứu lịch sử Liên Xô và văn học Pháp, một số người nghiên cứu triết học cổ đại Trung Quốc chuyển sang nghiên cứu triết học Mác-Lê, nhưng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu Trung Quốc. Sau khi quan hệ hai nước bình thường hoá trong thập niên 1990, tôi hết sức phấn khởi. Tôi cho rằng quan hệ hai nước từ khi bình thường hoá đến nay cũng có lúc căng thẳng, nhưng những căng thẳng đó không phản ánh thực chất quan hệ hai nước. Trong những năm đó khi đến Trung Quốc đại lục và các khu vực Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan, tôi đều tiến hành giao lưu học thuật. Cách đây không lâu khi đến tham gia hội nghị khoa học ở An Huy, tôi quả thực phát hiện thấy quan hệ hai nước trở nên bình lặng chứ không căng thẳng như trước kia. Tuy nhiên một số học giả Việt Nam cũng có cách nhìn nhận khác với một số báo chí Trung Quốc đưa tin về Việt Nam.

(TBHC): Một số học giả Trung Quốc cũng cho rằng trên báo chí Việt Nam có lúc cũng xuất hiện những tiếng nói không hữu nghị đối với Trung Quốc, Giáo sư nhìn nhận thế nào trước những tin tức mà báo chí đăng tải về quan hệ Trung Quốc-Việt Nam như vậy?
(GS NHQ): Đối với Trung Quốc, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa hiện đang tồn tại ở Việt Nam cũng có rất nhiều điểm tốt, vì thế nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là xử lý quan hệ hai nước như thế nào. Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, trong đó có báo chí, vì báo chí đề cập đến rất nhiều vấn đề nhạy cảm. Có một số nhà báo Việt Nam chịu ảnh hưởng của ý thức hệ chính trị phương Tây, thậm chí có nhà báo còn không biết Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, đó là một vấn đề nghiêm trọng. Trên trường quốc tế cũng có tiếng nói cố ý khiêu khích, chủ yếu là những Việt kiều bỏ trốn ở hải ngoại chống lại chính phủ hiện nay ở Việt Nam, họ lợi dụng tình cảm dân tộc để gây chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quan hệ Việt-Trung xấu đi là họ vui mừng. Báo chí hai nước cần tìm hiểu những tình hình như vậy. Quan hệ hai nước có lúc mâu thuẫn nhưng báo chí không nên tiếp tục dẫn đến sự hiểu lầm. Tôi thường nói với những người làm công tác báo chí Việt Nam rằng quan hệ hai nước Trung-Việt hết sức quan trọng, hai đảng hai nước cần đoàn kết chặt chẽ, không đưa những tin không xác thực, không được đi theo hướng cực đoan, mà phải đưa ra nhiều ý kiến mang tính xây dựng.

(TBHC): Là học giả Việt Nam, Giáo sư nhìn nhận bất đồng giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông như thế nào?
(GS NHQ): Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam trước đây chủ yếu ở ba phương diện: Biên giới trên bộ, phân giới Vịnh Bắc bộ và vấn đề Biển Đông. Hiện nay, phần còn lại chính là vấn đề Biển Đông. Ở mức độ rất lớn, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam bị ảnh hưởng bởi vấn đề Biển Đông. Theo góc độ nhìn nhận của tôi với tư cách là một học giả, cả hai bên tuyên bố và tỏ thái độ đều có phần “quá”, có phần “cứng”, tách khỏi thực tế, rất khó thực hiện. Hai bên không thể đem theo tình cảm dân tộc để bàn vấn đề hết sức phức tạp như vậy trong bối cảnh còn thiếu nghiên cứu. Đây là vấn đề không có nhiều khả năng giải quyết trong một thời gian ngắn, trong nội bộ Trung Quốc-Việt Nam cần tạo nên được bầu không khí thật tốt.

(TBHC): Năm nay, Mỹ tỏ cho thấy muốn can thiệp vấn đề Biển Đông, Giáo sư nhìn nhận thế nào về thực tế này?
(GS NHQ): Đối với một số thế lực bên ngoài như vậy, vấn đề Biển Đông không liên quan gì với họ, nhưng họ đang tạo ra mâu thuẫn giữa hai nước Việt-Trung.

(TBHC): Hiện nay có một cách nói, rằng Việt Nam đang đến gần với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, có đúng như vậy hay không?
(GS NHQ): Có người nói khi quan hệ Trung-Việt tốt, Việt Nam xa rời Mỹ, nhưng khi Việt Nam cảm thấy sức ép từ Trung Quốc đối với Việt Nam lớn, Việt Nam sẽ tiếp cận với Mỹ. Kỳ thực đây không phải là bản chất của vấn đề mà chỉ là đường lối ngoại giao của Việt Nam. Toàn bộ các nước Đông Nam Á đều muốn cân bằng quan hệ đối ngoại của mình, đây là một hiện thực. Có một vấn đề là nước Mỹ cũng gây sức ép đối với chế độ chính trị ở Việt Nam. Về phương diện ngoại giao, Việt Nam sẽ thực hiện cân bằng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, cũng như cân bằng trong các vấn đề quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cũng cảnh giác với nước Mỹ. Quan chức cấp cao Việt Nam cũng nói đến “diễn biến hoà bình”, lo ngại cách làm của Mỹ đối với Việt Nam trong các vấn đề tôn giáo và nhân quyền. Ở nước Mỹ có hơn một triệu Việt kiều, phần lớn ra đi từ thời chính quyền nguỵ trước đây, trong đó có một số người còn muốn lật đổ chính quyền Việt Nam hiện nay, vì thế chúng ta phải đặc biệt cảnh giác với bộ phận người này. “Lợi dụng Việt Nam để bao vây Trung Quốc”, đó là cách nghĩ của nước Mỹ, vì thế nếu Trung Quốc có ý kiến về việc “Việt Nam cải thiện quan hệ với Mỹ” là đã mắc lừa Mỹ.

(TBHC): Ở trong nước Việt Nam có phân biệt theo các nhóm “thân Trung”, “thân Mỹ” hoặc “thân Nga” hay không?
(GS NHQ): Tôi cho rằng trong nước Việt Nam không có sự phân biệt giữa thân Trung hay thân Mỹ. Gặp phải những sự kiện liên quan đều phải phân tích những vấn đề cụ thể.

(TBHC): Trước đây phương Tây nói theo “Thuyết Trung Quốc đe doạ”, nay lại nói theo “Thuyết Trung Quốc cứng rắn”, Giáo sư nhìn nhận về những cách nói trên đây như thế nào?
(GS NHQ): Tôi tin chắc 100% rằng Trung Quốc hiện nay không, trong tương lai khi đã lớn mạnh cũng không xâm lược bất cứ một quốc gia nào mà Trung Quốc đã công nhận. Nhưng đối với quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thì đó lại là vấn đề khác. Nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nếu lúc đó xảy ra xung đột với Trung Quốc thì đó không phải là xâm lược mà là hành động Trung Quốc áp dụng để thu hồi chủ quyền. Ví dụ như vấn đề về đảo Điếu Ngư, Trung Quốc không thể tấn công vào đất của Nhật Bản, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, nếu xảy ra xung đột vũ trang ở gần đảo Điếu Ngư thì khả năng đó cũng có thể xảy ra.
Nếu bạn hỏi người Việt Nam về vấn đề này thì phần lớn họ cũng đều giống như cách nhìn nhận đó của tôi. Dân chúng Việt Nam cũng có ý thức về nguy cơ như vậy. Là một học giả, tôi thường nói với dân chúng Việt Nam rằng Trung Quốc nói “trỗi dậy hoà bình”, vì thế khả năng xảy ra xung đột rất ít, Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa, chú trọng chính sách ngoại giao hoà bình, không thể sử dụng vũ lực đối với Việt Nam. Tôi đã viết bài đăng trên ấn phẩm của Đảng Cộng sản Việt Nam, nói rằng xung đột giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông chỉ là một sự kiện “bất trắc”, cần phải thấy rằng quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam-Trung Quốc mới là dòng chủ lưu.
Có người đề xuất lên rằng “Trung Quốc là Trung Quốc của thế giới, thế giới là thế giới của Trung Quốc”, cho rằng Trung Quốc đang dùng thực lực kinh tế để cải tạo Đông Nam Á, thậm chí cải tạo thế giới. Họ muốn đề xuất như vậy để Trung Quốc đứng ra lãnh đạo thế giới, còn nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xuất “Trung Quốc không tách khỏi thế giới, thế giới không tách khỏi Trung Quốc”. Điều này rất hợp lý. Tôi cho rằng thực lực cứng Trung Quốc đã có, hiện nay Trung Quốc phải tiếp tục nâng cao thực lực mềm của mình, trong tương lai mới có thể phát triển thành một nước siêu cường. Trung Quốc phải kết hợp giữa văn hoá phương Đông với Chủ nghĩa xã hội, như vậy mới ổn thoả hơn. Trong thâm tâm của người Việt Nam, nhất là những người Việt Nam ở tầm cao đều hết sức mong muốn xây dựng quan hệ tốt với Trung Quốc, như vậy không chỉ có khả năng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, mà còn giữ được chế độ của mình. Vì thế tôi vẫn rất lạc quan về quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

(TBHC): Giáo sư nhìn nhận thế nào về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc?
(GS NHQ): Đối với Trung Quốc, Việt Nam là cây cầu để Trung Quốc tiến vào thị trường lớn Đông Nam Á. Xét trên bình diện kinh tế, Việt Nam-Trung Quốc vừa hợp tác vừa cạnh tranh, cạnh tranh đó là bình thường, giống như giữa các tỉnh ở Trung Quốc cũng có cạnh tranh, giữa các tỉnh ở Việt Nam cũng có cạnh tranh.

(TBHC): Tháng 6/2010 Quốc hội Việt Nam phủ quyết dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam tổng trị giá 56 tỉ USD, có một số dư luận nói Việt Nam không muốn hợp tác với Trung Quốc xây dựng đường sắt cao tốc. Giáo sư nghĩ thế nào về việc này?
(GS NHQ): Tôi cho rằng không phải Việt Nam không yên tâm đối với Trung Quốc, mà kế hoạch xây dựng lớn này bị ảnh hưởng bởi kế hoạch kinh tế tổng thể của Việt Nam, sẽ là đảo lộn trạng thái phát triển cân bằng giữa thành thị và nông thôn ở Việt Nam. Phương Tây giúp Việt Nam xây dựng đường Hồ Chí Minh nhưng hiện nay xem ra tác dụng không nhiều. Xây dựng một công trình lớn về đường sắt cao tốc Bắc-Nam như vậy có thể là vấn đề mà mấy chục năm sau mới cần phải xem xét.

(TBHC): Giáo sư cho rằng trong quá trình phát triển tại Việt Nam, có những mặt nào Trung Quốc đáng phải quan tâm và noi gương học tập?
(GS NHQ): Trung Quốc nói “giai đoạn đầu của Chủ nghĩa xã hội”, Việt Nam nói “thời kỳ quá độ của Chủ nghĩa xã hội”, đó chỉ là hai cách biểu đạt về cùng một cách làm. Tôi cho rằng Việt Nam còn phải học tập Trung Quốc. Có một số dư luận ở phương Tây cho rằng cải cách chế độ dân chủ ở Việt Nam nhanh hơn Trung Quốc, dân chủ ở Việt Nam có phần nhiều hơn Trung Quốc, nhưng nói như vậy không đúng, không thể nói cách làm của nước nào hay hơn.

(TBHC): Trong bảng xếp hạng về “chỉ số hạnh phúc” của một quốc gia do một cơ quan ở nước Anh công bố hồi năm 2009, Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 5, tại sao người Việt Nam lại có được chỉ số hạnh phúc cao như vậy?
(GS NHQ): Người Việt Nam tính cách lạc quan, dù điều kiện sống khó khăn vẫn mỉm cười đối diện với cuộc sống. Đơn cử một ví dụ như cách đây không lâu có một doanh nghiệp ở Hà Nội đóng cửa khiến 2.000 người mất việc làm, nhưng hai hôm sau những người này đã thu xếp ổn thoả, có người trở về quê, có người đến làm việc ở một cửa hàng khác. Có học giả Trung Quốc hỏi tôi tại sao Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này nhanh chóng như vậy? Tôi cho rằng chủ yếu do Việt Nam không lớn như Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay chủ yếu tồn tại hai vấn đề: Một là vấn đề phát sinh ở các đô thị lớn không dễ giải quyết; hai là các khu vực xa xôi phát triển còn tương đối chậm.

***

Dựa trên những biểu hiện đặc thù trong quan hệ Trung-Việt, bài của tác giả Lưu Khang, Viện trưởng Viên nghiên cứu nghệ thuật nhân văn, Đại học giao thông Thượng Hải – Giáo sư Đại học Duke (Duke University) của Mỹ, đăng trên “Thời báo hoàn cầu” ngày 18/01/2011 cho rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về chế độ xã hội và quan niệm giá trị, điều đó cần được xem là cơ sở chiến lược trong quan hệ giữa hai nước.

Bài báo cho biết năm 2010 trường Đại học giao thông Thượng Hải đã triển khai đợt điều tra dư luận tại 13 nước và khu vực châu Á về ảnh hưởng của Trung Quốc, hiện đã có được dữ liệu tại Mông Cổ, Philíppin, Xinhgapo, Việt Nam và Đài Loan, cho thấy dân chúng ở các nước và khu vực nói trên đều cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á là lớn nhất, nhưng đối với mô hình phát triển và ảnh hưởng của Trung Quốc có phải là tích cực hay không, về câu hỏi này kết quả lại tương đối bất đồng. Trong số 1.191 người Việt Nam được khảo sát, ngoài 30% số người tham gia chưa có câu trả lời, còn lại 28,2% lựa chọn mô hình “tự thân”, lựa chọn theo mô hình Trung Quốc có 14,9%, trong khi số người lựa chọn theo mô hình của Mỹ chỉ có 6,4%. Ngoài “mô hình tự thân”, mô hình được dân chúng Việt Nam coi là mô hình phát triển tốt nhất hay mô hình quốc gia tốt nhất chính là “mô hình Trung Quốc”. Kết quả nói trên cho thấy sự khác biệt rất rõ so với những người được hỏi ý kiến tại các nước và khu vực khác. Dù là Philippin hay Đài Loan, Xinhgapo hay Mông Cổ, ngoài lựa chọn mô hình phát triển của riêng mình, còn lại tất cả đều lựa chọn theo mô hình phát triển của Mỹ và Nhật Bản, tỉ lệ lựa chọn theo mô hình của Trung Quốc rất thấp. Kết quả thực tế của cuộc điều tra cho thấy hình ảnh tích cực của Trung Quốc trong cách nhìn nhận của dân chúng Việt Nam là có cơ sở về quan niệm giá trị rất rõ. Từ đó có thể suy luận tiếp là sự tương đồng về chế độ chính trị và quan niệm giá trị ở hai nước là ưu thế lớn nhất để hai dân tộc chung sống với nhau.

Đại hội toàn quốc lần thứ 11 Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy rõ xu hướng “đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới mở cửa”, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Công cuộc đổi mới mở cửa ở Việt Nam vốn “coi Trung Quốc là thầy”, dù là thực hiện xã hội hay ý thức hệ, con đường hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng đều rất giống Trung Quốc. Sau gần 25 năm đổi mới mở cửa, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, đã bước lên chuyến tàu cuối cùng trong chuỗi chuyển dịch ngành nghề của toàn cầu. Đại hội Đảng lần thứ 11 xác định phát triển kinh tế là trung tâm, cố gắng thực hiện giá trị tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng bình quân hàng năm từ 7% đến 7,5%, phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nói không với thể chế đa đảng.

Đối với con đường phát triển của Việt Nam, Trung Quốc hiển nhiên nhất trí và cảm thấy mừng, điều này có thể nhận rõ qua việc báo chí Trung Quốc đưa rất nhiều tin và bình luận tích cực về Đại hội Đảng của Việt Nam. Trong quá trình xây dựng nhà nước độc lập và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của mình, Việt Nam đã được Trung Quốc ủng hộ. Giữa Trung Quốc và Việt Nam mặc dù cũng đã có không ít xung khắc, thậm chí là chiến tranh, quan hệ song phương nóng lạnh không ổn định nhưng những năm gần đây từng bước trở lại bình thường, trong dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2010, hai bên xác định lấy đó làm năm hữu nghị. Hiện nay Mỹ đang ra sức “trở lại Đông Nam Á”, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước ASEAN, đồng thời tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều phương diện, thể hiện rõ ý đồ mới bao vây chiến lược Trung Quốc ở khu vực xung quanh Trung Quốc. Trong điều kiện như vậy Trung Quốc và Việt Nam cần phải tăng cường quan hệ hữu nghị. Xét từ góc độ chiến lược, quan hệ Trung-Việt là một khâu quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Chiến lược toàn cầu của Trung Quốc trước hết là chiến lược châu Á, chiến lược láng giềng xunh quanh. Môi trường an ninh ở xung quanh Trung Quốc có được ổn định hay không, vấn đề quan trọng ở chỗ Trung Quốc có được mục tiêu chiến lược châu Á và mục tiêu chiến lược toàn cầu rõ rệt hay không, những mục tiêu này có được dân chúng ở các nước châu Á và khu vực hiểu rõ và thừa nhận hay không.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chế độ chính trị, quan niệm giá trị và ý thức hệ không còn là cơ sở của quan hệ quốc tế, Trung Quốc cũng chưa bao giờ coi ý thức hệ và chế độ chính trị là nguyên tắc giao lưu quốc tế, nhưng khi xác định chiến lược toàn cầu của một quốc gia, căn cứ xem xét về quan niệm giá trị lại là một nhân tố quan trọng không thể thiếu được.

Mỹ đã ra sức phổ biến ý thức hệ và quan niệm giá trị theo phiên bản của họ ra toàn thế giới, coi tự do dân chủ, nhân quyền và ý thức hệ kiểu Mỹ là cơ sở cho giá trị phổ quát và chiến lược toàn cầu, bảo vệ địa vị bá chủ thế giới và lợi ích quốc gia dưới danh nghĩa ý thức hệ. Nếu so sánh với Mỹ thì chiến lược lớn toàn cầu của Trung Quốc vẫn còn thiếu cơ sở quan niệm giá trị. Trong khi xử lý các vấn đề về địa chính trị và quan hệ láng giềng, Trung Quốc vẫn chưa tỏ rõ được mục tiêu chiến lược toàn diện và lâu dài.

Nói về quan hệ Việt-Trung, việc nhất trí về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội không chỉ là một nguyên nhân đặc biệt, mà còn là cơ sở chiến lược trong quan hệ giữa hai nước. Chiến lược toàn cầu của Trung Quốc cũng vậy, cần phải được tuyên bố ra toàn thế giới, Trung Quốc tán thành quan niệm giá trị xã hội chủ nghĩa và coi đó là cơ sở của chiến lược toàn cầu. Đây hoàn toàn không phải là lặp lại tình trạng đối đầu về ý thức hệ của thời đại Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc cũng không cần phải tự giương lên ngọn cờ gì để làm lãnh tụ thế giới, nhưng đối với việc định vị con đường phát triển của bản thân Trung Quốc, nếu nói về chiến lược lớn toàn cầu thì sự mơ hồ về quan niệm giá trị là không thể chấp nhận được.

***

(Đài BBC 20/01)
Trước chuyến thăm Mỹ ngày 18/1 của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, các giới quan sát tại Mỹ đánh giá cả về sức mạnh quân sự giữa hai bên, lẫn vấn đề Biển Đông như một điểm nóng tạo ra căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.
BBC tiếng Việt đã phỏng vấn Tiến sĩ Richard Weitz từ Mỹ về bối cảnh cán cân quân sự của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và nhu cầu tìm kiếm đồng minh từ Mỹ. Trước hết, ông Weitz, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự Hudson tại Oasinhton, nói về an ninh khu vực Đông Nam Á năm qua:
“Tôi cho rằng tình hình an ninh khu vực đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua, chủ yếu là do Trung Quốc thay đổi cách ứng xử của họ. Tình hình hơi bất ổn một chút, nào là diễn tập quân sự, Trung Quốc xích lại gần Bình Nhưỡng hơn. Còn ở Biển Đông thì hải quân Trung Quốc và các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng trở nên hung hăng hơn trong việc xử lý một số vấn đề hàng hải.
Chuyện tương tự như xảy ra ở vùng biển Đông Á với Nhật Bản. Do đó, bên ngoài vùng biên hải Trung Quốc, nhiều vụ tranh chấp đã và đang trở nên gay gắt hơn, với cường độ cao hơn. Tôi cho rằng đó là do Trung Quốc đã thay đổi thái độ. Nhưng không hiểu vì lý do gì họ lại cho rằng mình đang đi bước lùi. Trong vài tháng qua, Trung Quốc dần đi chệch khỏi khuynh hướng chính sách truyền thống là kiềm chế, không giải quyết triệt để các vụ xung đột, đồng thời cũng không làm cho các vụ xung đột đó căng thẳng hơn. Nhưng dù sao đi nữa, họ cũng bắt đầu ra tuyên bố rằng Biển Đông nằm trong khu vực của họ và thuộc chủ quyền của họ. Họ cũng trở nên hung hăng hơn trong thái độ ứng xử với Nhật Bản trên một số hòn đảo. Họ cũng đã cho tàu hải quân tấn công thuyền đánh cá của Việt Nam. Nói tóm lại, chính sách ngoại giao của Bắc Kinh trên các vùng biển đang trở nên mạnh bạo hơn bình thường”.
-                           Lãnh đạo Việt Nam đang bàn thảo về cái gọi là Chiến lược 10 năm về Biển Đông. Trong bài viết của ông, ông cho rằng đây là chiến lược “xù lông nhím” để Trung Quốc không dám động vào. Ông có thể giải thích thêm ý này được không?
+ Đó là cách tôi giả định về việc Việt Nam hành xử với Trung Quốc trong quan hệ bất cân bằng và không theo thông lệ nào cả. Các lực lượng quân sự chính thống của Trung Quốc chắc chắn hùng mạnh hơn và được trang bị tốt hơn Việt Nam. Do đó Việt Nam rơi vào thế bất cân bằng trong tương quan với Trung Quốc.
Việt Nam dựa vào chiến tranh du kích và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ nhằm tạo thế cho mình. Và tuy thế lực này bất tương xứng với Trung Quốc nhưng cũng đủ mạnh để ngăn ngừa ý chí xâm lược từ Trung Quốc. Bởi vì những lợi ích Trung Quốc đạt được sẽ bị đổi lại bằng nhiều mất mát từ sự chống trả của Việt Nam.
-                           Quân đội Nhân dân Việt Nam có nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu và họ theo học thuyết Chiến tranh nhân dân. Tuy nhiên, học thuyết này có thể không hiệu quả trên biển?
+ Biển là địa bàn chiến sự hoàn toàn khác, rồi còn cả vấn đề dùng phương tiện hải quân nào nữa. Đúng vậy, học thuyết này không hiệu quả trên biển. Họ có thể đã mất đảo Hoàng Sa rồi. Tình hình đang trở nên khó khăn. Đơn giản là Việt Nam không có đủ sức mạnh để tự mình chống trả sự chiếm đóng hay xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc. Do đó Việt Nam cần tìm đối trọng quyền lực với Trung Quốc từ bên ngoài, mà tôi cho là Mỹ. Nhưng như ta biết, Việt Nam cũng không quá lộ liễu khi làm như vậy. Việt Nam sẽ cảm thấy rất bất ổn khi ký kết với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc một cách lộ liễu. Thực tế là Việt Nam thích gắn bó quan hệ ngoại giao với Mỹ hơn. Nếu không, tôi chắc chắn là Việt Nam biết họ phải giải quyết việc này với cả Trung Quốc, Mỹ cùng các nước láng giềng một khi Việt Nam muốn khẳng định chủ quyền trên các khu vực họ muốn./.
.
.
.

No comments: