TẾT QUA HÌNH ẢNH XƯA
Nguyễn Xuân Sơn
Thursday, February 3, 2011
http://www.diendantheky.net/2011/02/tet-qua-hinh-anh-xua.html
Tết Việt Nam ngày nay khác xa với Tết truyền thống dân tộc ngày xa xưa. Ngay tại quê nhà, không khí Tết cũng ồn ào, náo nhiệt, bận rộn với ăn uống, tiệc tùng và biếu quà là chính. Các tập tục đón ông bà, mừng tuổi, chúc thọ, trồng nêu, đốt pháo… giảm dần hay bãi bỏ. Chúng ta người Việt xa quê hương tuy mong ước gìn giữ những hình ảnh cũ, nhưng ở đất mới, không gian xa xôi lại còn phải hòa nhập với lối sống địa phương, cũng không thể làm sống lại những ngày Tết cổ truyền trên đất mẹ. Nhìn lại vài hình ảnh cũ để cùng suy ngẫm ý nghĩa những sinh hoạt Tết của ông cha xưa.
XEM HÌNH : http://www.diendantheky.net/2011/02/tet-qua-hinh-anh-xua.html
Ngày đầu tiên của tiết xuân trong một năm tính theo âm lịch, gọi là Tết. Thời gian này, xưa kia dân chúng sống nghề nông việc vườn ruộng đã rảnh rang, thời tiết mát mẻ không còn lạnh rét; mùa màng đã gặt hái xong nên có của ăn, của để dành. Mọi người chờ đón một cái Tết để có những ngày nhàn hạ, quây quần bên gia đình, tưởng nhớ, ngợi khen công lao, phúc đức ông bà tổ tiên và trong bộ quần áo mới, thăm viếng bà con, bạn hữu, vui với những trò chơi dân giã, hưởng những món ăn ngon truyền thống…
Ngày Tết mọi nhà đều thích treo tranh Tết, ngoài màu sắc, hình vẽ gần gũi với đời sống dân dã, tranh Tết còn có nhiều ý nghĩa. Trong số các tranh Tết được ưa chuộng nhất, tranh Đám cưới chuột vừa nhiều hình ảnh linh động, màu đẹp vừa vui và ngộ nghĩnh được nhiều người ưa thích, treo trong nhà ngày Tết. Với nhiều hình ảnh mèo, chuột, ngựa, gà, cá kèm thêm kiệu, lọng, kèn… được nhân vật hóa thành đám cưới vừa hài hước vừa ý nghĩa: Bức tranh có hai họat cảnh, phần trên bốn chú chuột mang đồ lễ bác Mèo; phần dưới chú rể chuột cưỡi ngựa phía trước, cô dâu chuột ngồi kiệu theo sau, xung quanh các chú chuột cầm đèn, tán, lộng theo hầu… Mèo tượng trưng cho quyền sinh sát, chuột chỉ là phận nhỏ bé, tôi đòi, nhưng khôn lanh. Hạng thứ dân muốn sống còn, hạnh phúc phải biết cống lễ cho quan chức uy quyền. Triết lý sống mà ông cha chúng ta biết từ nhiều đời, đến nay thời đại toàn cầu hóa vẫn còn là bài học chua chát, châm biếm và hài hước ở quê nhà.
Một trăm năm trước khi máy ảnh chưa thông dụng, một sinh viên Pháp Henri Oger đi quân dịch, phục vụ tại Việt Nam đã muốn ghi lại hình ảnh sinh hoạt, Oger đã thuê nhiều người Việt khéo tay vẽ, khắc gỗ và in hàng ngàn hình ảnh thành nhiều tập. Nhờ đó ngày nay chúng ta biết được khá chính xác mọi sinh họat, cảnh sống của ông bà những năm đầu thế kỷ 20.
Vào cuối năm âm lịch, khoảng một tuần trước Tết, các nhà nho cũng gọi là cụ đồ đến các thị tứ, chợ búa, nơi nhiều người qua lại, ngồi trên chiếu, bên cạnh một tráp gỗ, trong để bút lông, mực tàu (thỏi mực vuông vức, dài cỡ ngón tay, màu đen) và cuốn giấy để viết lời chúc, cầu may… Câu đối mua về được treo trước cửa nhà, trong gian chính nơi trang trọng hay hai bên bàn thờ. Câu đối viết chữ Hán, thường có ý nghĩa chúc cho chủ nhà và gia đình nhiều phúc, lộc, thọ, khang, ninh.
Một câu chúc cho nhiều tiền, bạc, của cải (lộc):
Môn đa khách đáo thiên tài đáo (Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến)
Gia hữu nhân lai vạn vật lai (Nhà có người vào lắm của vào)
Cây nêu làm từ một cây tre để nguyên ngọn và cành lá. Cây nêu thường được cắm trước nhà, sâu dưới đất để gió không làm đổ. Trên cành nêu treo các khánh, mảnh kim loại hay lục lạc bằng đất nung… khi gió thổi qua sẽ phát ra âm thanh. Trên ngọn cây nêu có máng chiếc mũ hay nón vải, áo dài hay dải vải, quanh gốc nêu thường rắc vôi trắng thành vòng tròn hay hình cánh cung. Cây nêu là dấu chỉ mảnh đất và căn nhà đã có người làm chủ, tà ma không được lai vãng. Dựng cây nêu ngày cuối năm âm lịch và hạ nêu vào mùng bảy Tết.
Pháo là một cuốn giấy thật chặt, loại thường nhỏ hơn ngón tay, loại lớn bằng ngón chân cái, bên trong chứa thuốc cháy, một đầu bịt kín, đầu kia có một ngòi cháy. Khi đốt đầu ngòi pháo, lửa bén chừng hai giây đồng hồ chuyền vào thuốc cháy, hơi nóng thuốc cháy tạo nên áp xuất rất cao bên trong và làm cuốn giấy bị vỡ tung, tạo nên tiếng nổ. Có các loại pháo nổ như pháo tép, pháo tràng, pháo dây, pháo đại, cối, pháo thăng thiên… Một công thức chế thuốc pháo quen thuộc thời xưa: Nhất đồng thán, bán đồng sinh, lục đồng diêm. Một phần than tốt nhất là than gỗ cây soan, nửa phần diêm sinh mầu vàng và nhiều nhất tới sáu phần diêm tiêu màu trắng.
Tiếng pháo nổ trong các dịp Tết xưa kia hoặc đám cưới ngày nay, đều khiến người nghe cảm thấy không khí vui nhộn, náo nhiệt, lôi cuốn sự chú ý. Tiếng pháo ngày Tết còn có ý nghĩa xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo. Những gì không hay của năm cũ theo tiếng pháo bay xa chỉ còn lại xác giấy hồng quanh nhà tượng trưng cho màu sắc hạnh phúc, vui vẻ, thịnh vượng.
Cảnh đánh đu tám cột do Hồ Xuân Hương diễn tả:
Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông,
Trai đu gối hạc, khom khom cật,
Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng.
Mồng một Tết ở nhà làm cỗ, mừng tuổi, chúc tết ông bà, cha mẹ; ngày mồng hai mang đồ biếu và chúc tết bên ngoại, thày dạy học; ngày mồng ba thăm bà con, tảo mộ… Sau ba ngày Tết là vui chơi. Người khá giả, giới thượng lưu như các bà họp nhau chơi bài tam cúc, các ông đánh chắn, tổ tôm. Bộ bài tổ tôm, chắn có 120 cây, người chơi thường có bốn chân, luật lệ tổ tôm chặt chẽ hơn chắn nên môn này chỉ dành cho các cụ khá giả. Bài tam cúc có thể từ hai đến bốn tay, chỉ có 32 quân làm bằng bìa mỏng, bề rộng dài cỡ hai ngón tay, một mặt cùng màu, mặt kia có vẽ hình, chia thành 16 quân đỏ và 16 quân đen. Các hình vẽ có tên tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt như trong bộ cờ tướng. Bài tam cúc nay ít còn thấy. Chơi bài là thú giải trí tao nhã, họp bạn thân thiết không phải để ăn thua.
Giới bình dân thích quây quanh đám xóc đĩa và xúc xắc… Xóc đĩa dùng bốn đồng tiền hai mặt, một mặt có chữ Hán, mặt sau trơn, để trên một đĩa có bát úp lên. Khi nhà cái cầm đĩa và bát lắc, bốn đồng tiền bên trong đảo lộn, lắc xong đặt đĩa xuống, các nhà con bắt đầu đặt tiền ở hai cửa chẵn hoặc lẻ. Sau khi đặt tiền xong, nhà cái mở bát và hô chẵn hoặc lẻ. Người đặt chẵn sẽ thắng nếu số mặt các đồng tiền hiện ra 2 hay 4 mặt giống nhau và ngược lại bên lẻ sẽ thắng.
Xúc xắc gần tương tự trò chơi xóc đĩa, thay vì bốn đồng tiền là một con xúc xắc. Nhà con đặt tiền vào các cửa số từ 1 đến 6, khi mở bát, cửa nào có số trùng với một trong sáu mặt số của xúc xắc sẽ trúng. Đây là thú giải trí phổ thông của ba ngày Tết cho người dân thường, còn là sự cầu may, hên xui trong năm mới. Trò chơi xóc đĩa và xúc xắc đơn giản, dễ đánh hơn tài xỉu của Tàu và bầu cua tôm cá sau này.
Tết là ngày hội vui và thiêng liêng nhất vào mùa xuân trong năm, cả nước từ vua quan đến thứ dân đều tham gia các lễ hội. Xưa kia không có các tòa nhà, hội trường lớn rộng nên các lễ hội có nhiều người dự thường diễn ra tại các bãi đất, sân đình.
Vào thời kỳ thuộc địa của Pháp, những bưu thiệp (Carte Postale) được phát hành từ những năm đầu của thế kỷ 20, đến nay đã một trăm năm, ghi lại nhiều hình ảnh sinh họat và phong cảnh của đất nước và con người Việt Nam. Những hình chụp in trên bưu thiệp từ các máy ảnh to, nặng và cồng kềnh. Lúc ấy máy ảnh chỉ mới phổ biến được vài chục năm, còn rất xa lạ với người dân thuộc địa. Nhưng nhờ vào hàng ngàn tấm ảnh in trên các lọai bưu thiệp mà ngày nay còn thấy được các hình ảnh rõ ràng, cụ thể con người và đất nước.
Những hình ảnh đã qua trên cả trăm năm, người xem chắc vẫn cảm nhận được không khí thanh bình, cuộc sống nhàn hạ và thú chơi bình dị của ông bà tổ tiên những ngày Tết thời xa xưa.
Nguyễn Xuân Sơn
.
.
.
No comments:
Post a Comment