Wednesday, February 23, 2011

TT LIBYA - MOAMMAR GADHAFI THỀ CHIẾN ĐẤU "TỚI GIỌT MÁU CUỐI CÙNG"


haydanhthoigian
Tháng Hai 23, 2011

Đại tá Muammar Gaddafi của Libya đang chịu thách thức to lớn nhất sau 42 năm cầm quyền.
Tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch nói ít nhất 233 người đã chết từ hôm 17/02 vì cuộc đàn áp của an ninh.
Việc tường thuật của báo chí bị hạn chế nghiêm ngặt và không có phóng viên BBC nào có mặt ở Libya.

Cầm quyền lâu năm
Đại tá Muammar Gaddafi là nhà cai trị lâu năm nhất tại châu Phi và Trung Đông.
Hôm 16/02, Đại tá Gaddafi có bài diễn văn được phát đi nói về sự bất ổn trong vùng, nhưng không hề nói gì về đất nước mình.
Ngày 20/02, con trai ông, Sayf al-Islam, có bài diễn văn toàn quốc thừa nhận người biểu tình đã chiếm được hai thành phố phía đông là Benghazi và Al Bayda.
Ông Sayf nói an ninh đã có một số sai phạm khi đối phó người biểu tình nhưng nói số người chết ít hơn nhiều.
Ông này cũng hứa sẽ có cải tổ chính trị nhưng cảnh báo sẽ có nội chiến nếu hỗn loạn tiếp tục.
Biểu tình ngày hôm nay đã lan tới thủ đô Tripoli.

Khả năng nổi dậy đến đâu?
Cả Tunisia và Ai Cập đều có đường biên giới với Libya – thay đổi chính trị tại hai nước này hẳn đã có tác động đến Libya.
Nhưng mặt khác, lãnh đạo quân đội Libya đều là người của Gaddafi – họ cùng bộ tộc với nhau.
Dân số 6 triệu người của Libya sống rải rác trên một lãnh thổ rộng lớn, và khoảng cách giữa biên giới phía đông và phía tây kéo dài tới 1000 cây số. Vì thế bất kỳ một cuộc nổi dậy nào ở Benghazi cũng khó tác động đến căn cứ quyền lực của Gaddafi tại Tripoli và Sirte.
Phóng viên ngoại giao BBC Bridget Kendall có so sánh tình hình Bahrain và Libya.
“Ở Bahrain mục tiêu chính có lẽ là loại bỏ thủ tướng và đưa thêm nhiều cải cách chứ không phải là lật đổ toàn bộ hoàng gia. Còn ở Libya, quần chúng bất mãn chỉ muốn Đại tá Gaddafi ra đi.”
“Vì thế để cứu mình và chính thể, ông ta sẽ không ngại bạo lực. Chắc chắn ông ta sẽ xem mọi biện pháp cứng rắn là lựa chọn duy nhất của mình.”
Ngoài vấn đề sắc tộc, tôn giáo cũng là chủ đề quan trọng.
Tại Bahrain, Hoàng gia nằm trong tay những tín đồ Hồi giáo phái Sunni, trong khi đa số dân theo Hồi giáo hệ phái Shia.

Quan hệ quốc tế
Liên hiệp châu Âu và Anh quốc đang đóng vai trò ngoại giao ở Libya lớn hơn so với tại các nước Ả Rập khác. Một phần là vì EU có quan hệ năng lượng khá mật thiết với Libya.
Năm 2004, Thủ tướng Anh khi đó, Tony Blair, thăm Libya – một khoảnh khắc lịch sử đánh dấu việc Libya được chấp nhận trở lại với cộng đồng quốc tế.
Sau đó, Libya có một loạt động thái nhượng bộ phương Tây: từ bỏ tham vọng có vũ khí hủy diệt hàng loạt, lên án khủng bố, đồng ý bồi thường cho nạn nhân vụ đánh bom máy bay Lockerbie, ký hiệp định với EU để chống nạn nhập cư lậu từ châu Phi.
Đại sứ hiện nay của Mỹ tại Anh, Louis Susman, nói với Andrew Marr của BBC hôm 20/02 rằng sự phục hồi này có lẽ đã là sai lầm: “Giao thiệp với ông ta, cho ông ta khả năng lớn hơn trên trường quốc tế để trông như một công dân tốt là sai lầm.”
Quan hệ Mỹ – Libya bình thường hóa năm 2006 sau khi Washington đưa Libya ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố.
Năm 2008, Ngoại trưởng Condoleeza Rice thăm nước này.
Tin mới nhất cho biết Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon nói ông sẽ thảo luận vấn đề với ban lãnh đạo Libya.
Không rõ có phải là chính Đại tá Gaddafi nhận hay không, nhưng thông báo của ông Ban là một phần trong chuỗi lo ngại quốc tế.
Theo BBC

—————-

Lãnh đạo Libya thề chiến đấu ‘tới giọt máu cuối cùng’
Đại tá Moammar Gadhafi thề chiến đấu “tới giọt máu cuối cùng” và ủng hộ việc những người thân chính phủ tấn công người biểu tình.
Sau một tuần xuống đường, những người biểu tình nắm quyền kiểm soát gần một nửa vùng duyên hải dài gần 1.600 km nằm bên bờ Địa Trung Hải của Libya nhờ sự ủng hộ của những đơn vị quân đội chống chính phủ. Trong vùng này có nhiều khu vực sản xuất dầu mỏ, AP cho biết.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm qua, đại tá Gadhafi, nhà lãnh đạo Libya, kêu gọi những người ủng hộ chính phủ giành lại quyền kiểm soát những thành phố đang trong tay người biểu tình.
“Các bạn, những người đàn ông và phụ nữ yêu mến Gadhafi, hãy ra khỏi nhà, ra đường phố và tấn công những kẻ nổi loạn ngay tại hang ổ của chúng”, AP dẫn lời ông Gadhafi.
Những người ủng hộ chính phủ tại thủ đô Tripoli bắn súng lên trời để cổ vũ nhà lãnh đạo Libya sau khi ông phát biểu. Trong khi đó, người biểu tình tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya, ném giày vào màn hình lớn khi hình ảnh của ông hiện ra trên đó.
Đài truyền hình quốc gia chiếu cảnh đám đông ủng hộ Gadhafi tập trung tại quảng trường Xanh ở thủ đô Tripoli, giơ cao chân dung của ông và vẫy quốc kỳ. Họ nghiêng ngả theo giai điệu của một bản nhạc sau khi ông phát biểu.
Cộng đồng quốc tế tỏ ra lo ngại trước cuộc khủng hoảng tại Libya, bởi làn sóng biểu tình tại nước này vừa đẩy giá dầu mỏ tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Nhiều nước gấp rút đưa công dân của họ ra khỏi Libya. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức họp khẩn và ra tuyên bố lên án hành động trấn áp người biểu tình của chính phủ Libya, bày tỏ “sự lo ngại sâu sắc” và kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức.
Tại thành phố Benghazi, Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younis, một trong những quan chức thân cận nhất với Gadhafi và cũng là chỉ huy của lữ đoàn đặc nhiệm Tia Sét, tuyên bố ông từ bỏ chính phủ và nhiều đơn vị quân đội khác sẽ tham gia cuộc nổi dậy.
Các hãng tin phương tây cho biết gần 300 người đã thiệt mạng vì bạo lực kể từ làn sóng biểu tình chống chính phủ bùng phát tại Libya hôm 17/2. Đây là thách thức lớn nhất đối với đại tá Muammar Gaddafi, lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất châu Phi và Trung Đông với 42 năm liên tục.
Theo VnExpress

-------------------------

.
.
.

No comments: