Thursday, February 10, 2011

THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN : VÒNG QUAY SINH TỬ (Đinh Từ Bích Thúy)

9.02.2011

Tôi bắt đầu tìm hiểu về Nguyễn Đức Sơn khi bất chợt đọc được đoạn văn nói về ông trong bài viết của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn trên báo Người Việt online (đăng ngày 11 tháng 11 năm 2006):
Thay vì “làm học trò không có sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” (Ðinh Hùng), chàng trai mới lớn trong thơ Nguyễn Ðức Sơn giấu trong cặp “chiếc băng vệ sinh” nhặt được ở đâu đó ngoài đường.
Người đàn bà, người nữ, xuất hiện trong thơ Nguyễn Ðức Sơn, không mặt mũi nhan sắc, trước tầm nhìn (thôi, cứ coi là tình cờ) của chàng trai mới lớn, ngồi xuống và “em chưa đái mà hồn anh đã ướt”.

Hình ảnh Nguyễn Đức Sơn giấu trong cặp ‘chiếc băng vệ sinh’ vô danh/vô thừa nhận đã ám ảnh tôi từ lúc đó. Tại sao nhà thơ lại làm như vậy, đó có phải là một hành động “nữ quyền” đi trước thời đại hay còn một mục đích nào khác?

Sống, lớn lên, và học hành ở Mỹ, từ lúc viết và xuất bản trong tiếng Anh khởi sự từ năm 1991, tôi nghiễm nhiên coi mình là một người viết Mỹ gốc Việt. Những gì tôi biết về văn chương Việt Nam trước đó cũng không nhiều. Tôi đã tưởng rằng những nhà văn, nhà thơ Việt Nam trước thời tôi là những người phần nhiều cổ kính, mẫu mực, với gu thẩm mỹ và cách sống không khác bố mẹ tôi. Tuy đã đọc văn chương Tự Lực Văn Đoàn và thơ của Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, và Lưu Trọng Lư, cung cách lãng mạn của thi văn Tiền Chiến cũng không làm thay đổi cái nhìn chung của tôi: lúc đó tôi nghĩ những nhà văn, nhà thơ của Việt Nam là những con người thơ mộng, u hoài, bị đè nén triền miên, và vì vậy tôi đi tìm sự tác động và nổi loạn trong văn học hiện đại của Hoa Kỳ và Âu Châu.

Điều mâu thuẫn (mà tôi không nhìn thấy lúc đó) là ngay trong lúc thấy mình được tự do khai phá trong giòng văn chương ngoại ngữ, tôi đã chọn cho mình một đời sống rất cung cách và bình thường. Thay vì nổi loạn, tôi đã theo học Luật, rồi ra trường và nhận việc làm trong một cơ sở thuộc ngành tài chánh của chính quyền Hoa Kỳ. Số phận di dân (con gái đầu lòng trong một gia đình có 6 người con) không cho phép tôi làm những chuyện ngông cuồng. Tôi nghĩ mình chỉ là một con người thực tế thích sự an toàn. Tôi theo nghề Luật và do đó đã chọn thái độ “nằm xuống” thay vì nổi loạn—theo nghĩa của Nguyễn Đức Sơn trong Ý Tưởng Chiều Tà–để không lâm vào cảnh “chết đói” của những sinh viên theo ngành chữ nghĩa chỉ vì không đủ khả năng học lấy bằng kỹ sư điện toán hay theo nghề thuốc. Đã từ nhiều năm, tôi vẫn hỏi mình câu hỏi không có lời giải đáp, mà về sau tôi mới biết cũng là câu hỏi của Heidegger trong Sein und Zeit (Hữu thể và Thời gian), và của Nguyễn Đức Sơn cùng những nhà văn miền Nam cùng thời với ông: “Làm sao để sống hết sức thực lòng trước những giới hạn của số phận?”

Ngoài chuyện cảm phục tác phong độc lập của một nhà thơ “quái dị,” tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về Nguyễn Đức Sơn từ khía cạnh giới tính, vì tôi thấy ông đã đi xa hơn những nhà thơ Việt cùng thời khi diễn tả vai trò phụ nữ trong quá trình sáng tác của ông. Khi chứng kiến cảnh phụ nữ tiểu tiện, Nguyễn Đức Sơn không bị “chồn dạ” mà trái lại còn có vẻ bị mê hoặc bởi hình ảnh người con gái đẹp hành động vô tư theo bản năng:

Một Đêm Vàng
không biết trong mơ em còn mắc cở
một đêm vàng rúng động giấc thanh tân
dưới chăn chiếu thiên nhiên lồ lộ mở
em đái dầm ướt sẫm cả trần gian
(trong tập Đêm Nguyệt Động)
và, tương tự, nhà thơ sẽ hoặc đã “đến” khi chứng kiến

Vũng Nước Thánh
anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt
(trong tập Đêm Nguyệt Động)

Khi tìm hiểu về Nguyễn Đức Sơn, dần dà tôi không thấy ông xa lạ lắm với khuynh hướng nửa Tây nửa Việt, nửa nổi loạn nửa hòa đồng của chúng tôi, là những người viết sinh ra trong đầu thập niên 1960 và rời Việt Nam ở tuổi 12, 13. Lê Thị Thấm Vân, một người viết cũng xê xích cùng tuổi với tôi, đã khai phá những đề tài tương tự (nhưng vẫn còn taboo) về thân phận, thể xác và giới tính trong những truyện của chị, gần đây nhất là truyện Là Con Người trên Da Màu. Ở một khía cạnh nào đó, Nguyễn Đức Sơn đã trở thành gần gũi với những người viết hải ngoại trong thế hệ tôi vì ông đã dám “cực đoan” từ 50 năm trước. Đồng thời, Nguyễn Đức Sơn không gây sốc như những nhà thơ của thế kỷ 21 vì ông dùng những từ ngữ bóng bẩy, gần như cổ điển để gợi lên, thay vì diễn tả kiểu full frontal, những nét tục của thể xác.

Võ Phiến, cách đây gần nửa thế kỷ trước, đã cảm nhận sự tương đắc ở tâm trạng nổi loạn, cùng lúc nét sâu sắc về kỹ thuật trong thơ Nguyễn Đức Sơn. Tuy nhiên, để chứng minh rằng nhà thơ không phải là một nghệ sĩ nhếch nhác hay “vô kỷ luật,” Võ Phiến đã phải giảng giải vào năm 1966 như sau:
Viết, hay vẽ, hay đàn hát v.v.., đành là để tạo ra một hình thức đẹp, nhưng trước hết là vì muốn biểu hiện một tâm trạng, muốn thoát ra ngoài một chứa đựng gì trong lòng. Hai ý định có khi không gặp nhau. Có những hình thức đẹp mà không chứa đựng. Lại có những trường hợp mà cái chứa đựng phong phú không tìm được hình thức thích nghi. Riêng về chuyện bực dọc trước nếp sống ngày nay, có lẽ Nguyễn Đức Sơn chúng ta không phải táo tợn hơn hết đâu. Trên các tạp chí, trên những tác phẩm xuất bản năm bảy năm nay, thiếu gì quái dị được bày ra. Kẻ thưởng thức không phải ai nấy đều hẹp hòi không chấp nhận được những quái dị đó; có điều đáng tiếc là ít khi nó gặp được một hình thức biểu hiện đẹp đẽ.
Bởi vì dù để diễn tả sự phẩn nộ, cuồng loạn, cách diễn tả cũng phải vâng theo một kỷ luật, cái kỷ luật tự nó tìm ra. Không thế không thành được nghệ thuật, dù là nghệ thuật điên loạn. Vứt màu loạn xị lên khung vải là một hoạt động có thể rất bổ ích đối với nghệ sĩ nhưng rốt cuộc không đưa tới thành công nghệ thuật nào. Bước nhảy Twist có loạn tới đâu cũng không phải là thứ bước chân vô kỷ luật chen nhau chỗ chợ trời. Những hò hét, những inh ỏi của nhạc Jazz không giống tiếng đấu khẩu ngoài công lộ; nó vẫn có tiết điệu riêng của nó. Nghệ phẩm nào dù có cốt giải tỏa một ẩn ức, đồng thời cũng phải thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ [1]

Ở đầu thế kỷ 21, đối với thế hệ người viết được lớn lên và hấp thụ giáo dục và văn hóa Mỹ, những điều Võ Phiến phân tích nhằm khuyến khích sự nhân nhượng của độc giả Việt Nam khi thưởng thức nghệ thuật “nổi loạn” đã trở nên khuôn phép, bảo thủ, thậm chí ngay vào thời điểm của những năm 60 đã có phần hồ đồ, không chính xác. Thế nào là “cái kỷ luật tự nó tìm ra”? Câu “Vứt màu loạn xị lên khung vải là một hoạt động có thể rất bổ ích đối với nghệ sĩ nhưng rốt cuộc không đưa tới thành công nghệ thuật nào” ám chỉ nghệ thuật tạo hình của Jackson Pollock, một họa sĩ tiền phong của Hoa Kỳ, đã nổi tiếng trong cách vẩy tung tóe những giọt sơn trên khung vẽ từ thập niên 1950. Nghệ thuật của Jackson Pollock, trái với lời quả quyết của Võ Phiến là “không đưa tới thành công nghệ thuật nào,” đã cách mạng hóa nền hội họa Hoa Kỳ cũng như truyền thống hội họa hiện đại của quốc tế sau thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Khi Võ Phiến nói đến “những hò hét của nhạc Jazz,” thì tôi nghĩ có lẽ ông đã chưa thật sự nghe nhạc jazz (vì tuy jazz ứng biến, tôi không thấy jazz “hò hét”), hoặc đã lầm nhạc jazz với điệu gào thống thiết của blues, hay của nhạc gospel (thánh ca) da đen. Dù sao thì jazz cũng đã được thịnh hành ở Hoa Kỳ từ thập niên 1920. Lúc Võ Phiến giải thích về sự “hỗn loạn” của loại nhạc này cho độc giả Việt vào thập niên 60 thì jazz đã được công nhận gần như là một loại nhạc truyền thống của Mỹ. Khi phủ nhận nghệ thuật/kỷ luật của “tiếng đấu khẩu ngoài công lộ,” Võ Phiến đã không thể tưởng tượng rằng loại nhạc hip hop hay những âm điệu “phố chợ” đã trở nên rất thịnh hành trong nền âm nhạc quần chúng quốc tế của ngày hôm nay. Tóm lại, khái niệm “hình thức biểu hiện đẹp đẽ” “nhu cầu thẩm mỹ” đã được Võ Phiến coi nghiễm nhiên là một tiền đề, tuy chưa được ông định nghĩa hay phân tích thỏa đáng trong bài nhận định đầy phong thái quan lại nhưng thật ra hời hợt của ông.

Ngoài những cách biệt tạo nên bởi không gian, thời gian, và cảm nhận văn hóa, những bài viết về Nguyễn Đức Sơn thường có chiều hướng phán xét về con người “thật” của Nguyễn Đức Sơn, thay vì chú trọng vào sự nghiệp nghệ thuật của ông. Cách đây không lâu, bài Người Đàn Bà Trên Đồi Cỏ của Đào Hiếu làm tôi nghĩ đến cuộc đối thoại giữa Goethe và Hemingway trong tiểu thuyết Bất diệt (Nesmrtelnost) của Milan Kundera:
Hemingway: Này, Johann, họ cứ nói xấu về tôi. Thay vì đọc sách của tôi, họ lại viết sách về tôi. Họ bảo tôi không yêu mấy bà vợ của tôi. Rằng tôi lơ là bỏ bê thằng con trai tôi. Rằng tôi đấm vỡ mặt một nhà phê bình. Rằng tôi ba hoa hợm hĩnh. Rằng tôi thích liều mạng, trác táng…

Goethe: Đó là định nghĩa của sự bất diệt. Bất diệt ám chỉ phiên xử vĩnh hằng.
Hemingway: Nếu thật sự đó là phiên xử vĩnh hằng, thì phải có quan tòa công bằng chứ, ai đời lại có mụ giáo miệt vườn, cầm cái roi ve vẩy.
Goethe: Cái roi ve vẩy trong tay mụ giáo miệt vườn, đó chính là phiên xử vĩnh hằng. Ông còn muốn gì nữa, Ernest?
Hemingway: Tôi không muốn gì hết. Tôi tưởng chết rồi thì tôi sẽ được yên thân.
Goethe: Ông đã làm mọi chuyện có thể làm trong lúc còn sống để bảo đảm sự bất diệt.
Hemingway: Nhảm quá. Tôi chỉ viết sách. Thế thôi.
Goethe (cười phá): Thì đúng như vậy đó.[2]

Có lẽ điều công bằng nhất là dùng chính văn bản của Nguyễn Đức Sơn như bằng chứng cụ thể để tìm hiểu về ông.
Nguyễn Đức Sơn đề cập chuyện tôn sùng triết gia Hy Lạp Héraclite (Heraclitus) như bậc thầy, qua thơ cũng như qua truyện ngắn Ý Tưởng Chiều Tà—mà tôi coi như manifesto về khuynh hướng văn học của ông. Heraclitus đã định nghĩa sự tuần hoàn của vũ trụ như sự kết hợp của hai đối nghịch: sự biến hóa không ngừng của thiên nhiên cũng chính là tinh chất đời đời của nó. Xuân, Hạ, Thu, Đông lần lượt đến với mọi thi sĩ từ cổ chí kim, không khác gì những thịnh suy thông thường của thể xác và dục vọng. Những thèm muốn bình thường của con người cũng cưu mang cả một vũ trụ huyền bí, chính vì, hoặc cho dù chúng biểu hiện cho lẽ sống đóng khung trong thời gian. Lời thố lộ của Nguyễn Đức Sơn rất chân thật và cảm động qua phần giới thiệu cho tập thơ Đêm Nguyệt Động (An Tiêm: 1967):
Ngưỡng mộ Héraclite, Fyodor Dostoyevsky và Simone Weil. Yêu chim chóc và cỏ cây một cách lạ lùng nhưng cũng quá cần ngửi mùi quần áo lót của đàn bà và con gái, cần khẩn thiết và triền miên cho tới ngày chui xuống lỗ. Đó là một trong những chỗ chết quằn quại của tác giả. Như suốt đời cứ lạng chạng và thú vị đi từ lầm lẫn này đến lầm lẫn và hối hận khác. Một buổi chiếu trốn học lang thang trên bờ biển Nha Trang, thời niên thiếu, tác giả suýt nổi cơn điên khi trực nhận mãnh liệt cái quá ư ngắn ngủi của kiếp sống và từ đó đâm ra khật khùng cho đến nay. Tuy vậy có thể cầm dao lụi tức tốc quân xâm lược nào ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Rất có khiếu và say mê đi câu nhưng không thể nào không rùng mình khi cắt cổ một con cá nhỏ còn sống ….

Trong thi văn của Nguyễn Đức Sơn, tôi không thấy sự hiện diện của Đấng Tối Cao, hay một hứa hẹn cho một thế giới trường cửu sau cái chết của con người. Cuộc sống con người, trong bối cảnh trần gian, kích thích bởi cái đói (có rất nhiều cảnh đói trong những truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn, và trong những giai thoại về ông từ những nhà văn cùng thời[3]); những xung đột giới tính, địa lý, và chính trị, trở nên mãnh liệt và đáng ghi nhớ vì chúng vây bủa cả một đời người. Tuy vậy, qua những truyện ngắn tiêu biểu như Đêm Tiệc Trần Gian, Con Chuột Cống, cùng bài thơ Đi Thăm Bạn Sắp Đẻ ở Di Linh, Nguyễn Đức Sơn lập luận rằng con người vẫn có thể định đoạt chính số mệnh mình qua cách sống, cũng như trong cách kết thúc cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Đức Sơn ngưỡng mộ Simone Weil (nhà văn và triết gia Pháp khổ hạnh được đồn là đã tuyệt thực chết để tranh đấu cho tiếng nói của những nạn nhân chiến tranh).

Tôi đoán rằng nhà thơ cũng đã đọc Hữu thể và Thời gian của Martin Heidegger (một triết gia cũng đã từng thuyết trình về Heraclitus), và do đó đã áp dụng khái niệm dasein (tạm dịch là ý thức về thân phận) của Heidegger vào bối cảnh Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa trong truyện Ý Tưởng Chiều Tà [4]:
Con gái làm sao trông thấy trái đất này đang quay và nhất là ý thức được sự tuần hoàn kỳ cục kia. Họ chỉ nhìn thấy chu kỳ những hoàng hôn êm ả ….
Anh đã trả lời giùm [sic] cho các bạn anh, những người bạn có thể chống đối nhau toàn diện trên bất cứ quan điểm chánh trị, xã hội, văn nghệ, hay đến cả đời sống hàng ngày nói chung nhưng họ gặp nhau, thân nhau và nhận thức chân lý rằng bản chất muôn đời của trí thức là phản kháng, rằng cái trách nhiệm đầu tiên và vinh dự cuối cùng của trí thức chống đối, bằng phản ứng tự động mạnh nhất và hết mình ….
Nhiều thanh niên thấy trái đất nó quay, nó quay, nó quay. Nhưng họ bị chóng mặt và không muốn nhìn nữa. Họ nằm xuống và quên đi vĩnh viễn. Đó là thân phận nhân loại.

Theo Heidegger, và được áp dụng qua văn chương của Nguyễn Đức Sơn, khái niệm hiện hữu của con người không thoát ra khỏi khuôn khổ của thời gian, mà đã được hạn định trong khoảng cách giữa sự chào đời và giờ phút cáo mệnh. Hiện hữu chính là trần gian. Nhận định của nhân vật Tâm trong Ý Tưởng Chiều Tà về chuyện “con gái không thấy trái đất nó quay” có lẽ không hẳn biểu lộ sự kỳ thị giới tính của nhân vật hay của tác giả, mà hàm chứa sự chấp nhận gần như tự nhiên của phụ nữ về số phận. Con gái không thấy trái đất nó quay vì con gái, như thiên nhiên, mang trong người những chu kỳ, do đó không thể cưỡng lại chính yếu tố giới tính của họ. Trong bài thơ Mang Mang, Nguyễn Đức Sơn đặt câu hỏi:
Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
còn một mình hỏi một mình
có chăng hồn với dáng hình là hai

Như băng vệ sinh mà Nguyễn Đình Toàn đã nhắc tới, một lần nữa tôi bắt gặp hình ảnh “rụng đều như kinh[nguyệt]” trong thơ Nguyễn Đức Sơn. Có lẽ khái niệm kinh nguyệt đã phối hợp hai đối nghịch trong nhân sinh quan của ông: chuyện có kinh là một chuyển tiếp giữa thời thơ ấu và hành trình làm đàn bà của phụ nữ. Hình ảnh trứng rụng như sự lơ lửng giữa hư vô và hiện hữu: trứng rụng, nếu không được tinh trùng nhập vào, sẽ được bài trừ theo kinh nguyệt hàng tháng, còn nếu trứng được kết mầm, sẽ tạo nên sự sống. Kinh nguyệt là “của nợ,” là sự phế thải đầy máu me, và ở một khía cạnh nào đó cũng có thể biểu tượng cho cuộc nội chiến Nam-Bắc mà Nguyễn Đức Sơn đã chứng kiến trong suốt thời trai trẻ của ông. Kinh nguyệt, như chu kỳ thời tiết trong thiên nhiên, như chuyện sinh tử, là một phí phạm gần như vô nghĩa nhưng xảy ra đều đều nếu không có sự phối hợp giữa âm và dương.

Tôi suy tư nhiều về sự nhận xét của Nguyễn Đình Toàn,
Người đàn bà, người nữ, xuất hiện trong thơ Nguyễn Ðức Sơn, không mặt mũi nhan sắc, trước tầm nhìn (thôi, cứ coi là tình cờ) của chàng trai mới lớn ….

Tôi không nghĩ hình ảnh người đàn bà trong thi văn Nguyễn Đức Sơn chỉ là nhục cảm của một thanh niên mới lớn. “Nàng” cũng không hoàn toàn là một đối tượng tình cờ hay thuận tiện ở ngay trước tầm nhìn của nhà thơ, hoặc đóng vai muse/Phật Quan Âm thụ động và câm lặng như Người Đàn Bà Trên Đồi Cỏ của Đào Hiếu. Trái lại, người nữ này hiện hữu ở cùng khắp không gian của Nguyễn Đức Sơn, nàng ám ảnh ông vì nàng có vẻ quá … nhơn nhơn trong tinh chất organic của mình (được thể hiện khi nàng đi đái, hay có kinh) trong khi nhà thơ vẫn bị dằng co bởi quá nhiều xung đột trong/ngoài hữu thể của ông.

Trong Ý Tưởng Chiều Tà, nhân vật Tâm đã đề cao nét đẹp trần thế, gần như …phớt tỉnh, của phụ nữ trong thư gửi Nga, người yêu của anh:
Anh tưởng tượng khi vừa mở mắt chào đời, đứa con gái nào cũng đã bắt đầu hãnh diện ngay. Nằm trong nôi quơ tay quơ chân tầm bậy tầm bạ như đuổi bắt trống không cũng cứ hãnh diện đi, hỡi bé con lớn lên sẽ thành con gái, lớn một chút sẽ thành đàn bà và yêu tinh cùng một lúc. Hỡi con gái, hãy hãnh diện đi. Từ nhà đến trường cũng cứ hãnh diện. Xách giỏ đi chợ cũng hãnh diện. Đi ra đi vô cũng hãnh diện. Dù không bao giờ thấy trái đất này nó quay, nó quay. Hãy cứ hãnh diện, hãnh diện, như mặt đất này nó quay, nó quay.
Đoạn văn trên cũng tương tự như bốn câu thơ ca tụng “các em” của nhà thơ:
hành động
các em hãy cùng công kênh trái đất
dang chân dài lấy thế trước hư vô
anh núp rình sợ thần thánh về xô
dành tác phẩm muôn đời to lớn nhất.

Có phải qua bốn câu thơ trên Nguyễn Đức Sơn đã hưởng ứng với tâm trạng của Hồ Xuân Hương, tuy theo giai thoại là bị bùn đất làm ngã trượt nhưng vẫn giữ thái độ ngang tàng:
Dang tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.

Nét đẹp trần thế của đàn bà, tuy nhuốm đầy tục lụy, cũng không kém phần huyễn hoặc, gợi lên những phản ứng mâu thuẫn từ ánh nhìn đàn ông. Trong Đêm Tiệc Trần Gian, lão Phụng, người ở trọ nhà ông bà Đại (một gia đình Bắc di cư nghèo sống ở khu nhà bè Thị Nghè), đã cảm nhận chân dung phức tạp của bà Đại, và của giống cái nói chung:
Có những buổi trưa nóng nực, lão Phụng đi xuống thang gác trông thấy cảnh con heo nái nằm nghiêng một bên, vú thừ ra bị một đàn heo con tranh nhau bú và khi lão quảy gánh ra đi, lúc qua phòng bà Đại, lão cũng trông thấy cảnh tượng tương tự: người đàn bà đó đang nằm ngủ, hai vú xề ra, một vú đang được thằng con nhỏ sau cùng – thằng bé Lộc – ngậm kín và vú kia cũng đang được con Liên – em bé lên bốn – ngậm kín luôn. Con Liên không biết vì quá đói ăn hay vì một chứng tật tâm sinh lý nào mà đến bốn tuổi hãy còn nương vú mẹ. Đó là chưa kể một đứa con còn nằm trong bụng nữa. Những lúc đó, lão Phụng đưa mắt nhìn thật lâu. Đôi mắt cứ đăm đăm về phía bụng và vú mụ Đại. Nếu có ai bắt gặp, thế nào người ta cũng nghi ngờ lão Phụng có ý tà dâm. Thật ra, dù đã hơn sáu mươi tuổi, lão Phụng vẫn còn thoáng thấy một tình cảm ước ao dục vọng. Những tình cảm này chỉ đến sau, hoàn toàn đến sau. Lúc nhìn bà Đại, lão đã bị thúc đẩy hay thu hút bởi một tình cảm khác, hoàn toàn khác dù không ai tin. Lão chú ý từng vệt mồ hôi nhễ nhại chảy từ tóc tai, từ thân, từ cổ xuống ướt sũng cả áo và ván gỗ chiếc đi-văng. Lão sống trong một tình cảm vừa thương hại đau khổ vừa giận dữ uất nghẹn vô biên. Hai thứ tình cảm dị loại này nhiều lúc chỉ là một. Nó có hai mặt đó thôi …. Nhìn mãi, lão thấy gớm tởm và đến một lúc nào đó, tự nhiên lão thấy tức chết được nếu còn trông thấy cảnh tượng đó. Chỉ có những lúc lão mới nhận thấy sự hy sinh cao cả cùng sự tối tăm, ngu đần của một người mẹ, một cái máy đẻ có tình cảm.

Sự cảm nhận của lão Phụng về “sự hy sinh cao cả cùng sự tối tăm, ngu đần của một người mẹ, một cái máy đẻ có tình cảm” tuy có phần khắc nghiệt, nhưng khá chính xác khi diễn tả đặc tính sinh con đẻ cái của phụ nữ. Vì sự đòi hỏi của thể xác trong một khoảnh khắc, hoặc vì không biết những phương thức ngừa thai, người đàn bà mỗi lần mang nặng đẻ đau là mỗi lần tự sát, nhưng chính cơ thể họ, cũng như tình yêu (hay bổn phận) cho chồng, cho con, đã giúp họ quên đi nỗi đau sinh nở để họ tiếp tục sinh nở, tiếp tục tự hủy mình trong mỗi thời ở cữ. Sự huyền bí đầy khiêu khích của giống cái là chuyện họ không cảm thấy trái đất quay tuy họ lại chính là yếu tố làm nó quay. Vòng sinh tử của nhân loại vì thế quay liên tục, từ thời này sang thời khác, kéo theo với nó bao nhiêu thiếu thốn, khổ đau. (Trong thời của Nguyễn Đức Sơn, người đàn bà Việt, cũng như số đông phụ nữ trên thế giới, đã không còn khí phách của Lysistrata, nữ anh hùng trong kịch của Aristophanes đã thuyết phục được các phụ nữ Athens đình công việc chăn gối với các ông chồng của họ để gây áp lực cho những người đàn ông hiếu chiến trong công cuộc đạt đến hòa bình với quốc gia láng giềng). Lão Phụng trong Đêm Tiệc Trần Gian thấu nhận được sự mất ý thức của phụ nữ về sức mạnh của họ, cho nên lão “tức chết được.”

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Nguyễn Đức Sơn cảm phục sự nhẫn nhục, kiên trường của người đàn bà. Sự nhẫn nhục của phụ nữ tương đương với sự khổ hạnh của một tu sĩ/chiến sĩ. Có lẽ một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Đức Sơn là bài “Trước Bệnh Viện Từ Dũ”:

Gặp Gỡ Trước Bệnh Viện Từ Dũ
Chị đi khám sản phải không
Anh đâu không thấy dáng trông lạc loài
Bao năm thai trứng nạo hoài
Năm nay đừng nhé thai ngoài tử cung
Họ nghi tàn bạo lạ lùng
Oan khiên tội lắm anh hùng bạn tôi.

Chỉ trong sáu câu thơ lục bát, Nguyễn Đức Sơn đã diễn tả hết nỗi khổ của người đàn bà bị xã hội coi là vô phúc, chỉ vì chị bị những khó khăn về y khoa trong chuyện chửa đẻ. Người đàn bà này không được sự ủng hộ về tinh thần của người chồng (vì anh vắng mặt), và cũng chẳng được hàng xóm hay họ hàng thương xót, giúp đỡ. Nhà thơ chỉ ước nguyện là người đàn bà làm tròn sứ mệnh thiên nhiên của chị “năm nay đừng nhé thai ngoài tử cung.” Sứ mệnh thiên nhiên: khả năng sinh được một hài nhi khỏe mạnh, đúng kỳ hạn, tuy được nhiều người coi là chuyện bình thường, thật ra không giản dị như vậy. Nguyễn Đức Sơn đã thấu hiểu được tính chất huyền bí và độc đoán của thiên nhiên, không khác gì những nghi hoặc “tàn bạo, lạ lùng” của người đời trước chuyện “thai trứng nạo hoài” của người nữ trong bài thơ.

Nguyễn Đức Sơn bị ám ảnh bởi chu kỳ kinh nguyệt và quá trình sinh đẻ của phụ nữ cũng vì trong thế giới của ông chưa có sự hiểu biết thỏa đáng về thiên nhiên, giới tính hay tình dục. Tuy người phụ nữ của Nguyễn Đức Sơn có khuôn mặt đa diện: nàng huyền bí, quyến rũ, thô tục, nhẫn nhục, anh hùng, can đảm, nàng vẫn chưa hẳn là “bạn tâm hồn/bạn đồng hành” của nhà thơ, không như Lưu Hà “lấy cuộc sống rỗng tênh của mình, cưu mang khối nặng sách” của chồng là Lưu Hiểu Ba.[5] Vì vậy, tôi chưa dám gọi ông là một nhà thơ feminist. Dù sao, có một điều gì đó rất thân mật và nguyên sơ trong tình cảm của nhà thơ đối với phái nữ. Trong bài thơ “Đi Thăm Bạn Sắp Đẻ ở Di Linh,” nhà thơ coi cái chết/sự tái sinh ở giữa thiên nhiên của người đàn bà-–“bạn” của ông–như một hành động phản kháng đầy tự tin, độc lập, và rất … nên thơ:

Đi thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh

Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát
Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài
Của tóc của chị của tình nhân
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm
Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng
Chị thu mình như một con mèo mun
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan
Chị thu mình như một dĩa hát cũ
Oh, my tormented heart
Buổi chiều chết trên cây thánh giá
Hãy quên tôi như một mũi tên
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống
Buổi sáng chị tắm sương mù
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết.

Như đã trình bày ở trên, Nguyễn Đức Sơn thố lộ trong phần giới thiệu Đêm Nguyệt Động là ông “suốt đời cứ lạng chạng và thú vị đi từ lầm lẫn này đến lầm lẫn và hối hận khác.” Nỗi ám ảnh của nhà thơ về khái niệm huyền bí đồng thời phàm tục của thân phận con người nói chung, và thân phận phụ nữ nói riêng (sinh đẻ, thổ huyết), làm tôi nghĩ đến bài thơ “O Saisons, O Châteaux” của Rimbaud. Trong đó, Rimbaud diễn tả hai sự lựa chọn của nhà thơ, giữa hạnh phúc của trải nghiệm (những mùa trong đời người) và nghệ thuật của ngôn từ (những lâu đài):
Ôi những mùa, ôi những lâu đài
Tâm hồn nào không lầm lẫn?
Ôi những mùa, ôi những lâu đài,
Ta học sách nhiệm mầu của
Hạnh Phúc, điều không ai bỏ lỡ.
Ôi hạnh phúc, mỗi phiên
Con gà trống Tây gáy tiếng.
Ta chẳng mong gì hơn,
hạnh phúc chiếm trọn cuộc đời ta
Bùa mê! Nó chế ngự hồn xác ta,
phân tán mọi nỗ lực ta có.
Ngôn từ ta có nghĩa gì,
Chữ nghĩa hẳn bay xa, trốn chạy.
Ôi những mùa, ôi những lâu đài
….
Ô saisons, ô châteaux,
Quelle âme est sans défauts?
Ô saisons, ô châteaux,
J’ai fait la magique étude
Du Bonheur, que nul n’élude.
Ô vive lui, chaque fois
Que chante son coq gaulois.
Mais ! je n’aurai plus d’envie,
Il s’est chargé de ma vie.
Ce Charme ! il prit âme et corps,
Et dispersa tous efforts.
Que comprendre à ma parole?
Il fait qu’elle fuie et vole!
Ô saisons, ô châteaux!
….

Đối với Nguyễn Đức Sơn, chuyện “lầm lẫn” giữa những mùa đời và những lâu đài của nghệ thuật không thành vấn đề, miễn là người nghệ sĩ hoàn toàn chân thật trong khoảnh khắc của sự lựa chọn. Sự chân thật này, như thuật chế kim, sẽ hòa giải/kết hợp những mùa đời với lâu đài. Trong khía cạnh này, Nguyễn Đức Sơn có thể được coi là một nhà thơ trong truyền thống lãng mạn, thậm chí còn có khuynh hướng luân lý. Không có gì ngạc nhiên khi Nguyễn Đức Sơn đã gay gắt chỉ trích truyện cực ngắn “A Very Short Story” của Hemingway trong phần thảo luận về quan niệm truyện ngắn của ông:
Nếu truyện dài là một cái gì hoàn tất thì truyện ngắn cũng phải là một cái gì hoàn tất dù nó có mở rộng nhiều chân trời xa xôi. Đó là điểm dễ hiểu nhưng ít người chịu hiểu …. Truyện ngắn cũng nhất thiết không phải là một truyện quá ngắn ngủi và nhất là vô duyên như kiểu “A Very Short Story” của Hemingway (….) Một truyện ngắn hay như một viên đá ném vào thạch động. Nó vang rền khắp nơi. Chúng ta tê điếng xa xăm, khác với cái tê điếng rất mạnh của nhục cảm ….[6]

Định nghĩa của Nguyễn Đức Sơn về ảnh hưởng mạnh của một truyện ngắn đặc sắc có lẽ cũng tương tự với nỗi cảm nhận thắm thiết khi ta đọc một bài thơ có ngôn từ/ý tưởng súc tích và xúc cảm. Nhà thơ phân biệt cảm giác “tê điếng xa xăm” sau khi đọc một truyện ngắn có nội dung đổi đời (chắc cũng giống như lời răn của Rilke trong bài thơ Tượng Bán Thân Cổ của Apollo, “Bạn phải thay đổi cuộc sống./Du mußt dein Leben ändern.”) với không khí cynique, chán chường nhưng ngộp thở trong truyện cực ngắn của Hemingway.

Trong “A Very Short Story” của Hemingway, một người lính Mỹ gặp Luz, một cô y tá người Ý trong bối cảnh Đệ Nhất Thế Chiến ở Âu Châu và hai người yêu nhau. Họ muốn lấy nhau nhưng vì những trở ngại của tôn giáo và tình thế chiến tranh họ đã không thể làm việc này. Sau chiến tranh, cả hai bắt đầu nghi vấn về mối tình của mình. Người lính Mỹ trở về Chicago, Luz ở lại Ý và có bầu với một thiếu tá người Ý đóng quân trong cùng thành phố cô làm việc. Cuối truyện người lính Mỹ bị lâm bệnh giang mai sau khi làm tình với một cô gái bán hàng bách hóa trong chuyến taxi đi qua công viên Lincoln Park ở Chicago. Không khí sắc lạnh, cô đọng đến tàn bạo của truyện biểu hiện sự vỡ mộng của Hemingway sau kinh nghiệm chiến tranh của ông. Đối với Hemingway, nhà văn của Thế hệ Mất Mát (The Lost Generation) khi con người đã trải qua những kinh nghiệm khủng khiếp của một cuộc chiến, thì những mùa đẹp trong đời, hay những lâu đài, cũng chỉ là ảo giác.
Tuy đã chứng kiến và trải qua cuộc chiến Việt Nam, dường như Nguyễn Đức Sơn chưa hẳn mất niềm tin về hành trình/chân lý phiêu lưu của hạnh phúc, cho dù hành trình này chỉ đưa đến sự “mất thăng bằng” cho con người, như trong bài thơ “Nhìn Con Tập Lật”:

Nhìn Con Tập Lật
Nắm tay lật úp đi con
Co thân tròn trịa như hòn đá lăn
Muốn cho đời sống không cằn
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây

Bài thơ lục bát ngắn và thật sống động này làm tôi nghĩ đến điệp khúc trong bài hát nổi tiếng “Like a Rolling Stone” của nhạc sĩ Mỹ Bob Dylan:
How does it feel?
How does it feel,
To be without a home,
Like a complete unknown
Like a rolling stone?
(Em thấy sao?
Em thấy sao?
Sống không nhà,
Như một kẻ hoàn toàn vô danh,
Như hòn đá lăn)
xxx

Thơ của Nguyễn Đức Sơn có nhạc điệu, và những hình ảnh cô đọng nhưng hàm súc ý tưởng đã thúc đẩy tôi trong việc dịch thơ ông sang tiếng Anh. Tôi cảm nhận được “vòng quay” của Nguyễn Đức Sơn trong ba bài thơ tôi đã chọn dịch, “Nhìn Con Tập Lật,” Trước Bệnh Viện Từ Dũ,” và “Đi Thăm Bạn Sắp Đẻ ở Di Linh.” Tôi như nghe điệu nhạc cổ điển, cùng hình dáng người vũ nữ quay vòng trên hộp musical box, trong quá trình đọc và dịch thơ ông. Nguyễn Đức Sơn, trong những khai phá về sự hiện hữu của con người, về sinh, tử, âm, dương, về những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng thấm thía trong vũ trụ, đã vượt qua những cách trở của thời đại ông, đã vượt qua biên giới ngôn ngữ và văn hóa, làm tôi thấy ông thật gần, thật gần. Đọc thơ Nguyễn Đức Sơn, có lúc tôi như thấy hai thế cực Đông/Tây của mình được phối hợp. Đó cũng là một hạnh phúc không nhỏ cho những con người trong thế hệ “bị xẻ đôi” của chúng tôi.
Xuân Tân Mão, 02-2011

Chú thích:
[1] Võ Phiến, “Nguyễn Đức Sơn,” Tạp chí Bách Khoa, số 238 (1.12.1966), in lại trong Văn Học Miền Nam: Thơ (Văn Nghệ: 1999), tr. 2975-2976.
[2] Milan Kundera, Immortality (Grove Press: 1990), tr. 81 (người viết chuyển sang Việt ngữ từ bản dịch tiếng Anh của Peter Kussi).
[3] Nguyễn Thụy Long, “Cách Sống của Nguyễn Đức Sơn” (Chương 11), trong Thuở Mơ Làm Văn Sĩ (2000); Nhã Ca, “Chân Dung Biệt Kích,” trích trong Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng (Thương Yêu: 1991).
[4] Tuy “Ý Tưởng Chiều Tà” xuất hiện trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Ta vào năm 1973, theo lời của Nguyễn Đức Sơn ở phần giới thiệu truyện thì ông đã viết truyện này vào đầu thập niên 1960, vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
[5] Lưu Hiểu Ba, Người Tù của Tham Lam (bản dịch của người viết).
[6] Nguyễn Đức Sơn, “Quan Niệm về Truyện Ngắn”, thuộc phần Giới Thiệu của truyện Ý Tưởng Chiều Tà, trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Ta (nxb Sóng: 1973), tr. 277.
.
.
.

No comments: