Tuesday, February 15, 2011

SỰ PHẤN KHỞI, TÍNH CHÍNH ĐÁNG và THAY ĐỔI TRONG THẾ GIỚI Ả RẬP (Farid Andel-Nour)

Farid Abdel-Nour
Đăng ngày 15/02/2011 lúc 06:10:25 EST

Để có thể hiểu được làn sóng phấn khởi và sự tự cho mình có sức mạnh của quần chúng đang thổi qua thế giới Ả Rập, chúng ta cần nghiệm lại 1 câu hỏi mà bất cứ người Ả Rập nào cũng đã từng tự hỏi trong cuộc cách mạng ở Tunisia: Tôi còn có lý do nào nữa hay không để tuân thủ luật pháp của quốc gia này? Trong những tuần lễ vừa qua, đại đa số dân chúng ở Yemen, Algeria, Jordan và nhiều nơi khác, đặc biệt nhất là tại Ai Cập, câu trả lời cho câu hỏi đó là tiếng thét phẫn nộ: “Không” và các cuộc xuống đường biểu tình.

Như mọi người đã biết, nhiều chính quyền Ả Rập thiếu tính chính thống và hợp pháp. Điều này có nghĩa rằng công dân Ả Rập không cảm thấy họ phải trung thành và phải tuân thủ luật pháp của chế độ. Kể từ khi Thế Chiến 1 chấm dứt, người dân Ả Rập đã bày tỏ ước mơ và khát khao dân chủ. Nhưng ngược lại, những năm đầu của thế kỷ 20, họ lại phải sống trong nhiều chính phủ được dựng lên bởi những thế lực thực dân lúc đó như Anh và Pháp, cai trị bởi lãnh chúa Ả Rập chỉ giao tiếp với các thế lực thực dân này.

Trong thời gian ấy, các chính phủ này tìm mọi cách né tránh khát vọng dân chủ bằng nhiều thủ đoạn như gian lận hoặc tráo đổi kết quả bầu cử, chà đạp lên nguyện vọng của người dân. Nửa phần sau của thế kỷ 20, thế giới Ả Rập lại chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều chính quyền quân sự, hứa hẹn sẽ đem lại độc lập, ổn định, kinh tế phát triển và một xã hội công bằng, nhưng lại tiếp tục áp dụng gian lận bầu cử như xưa. Những chính quyền quân sự này chỉ đem đến những thay đổi nhỏ so với những hứa hẹn ban đầu, nhưng lại tỏ ra rất vững chắc. Niềm hy vọng những chính quyền quân sự này tưởng như đã tiêu dần cùng với cái chết của các lãnh tụ khi tổng thống của Syria Hafez al-Assad qua đời, nhưng rồi vẫn tiếp tục qua người con trai, đương kim tổng thống Bashar.

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak hứa hẹn sẽ làm giống như vậy khi ông chuẩn bị con trai là Gamal để nối ngôi ông.

Dưới những chế độ như vậy, người Ả Rập đã sống và tuân thủ luật pháp quốc gia vì một trong hai ý do: họ sợ hoặc họ muốn yên thân làm giàu. Nhưng với một nền kinh tế khó khăn và dân số ngày càng đông, những chính quyền này chỉ có thể mua chuộc được một số nhỏ trong đại đa số quần chúng. Ngoài hai lý do trên, số người Ả Rập còn lại sống trong lo sợ vì bị đe doạ. Quyết định mới đây của chính quyền Ai Cập cho tăng lương công chức 15 phần trăm và sử dụng côn đồ trấn áp người biểu tình cho thấy âm mưu của họ nhằm khống chế quần chúng qua mua chuộcbạo động.

Nhưng với tấm gương tự thiêu ngày 17 tháng 12 của Mohamed Bouazizi ở Tunisia, người Ả Rập đã không còn chấp nhận sống trong sợ hãi nữa. Tấm gương của hàng chục ngàn người Ai Cập chiếm quảng trường Tahrir Square ở Cairo chứng tỏ sự sợ hãi đã biến mất. Họ xúm quanh xe tăng của quân đội Ai Cập, không phải như là một cử chỉ yêu mến cho một quân đội mà có thể phản bội họ, mà như để thách thức chế độ nếu có can đảm thì hãy nghiền nát thân xác họ trước sự chứng kiến của cả thế giới
. Có một điều chắc chắn rằng sự sợ hãi sẽ không bao giờ trở lại nữa ở Ai Cập.
Thế giới Ả Rập đang chứng kiến một sự thay đổi không đảo ngược được. Người Ả Rập đang đứng lên đòi hỏi một chính phủ xứng đáng với sự tuân thủ luật pháp của họ. Họ đã đoàn kết khi đưa ra đòi hỏi rõ ràng:
chỉ có dân chủ, tôn trọng quyền căn bản con người và tự do mới đem đến một chính phủ như vậy.
Chỉ trong vòng vài tuần lễ nhiều nghi vấn về người Ả Rập có sẵn sàng tranh đấu cho dân chủ hay không, hay về Hồi giáo (Islam) có thích hợp với dân chủ hay không, đã bị đánh tan ở Ai Cập.

Nhìn xa hơn Ai Cập và Tunisia, các chính quyền Ả Rập khác đang khát khao có được tính chính đáng để tồn tại. Họ chỉ có thể tồn tại nếu họ chịu chuyển qua một thể chế dân chủ. Những chính quyền như vậy thường không bao giờ tự giật sập chính mình. Chúng ta có thể tiên đoán rằng họ có thể sẽ sử dụng vũ lực, đe doạ để được tồn tại. Nhưng những gì xảy ra ở Ai Cập chứng minh rằng chính quyền không còn nhiều chọn lựa và làn sóng cách mạng sẽ quét ngang qua mang theo những chính quyền không có tính chính thống này. Chỉ cần có niềm hy vọng này thôi là đủ để chúng ta cảm thấy phấn khởi thật nhiều.

Farid Abdel-Nour
Nguồn: San Diego Union, ngày 10 tháng Hai năm 2011

Diệp Kim Lan dịch

Abdel-Nour là giảng sư môn chính trị học, và là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Hồi Giáo Và Ả Rập tại Đại Học San Diego.

© Thông Luận 2011.
.
.

No comments: