Thursday, February 24, 2011

VỀ BIẾN ĐỘNG Ở AI CẬP (Trương Đình Trung)

Trương Đình Trung
Thứ Tư, 23/02/2011


Tác gỉ là cựu sinh viên sĩ quan hiện dịch Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, hai lần ở tù Cộng Sản, vượt biên và hiện định cư ở Mỹ. Bài viết này phân tích nguyên nhân xa gần của các biến động hiện nay ở Ai Cập, có liên tưởng đến những thảo luận dân chủ tại Việt Nam.

VỀ BIẾN ĐỘNG Ở AI-CẬP
Những biến động diễn ra ở Ai-Cập trong hai tuần lễ gần đây đang chiếm vị trí trung tâm, thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới, choán thời lượng ngày càng cao trong hoạt động của mọi hệ thống truyền thông lớn nhỏ ở khắp nơi, cũng như được thảo luận xôn xao trên hầu hết các diễn đàn; đặc biệt tập trung nhất vào khía cạnh Dân chủ của sự kiện. Bài viết này là một nỗ lực khiêm tốn nhằm đóng góp vào dư luận chung đó; chú ý đến trước hết bối cảnh lịch sử, điạ lý, sau đó đến nội tình kinh tế-xã hội của Ai Cập, tác động ngoại lai do sự thay đổi của tình hình quốc tế góp phần vào biến động, và sau cùng mối liên tuởng từ biến động đó đến vấn đề Dân chủ cho Việt Nam.

SƠ LƯỢC VỀ AI CẬP
Ai-Cập nằm về phía đông Bắc Phi Châu, có biên giới chung với Sudan ở phía Nam, với Lybia ở phía Tây, Hồng Hải ở phía Đông, Địa Trung Hải ở phía Bắc, và với Israel ở phía Đông Bắc (Xem bản đồ 1). Ai-Cập có đến 2,900km đường duyên hải tiếp giáp với Địa Trung Hải, Vịnh Suez, Vịnh Aqaba và Hồng Hải.

Bản dồ khu vực Bắc Phi và Trung Đông

Biên giới dài nhất là với Sudan, 1,270km, chạy dài từ Hồng Hải về hướng Tây, dọc theo vĩ tuyến 22. Biên giới dài thứ hai, khoảng 1,150 km, là với Lybia ở phía Tây. Ở hướng Đông Bắc, Ai Cập chia biên giới với Israel trên bán đảo Sinai trên một chiều dài hơn 250km; và với dải Gaza của Palestine chừng 11km. Đoạn biên giới ngắn này là nơi trong những năm gần đây du kích Palestine thường dùng đường hầm để chuyển lén vũ khí vào Gaza.
Tổng dân số hiện nay của Ai Cập chừng 83 triệu người, trong đó người Ai Cập chiếm hơn 99%. Ngoài Ả rập là ngôn ngữ chính ra; tiếng Anh và tiếng Pháp rất thông dụng trong giới trí thức.
Với vị trí như vậy Ai Cập có đặc điểm như một đầu cầu nối liền Á Châu và Phi Châu qua bán đảo Sinai. Trước đây các đạo quân của các dân tộc Assyrians, Babylonians, Persians, Macedonians, Byzantines, Romans, và rồi về sau này, người Turks đã lần lượt xâm chiếm Ai Cập. Biên giới phía Nam, tiếp giáp với Sudan, nhờ sa mạc ngăn cách và phần nào do lịch sử giao hiếu lâu dài nên ít bị uy hiếp hơn.
Mặt khác, Ai Cập còn là đầu cầu từ Địa Trung Hải đi vào Hồng Hải, rồi ra Ấn Độ Dương. Vì đặc điểm này nên đế quốc Anh, trong những thế kỷ trước, rất quan tâm đến việc kiểm soát Ai Cập. Kênh đào Suez nối Địa Trung Hải với Hồng Hải đã giúp hải quân Anh rút ngắn được đoạn hải hành đến Ấn Độ; lộ trình mới là từ Đại Tây Dương qua eo Gibraltar vào Địa Trung Hải, qua kênh Suez, ra Hồng Hải, rồi tiến vào Ấn Độ Dương. Trước đó, để từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương, người ta phải đi xa hơn gấp bội, vòng hết phần cực Nam của Phi Châu, qua mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) rồi mới đến được đích. Vì lý do này mà trước đây Anh quốc đã đặt vấn đề kiểm soát kênh Suez, và toàn Ai Cập, lên tầm chiến lược trong việc bảo vệ thuộc địa lớn nhất của mình là Ấn Độ.
Ngoài ra, trong lịch sử hiện đại, kể từ khi dầu hoả trở nên nguồn năng lượng huyết mạch của nhân loại thì vị trí địa lý của Ai Cập lại càng trở nên quan trọng hơn. Ai Cập là quốc gia lớn nhất trong khối Ả Rập, là khối dân, do một tình cờ lịch sử, cư trú ngay trên vùng Trung Đông là nơi có vựa dầu hoả lớn nhất thế giới. Ngoại trừ Iran ra, tất cả các nước có lượng dầu hoả lớn như Iraq, Arab Saudi, Kuwait, Syria, Lybia, v.v… đều là người Ả Rập. Khối dân Ả Rập, tuy trong thời hiện đại bị phân ly thành nhiều quốc gia khác nhau, nhưng lại có chung các đặc điểm về ngôn ngữ, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo và lịch sử. Do những đặc điểm chung đó, từ lâu người Ả Rập luôn có một nguyện vọng thiết tha là được thống nhất lại và làm chủ lấy kho tài nguyên dầu hoả quý báu của mình. Ai Cập, và các lãnh tụ như Nasser, Alwar-El-Sadat, đã đóng vai trò lãnh đạo khối Ả Rập trong nỗ lực không ngừng nhằm hiện thực nguyện vọng thiết tha đó, nhưng không thành. Sự thất bại một phần là do sự thiếu đoàn kết nội bộ của khối dân Ả Rập; phần khác là do sự can thiệp của các siêu cường Tây Phương, theo nguyên tắc cổ điển chia để trị, nhằm duy trì sự khống chế đối với nguồn dầu hoả lớn nhất của thế giới.
Chính trong bối cảnh trên đây mà trong suốt thời Chiến Tranh Lạnh lịch sử của Ai Cập đã hầu như luôn gắn liền với các diễn biến chính trị lớn của toàn vùng Trung Đông, và sự gắn bó đó vẫn còn tiếp tục cho đến nay.
Năm 1952 Trung Tá Gaman Abdul Nasser lãnh đạo quân đội đứng lên làm cuộc cách mạng lật đổ vương quyền, đưa Ai Cập vào một giai đoạn lịch sử mới. Nasser, cầm đầu nhóm sĩ quan được mệnh danh là Nhóm Sĩ quan Tự Do (Free Officers), là một người xuất thân thuộc giới bình dân, đã tham gia biểu tình chống sự cai trị của Anh quốc khi còn là sinh viên. Về sau Nasser gia nhập quân đội, từng bị thương trong cuộc xung đột với Israel năm 1948, tỏ ra là một người yêu nước nồng nàn với mong ước thiết tha cho đất nước Ai Cập của Ông thoát khỏi sự khống chế của ngoại bang, vươn lên thành quốc gia lãnh đạo và thống nhất khối Arabs. Độc lập cho Ai Cập và thống nhất Arabs là hai mục tiêu suốt đời của Nasser.
Nhưng mong ước của Nasser và nguyện vọng của người dân Ai Cập, cũng như quyền Dân tộc Tự quyết của cộng đồng đông đảo người Arabs đã không thành đạt trọn vẹn và được tôn trọng hoàn toàn như mong đợi. Ai Cập đã, cùng với các nước khác ở Trung Đông, bị cuốn hút vào cuộc tranh chấp của hai siêu cường Mỹ-Liên Xô, bị dằng xé trong nhiều năm giữa hai hệ thống: Hệ thống Trung Đông và Hệ thống Arab (The Middle Eastern and The Arab systems).
Hệ thống Trung Đông do Mỹ chủ xướng, với sự hậu thuẫn của Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, có mục đích ngăn chận sự lan tràn ảnh hưởng của Liên Xô vào Trung Đông. Hệ thống này cổ suý cho việc hình thành một liên minh quân sự có tên là Middle East Defense Organization (MEDO), có vai trò như một mắt xích lớn, phối hợp với NATO và SEATO, tạo thành một vòng đai vây kín Liên Xô. Liên minh này ngoài các quốc gia vừa nêu tên, sẽ bao gồm nhiều quốc gia Arabs khác, Iran, Pakistan, và Do Thái.
Hệ thống Arab do Ai Cập lãnh đạo, gồm những quốc gia Arab có chung ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá và tôn giáo như Syria, Iraq, Arab Saudi, Algeria, v.v... Hệ thống này là nỗ lực thống nhất Arab, thường được biết với tên gọi Liên Đoàn Arabs (League of Arabs), nhằm đạt được độc lập khỏi sự chi phối hay cai trị của các cường quốc, cả từ phiá Anh - Mỹ lẫn từ phía Liên Xô. Hệ thống này, mà Nasser được xem là lãnh tụ, đã cùng với Nehru của Ấn Độ và Sukarno của Nam Dương, hình thành và phát triển Phong Trào Các Quốc gia Không Liên Kết, chủ trương không liên minh với cả Mỹ lẫn Liên Xô. Ai Cập của Nasser, và sau này của Anwar el Sadat, chủ trương tinh thần độc lập quốc gia và xây dựng đất nước theo hướng xã hội chủ nghĩa (socialism). Tuy giới truyền thông Tây Phương đã một thời thường chụp cho Nasser và Sadat cái mũ “Cộng sản”, và Ai Cập đã có những lúc nhận được viện trợ vũ khí và tài chánh lớn của Liên Xô, nhưng trên thực tế các chính phủ Ai Cập thời đó lại đề cao truyền thống Hồi Giáo và chống lại vấn đề đấu tranh giai cấp của học thuyết Cộng Sản. Trong bài diễn văn đọc hồi tháng 10/1972 Anwar el-Sadat đã nêu lên khẩu hiệu: Tự Do-Xã hội Chủ nghĩa- Thống Nhất (Freedom, Socialism and Unity), trong đó Sadat nhấn mạnh đến sự độc lập, truyền thống hữu thần và chủ trương xây dựng Ai cập theo một chế độ thế quyền (secular government), thực hiện xã hội chủ nghĩa theo hướng hoà giải các mâu thuẫn giai cấp, đồng thời nêu lên mục tiêu thống nhất khối Arab.
Vào giai đoạn đầu, Hệ Thống Arab thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khối Arab, lý do là vì dấu tích của chủ nghĩa thực dân với sự thống trị của Anh-Pháp ở trong Vùng còn mới mẻ quá. Hơn nữa ngay sau đó, năm 1956, việc Anh-Pháp và Do Thái liên minh tấn công Ai Cập vì vụ quốc hữu hoá kênh đào Suez, đã khiến cho uy tín của Nasser, và do đó của Hệ Thống, lên cao. Cuộc tấn công đó củng cố niềm tin của khối dân Arabs rằng Do Thái là đồn tiền tiêu của Tây Phương ở Trung Đông với mục tiêu đánh phá, gây chia rẽ và làm suy yếu khối Arabs để chiếm đoạt tài nguyên dầu hoả của dân trong Vùng.
Phía Hệ thống Trung Đông nằm dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Trong giai đoạn đầu, tuy hệ thống này có ưu thế gần như tuyệt đối về quân sự và kinh tế, lại không thâu đạt được những thành quả chính trị mong muốn. Tuy bề ngoài Mỹ công khai phản đối và buộc Anh-Pháp-Do Thái phải ngưng việc tái chiếm kênh Suez, nhưng điều đó không đủ khiến dư luận của dân trong Vùng tin rằng Mỹ sẽ không nối gót Tây Phương để tiếp tục khống chế nguồn tài nguyên dầu hỏa cho quyền lợi vị kỷ của mình.
Nhưng rồi giai đoạn đầu qua đi, Hệ thống Arab, do Ai Cập lãnh đạo, ngày càng trở nên yếu thế, bị tan vỡ dần và cuối cùng hoàn toàn bị loại, nhường chỗ cho sự tòan thắng của Hệ thống TĐ do Mỹ đứng đầu. Sự kiện đánh dấu cho bước cáo chung của Hệ thống Arab là việc TT Ai Cập Anwar El Sadat đã đến Camp David của Mỹ để ký Hiệp Định Hoà bình với Thủ tướng Do Thái Menachem Begin năm 1978 (Camp David Accords). Hiệp ước Hoà bình David là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ai Cập; một sự quay ngoắt 180 độ trong thái độ đối với Do Thái, và đối với Mỹ. Chính phủ Ai Cập từ đó đã hoàn toàn từ bỏ thái độ chống Do Thái và lập trường Không Liên Kết, ngả hẳn về phía Mỹ và đồng minh. Sự thay đổi đó gặp phải phản ứng mãnh liệt của dư luận Arabs trong Vùng, họ cho rằng chính phủ Ai Cập đã chà đạp lên nguyện vọng của họ và phản bội lý tưởng thống nhất Arabs. Đỉnh cao của phản ứng đó là việc Sadat bị ám sát năm 1981.
Thật ra thì các lãnh tụ Ai Cập đã không còn lựa chọn nào khác. Liên Xô đã không đủ giàu mạnh để cạnh tranh với Mỹ trong việc giúp Ai Cập thành đạt các mục tiêu chiến lược của mình. Về mặt quân sự, quân viện của Liên Xô không nhiều, kém cả lượng lẫn phẩm chất, đã không giúp quân đội Ai Cập, tuy quân số đông hơn, có thể trở nên đồng cân đồng lạng với quân đội Do Thái. Lượng viện trợ kinh tế của Liên Xô là không đáng kể so với mức viện trợ của Mỹ dành cho các quốc gia khác trong Vùng. Trong khi đó Ai Cập lại là quốc gia phải nhập cảng lúa mì với số lượng lớn từ Mỹ. Điều quan trọng hơn hết là Ai Cập, do vai trò quan trọng của Hồi giáo trong xã hội, không thể nào tương hợp lâu dài với xã hội vô thần của Liên Xô và hòa đồng vào quỹ đạo của khối Cộng Sản được. Mối quan hệ Liên Xô-Ai Cập, vì vậy, chỉ có tính chất chiến thuật tạm thời mà không được xây dựng trên nền tảng của một chiến lược lâu dài. Cuối cùng rồi Nasser đã phải trục xuất các nhân viên Liên Xô về nước.
Mặt khác, nhu cầu thống nhất khối Arabs tuy cao cả, nhưng nội bộ của Khối lại không đoàn kết, lòng vị kỷ của mỗi nước riêng rẽ bị đối phương khai thác để khoét sâu hố chia rẽ; trong khi đó Ai Cập cũng có những tính toán riêng cho quyền lợi của mình và của chế độ. Khi bị buộc phải lựa chọn giữa một bên là quyền lợi quốc gia và chế độ với bên kia là lý tưởng thống nhất Arabs, giới lãnh đạo Ai Cập đã đành phải chọn điều thứ nhất. Anwar El Sadat đã phải tạm gác việc thống nhất Arabs, quay về lo cho chính Ai Cập của mình. Để làm vậy, Sadat chỉ còn một lựa chọn; đó là thừa nhận vai trò của Mỹ ở Trung Đông, hòa hiếu với Do Thái, để nhận được viện trợ cả quân sự lẫn kinh tế từ Mỹ - Tây Phương nhằm xây dựng quân đội, củng cố chế độ và phát triển đất nước. Hơn nữa, việc hoà hiếu với Do Thái sẽ giúp Ai Cập giảm được một lượng ngân sách chi phí quốc phòng lớn để dùng vào việc phát triển kinh tế sau này.
Nhìn từ phía khác, việc Ai Cập thay đổi lập trường đối ngoại và việc ký kết Hiệp ước Hoà bình Camp David với Do Thái là một thành công lớn lao trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông. Đó là kết quả của nhiều thập niên xử dụng nhuần nhuyễn cả “cây gậy” lẫn “củ cà rốt” để phân hoá khối Arabs, phá vỡ Liên Minh Arab, củng cố thế đứng cho Do Thái, duy trì được sự khống chế Trung Đông, loại trừ hẳn ảnh hưởng của Liên Xô ra khỏi vùng có trữ lượng dầu hoả lớn nhất thế giới, và từ đó giữ vững được thế bá chủ thế giới của mình.
Kể từ đó, chính sách căn bản của Mỹ đối với Ai Cập là hậu thuẫn cho một chế độ do quân đội nắm quyền và tìm cách loại trừ dần ảnh hưởng của các lực lượng thần quyền Hồi giáo khác, như lực lượng Muslim Brotherhood; một tổ chức đề cao vừa tinh thần quốc gia vừa tinh thần Hồi giáo, đặt trọng tâm hoạt động của mình vào các công tác tôn giáo và từ thiện xã hội. Mặt khác, việc quân đội nắm quyền là một thực trạng phổ biến ở các quốc gia kém phát triển tại Á-Phi, nơi mà song song với nền kinh tế chậm tiến là sự kém phát triển của các định chế xã hội cần thiết cho sự hình thành các lực lượng chính trị dân sự và chính đảng vững mạnh. Một hệ luận của thực trạng đó là đa số quân đội của các quốc gia Á-Phi này đều lệ thuộc vào vũ khí và quân viện của Tây Phương, đứng đầu là Mỹ. Nói cách khác, Mỹ có thể dễ dàng, qua quân viện, gây ảnh hưởng sâu xa đến chính tình của các quốc gia. Đối với Ai Cập, mức viện trợ quân sự trung bình hằng năm của Mỹ, trong gần 3 thập niên qua, là chừng 1.3 tỉ dollars/ năm.
Từ đó đến nay, đã gần 30 năm qua, các chính phủ Mỹ liên tục ủng hộ cho chế độ quân đội cầm quyền của Hosni Mubarak. Ngoài quân đội, Mubarak đã sử dụng một mạng lưới cảnh sát rộng lớn gần cả triệu nhân viên chìm nổi để cai trị. Mọi đối lập chính trị đều bị đè bẹp; quốc hội của Ai Cập không gì hơn là một loại “gia nô” của chính phủ. Ai Cập của Mubarak đã cùng với Do Thái, Saudi Arabia trở nên ba trụ cột quan trọng giúp duy trì và bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Trung Đông. Điều đáng chú ý ở đây là trong 3 quốc gia đó, thì ngoại trừ Do Thái ra, Saudi Arabia và Ai Cập là hai quốc gia, một thần quyền và một thế tục, có chế độ độc tài với thành tích không mấy tốt đẹp về Nhân Quyền và Dân Chủ, đến độ thua kém nhiều so với một quốc gia khác trong Vùng, vẫn luôn bị giới truyền thông Mỹ công kích, là Iran.

KHÍA CẠNH KINH TẾ
Ngay từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nền kinh tế Ai Cập đã chịu sự khống chế mạnh mẽ của hệ thống tài chánh-ngân hàng Âu Châu, đứng đầu là Anh Quốc. Giới cầm quyền Ai Cập lúc đầu đã cố gắng tận dụng ưu thế nông nghiệp của lưu vực sông Nile để làm nền tảng cho sự phát triển kỹ nghệ. Nhưng rồi vì thiếu cả vốn lẫn kỹ thuật, Ai Cập đã phải vay vốn của Tây Phương. Từ đó hệ thống tài chánh-ngân hàng Anh xâm nhập và dần dần nắm quyền khống chế kinh tế của Ai Cập. Ngay cả cổ phần của chính phủ Ai Cập đối với kinh Suez cũng đã phải bán lại cho Tây Phương để thế chấp các món nợ tài chánh khổng lồ. (Thời đó, kinh Suez tuy nằm trên lãnh thổ của Ai Cập, nhưng quyền quản trị lại thuộc một công ty của Anh-Pháp và chính phủ Ai Cập chỉ sỡ hữu một số cổ phần trong công ty đó. Mãi đến năm 1956 Nasser mới quyết định quốc hữu hóa kinh này và vì vậy đã gặp phải phản ứng quân sự mạnh mẽ của Anh-Pháp).
Từ năm 1952 trở đi, khi nhóm Sĩ Quan Tự Do (Free Officers Group) của Nasser lật độ vương quyền thân Anh Quốc rồi lên cầm quyền, Ai Cập đi theo hướng kinh tế hoạch định cứng rắn của mô hình xã hội chủ nghĩa. Đường lối kinh tế đó, cộng thêm với áp lực phong toả của hệ thống Trung Đông, như trình bày ở phần trước, đã dẫn đưa Ai Cập vào lạc hậu và bế tắc.
Sự chuyển hướng mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại từ những năm 1972 trở đi, xa lánh Liên Xô, bắt tay với Mỹ, và ký hiệp ước hoà bình với Do Thái năm 1978, mở ra con đường mới cho sự phát triển kinh tế của Ai Cập. Vốn đầu tư và kỹ thuật Tây Phương tuồn vào ào ạt đã làm thay đổi hẳn diện mạo của nền kinh tế. Nhìn chung mức sống của xã hội được cải thiện nhiều về mọi mặt. Thành quả đó củng cố uy tín của chế độ do quân đội cầm quyền. Vai trò và uy tín của quân đội từ đó ngày càng gia tăng.
Mặc dầu vậy, nền kinh tế Ai Cập đã không phát triển đúng mức như mong đợi. Những nhược điểm chí tử do sự cộng hưởng của chế độ độc tài, trong đó quân đội nắm quyền, và di sản của nền kinh tế hoạch định bắt đầu bộc lộ mạnh mẽ vào đầu thập niên 1990s. Tệ nạn tham nhũng hối lộ lan tràn và ngày càng trầm trọng; bộ máy hành chánh ngày càng trở nên quan liêu và kém hiệu năng, gây tiêu hao nặng nề cho tiềm lực kinh tế. Hệ thống công ty quốc doanh ngốn hết phần lớn ngân sách đầu tư của chính phủ nhưng lại thua lỗ nặng nề làm gia tăng khiếm hụt ngân sách và nợ nước ngoài. Những năm 1990-1995 tổng GDP chỉ gia tăng 1.6%; trong khi mức gia tăng dân số lại lên đến 2.4%! Mức thất nghiệp cao, trung bình 9-10%. Bất công xã hội lan tràn; sự chênh lệch giữa giàu-nghèo và giữa nông thôn-thành thị tăng cao. Với tổng dân số gần 83 triệu người, Ai Cập hiện có tổng GDP chừng 188 tỉ dollars, nhưng tổng số nợ nước ngoài lên đến gần 35 tỉ. Sự phân phối lợi tức trong xã hội lại quá bất công; gần 40% dân số sống với mức thu nhập chỉ 2 dollars/ngày!
Trong khi đó, viện trợ kinh tế của Mỹ từ cuối thập niên 1990 lại bắt đầu giảm dần, mặc dù mức viện trợ quân sự thì hầu như không thay đổi từ đó cho đến nay, trung bình là 1.3 tỉ dollars. Ngoại trừ đỉnh cao là vào năm 2003 lúc mức viện trợ kinh tế của Mỹ cho Ai Cập lên đến gần 1 tỉ, những năm sau đó giảm đi nhiều và cho đến năm 2010 chỉ còn chừng 200 triệu dollars/ năm.
Ngoài sự giảm sút viện trợ kinh tế của Mỹ, áp lực của sự toàn cầu hoá kinh tế thông qua các tổ chức quốc tế như IMF, World Bank và WTO, ngày càng gia tăng đã buộc chính phủ của Hosni Mubarak, kể từ năm 1991 phải đưa ra chính sách cải cách kinh tế để thích nghi. Đại thể những cải cách ấy không gì khác hơn ngoài những toa thuốc thông thường do các tổ chức quốc tế đó đưa ra cho các nước đang phát triển: Cắt giảm chi tiêu công ích của chính phủ; thu hẹp và giải thể dần các cơ sở quốc doanh; gia tăng việc tư hữu hoá doanh nghiệp, đặc biệt là tư hữu hoá tài chánh-ngân hàng; pháp chế hoá hoạt động kinh tế; giảm thiểu tài trợ công; v.v…
Nhưng chính sách cải cách gặp phải trở lực lớn; đó là quán tính của hệ thống quốc doanh xã hội chủ nghĩa trước đây và sự chống đối, tuy ngấm ngầm, nhưng mạnh mẽ của quân đội. Suốt nhiều thập niên trước đó và cho đến nay, với vai trò cầm quyền, quân đội Ai Cập đã được hưởng vô số đặc quyền đặc lợi, không chỉ về chính trị mà, quan trọng hơn, cả về kinh tế. Các đặc quyền ấy đã biến quân đội trở thành một giai cấp mới trong xã hội, và giai cấp đó không dễ dàng gì một sớm một chiều chấp nhận sự đổi mới kinh tế để từ bỏ những đặc quyền đã thụ hưởng cả nửa thế kỷ nay. Một chi tiết bên lề, nhưng đáng chú ý và đặc biệt liên quan đến những biến động hiện nay; đó là chính sách cải cách kinh tế lại do chính con trai của Mubarak cầm đầu thực hiện. Chi tiết này góp phần không nhỏ vào phản ứng của giới quân nhân cầm quyền đối với việc cải cách kinh tế, và dẩn đến việc Mubarak không còn được quân đội ủng hộ, phải ra đi.
Ngoài ra một thực trạng khác, cũng thuộc lãnh vực kinh tế, có vai trò không nhỏ trong những biến động ở Ai Cập; đó là sự gia tăng giá cả lương thực. Từ năm 2008 đến nay, giá lương thực và thực phẩm gia tăng đột ngột và lên rất cao tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, và đặc biệt nghiêm trọng tại Trung Đông và Tây Phi. Nguyên nhân là do sự sút giảm sản lượng của một số nông sản chính yếu ở những quốc gia sản xuất lương thực lớn như Mỹ và Canada, trong khi dân số toàn thế giới gia tăng nhanh, do thiên tai ở nhiều nơi, và kế đến là do giá xăng dầu tăng cao. Theo PBS thì Chủ tịch World Bank, ông Robert Zoellick, cho biết rằng việc giá lương thực gia tăng sẽ đẩy chừng 44 triệu người vào cảnh khốn cùng, và từ đó gây ra biến loạn, tại các quốc gia như Ai Cập, Algeria, Tunisie và Yemen.
Cũng theo ông Zoellick thì đây là lần tăng giá lương thực cao nhất trong hơn 20 năm qua, và nhiều chục triệu gia đình sẽ phải chi phí hơn 50% lợi tức của mình cho phần lương thực. Riêng ở Ai Cập thì vấn đề lương thực lại còn trầm trọng hơn, mức gia tăng giá cả trung bình chỉ từ nửa năm nay đã lên đến 20%, nhiều loại lương thực tăng đến 35%. Trong khi đó thì có đến hơn 40% dân chúng có thu nhập dưới 2 dollars/ngày và số người này sẽ phải chi gần hết lợi tức của mình cho phần lương thực mà vẫn không đủ ăn. Đáng ngại hơn nữa là giá cả lương thực vẫn còn tiếp tục gia tăng. Người Việt chúng ta có thành ngữ: “đói khát, loạn lạc”; đói và loạn luôn đi liền với nhau. Tình hình kinh tế tồi tệ chính là nguyên nhân gần của các biến động hiện nay ở Ai Cập.

BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ TRONG KHU VỰC.
Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, nhiều người đã tưởng rằng thế giới sẽ bước vào một giai đoạn ổn định và hoà bình lâu dài, trong một trật tự Thế Giới Mới, như cách gọi của cựu TT Bush senior, hay như giáo sư tiến sĩ Francis Fukuyama đã viết, vào năm 1992, trong quyển sách nổi tiếng The End of History and the Last Man, rằng sự chấm dứt của Chiến Tranh Lạnh có nghĩa rằng lịch sử-hiểu theo nghĩa là sự tiến hoá của nhân loại trên bình diện đấu tranh ý thức hệ - đã đến hồi kết thúc và tự do dân chủ của phương Tây sẽ được phổ quát hoá như là hình thái chính quyền cuối cùng của loài người. (Ông viết nguyên văn: “What we may be witnessing is not just the end of the Cold War, or the passing of a particular period of postwar history, but the end of history as such... That is, the end point of mankind's ideological evolution and the universalization of Western liberal democracy as the final form of human government”).
Tiếc rằng sự hồ hởi (euphoria) của của Fukuyama hơi “sảng” khiến nhiều người không cảm thấy bị thuyết phục. Chỉ sau đó một năm, một đồng nghiệp của Fukuyama ở Havard, ông Samuel P. Huntington, đã bày tỏ quan điểm trái ngược của mình trong quyển sách bán rất chạy The Clash of Civilizations and the Remaking World Order, trong đó Huntington cho rằng sự hồ hởi của Fukuyama là không phù hợp với thực tế và gây ra ảo tưởng về sự hoà hợp (an illusion of harmony) của nhân loại. Thực tế thì, theo Huntington, cứ sau khi một cuộc chiến lớn kéo dài và đẫm máu kết thúc, người ta đều luôn có khuynh hướng vui mừng và mong đợi một nền hoà bình trong một trật tự vĩnh cửu và phổ quát; người ta đã từng gọi Thế Chiến Thứ Nhất là “war to end wars”, rồi Roosevelt, sau Đệ Nhị TC cũng đã rất hân hoan nói về “a universial organization of peace-loving Nations” với một “permanent structure of peace”; nhưng rồi Chiến Tranh Lạnh lại xảy ra; và chỉ vài năm sau Chiến Tranh Lạnh, nhân loại lại được nghe nói về “ethnic cleansing” ở Nam Tư, rồi chiến tranh ở Bosnia và Kosovo!
Tiếp đến là vụ 9/11; biến cố đã đặt nước Mỹ trước một cuộc chiến hoàn toàn mới, trước đối thủ mới, với hình thái chiến tranh mới, khác hẳn những cuộc chiến trước kia; đòi hỏi những phương lược mới hơn, bao trùm lên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế và văn hoá. Cuộc tấn công làm thiệt mạng gần 3000 công dân Mỹ, ngay tại thành phố lớn nhất và cả vào Bộ Quốc Phòng của Hoa kỳ, là một sự kiện không tiền khoáng hậu, gây tổn thất không chỉ về nhân mạng và vật chất mà còn cả về tâm lý và chính trị cho nước Mỹ, vì đó là lần đầu tiên một nước Mỹ được che chắn bởi hai đại dương, đã bị tấn công ngay vào nội điạ. Về nhiều mặt, vụ 9/11 còn hơn cả cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật trước đây. Vì New York và Ngũ Giác Đài rõ ràng là quan trọng hơn Trân Châu Cảng, và Nhật là một đại cường mà sự xung đột với Mỹ, vào thời gian 1941, là không tránh khỏi; trong khi đó Al-Qaeda, kẻ chủ mưu của vụ 9/11, chỉ là một tổ chức phi quốc gia và phân tán. Mặt khác, việc bất thần tấn công của Nhật so ra dễ thực hiện hơn. Để thực hiện thành công vụ 9/11, Al-Qaeda đã phải dàn dựng một kế hoạch hết sức tinh vi; từ việc chọn lựa và huấn luyện nhân sự; đến việc tổ chức bảo mật, vấn đề xâm nhập, vấn đề thu thập tình báo và chống tình báo để qua mặt không chỉ CIA, FBI mà cả các cơ quan tình báo đồng minh của Mỹ; vấn đề chọn lựa mục tiêu, chọn lựa phương tiện và thời điểm; vấn đề phối hợp giữa các nhóm hoạt động; vấn đề yểm trợ, v.v… Nội một việc tuyển chọn nhân sự không thôi cũng đủ để khiến Al-Qaeda trở thành một đối thủ đáng sợ: 19 tên khủng bố, đã chết theo 4 chiếc phi cơ trong vụ tấn công đã phải hội đủ những đòi hỏi khó khăn: thông thạo Anh ngữ, có học vấn căn bản vững vàng đủ để học sử dụng được phi cơ thương mãi tối tân, thể lực tốt, thông minh, phản ứng bén nhạy và quan trọng nhất là chấp nhận chịu chết. Những tên khủng bố ấy hơn hẳn các cảm tử quân thông thường ở chỗ là họ hành sự với quyết định chết trong sự tỉnh táo và sáng suốt nhất để lái cho được máy bay vào mục tiêu với mức sát hại đối phương tối đa. Nếu gác bỏ vấn đề đạo lý qua một bên thì so ra Kinh Kha qua sông Dịch ngày xưa cũng không bằng, vì Kinh Kha đã, vì sự thiếu điềm tĩnh của người đồng sự, chém trượt Tần Thuỷ Hoàng; còn những tên khủng bố 9/11 đã đánh chính xác vào mục tiêu dự định, ngoại trừ chiếc thứ tư định chuyển đường bay về White House hoặc Capitol đã bị hành khách can thiệp nên thất bại, không bay được vào mục tiêu.
Cũng có dư luận, sau 9/11, không xem trọng khả năng của Al-Qaeda đến như vậy, mà cho rằng sở dĩ cuộc tấn công thực hiện được là vì chẳng qua các cơ quan tình báo Mỹ, do ảnh hưởng của nhóm neo-conservatives, đã cố tình làm ngơ cho bọn khủng bố tiến hành 9/11 để có cớ dấy lên một chiến lược tấn công toàn diện vào Hồi Giáo. Dư luận đó thường được gán cho tên gọi là (Thuyết Âm mưu) Conspiracy theory, được một nhân vật tiếng tăm là Jesse Ventura dẩn đầu. Thuyết Âm mưu về vụ 9/11, tuy gây xôn xao, nhưng không trưng dẫn đủ chứng cứ thuyết phục nên dần dà đi vào quên lãng. Hơn nữa, Thuyết Âm mưu đúng hay không, không quan trọng, vì dù sao 9/11 cũng đã gây nên nhiều biến chuyển lớn từ đó đến nay.
Trên bình diện quốc tế, vụ 9/11 khiến chính phủ Mỹ có những thay đổi chiến lược rất quan trọng trên bàn cờ quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông. Trước hết, để tiến hành tấn công Afghanistan, Mỹ đã phải thay đổi thái độ đối với Nga, vì Mỹ cần Nga giúp hai điều quan trọng: một là mượn các phi trường ở Trung Á để chuyển quân và đường bay qua không phận của Nga để vào vùng đó; hai là tin tức tình báo về Liên Minh Phương Bắc ở Afghanistan là lực lượng cho đến lúc đó còn giữ quan hệ với Nga. Vì Afghanistan nằm sâu trong nội điạ, hải cảng gần nhất là Karachi, của Pakistan, nằm trên Ấn Độ Dương, cũng cách xa đến 400 miles. Các pháo đài bay chiến lược B52 có thể bay thẳng đến Afghanistan từ Anh quốc hoặc từ căn cứ Diego Garcia, nhưng các máy bay chiến thuật và trực thăng đổ quân thì lại cần những căn cứ gần hơn. Và những căn cứ gần hơn đó lại ở Trung Á thuộc vùng ảnh hưởng của Nga. Đổi lại Mỹ thôi không qua trung gian của Georgia để tiếp trợ vũ khí nữa cho Chechnya trong việc đòi ly khai khỏi Nga. Về sau này Mỹ cũng đành phải làm ngơ cho Nga “đập” Georgia tơi bời vào năm 2008 vì cái tội dám dựa vào Mỹ để chống lại ảnh hưởng lâu đời của Nga.
Ngoài ra, Mỹ cũng hoà hoãn hơn đối với Iran để được sự ủng hộ của nước này và thu thập tin tức tình báo cần về Afghanistan, vì Iran vẫn còn có quan hệ rất chặt chẽ đối với một bộ phận không nhỏ những người theo hệ phái Shiite ở Afghanistan và cả với vài thành phần khác trong Liên Minh Bắc Phương mà Mỹ đang muốn hợp tác với trong chiến dịch tấn công Afghanistan.
Một sự thay đổi khác rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ gây ra do vụ 9/11 là mối quan hệ đối với vương quốc Saudi Arabia, vựa dầu lớn nhất thế giới. Ở đây sự thay đổi lại hết sức tinh vi nên ít được biết đến. Chính sách đối với Saudi Arabia thay đổi đơn giản chỉ vì mối quan hệ mật thiết giữa Vương quốc và Al-Qaeda. Về nhân sự thì 15 trong số 19 tên khủng bố 9/11 là người của Saudi Arabia, chưa kể là ngay Osama Bin Laden cũng là người Saudi đã từng có mối liên lạc thân cận với hoàng tộc. Nhưng điều quan trọng hơn là hầu hết các nguồn tài chánh cung ứng cho Al-Qaeda đều đến từ Saudi Arabia. Một sự việc đáng chú ý khác là trước biến cố 9/11 chừng hai tuần thì ông hoàng Turki al Faisal, người chỉ huy cơ quan tình báo của Vương quốc, từng cộng tác chặt chẽ với CIA, đột ngột bị cách chức. Vụ cách chức này đã khiến cho việc điều tra về sau của chính phủ Mỹ về đầu mối Al-Qaeda ở Saudi Arabia đi vào ngõ cụt. Ngoài ra, khác với sự hợp tác nhiệt tình trước kia của vương triều Saudi với chính phủ Mỹ trong việc giúp Mujahideen (phần lớn về sau trở nên thành viên nòng cốt của Al-Qaeda) ở Afghanistan chống lại Liên Xô hồi thập niên 1980s, trong vụ 9/11 Vương triều đổi hẳn thái độ, không tích cực cộng tác trong việc truy lùng Al-Qaeda, bất chấp yêu cầu nhiều lần của chính phủ Mỹ.
Mặc dầu vậy, chính phủ Mỹ của TT Bush đã không gây chiến với Saudi Arabia, vì điều đó không giúp đạt được mục đích chiến lược trong cuộc chiến chống Al-Qaeda. Saudi Arabia là thánh địa của toàn thể Hồi Giáo trên thế giới. Tấn công trực tiếp vào đó là đồng nghĩa với việc chính thức gây ra một cuộc thánh chiến với hơn 1 tỉ tín đồ Hồi Giáo, và đó là cái bẫy mà Al-Qaeda mong muốn cho Mỹ rơi vào khi khiêu khích Mỹ bằng vụ 9/11. Đối sách tối ưu của chính phủ Mỹ là làm thế nào để hoặc vương triều Saudi phải tự nguyện hợp tác với Mỹ chống lại Al-Qaeda, hoặc Saudi Arabia- xét như một chỗ dựa tài chánh chính yếu của Al-Qaeda- phải rơi vào khủng hoảng để rồi chuyển biến theo hướng Mỹ mong muốn mà không cần trực tiếp đổ quân vào. Để thực hiện đối sách đó, Mỹ chọn việc tấn công Iraq.
Chọn lựa việc tấn công Iraq để giải bài toán Saudi Arabia trong cuộc chiến chống Al-Qaeda, đồng thời vẫn duy trì được sự khống chế nguồn dầu hỏa Trung Đông, là một nước cờ rất cao và bí hiểm của giới lãnh đạo Mỹ. Nước cờ này, được phối hợp khéo léo với một số những hoạt động khác, sẽ góp phần tạo ra bối cảnh cho những biến cố hiện nay ở Tunisia, Ai Cập, Bahrain, và Lybia.
Saudi Arabia là vương quốc, tuy có diện tích rộng đến 900,000 dặm vuông, nhưng dân số ít chỉ khoảng gần 26 triệu người, đa số theo hệ phái Sunni-Wahabi, một hệ phái Hồi giáo rất cực đoan. Cho đến đầu thế kỷ 20, Saudi Arabia vẫn còn là một xã hội bộ tộc, phân hoá và lạc hậu. Nếu không nhờ vựa dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng chừng 8 triệu tấn, thu gần nửa tỉ dollars/ ngày thì có lẽ không mấy ai biết đến vùng đất khô cằn với đám dân tàn bạo và hiếu chiến này. Abdul Aziz Ibn Saud là vị vua thống nhất được các bộ lạc cát cứ lại thành vương quốc mang tên chính thức là United Kingdom of Saudi Arabia. Ibn Saud là một người nổi tiếng hung tàn và nhiều vợ (hơn 100 bà vợ, 45 con trai và 125 con gái!), đã xử dụng tiền thu được từ dầu hoả và niềm tin tôn giáo để củng cố cho độc quyền cai trị của bộ lạc Saud của Ông. Cũng nhờ dầu hoả mà Saudi Arabia, kể từ thập niên 1930 trở đi được sự che chở hết lòng của siêu cường số một thế giới. Biểu hiện của sự bảo vệ ấy vẫn còn mới: khi Saddam Hussein tấn công Kuwait năm 1991, Mỹ đã vội vàng đáp lời yêu cầu của Saudi đưa quân qua ngăn chận và đánh tan quân Iraq.
Do vị trí địa lý của mình, Saudi Arabia luôn bị uy hiếp từ Do Thái, Iraq và Iran. Đối thủ sinh tử là Iran vì khác biệt cả chủng tộc lẫn đối địch tôn giáo. Từ lâu Iraq, một quốc gia trộn lẫn cả hai hệ phái Sunni và Shiite, nằm đệm vào giữa, trở thành một trái độn an toàn, che chở cho Arab Saudi khỏi sự uy hiếp trực tiếp của Iran.
Về phần Iraq thì đó là một lãnh thổ trống trải nằm ở giữa 6 quốc gia khác nhau, rất khó phòng thủ. Nhưng ngược lại nếu một cường quốc chiếm được Iraq thì có thể một lúc uy hiếp nhiều nước ở chung quanh: Kuwait, Saudi, Iran, Jordan, Turkey, và Syria. Sự hiện diện của Mỹ ở Iraq, như vậy, không những chỉ làm đứt một mắt xích quan trọng của khối Arab, mà còn uy hiếp cả Saudi Arabia, Syria, và Iran nữa. Trong khi đó một Iraq không còn Saddam Hussein và do người Shiite cầm quyền thì lại khiến ảnh hưởng của Iran, theo hệ phái Shiite, gia tăng và áp lực lên Saudi Arabia nặng nề hơn. Đó là chưa kể việc làm chủ Iraq sẽ dẫn đến việc khống chế sản lượng dầu hoả của nước này, trực tiếp ảnh hưởng đến lượng cung dầu trên thị trường quốc tế, từ đó có thể tạo nên một áp lực kinh tế nặng nề lên Saudi Arabia là quốc gia chỉ sống nhờ dầu hoả. Đối phó với áp lực như vậy, vương triều Saudi bị đặt trước sự lựa chọn: hoặc chấp nhận nguy cơ đối kháng chính trị lớn trong nội bộ để chống lại Al-Qaeda, nhưng được Mỹ bảo vệ; hoặc tiếp tục như hiện nay để tránh xung đột nội bộ thì lại không được Mỹ che chở trước sự uy hiếp của liên minh Shiite Iraq-Iran.
Đến đây một câu hỏi vẫn thường được nêu ra là tại sao Mỹ, năm 1991, không nhân đà chiến thắng của chiến dịch Desert Storm, tiến về Baghdad, chiếm luôn Iraq, mà phải đợi đến năm 2003. Câu trả lời nằm trong việc áp dụng nguyên tắc cổ điển về cân bằng quyền lực thường được siêu cường (hay đế quốc) sử dụng để giữ các nước nhỏ yếu hơn trong thế kìm chế lẫn nhau nhằm duy trì sự ổn định trong một khu vực mà không cần trực tiếp can thiệp. Năm 1991, Saudi Arabia vẫn còn được Mỹ xem là đồng minh cần được bảo vệ, vì vậy Mỹ vẫn muốn Iraq của Saddam đủ mạnh để cân bằng với Iran và che chắn cho Saudi. Đến năm 2001 trở đi thì tình hình lại khác, với những yếu tố mới phát sinh. Yếu tố đầu tiên là Al-Qaeda trở thành kẻ thù chiến lược. Saudi Arabia, do từ chối không hợp tác chống Al-Qaeda, không còn là đồng minh chiến lược nữa, vì vậy không đáng được Mỹ bảo vệ mà trái lại cần phải bị cưỡng chế. Trong khi đó thì Iran, do theo hệ phái Shiite, là kẻ đối địch của Al-Qaeda, nghĩa là có khả năng sẽ là đồng minh của Mỹ chống lại tổ chức cực đoan đó. Nói cách khác là Mỹ, sau vụ 9/11, tìm cách thay đổi thế cân bằng của hai hệ phái Hồi Giáo Sunni và Shiite ở Trung Đông, rồi lợi dụng sự mâu thuẫn của hai bên cho mục đích tiêu diệt kẻ thù chính là Al-Qaeda.
Vậy việc xâm chiếm Iraq của Mỹ tháng 3/2003 là một nước cờ hay. Nhưng chưa hết. Mỹ còn mở một mặt trận khác, phối hợp với việc xâm chiếm Iraq, trong chiến lược chống Al-Qaeda. Mặt trận đó mang một danh xưng rất hiền lành; đó là Greater Middle East Project, hay sau này được sửa lại là New Middle East Project. Đây mới là nguồn chính sách nơi khai sinh ra những biến động vừa qua tại Tunisia, rồi tại Ai Cập, Bahrain, Lybia hiện nay, và có lẽ sẽ còn nhiều nơi khác ở Trung Đông.
Có thể nói rằng Greater Middle East, hay New Middle East Project, là chiến lược thuộc lãnh vực văn hoá, chính trị và kinh tế của cuộc chiến nhắm vào nền tảng xã hội và cơ cấu chính quyền của những quốc gia có, hoặc có thể có, gốc rễ của Al-Qaeda. Ý niệm căn bản, nhìn từ bề ngoài và một cách chính thức, của chiến lược này rất đơn giản: xiển dương Dân Chủ và Tự Do để đẩy lùi sự độc đoán, thù hận và bạo động vốn là những tính chất gắn liền với các tổ chức cuồng tín. TT Bush, trong một bài diễn văn đọc tại National Endowment for Democracy vào hồi tháng 11/2003, đã nói rằng: “As long as the Middle East remains a place where freedom does not flourish, it will remain a place of stagnation, resentment, and violence ready for export". Đó là nhận định, tuy nghe đơn sơ, nhưng khơi mào cho một kế hoạch lớn lao và bao quát hơn về sau, nằm trong chiến lược chung nhằm đẩy lùi, cô lập những khuynh hướng cực đoan, hỗ trợ sự lớn mạnh cho những quan điểm ôn hoà và trung dung trong các cộng đồng Hồi giáo; đồng thời tạo ra một hình ảnh mới về nước Mỹ đối với dân cư trong Vùng.
Xuất phát từ nhận định vừa nói, chính phủ Bush đã đỡ đầu cho nhiều dự án nghiên cứu về một chiến lược vận động, cổ suý dân chủ rộng lớn trải dài từ Ma-rốc tới Afghanistan, bao trọn cả vùng Trung Đông (vì vậy lúc đầu có tên là Greater Middle East). Một trong những cơ quan tư nhân nhận trách nhiệm nghiên cứu là RAND, một think-tank lâu đời, nổi tiếng chuyên về hoạch định chiến lược thế giới. RAND đã đúc kết nghiên cứu của mình thành đề nghị về một chiến lược phức tạp, dựa theo kinh nghiệm của những cuộc cách mạng màu đã diễn ra trước đây ở các nước như Ukraine, Georgia, Kazakhstan,v.v…vận dụng phối hợp các hệ thống truyền thông, các mạng internet, Facebook, Twitter và các phương tiện tin học tối tân khác nhắm vào giới trẻ (theo thống kê có giới trẻ trong hạng tuổi 15-35 chiếm đến hơn 60% dân số trong Vùng), tìm cách huy động khối lượng đông đảo giới này từ các quốc gia:Algeria, Morocco Lybia, Lebanon, Tunisia, Egypt, Bahrain, Syria, Sudan, Yemen,v.v… vào một mặt trận chung, rộng khắp, đứng lên đòi hỏi cho Dân Chủ và Tự Do. Hỗ trợ hoặc công khai, hoặc ngấm ngầm cho cuộc vận động rộng lớn đó sẽ là các cơ quan phi-chính phủ (NGOs) như Human Right First, National Endowment for Democracy, Egyptian Center for Women’s Rights, USAID, International Republican Institute, Freedom House, Open Society Institute, v.v…
Đó là chiến lược chung, riêng trong trường hợp Ai Cập thì, theo giáo sư William Engdahl, các cơ quan NGOs đã tài trợ và giúp đỡ kỹ thuật cho một phong trào mang tên Egyptian Movement for Change, hay còn gọi là Kefaya, do Muslim Brotherhood thành lập khoảng năm 2004. Phong trào này khai thác kỹ thuật tin học biến nó thành phương tiện nối kết và huy động chừng 800,000 thành viên trẻ qua interet, blogs, Facebook, Twitter cho mục tiêu vận động Tự Do-Dân Chủ, và quan trọng hơn, tạo ra thay đổi chế độ hiện thời. Xin mở ngoặc ở đây là có nguồn tin cho rằng từ nhiều năm rồi, nhân viên Bộ Ngoại Giao Mỹ đã tiếp xúc với đại diện của Muslim Brotherhood, tổ chức Hồi Giáo lâu nay vốn được xem là cực đoan và chống Tây Phương, từng bị Sadat và Mubarak đàn áp khốc liệt. (Điều này gợi nhớ lại ở Miền Nam VN trước đây vào năm 1963, toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cũng bí mật tiếp xúc và bảo vệ cho một vị lãnh tụ tôn giáo đang chống lại chính phủ lúc đó.)
Một điểm khác đáng chú ý đối với trường hợp Ai Cập; đó là thái độ ôn hoà của quân đội đối với quần chúng biểu tình; một thái độ gây nhiều thắc mắc. Như đã trình bày ở trên, từ năm 1952 đến nay, quân đội là kẻ nắm giữ chính quyền ở Ai Cập, bản thân Mubarak là một sĩ quan cao cấp không quân đi theo nhóm Sĩ quan Tự Do của Nasser. Vậy tại sao trong lúc quần chúng biểu tình đòi Mubarak từ chức thì quân đội lại tỏ ra thân thiện với dân chúng? Có thể suy diễn được câu trả lời khi nhìn vào cơ cấu viện trợ của Mỹ dành cho Ai Cập trong suốt mấy chục năm qua. Trong cơ cấu đó, viện trợ kinh tế ngày càng giảm, nhưng quân viện không hề thay đổi mảy may. Để nhận quân viện như vậy, nhiều thế hệ sĩ quan Ai Cập đã được huấn luyện ở Mỹ, và số lượng sĩ quan được huấn luyện ở Mỹ ngày càng đông; sự thâm nhập và tuyển mộ của CIA vào hàng ngũ các sĩ quan này chắc chắn là càng sâu và càng nhiều. Cũng do đó thành phần sĩ quan trẻ, chịu ảnh hưởng của Mỹ sẽ ngày càng đông hơn số sĩ quan già do Anh-Pháp đào tạo trước đây mà Mubarak là đại diện. Như vậy có thể xuyên qua thái độ của quân đội để hiểu phần nào lập trường của Mỹ đối với biến cố. Hoặc Mubarak là cái bung xung để cho nỗi thống khổ của đa số lớp trẻ và dân nghèo có dịp xả thoát và được xoa dịu, đồng thời để cho mọi sự diễn ra ăn khớp với chiến lược mới trong toàn vùng; hoặc đã đến lúc lớp lãnh tụ già nua trong quân đội Ai Cập trở nên không đắc dụng nữa nên cần được thay thế. Dù thế nào đi nữa thì đám đông biểu tình, tuy có nguyện vọng chính đáng, vẫn vô tình trở thành phương tiện cho siêu cường ở ngoài và tầng lớp thống trị ở trong xử dụng cho một mục đích định sẳn.
Tóm lại, Ai Cập trước sau vẫn thuộc về khối quốc gia thứ ba, nghèo và bị các cường quốc thay nhau chi phối, trước đây đã không hoàn toàn làm chủ được vận mệnh của mình, đến nay tình hình vẫn vậy. Nhìn bề ngoài, việc đám đông quần chúng nổi dậy đòi lật đổ chính phủ để xây dựng Tự Do-Dân Chủ là một sự kiện cao đẹp làm rung động mọi tấm lòng yêu chuộng công lý-bình đẳng ở khắp nơi. Nhưng đó chỉ là biểu tượng, sự vùng dậy của dân chúng trong trường hợp này, tuy do những động cơ chính đáng, đã bị chi phối bởi những yếu tố không mong muốn cả từ bên trong lẫn bên ngoài, nên chỉ trở thành như bọt nước sôi sục ở trên mặt, bị đẩy đưa bởi những động lực khác nằm chìm khuất ở dưới. Không ai chối cãi về nỗi thống khổ và lòng khao khát tự do-dân chủ chính đáng của dân chúng Ai Cập. Vấn đề là ở chỗ nỗi thống khổ ấy đã một mặt thì bị lôi cuốn vào trong một chiến lược quốc tế lớn của siêu cường, và mặt kia thì bị lợi dụng bởi sự tham quyền cố vị của giới thống trị bản xứ muốn làm một cuộc đảo chánh nội bộ. Nhiều người đã vội gán cho sự biến động ở Ai Cập là một cuộc cách mạng, quên rằng sự ra đi của Mubarak không hề tạo ra một đảo lộn lớn lao nào đối với chế độ chính trị hiện có, bởi vì quyền lực vẫn ở trong tay quân đội, dù rằng quân đội đó có hứa sẽ thay đổi hiến pháp, giải tán và bầu quốc hội mới trong vòng 6 tháng. Nhưng bằng vào hiện tình kinh tế của Ai Cập, vào tình hình hiện nay trong khu vực, và vào việc quân đội đã chỉ biết sống lệ thuộc vào ngoại viện suốt 30 năm qua thì liệu có tin được rằng những hứa hẹn ấy sẽ được thực hiện đúng với tinh thần của nó? Thật đáng ngờ! Có lẽ nhiều lắm thì giới cầm quyền mới, do sự đạo diễn kín đáo ở đằng sau, sẽ tỏ ra ít độc đoán hơn ở những vấn đề thứ yếu, một số những tự do và nhân quyền căn bản có lẽ sẽ được tôn trọng hơn, cũng có lẽ sẽ có cả chính phủ dân sự nữa, miễn sao tất cả những thay đổi ít ỏi đó không gây thay đổi bất lợi cho ảnh hưởng của siêu cường mà lại phục vụ được cho mục đích chính là triệt tiêu, hay chí ít vô hiệu hoá, các khuynh hướng cực đoan, khuyến khích và hổ trợ cho khuynh hướng Hồi giáo ôn hoà. Nhưng chung quy sẽ không có cái gọi là cách mạng (revolution), hiểu theo nghĩa là một sự thay đảo lộn, thay đổi tận gốc rễ (radical change), và quyền lực quốc gia vẫn nằm trong tay của giới thống trị hiện nay, tức của quân đội.
Mặt khác, biến cố Ai Cập chỉ là một phần, như đã nói, của một chiến dịch rộng lớn hơn của siêu cường đối với Trung Đông. Sau Tunisia, đến Ai Cập, và nay thì đang diễn ra ở Bahrain và ở Lybia. Diễn biến như vậy rõ ràng là rơi vào đúng kế hoạch vạch ra từ nhiều năm về trước trong Greater (or New) Middle East Project. Bahrain thì sát ngay sau lưng của Saudi Arabia và những biến động ở đó chắc chắn sẽ gây những chấn động lớn vào Saudi Arabia. Trong những ngày này giới truyền thông bắt đầu loan tin về sự phân rẽ giữa vương triều Saudi và chính phủ Obama; ngay cả còn có tin đồn rằng vua Abdullah, tám mươi mấy tuổi, suýt nữa bị heart attack. Trước đó ông vua này đã lên tiếng công kích chính sách của Mỹ đối với Mubarak và tuyên bố sẳn sàng giúp Ai Cập trám vào lỗ hổng tài chánh nếu như bất thần Mỹ cắt quân viện cho nước này.

Nghĩ về Dân chủ cho Việt Nam
Hầu hết dư luận của người Việt đều liên tưởng đến vấn đề Dân Chủ cho Việt Nam khi theo dõi những biến động vừa rồi ở Ai Cập. Đó là một biểu hiện tình cảm rất tự nhiên, vì ai ai cũng mong ước cho Quê hương có được một chế độ chính trị tốt hơn, trong đó quyền lực thuộc về toàn dân, dân quyền và nhân quyền được tôn trọng, xã hội có văn hoá và công bằng, nhân dân ấm no và Đất Nước hùng cường.
Nhưng có lẽ điều cần thiết để có một sự liên tưởng đúng và hữu ích là phải kiên trì tìm hiểu cặn kẻ và nắm bắt đúng bản chất của biến cố cũng như của mối quan hệ quốc tế tạo nên bối cảnh của biến cố đó. Ngược lại, nếu chỉ dừng lại ở bề mặt và chỉ bằng lòng với những gì hệ thống truyền thông Anh-Mỹ: CNN, Foxnews, Bloomberg, MSNBC, Newyork Times, Washington Post, BBC, v.v… mớm cho hằng ngày thì e rằng sẽ chỉ thấy hiện tượng mà không đào sâu được vào bản chất, và vì vậy sẽ có những liên tưởng không mấy thích hợp và kém hữu ích cho việc vận động Dân Chủ cho Quê hương.
Do lòng khao khát Tự Do - Dân Chủ mãnh liệt, lâu nay chúng ta đã cùng nhau đề cập và hô hào nhiều cho những giá trị cao quý đó; đến độ mấy chữ Dân Chủ - Đa Nguyên - Đa Đảng gần như trở thành một thứ kinh nhật tụng của nhiều người và của nhiều cây bút tiếng tăm, cả ở trong Nước lẫn hải ngoại. Tiếc rằng, hầu như đa số chúng ta chỉ dừng lại ở thềm ngoài của những giá trị đó mà chưa có nhiều cố gắng để đi vào sâu hơn, ít nhất là trên phương diện nghị luận, để phân tích và từ đó hiểu thấu đáo hơn về chế độ Dân Chủ, để có những chuẩn bị và vận động thích hợp.
Chẳng hạn, hầu như chưa có bao nhiêu thảo luận nghiêm chỉnh và sâu xa về mối quan hệ giữa Dân Chủ và Văn hoá. Ở các nơi trên thế giới, mối quan hệ này đã được đề cập đến rất nhiều. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có một nền văn hoá riêng và chính do mối tương quan giữa Dân chủ - Văn hoá mà phát sinh nhiều hình thái dân chủ khác nhau. Sự hô hào về dân chủ của chúng ta lâu nay tạo một một ấn tượng rằng dường như có một giá trị Dân Chủ phổ quát phù hợp cho mọi người, và từ đó sẽ có một hình thái dân chủ chung cho mọi dân tộc trên thế giới. Thực tế cho thấy không phải vậy. Chỉ cần nhìn lướt qua các chế độ dân chủ ở Nhật, Đài Loan, Nam Hàn và rồi so với ở Úc, Tân Tây Lan, Canada, v.v… là sẽ thấy ngay những khác biệt. Những khác biệt ấy, ngoài những yếu tố khác, quan trọng nhất vẫn là do sự khác nhau về văn hoá mà ra. Điểm quan trọng ở đây là nếu không hiểu sâu sắc được mối tương quan dân chủ - văn hoá thì sẽ không tìm được kiến giải thích hợp cho sự nghiệp xây dựng dân chủ sau này. Tiếc rằng đây là lãnh vực nghị luận cho đến nay vẫn chưa được sự chú ý đúng mức của các bậc thức giả.
Một dẫn chứng khác nữa là về mối quan hệ giữa dân chủ và địa lý - lịch sử. Nền dân chủ Mỹ đạt đến cực thịnh như ngày nay ít nhiều cũng nhờ vào những ưu điểm về địa lý: được che chở bởi hai đại dương, không phải chia chung biên giới vói một cường quốc nào, và tài nguyên vô cùng phong phú. Liệu Việt Nam, ở sát nách Trung Quốc khổng lồ và chuyên đoán, có thể xây dựng dân chủ yên ổn như Đài Loan hay Singapore chăng? Không những là áp lực bên ngoài từ Trung Quốc thôi, mà ngay cả từ bên trong; chúng ta chắc không ai không nhớ đến sự khống chế của Hoa kiều Chợ lớn đối với kinh tế Sài Gòn và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long trước đây, và từ đó họ đã ảnh hưởng đến các chính khách Miền Nam như thế nào. Vậy nhưng lâu nay có bao nhiêu người trong chúng ta đi sâu nghiên cứu về mối tương quan vừa nói, quan tâm đến ảnh hưởng của vị trí địa lý Việt Nam trong việc vận động Dân Chủ?
Nhiều ngòi bút tiếng tăm cũng không ngừng tụng Dân Chủ - Đa đảng. Nhưng về đề tài này cũng vậy, rất ít thấy các bậc thức giả đưa ra được những nghiên cứu nghiêm túc về chính đảng, giải đáp thỏa đáng những câu hỏi, tưởng đơn giản, như chính đảng là gì, các điều kiện cần thiết nào về cơ cấu kinh tế - xã hội phải có để khai sinh chính đảng, và những điều kiện ấy hiện đã tiềm tàng ở Việt Nam như thế nào, v.v…? Sự hiểu biết thực tế của đa số chúng ta về chính đảng, sự hình thành và vai trò của nó, có phần hời hợt, nhiều người ngay cả không chú ý phân biệt giữa chính đảng, tổ chức quần chúng và đoàn thể xã hội, hay hội đoàn. Trong thư viện của Miền Nam trước đây, chỉ có một quyển sách nhỏ của một cố giáo sư biên khảo về lịch sử các đảng phái chính trị Việt Nam, và đó cũng chỉ là một công trình đơn sơ nhằm tìm hiểu lịch sử và vai trò của các chính đảng Việt Nam trong bối cảnh lịch sử của những thập niên 1930-1960. Ngoài quyển sách đó ra, lâu nay cả ở trong Nước, lẫn ở hải ngoại, chưa hề thấy có một công trình nghiên cứu nào khác liên quan đến vấn đề chính đảng trong xã hội Việt Nam. Tất nhiên việc thực tiễn đi trước lý luận là thường tình, nhưng vấn đề nổi rõ ở đây là khuynh hướng ưa hô khẩu hiệu mà thiếu phân tích sâu xa của chúng ta đối với những đề tài quan trọng của đất nước.
Điểm nữa, thiết nghĩ cũng cần lưu ý khi suy ngẫm về vận động Dân chủ cho Việt Nam. Đó là tính cách thực tế của cuộc vận động. Không thể vận động mà không thừa nhận thực trạng của Đất Nước, cho dù đó là thực trạng không mong muốn. Thực trạng đó là đảng Cộng sản, một lực lượng hơn 3 triệu người với tổ chức hết sức chặt chẽ, đã tồn tại 80 năm trên Quê hương, và đang cầm quyền. Lực lượng ấy nên được xem là đối tượng quan trọng đầu tiên của cuộc vận động Dân chủ. Thử hình dung rằng nếu ý thức dân chủ của đa số đảng viên Cộng sản được nâng lên, và các đại hội toàn quốc của đảng không còn theo nguyên tắc dân chủ tập trung, tức là từ trên xuống, mà ngược lại từ dưới lên, rồi thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương thật sự biết thực thi quyền hạn của mình để chọn lựa đúng Uỷ viên BCT, và không những thế có quyền bãi miễn đối với Uỷ viên Bộ Chính Trị bất xứng, thì hậu quả sẽ thế nào đối với xã hội? Một tình huống như thế xảy ra trong nội bộ đảng Cộng sản chắc chắn rất có lợi cho cuộc vận động Dân chủ chung cho cả Nước. Tình huống đó không phải chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hay của lòng mong ước, và không có hy vọng xảy ra. Tỉ lệ đảng viên trẻ hiện rất cao, và khác với lớp đảng viên tiền bối, lớp đảng viên trẻ hiện nay tiếp xúc nhiều với Tây Phương, và ngay cả du học ở Mỹ. Một chiến lược vận động Dân Chủ đúng đắn, biết đặt quyền lợi tối thượng của Tổ Quốc lên trên hết, ngoài các mục tiêu quan trọng khác, nên quan tâm nhắm đến các đảng viên Cộng sản. Lâu nay, dường như chúng ta, khi hô hào vận động Dân chủ, đã mặc nhiên loại trừ toàn thể đảng viên đảng CSVN ra ngoài. Liệu như vậy có đúng không? Có xa rời thực tế không khi nhìn lại những trường hợp như tướng Trần Độ, hay ông Trần Xuân Bách?
Cuối cùng, Dân Chủ không phải là một món hàng có thể đem xuất cảng ra ngoài hoặc nhập cảng từ ngoài vào. Dân Chủ trước hết là vấn đề tự ý thức của mỗi dân tộc, và là vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia. Sẽ không thể nào có dân chủ thật sự trong một nước khi đa số các thành viên của quốc gia đó chưa thức tỉnh để có ý thức đầy đủ về bổn phận và trách nhiệm của mỗi người đối với vận mệnh chung của xứ sở mình. Và vì mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có những điều kiện địa lý, lịch sử,văn hoá, kinh tế, xã hội và nhân văn riêng nên dân chủ ở mỗi quốc gia là một nét đặc thù, chỉ phù hợp với chính quốc gia đó và những quyền lợi của nó. Vì những lý do đó, không nên nằm mơ để mong đợi rằng có một ngày đẹp trời, một thế lực bên ngoài nào đó sẽ tìm đến Việt Nam, lật đổ ách độc tài và “nhập cảng” Dân Chủ vào cho dân tộc Việt. Cùng nói đến Dân Chủ, nhưng nội dung bao hàm hoặc mục tiêu nhắm đến sẽ hoàn toàn khác nhau, đôi khi đến độ đối kháng nữa, giữa chính sách của một siêu cường và nguyện vọng của một dân tộc địa phương. Biến động đang diễn ra ở Ai Cập, Tunisia, Bahrain, Lybia là một bằng chứng hùng hồn cho điều vừa nói. Trong các biến động đó cả siêu cường lẫn những người dân ở các quốc gia liên quan đều nói về Dân Chủ, Tự Do và Bình Đẳng, nhưng dụng ý và mục tiêu của các bên không trùng lặp với nhau. Đối với người dân thì là để thoát khỏi ách độc tài, để được thoả mãn những nguyện vọng về tự quyết, và để có một xã hội công bằng hơn; nhưng đối với siêu cường thì là để dễ dàng xen vào nội bộ quốc gia khác nhằm gây những ảnh hưởng có lợi cho mình, là để thay đổi một chế độ chính trị theo hướng mình muốn, và là để thành tựu những mục tiêu chiến lược định trước trong nổ lực duy trì vị thế bá chủ của mình. Thiết nghĩ, đó là sự phân biệt mà người vận động Dân chủ nên luôn lưu tâm khi quan sát thời sự quốc tế rồi liên tưởng đến hoạt động của mình.

Trương Đình Trung
2/20/2011


Posner, Gerald. Secrets of the Kingdom. Random House, 2005

Sách tham khảo:
George Friedman, Amercia’s secret war, Anchor Book, New York, 2004
George Friedman, the Next Decade, Doubleday, New York, 2011.
Francois Massoulie, Middle East Conflicts, Interlink Books, New York, 1999.
Samuel P. Huntington, The Clash of Civilizations, Simon &Schuster, 2003

.
.
.

No comments: