Monday, February 21, 2011

TẠI SAO DIỄN TIẾN TẠI TRUNG ĐÔNG KHÔNG ĐẢO NGƯỢC LẠI ĐƯỢC ? (Fareed Zakaria)

* Fareed Zakaria, TIME

Vann Phan chuyển ngữ
Sunday, February 20, 2011

Năm cách mạng khởi sự hồi Tháng Giêng, tại một quốc gia nhỏ và không mấy quan trọng. Rồi những cuộc phản đối lan rộng sang quốc gia lớn nhất và quan trọng nhất trong vùng, lật đổ một chế độ mà dường như đã bám chặt gốc rễ. Hệ quả của tình trạng này thật là xa rộng. Bầu không khí trong vùng tràn đầy những câu chuyện về tự do và quyền tự do. Những cuộc biểu tình ngoài đường phố nổi lên khắp nơi, thách thức quyền cai trị của những chế độ độc tài và vương quyền, khiến họ phải sợ sệt nhìn ra từ bên trong những dinh thự và cung điện.

Ðó có thể là lời mô tả những biến cố tại Tunisia và Ai Cập khi những cuộc cách mạng hòa bình tại những nước đó đã gợi hứng và thu hút dân chúng trên khắp vùng Trung Ðông. Trên thực tế, chuyện này gợi nhớ lại cuộc nổi dậy của quần chúng cách đây 162 năm từng diễn ra tại Sicily và Pháp. Các cuộc cách mạng vào năm 1848, như người ta vẫn gọi thế, rất giống về cung cách với những gì hiện đang diễn tiến tại Trung Ðông. (Vào lúc đó những cuộc nổi dậy này được các sử gia đương thời gọi là Mùa Xuân của dân chúng.) Bối cảnh vào lúc đó, cũng như bây giờ, là cuộc suy thoái kinh tế và giá cả thực phẩm gia tăng. Các vương triều thì già nua và cứng nhắc. Giới trẻ đi tiên phong. Những kỹ thuật thông tin mới -báo chí đại chúng- kết nối các đám đông dân chúng.

Chỉ có một ngoại lệ là câu chuyện này không kế thúc tốt đẹp như ý muốn. Những kẻ phản đối giành được quyền lực nhưng lại chia rẽ, đánh lẫn nhau và tự mình suy yếu đi. Quân đội vẫn trung thành với trật tự cũ và đàn áp những kẻ phản đối. Các vì vua cứ ngồi đợi cho mọi chuyện xong xuôi, và trong vòng mấy năm thôi, các chế độ cũ đã tự thiết lập trở lại. Sử gia Anh A.J.P. Taylor viết: “Lịch sử đã tiến tới ngã rẽ, nhưng lại không xoay chuyển.”

Liệu lịch sử cũng sẽ không xoay chuyển tại Trung Ðông? Liệu những cuộc biểu tình phản đối tại Yemen, Bahrain, Jordan và xa hơn nữa sẽ tàn lụi dần, và trong vài ba năm thôi, chúng ta sẽ nhìn lại năm 2011 và nhận thấy rằng thật sự có rất ít thay đổi? Chắc chắn là điều này có thể xảy ra, nhưng có hai lý do chính yếu cho thấy những căng thẳng nổ ra tại Trung Ðông trong mấy tuần lễ vừa qua khó mà tan biến đi được, và những căng thẳng này dính líu tới hai trong số các lực lượng mạnh mẽ nhất của thế giới ngày nay: Tuổi trẻ và kỹ thuật.

Trung tâm điểm của sự kiện này, vốn là đặc tính căn bản của cuộc khủng hoảng Trung Ðông, là sự bùng vỡ lớn lao của tuổi trẻ. Khoảng 60% dân số trong vùng ở tuổi dưới 30. Hằng triệu người trẻ như thế có những khát vọng cần được thỏa mãn, và các chế độ hiện hữu tại những nơi đó cho thấy họ có ít khả năng thực hiện khát vọng đó. Các đòi hỏi của những người biểu tình phản đối đã bị các chế độ hiện hữu bác bỏ vì coi như là chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan hoặc là sản phẩm của thói can thiệp Tây phương. Nhưng nói trắng ra, đây là những cuộc phản đối có từ trong nước vẫn thường làm cho Tây phương phải khó chịu, bởi vì chúng đã làm lung lay các liên minh lâu đời. Và những gì mà những người biểu tình chống đối muốn, trước hết, là được đối xử như là các công dân trong nước, chứ không phải là thần dân. Trong một cuộc thăm dò các thanh thiếu niên Trung Ðông mới đây, ước nguyện Số Một của giới trẻ tại chín quốc gia là được sống trong nước, mặc dù chắc chắn là những ước nguyện khác như có công ăn việc làm và được sống trong một xã hội tân tiến và điều hành tốt cũng là ưu tiên cao của họ.

Lớp người trẻ không phải luôn luôn là nguồn gốc của bạo động. Tây phương đã trải qua một cuộc bành trướng dân số -cuộc bùng nổ trẻ em (baby boom) được nói tới nhiều trong vài thập niên sau Thế Chiến Thứ Hai- mà chủ yếu được thế giới biết tới như là sự kiện đã tạo nên tăng trưởng kinh tế. Tương tự như thế, Trung Hoa và Ấn Ðộ có những đoàn công nhân trẻ lớn lao, và yếu tố đó phụ thêm vào sức mạnh kinh tế của họ. Nhưng không có sự tăng trưởng kinh tế, cơ hội việc làm và được sống cho đúng tư cách thì tình trạng có quá nhiều người trẻ tuổi trong nước -nhất là giới thanh niên trai trẻ- có thể tạo thành mối bất mãn quần chúng. Ðó là điều đang xảy ra tại Trung Ðông, là nơi tỉ lệ phát triển của tuổi trẻ đang ở mức tối đa -có lẽ là lớn nhất thế giới hiện nay. Từ 1970 tới 2007, có tới 80% những vụ bùng nổ xung đột đã xảy ra tại những quốc gia mà 60%, hay nhiều hơn thế, dân chúng ở lứa tuổi dưới 30. Và ngay tại những nơi mà lớp người trong cuộc bùng nổ trẻ em tạo nên sức phát triển cũng không phải là không có vấn đề. Những năm cao điểm của cuộc bành trướng của Tây phương diễn ra hồi cuối thập niên 1960, là một thời kỳ liên hệ tới những vụ nổi loạn của tuổi trẻ và những cuộc biểu tình đại quy mô.

Các nhà báo, các chính trị gia và các học giả, tất cả đều ghi nhận vấn đề của lớp người trẻ tại Trung Ðông. Nhưng các chính phủ trong vùng đã làm quá ít để giải quyết các vấn đề đó -tình trạng thất nghiệp trong lớp người trẻ vẫn còn cao quá sức, mà theo một vài ước toán thì đã lên tới 25%. Sư giàu có về dầu hỏa chắc chắn giúp các quốc gia Vùng Vịnh mua chuộc được dân chúng trên nhiều phương diện, nhưng hơn phân nửa dân chúng tại Trung Ðông lại sống trên những vùng đất không sản xuất ra dầu. Hơn nữa, dầu đã tỏ ra là một thảm họa tại những nước giàu có kia, là nơi những nền kinh tế không có gì để trao đổi với thế giới ngoài việc hút lên các chất hydrocarbon, để rồi từng đoàn những người ngoại quốc lại làm hết mọi sự, và đây là nơi mà các chế độ vẫn cứ tiếp tục trao cho dân chúng một cuộc mặc cả căn bản: Chúng tôi sẽ trợ cấp cho các anh chừng nào mà các anh chấp nhận quyền cai tị của chúng tôi. Bị rung chuyển vì những diễn tiến mới đây, cả Kuwait lẫn Bahrain đều quyết định cho tất cả các công dân của họ món tiền thưởng trong năm nay (mỗi người được 3,000 đô-la tại Kuwait và 2,700 đô-la tại Bahrain).

Những cuộc chi trả đó nhắc nhở rằng tại Trung Ðông, có hai phương cách kiểm soát: Ðàn áp đại quy mô và hối lộ đại quy mô. Có lẽ phương cách thứ nhì, được áp dụng tại các quốc gia Vùng Vịnh, sẽ chứng tỏ hiệu quả hơn -mặc dù chế độ tại Bahrain đang phải đối phó với các thách thức đặc biệt trước sự thể một nhóm thiểu số Hồi Giáo Sunni cai trị một nhóm đa số người Shi'te. Tuy nhiên, mối hiểm nguy rộng lớn hơn đang đối diện với hai hệ thống cai trị này là một quần chúng ngày càng hiểu biết, được thông báo và được nối kết với nhau. Thật là quá đơn giản để bảo rằng những gì đã xảy ra tại Tunisia và Ai Cập đã xảy ra vì có trang mạng Facebook. Nhưng kỹ thuật -truyền hình vệ tinh, máy điện toán, điện thoại di động và Internet- đã đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc thông báo, giáo dục và nối kết dân chúng trong vùng. Những tiến bộ như thế tạo thêm quyền lực cho cá nhân và lấy bớt đi quyền lực của nhà nước. Ngày xưa, kỹ thuật thông tin có lợi cho những kẻ nắm quyền, bởi vì nó còn quá ít. Ðiều này giải thích tại sao, hồi thập niên 1930, các nhà làm cách mạng cứ cố chiếm lấy đài phát thanh -để họ có thể phát đi các thông tin cho dân chúng. Kỹ thuật ngày nay đều là dành cho đại chúng, những kỹ thuật nối kết mọi người nhưng lại không có ai độc quyền kiểm soát được cả. Như thế là có hại cho bất cứ ai cố chèn ép thông tin.

Dĩ nhiên, nhà nước có thể đánh trả. Chính phủ Ai Cập tìm cách chận không cho dân chúng Ai Cập vào Internet trong năm ngày. Chế độ tại Iran đóng các dịch vụ điện thoại di động vào lúc diễn ra những cuộc biểu tình phản đối của “phong trào xanh” (green movement”) đòi trong sạch hóa cuộc bầu cử tổng thống gian lận hồi năm 2009. Nhưng hãy nghĩ tới cái giá phải trả cho những hành động như vậy. Làm sao nhà băng hoạt động được khi Internet bị hư? Liệu thương mại có phát triển được khi các điện thoại di động bị tê liệt? Syria cho tới nay mới chỉ cho dân chúng vào Facebook, nhưng sách lược căn bản của quốc gia này là giữ cho thế giới đứng ngoài -là trở ngại chính yếu cho sự phát triển kinh tế và cho việc giải quyết vấn đề sinh tử là công ăn việc làm cho giới trẻ. Bắc Hàn có thể ổn định chừng nào mà họ cứ hoàn toàn tắc nghẽn như thế (và sự ổn định này, dẫu sao, cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi.) Ðối với các chế độ có nhu cầu và mong muốn đáp ứng nguyện vọng của dân chúng, sự cởi mở trở thành nhu cầu kinh tế và chính trị.

Mệnh lệnh phải cải cách -tức là các xã hội cần phải chấp nhận cởi mở hơn để tiến bộ- là lý do tại sao kẻ viết bài này tự nhủ hãy cứ lạc quan về tiến bộ của cuộc cách mạng mà giới trẻ đang thực hiện. Thật dễ chán nản khi nhìn vào lịch sử đáng buồn hồi gần đây tại Trung Ðông. Tuy vậy, vẫn có những cái gì đó trong vùng tạo cảm tưởng là nơi đây sẽ thay đổi. Nhà tỉ phú đầu tư trứ danh Warren Buffett có lần nói rằng khi có người nói với ông câu “lần này thì khác nhé” thì ông lại đưa tay sờ vào chiếc ví, bởi vì ông cứ sợ mình bị lừa đảo mất tiền. Vâng, kẻ viết bài này có cảm tưởng rằng lần này, tại Trung Ðông, tình thế đã khác đi. Nhưng dẫu sao, kẻ viết bài này cũng phải để tay lên chiếc ví của mình cái đã.
.
.
.

No comments: