Nguyên Hoàng Bảo Việt
(02/01/2011)
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-74_4-169445_5-50_6-1_17-18559_14-2_15-2/
Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Trong năm 2010, Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù của Văn Bút Quốc Tế đã kỷ niệm 50 năm hoạt động để bảo vệ Quyền Tự Do Phát Biểu Quan Điểm trên khắp thế giới với cuộc vận động qui mô mang tên ‘’Bởi vì Nhà Văn Viết và Nói ra Những Gì Họ Suy Nghĩ''. Các hội viên Văn Bút Quốc Tế (145 Trung tâm và hơn 100 quốc gia) tổ chức những buổi hội họp, triển lãm và vận động để đánh dấu sự kiện đặc biệt này. Và ngày 15 tháng 11 năm 2010, Ngày truyền thống Nhà Văn bị Cầm Tù đã diễn ra trong tinh thần thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ cho tất cả các nhà văn và nhà báo bị đàn áp. Nhiều người cầm bút, bất luận nam nữ, bị sách nhiễu, hành hung, tra tấn, giam nhốt, lưu đày hoặc thậm chí bị giết hoặc bị buộc phải sống lưu vong vì những bài viết hoặc ý kiến của họ.
Ủy Ban kiểm điểm hàng trăm trường hợp nhà văn và nhà báo bị tấn công trong 12 tháng qua (587 trường hợp phạt tù, hành hung và ám sát từ tháng giêng đến tháng sáu năm 2010). Hơn 200 người trong số nạn nhân đó bị kềm hãm trong các nhà tù. Bốn mươi mốt nhà văn và nhà báo đã bị giết, bị ám sát hoặc mất tích : Ba Tây 4, Mễ Tây Cơ 10, Kazakhstan 1, Bulgarie 1, Chypre 1, Yemen 1, Nga 1, Népal 1, Irak 2, Ba Tư 1, Colombie 1, Equateur 1, Thổ Nhĩ Kỳ 1, Nigeria 3, Hồi Quốc 4, Phi Luật Tân 1, Rwanda 1, Ấn Độ 1, Hy Lạp 1, Nam Dương 1, Biélorussie 1, Argentine 1, Guatemala 1.
Năm nay, Văn Bút Quốc Tế quan tâm chú ý đến năm tình trạng tiêu biểu cho sự đàn áp không biên giới : ở Ba Tư, Hossein Derakhshan, nhà báo và tác giả điện ký Ba Tư - Gia Nã Đại (19 năm 6 tháng tù), ở Cameroun, Robert Mintya, chủ bút báo Le Devoir (bị giam giữ và hành hung trong tù); ở Mễ Tây Cơ, José Bladimir Antuna Garcia, phóng viên báo El Tiempo (bị ám sát hồi tháng mười năm 2009); ở Syrie, Tal Al-Mallouhi, nhà thơ và tác giả điện ký (biệt giam bí mật dù không bị buộc tội) và ở Ouzbékistan, Dilmurod Saidov, nhà báo độc lập (12 năm tù).
Tháng Chín vừa qua, Đại Hội Văn Bút Quốc Tế họp tại Tokyo - Nhựt Bổn đã lên án các vụ đàn áp và đe dọa đối với các nhà văn, nhà báo và nhà bênh vực nhân quyền ở Trung Cộng, Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông Cổ, Cuba, Ba Tư, Mễ Tây Cơ, Nga, Tunisie, Sri Lanka, Népal, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Erythrée, Honduras, Nam Phi và Việt Nam CS. Trong số những Nhà nước thành viên bất xứng của Cộng đồng Pháp thoại, Việt Nam CS là một chế độ áp bức nhứt đối với quyền Tự Do Phát Biểu Quan Điểm và báo chí. Tại Việt Nam, làm một nhà thơ, một nhà văn, một nhà báo tự do hay một luật sư bênh vực Nhân Quyền vẫn là một nghề rất nguy hiểm. Một số nhà văn, nhà báo, tác giả điện ký, luật sư và nhà tranh đấu cho Nhân Quyền đã bị kết án tù giam nặng nề (2-16 năm), tiếp theo là án tù quản chế (1-5 năm). Tù nhân ngôn luận và lương tâm bị lưu đày đến các trại lao động cưỡng bách. Họ bị biệt giam hoặc nhốt trong các xà lim chật chội, thiếu vệ sinh, sống với các tù nhân hình sự có thái độ thù nghịch. Những tù nhân ngôn luận và lương tâm đã bị đánh đập, tra tấn hoặc phải chịu những cách đối xử độc ác, vô nhân đạo hoặc hạ phẩm giá. Họ mắc các bệnh mãn tính, không được chăm sóc y tế đầy đủ và thiếu những điều kiện vệ sinh tối thiểu. Họ bị tước quyền gặp gia đình và quyền được cung cấp thuốc men chữa bệnh vì không chịu nhận có tội, vì dám phản đối, khiếu nại hoặc tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ tồi tệ.
Một Quyết Nghị về Việt Nam, được Đại Hội Văn Bút Quốc Tế Tokyo thông qua, tố cáo việc tiếp tục dàn dựng các phiên tòa bất công không cho công chúng được tự do tham dự, vắng mặt các nhà quan sát độc lập và quyền bào chữa của luật sư không được tôn trọng. Văn Bút Quốc Tế cũng phản đối việc bộ Công an tiến hành kiểm duyệt khắc nghiệt hệ thống truyền thông đại chúng và Liên mạng, phá hoại hàng trăm điện ký và trang tin Liên mạng độc lập, việc ban hành các điều luật độc đoán nhằm ngăn cản xã hội dân sự hướng về sự cổ xúy và phát huy một nền văn hóa Hòa Bình và Nhân Quyền.
Bản danh sách tù nhân ngôn luận và lương tâm Việt Nam chẳng thể nào kể ra hết được. Chỉ nêu lên một số tác giả nạn nhân nổi tiếng: bà Trần Khải Thanh Thủy, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà văn Liên mạng, thành viên Hội Nhà Văn và Câu lạc bộ Nhà Thơ Nữ Hà Nội, Linh mục Nguyễn Văn Lý, biên tập viên tạp chí Tự Do Ngôn Luận (không giấy phép của chế độ CS), ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, thành viên của Hội Nhà văn Hải Phòng, đồng biên tập viên báo Tổ Quốc (không giấy phép của chế độ CS) và ông Trương Minh Đức, nhà báo chống tham nhũng. Ngoài ra, cần kể thêm các nhà văn, nhà báo, tác giả điện ký và luật sư bênh vực nhân quyền khác vẫn còn bị giam như các ông Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Nguyễn Văn Đài, Trần Quốc Hiền, Trương Quốc Huy, Phạm Bá Hải, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Phạm Thanh Nghiên, Vũ Văn Hùng, Ngô Quỳnh, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc, Trần Đức Thạch, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Mạnh Sơn, Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù), Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim. Cũng như Hòa thượng Thích Quảng Độ, 82 tuổi, tu sĩ Phật giáo và nhà thơ bị quản thúc tại chùa từ năm 2003. Hầu hết các tù nhân có sức khỏe rất xấu.
Genève ngày 15 tháng 11 năm 2010
Nguyên Hoàng Bảo Việt
Thành viên Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù
của Trung Tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại
và Trung Tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong
Nguyên Hoàng Bảo Việt
Thành viên Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù
của Trung Tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại
và Trung Tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong
.
.
.
No comments:
Post a Comment