Friday, February 4, 2011

PHÚC TRÌNH STANLEY-VŨ QUỐC THÚC và KẾ HOẠCH HẬU CHIẾN LILIENTHAL-VŨ QUỐC THÚC (Lê Quế Lâm)

Lê Quế Lâm
Đăng ngày 03/02/2011 lúc 12:37:09 EST

Phúc trình Stanley-Vũ Quốc Thúc (1961)
và Kế hoạch Hậu chiến Lilienthal-Vũ Quốc Thúc (1968)

Lê Quế Lâm

Sau khi quyết định trở lại Đông Nam Á, tạo thế cân bằng với Trung Cộng, ổn định khu vực biển Đông nhằm phát triển sự hợp tác kinh tế giữa các thế lực lớn ở Đông Á, bao gồm cả Ấn và Nga… Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức một buổi hội thảo trong hai ngày 29 và 30/9/2010 về “Kinh nghiệm của Mỹ tại Đông Nam Á”, 1946-1975 (The American Experience in Southeast Asia, 1946-1975). Đề tài chính tập trung vào chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn 1961-1973, nhằm giúp Bộ Ngoại giao nghiên cứu trở lại chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á trong quá khứ. Theo bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, những nét chủ yếu của bài học Việt Nam trong thời kỳ đó tiếp tục giúp bà định hướng các quyết định của Mỹ.

Tham dự cuộc hội thảo có đại diện của Hà Nội, cùng nhiều sử gia, học giả và viên chức ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam như cựu Thứ trưởng Richard Holbrooke. Ông đã tham gia ngành ngoại giao từ thời Tổng Thống Johnson với nhiệm sở đầu tiên là Tòa Đại sứ Mỹ ở Sàigòn và đang giữ chức vụ Đại sứ Đặc biệt của Mỹ ở Pakistan và Afghanistan. Sự tham dự của ông Holbrooke cho thấy chính quyền Obama có ý dùng bài học Việt Nam để giải quyết cuộc chiến ở Afghanistan. Rất tiếc, ông đột ngột qua đời vì bịnh tim vào ngày 14/12/2010 trong niềm thương tiếc của nhân dân và chính giới Mỹ cũng như nhiều nước yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Ngoài ra trong các diễn giả được mời có Henry Kissinger, một người từng đảm nhận hai chức vụ quan trọng cùng một lúc. Ông vừa là Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng Thống Nixon trong thời chiến tranh lạnh, vừa là Bộ trưởng Ngoại giao - cố vấn tổng thống về đối ngoại để giải quyết cuộc chiến Việt Nam.

Kissinger cho biết ông tham gia chính quyền Nixon từ đầu năm 1969 khi làn sóng phản chiến bùng nổ lớn từ năm trước. Trước tiên, sự chống đối có nghĩa là cuộc chiến Việt Nam không thể mang đến thắng lợi với các phương thức sẵn có (quân sự) vì vậy Hoa Kỳ phải thương thuyết. Nhưng sau đó lại có quan điểm cho rằng chiến tranh Việt Nam là một thí dụ tiêu biểu tinh thần “phi đạo đức” của Mỹ. Giới phản chiến đặt vấn đề “cuộc chiến Việt Nam có cần thiết không?” và đưa ra câu hỏi gay gắt: “Nước Mỹ có quyền gì để chiến đấu tại Việt Nam”. Họ đòi “Các anh phải rút ra ngay bây giờ. Việc các anh đã can thiệp vào (Việt Nam) là vô đạo đức”. Nhưng rồi sau đó chúng tôi (Hành pháp Hoa Kỳ) lại bị lên án khi dự định rút đi và khi chúng tôi đang tranh đấu để tạo một cơ hội cho người dân miền Nam Việt Nam (thực thi quyềt tự quyết của họ). Kissinger xác nhận mình là một người tỵ nạn thụ hưởng nền dân chủ của Mỹ, nên ông không chấp nhận tiền đề cho rằng Mỹ là không đạo đức. Ông không đồng ý giải pháp “rút quân không điều kiện”, mà phải đặt ra đòi hỏi là người dân Miền Nam Việt Nam phải quyết định lấy vận mạng của mình.

Theo ông Kissinger, “Chiến tranh Việt Nam là một thảm kịch, không phải vì một vấn đề gây bất đồng chính kiến. Điều này tất nhiên không tránh khỏi do tính phức tạp của vấn đề. Nhưng lòng tin giữa người Mỹ với nhau đã bị tàn phá. Đây là lần đầu tiên, Mỹ đụng phải những giới hạn trong chính sách đối ngoại và chấp nhận điều này là cả một đau đớn… Chính sách ngoại giao Mỹ nói chung bị xem như không còn đạo đức, và sau đó nước Mỹ bị xem như không còn khả năng đạo đức để theo đuổi một chính sách ngoại giao thuần túy. Thảm kịch là ở đó”. Ông rút ra bài học “Khi chúng ta (Hoa Kỳ) dự định lâm chiến, ta cần định rõ ý nghĩa việc này căn cứ trên một phân tích chiến lược toàn cầu… Tôi không thích từ ‘chiến lược ra đi’. Nếu chúng ta chỉ đến để rồi ra đi thì có lẽ chúng ta không nên đến. Chiến lược này phải nằm trong một khuôn khổ ngoại giao dài hạn. Ngoại giao và chiến lược phải song hành, chứ không thể luân phiên như những giai đoạn của một chính sách. Và điều tiên quyết là chính quyền cũng như giới chỉ trích phải giới hạn sự tranh cãi, vì sự đoàn kết của đất nước đã và sẽ luôn là niềm hy vọng cho cả thế giới”. (1)

Sự trở lại Đông Nam Á của Hoa Kỳ trong thời điểm hiện nay, tác động lớn đến vận mạng dân tộc. Hoa Kỳ đã có cuộc hội thảo để rút tỉa kinh nghiệm. Người Việt chúng ta cũng nên tìm hiểu Hoa Kỳ can dự vào cuộc chiến Việt Nam như thế nào? Và tìm cách kết thúc chiến tranh ra sao? Qua hồi ký Thời Đại Của Tôi của Giáo sư Vũ Quốc Thúc, từ năm 1960, ông không còn tham chính, chỉ lo đào tạo nhân tài phục vụ đất nước. Nhưng khi Hà Nội phát động cuộc chiến giải phóng Miền Nam, Giáo sư Vũ Quốc Thúc dù được đào luyện ở Pháp, song do đức độ và uy tín, ông được Tổng Thống Ngô Đình Diệm cử cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà để thương thảo với phái đoàn Mỹ do Tiến sĩ Stanley - học giả Đại học Stanford - phụ trách, khi Tổng Thống Kennedy bắt đầu viện trợ giúp Việt Nam Cộng Hoà chống cộng sản hồi năm 1961. Năm năm sau, khi Tổng Thống Johnson đã đưa quân vào Miền Nam trực tiếp chiến đấu với quân cộng sản Bắc Việt, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc hợp tác với các chuyên viên Hoa Kỳ do một người bạn thân của ông Johnson là David E. Lilienthal cầm đầu để phác họa kế hoạch hậu chiến cho Việt Nam.

Bối cảnh ra đời của Bản Phúc trình Stanley/Vũ Quốc Thúc

Do tình thế đòi hỏi, sau hiệp định Genève 1954, Thế giới Tự do đã chia ảnh hưởng với khối Cộng sản trên phân nửa lãnh thổ Việt Nam theo tinh thần hòa giải các cuộc xung đột thế giới. Để bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á, theo Hoa Kỳ, thì “Điều tuyệt đối cần thiết là phải có một chính phủ dân sự ổn định nắm quyền ở Miền Nam Việt Nam, với một quân đội đủ sức bảo vệ nền an ninh quốc gia”. Ngày 24/8/1954, Tổng Thống Eisenhower chấp nhận kế hoạch của Hội đồng An ninh Quốc gia về việc giúp Miền Nam Việt Nam gồm ba điểm. Về quân sự: giúp Việt Nam xây dựng Quân đội Quốc gia đủ mạnh để bảo vệ Miền Nam. Về kinh tế: viện trợ trực tiếp giúp Việt Nam phát triển đất nước. Về chính trị: hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm thiết lập các cơ cấu dân chủ và mở rộng thành phần chính phủ.

Hoa Kỳ cũng thúc hối Pháp thực hiện lời cam kết rút khỏi Đông Dương, đồng thời thành lập khối Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) đặt Miền Nam Việt Nam, Lào và Cam Bốt vào khu vực bảo hộ của tổ chức quốc tế này. Hoa Kỳ hy vọng tổ chức quân sự này sẽ ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á, vì mục tiêu của Mỹ là tránh tham chiến ở đây. Sau đó Hoa Kỳ mới chính thức cam kết với Nam Việt Nam qua bức thư đề ngày 23/10/1954 của Tổng Thống Eisenhower gởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Hoa Kỳ xác định mục tiêu của họ là “giúp Miền Nam Việt Nam bằng viện trợ để duy trì và phát triển một nhà nước tự do có sức sống mạnh, có khả năng chống trả lại những mưu toan khởi loạn hoặc xâm lược bằng vũ lực”. Hoa Kỳ mong muốn chính phủ Miền Nam Việt Nam đáp ứng lại bằng cách thực hiện những cải cách cần thiết, mở rộng chính phủ có sự tham gia của các đảng phái chính trị và thiết lập các cơ cấu dân chủ hơn”. (2)

Tại Miền Nam Việt Nam, 6 tháng sau khi được Quốc trưởng Bảo Đại giao toàn quyền quân sự và dân sự, để lành mạnh hóa xã hội, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra lịnh đóng cửa hai sòng bạc và khu giải trí Vườn Lài của Bình Xuyên, cách chức Lai Văn Sang - Tổng Giám Đốc Công an Cảnh sát - là đệ tín thân tín của tướng Bảy Viễn. Lực lượng Bình Xuyên phản ứng, tấn công một số cơ quan chính phủ. Để hỗ trợ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, các tướng Trịnh Minh Thế, Nguyễn Thành Phương (Cao Đài) và Nguyễn Giác Ngộ (Hòa Hảo) ra tuyên cáo ủng hộ chính phủ. Hội đồng Nhân dân Cách mạng được thành lập ngay sau đó, ra quyết định truất phế Bảo Đại, ủy quyền ông Diệm thành lập chính phủ mới dẹp phiến loạn thu hồi chủ quyền quốc gia và triệu tập Quốc hội.

Tháng 8/1955, Tổng Thống Ngô Đình Diệm trả lời đề nghị của chính phủ Hà Nội về việc hiệp thương tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Theo ông “Tổng tuyển cử tự do là một định chế hòa bình và dân chủ, nhưng với điều kiện tiên quyết là sự tự do sinh sống và tự do đầu phiếu phải được bảo đảm”. Do đó “cuộc tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam chỉ được tiến hành khi nào Miền Bắc chấm dứt khủng bố, thực hiện dân chủ và để người dân tự do thực hiện quyền đầu phiếu”. Theo ông Ngô Đình Diệm, vấn đề này chưa thể có được khi chính quyền cộng sản ở miền Bắc ngay bước đầu đã vi phạm quyền tự do công dân. Họ không cho người dân Miền Bắc được tự do lựa chọn vùng mình muốn sinh sống theo tinh thần Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Sau đó qua chiến dịch “Cải cách ruộng đất”, chính quyền Miền Bắc đã tiến hành kế hoạch khủng bố tàn bạo trong phạm vi rộng lớn để trấn áp những người không thích chế độ cộng sản. Chính phủ Hoa Kỳ đã ra tuyên cáo ủng hộ lập trường của Miền Nam Việt Nam là “Cuộc tổng tuyển cử chỉ có thể tiến hành sau khi chính phủ hài lòng là các cuộc tuyển cử thực sự tự do có thể tổ chức khắp cả hai miền Nam Bắc”. (3)

Giữ đúng cam kết, từ đầu năm 1955 Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ kinh tế, giáo dục và kỹ thuật nhằm tạo sự phồn vinh cho Nam Việt Nam, giúp phần đất này có điều kiện đi vào con đường không Cộng Sản với một chính quyền có khả năng phát triển theo chiều hướng tự do. Hoa Kỳ giúp chính quyền Ngô Đình Diệm mở rộng Viện Đại học Sàigòn, thành lập Viện Đại học Huế, mở trường Quốc gia Hành chánh, trường Nông Lâm Súc, trường Kỹ thuật Phú Thọ… mở các nhà máy đường Hiệp Hòa, nhà máy than Nông Sơn, nhà máy xi măng Hà Tiên, các cơ sở kỹ nghệ bông vãi, ve chai…tạo công ăn việc làm cho dân lao động để mở mang kinh tế Miền Nam. Ngoài ra Hoa Kỳ còn giúp chính quyền Ngô Đình Diệm tái tạo lại hệ thống đường xá, chấm dứt nạn mù chữ, thiết lập chương trình y tế nông thôn, đào giếng cho dân quê và thành lập chương trình Diệt trừ sốt rét. Ngày 7/8/1959 đường xe lữa xuyên Việt nối liền Đông Hà (Quảng Trị) với Sàigòn được khánh thành. (4)

Về phần Cộng Sản, thất bại trong kế hoạch đòi chính phủ Ngô Đình Diệm thi hành Hiệp Định Genève, ông Lê Duẩn đề ra “Đường lối Cách mạng Miền Nam” (1956) với chủ trương vận động tôn giáo để khuấy động và dùng bạo lực quân sự thôn tính Miền Nam. Cán bộ Cộng Sản được lịnh tham gia vào các tàn quân thuộc lực lượng Cao Hòa Bình (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên) rút vào mật khu tổ chức kháng chiến chống chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Cộng Sản muốn tạo lại hình ảnh cuộc kháng chiến mới mà họ gọi là kháng chiến chống “Mỹ Diệm”, như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chính quyền Bảo Đại trước đây. Lần này cuộc chiến đấu chống Cộng Sản của ông Ngô Đình Diệm gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền Quốc gia không còn được sự tiếp tay của các lực lượng chống Cộng Sản rất hữu hiệu là Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo và Đại Việt Quốc Dân Đảng. Các lực lượng này đã bị ông Ngô Đình Diệm thanh toán hồi năm 1955-1956.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm quên rằng Hiệp Định Genève 1954 không phải là một hiệp định hòa bình, đó chỉ là một hiệp định đình chỉ chiến sự để sau đó hai miền Nam Bắc tổ chức cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ông có lý do chính đáng để đình hoãn cuộc tổng tuyển cử, tất nhiên ông phải tiên liệu Cộng Sản sẽ gây chiến trở lại và phải có cách đối phó. Đáng lẽ ông Ngô Đình Diệm thống nhất các lực lượng giáo phái vào Quân đội Quốc gia (Việt Nam Cộng Hoà), để họ tiếp tục hoạt động trong các khu vực mà họ đã quen thuộc địa hình. Đàng này ông giải tán hoặc phân tán các lực lượng giáo phái địa phương về các địa điểm xa lạ ở miền Trung, cuối cùng họ đào ngũ, trở về quê cũ làm ăn sinh sống.

Theo cựu Thiếu tường Đỗ Mậu, ông Ngô Đình Diệm xây dựng một thứ “quân đội giáo phái” mới: giáo phái Công Giáo Cần Lao. Từ đó quân đội chia ra hai phe: một phe Cần Lao và một phe không Cần Lao. Ông Ngô Đình Diệm chỉ định Trung tá Trần Thanh Chiêu, một tay chân “Cần Lao Công giáo” thân tín, giữ chức vụ Tư lịnh Sư đoàn 21 hoạt động ở khu vực chịu ảnh hưởng Cao Đài và Hòa Hảo. Ngày 26/1/1960 Việt Cộng tấn công một Trung đoàn thuộc Sư Đoàn 21 trú đóng ở Trảng Sập, chỉ cách tỉnh lỵ Tây Ninh 12 cây số. Vì thái độ bất mãn, thiếu thân thiện mà những giáo dân Cao Đài ở đây không thông báo những hoạt động của Cộng Sản trong vùng, nên trung đoàn bị tấn công bất ngờ, mất toàn bộ vũ khí. (5)

Ông Ngô Đình Diệm cũng không tạo sự đoàn kết quốc gia, chiêu dụ số người vì lòng yêu nước đã tham gia Việt Minh, kháng chiến chống Pháp, ông lại coi họ là Cộng Sản hoặc thiên Cộng. Trong khi số cán bộ Cộng Sản trung kiên được ông Lê Duẩn gài lại Miền Nam, giấu kín tông tính để trường kỳ mai phục, còn hàng vạn người tham gia kháng chiến chống Pháp vì lòng yêu nước, họ không phải là Cộng Sản nên không đi tập kết cũng không trốn tránh, bị công an mật vụ theo dõi, một số bị bắt đày ra Côn Đảo. Một nhà báo Mỹ nhận xét: “Ông Ngô Đình Diệm không hiểu rằng khi ông khủng bố Việt Minh thì sẽ khủng bố một số rất đông người không cộng sản, họ là những người Việt Minh luôn tự hào về những việc đã làm vì lòng yêu nước thúc đẩy. Ông đã đứng ngoài cuộc kháng chiến nên ông và gia đình không chia sẻ những cảm xúc ấy. Ông cũng không nhận thức được rằng khi ông làm như vậy thì ông đã làm cho nhiều người thay đổi thái độ. Đó là những người lâu nay im tiếng nhưng vẫn coi Việt Minh là những người yêu nước”. (6)

Tháng 9/1960, ông Hồ Chí Minh triệu tập Đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ III, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: tiến hành Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Giải phóng miền Nam để thống nhất nước nhà. Hai nhiệm vụ trên, theo Hà Nội là để “thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa thế giới”. (7) Sau Hiệp Định Genève 1954, hai miền Nam Bắc Việt Nam được xem là tiền đồn quan trọng của hai thế giới đối nghịch. Hành động công khai đòi giải phóng Miền Nam để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản của giới lãnh đạo Bắc Việt, buộc Hoa Kỳ vì những lời cam kết, phải can thiệp để bảo vệ miền Nam tự do, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á. Hoa Kỳ không thể phá vỡ nguyên trạng hòa bình, mở các cuộc tấn công miền Bắc để tiêu diệt trung tâm phát động chiến tranh. Hoa Kỳ chỉ có thể viện trợ quân sự và gởi cố vấn giúp Việt Nam Cộng Hoà đương đầu với chiến tranh du kích của Cộng Sản. Nhưng Hoa Kỳ có một điểm yếu là nhân dân Mỹ không đủ nhẫn nại để theo đuổi cuộc chiến chống Cộng lâu dài tại Việt Nam được khối Cộng Sản yểm trợ để lấn chiếm Thế giới Tự do. Yếu điểm này được tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Hà Nội trình bày như sau: “Kẻ thù phải kéo dài chiến tranh để thắng, nhưng họ không có những tài nguyên tâm lý và chính trị để chiến đấu lâu dài”. (8)

Nhóm Tự do Tiến bộ thường được gọi là nhóm Caravelle gồm 18 nhân sĩ nổi tiếng đã ý thức được hiểm họa này. Tháng 4/ 1960 họ gởi một bản Tuyên ngôn kêu gọi Tổng thống Ngô Đình Diệm “gấp rút thay đổi chính sách để cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Cộng hòa và bảo vệ sống còn của quốc gia”. Năm sau, Hoa Kỳ gởi phái đoàn Stanley sang Sàigòn thảo luận với phái đoàn Việt Nam do Giáo sư Vũ Quốc Thúc cầm đầu để tìm những biện pháp về quân sự, chính trị và kinh tế nhằm ngăn chận Cộng Sản thôn tín miền Nam tự do. Có ba đề mục chính trong cuộc thương thảo:

1. Đề mục thứ nhất là sự hợp tác quân sự. Kế hoạch này được giao cho Thiếu tướng Nguyễn Khánh, Tham mưu Trưởng Quân đội Việt Nam Cộng Hoà bàn thảo với một đại tá Hoa Kỳ tên Clark. Giáo sư Thúc không đích thân tham dự những cuốc tiếp xúc này, nên không biết rõ chi tiết. Chỉ biết sau đó chính quyền Kennedy chấp nhận gởi 100 cố vấn quân sự đến Miền Nam tăng cường con số 685 người thuộc phái bộ Cố vấn Quân sự (MAAG) đã có mặt tại Sàigòn từ năm 1954. Sau đó số cố vấn Mỹ đến Sàigòn gia tăng dần đến 16 ngàn vào cuối năm 1963. Điều này cho thấy lúc đầu Hoa Kỳ không chủ trương đưa quân chiến đấu sang Việt Nam;

2. Đề mục thứ hai là viện trợ kinh tế, thảo luận về hối suất của đồng bạc Việt Nam đối với đôla Mỹ. Từ lúc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam năm 1955, đồng bạc Việt Nam theo hối suất chính thức, 35 đồng Việt Nam ngang giá 1 đô la Mỹ. Do tình trạng thị trường biến đổi, hối suất thực sự dần dần xa vời hối suất chính thức. Đến mùa Xuân 1961 khi có cuộc thương thảo với phái đoàn Stanley, trên thị trường tự do 1US$ đổi được 60VN$. Hậu quả của sự chênh lệch này là những thương gia được cấp giấy phép nhập khẩu hàng hóa trong khuôn khổ viện trợ Mỹ đương nhiên được lời, mỗi đôla hàng nhập khầu là 25VN$. Tình trạng này dọn đường cho sự hối mại quyền thế, tham nhũng, chợ đen…Phần chính phủ Hoa Kỳ, họ đặt điều kiện là chỉ tăng thêm viện trợ để thực thi chiến lược chống Cộng, nếu chính quyền Việt Nam Cộng Hoà định lại hối suất đồng VN$ so với đồng US$ trên cơ sở: 1US$ = 60VN$. Hai bên đã đạt được sự đồng thuận mau chóng về vấn đề này vì hối suất 1 US$ = 60VN$ là đúng với hối suất trên thị trường.

Đề mục gây bất đồng giữa hai bên là chính sách Ấp Chiến Lươc. Đây là những vấn đề liên can đến các lĩnh vực tình báo và vận động quần chúng, do đó những đại diện của Cơ quan Trung ương Tình báo Hoa Kỳ tháp tùng Tiến Sĩ Stanley đã có những cuộc tiếp xúc riêng với Cơ quan Tình báo Việt Nam. Đích thân bào đệ Tổng Thống Ngô Đình Diệm là ông Ngô Đình Nhu đích thân theo dõi những cuộc tiếp xúc này.

Tại các nước nông nghiệp đang phát triển “nông dân là biển nước nuôi cá du kích” nên vấn đề chủ yếu, theo Walt W. Rostow - phụ tá Tổng Thống Kennedy về an ninh quốc gia, là phải tranh thủ người nông dân, tách họ khỏi sự kiểm soát của cộng sản, mở cho họ thấy những triển vọng tốt đẹp hơn về tương lai. Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất chú ý đến chiến lược đã được ông Robert Thompson áp dụng thành công ở Mã Lai, là tổ chức và trang bị các thôn dân về mọi mặt để họ tự vệ. Đó là chính sách Ấp Chiến Lược với mục đích chính là biến các xã thành những pháo đài nhỏ khiến du kích và cán bộ Cộng Sản không thể lọt vào. Trong lý thuyết việc này có vẻ khả thi ở Mã Lai, nhưng thực tế sự thi hành ở Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn.

Ở miền Nam Việt Nam, các làng xã thường trải dọc theo những thủy lộ, người dân sống tản mác, nay ban đêm phải tạm xa những kho đụn, vườn trại, cây cối, trâu bò của mình để vào sống ở một nơi gần như là một trại tập trung dưới sự kiểm soát của quân đội. Vì thế dân quê bất mãn. Sau phúc trình Stanley/Vũ Quốc Thúc, Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tiến hành kế hoạch xây dựng Ấp chiến lược như là một quốc sách. Song song với việc xây dựng Ấp Chiến Lược, chính phủ xây dựng các Khu Trù Mật. Có lẽ nhà cầm quyền nhận thấy chữ ấp gợi ý là cư dân sẽ phải gom lại trong một xóm ấp nhỏ, như một trại tập trung. Và dân quê đã chống đối mạnh mẽ. Nay nhà cầm quyền phải tìm cách bảo vệ cả một vùng rộng lớn, thành một khu trù phú đông người.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm có ý định mang dân ở những vùng đông người lên Cao nguyên lập những khu trù mật ở đây. Giáo sư Vũ Quốc Thúc phản bác ý định này, vì ở Cao nguyên nhiều nơi ta tưởng là đất hoang, nhưng phong tục của đồng bào sắc tộc là “làm rẩy”. Họ đốt rừng trồng lúa một vài năm, sau đó họ kéo đi nơi khác, đợi 4,5 năm khi đất đã lấy lại màu mỡ, họ mới trở lại để làm mùa. Đối với họ không phải là đất bỏ hoang, họ vẫn coi đó là đất thuộc quyền sở hữu của họ. Chúng ta phải cẩn thận kẻo gây xung đột với đồng bào Thượng. Đừng quên Cộng Sản đang lợi dụng đồng bào sắc tộc,lập ra Mặt trận Dân tộc Thiểu số chống Áp Bức tức FULRO (Front Uni de Lutte des Races Opprimées)

Kế hoạch mà chuyên viên Việt Mỹ đề nghị trong phúc trình Stanley/Vũ Quốc Thúc là phải tổ chức những làng hiện hữu thành những Ấp chiến lược. Có nơi làm được, có nơi không làm được. Chính quyền phải tùy theo điều kiện của mỗi làng, mỗi địa phương để giúp họ tự vệ chống lại du kích Cộng Sản, đâu có phải trên hàng rào dây thép gai và bãi mìn. Nếu chỉ chú trọng về hình thức, dùng quyền lực gom dân lại không thể nào thành công. Còn lập những khu trù mật trên cao nguyên là tạo thêm vấn đề chớ không có lợi chi hết. Những ý kiến phản bác của Giáo sư Vũ Quốc Thúc khiến “Ông cụ (tức ông Ngô Đình Diệm) rất bực mình”, do đó ông Nguyễn Đình Thuần -Bộ trưởng Phủ Tổng thống đã nói với Giáo sư Vũ Quốc Thúc “Hiện nay có một cơ hội tôi thấy đối với anh có lẽ tốt lắm là Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam đề nghị một người để được cấp học bổng Eisenhower. Nếu sang Hoa Kỳ, anh vẫn giữ lương giáo sư, lại được học bổng tu nghiệp và có cơ hội gặp nhiều nhân vật quyền thế ở Hoa Kỳ”.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc nhận thấy chính phủ Ngô Đình Diệm muốn đẩy ông ra khỏi Việt Nam để ông khỏi chống đối việc thành lập những Ấp Chiến Lược và Khu Trù Mật. Ông Ngô Đình Diệm vẫn muốn bịt miệng những tiếng nói trung thực. Cuối năm 1961 Giáo sư Vũ Quốc Thúc được cử làm Hội viên của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, phỏng theo kiểu mẫu Thượng viện Hoa Kỳ. Chủ tịch đương nhiên là Phó Tổng thống (Nguyễn Ngọc Thơ) còn Giáo sư Vũ Quốc Thúc được các Hội viên bầu làm Phó Chủ tịch.

Trong hai năm cuối của Đệ I Công hòa, ông Ngô Đình Diệm không còn trực tiếp nắm quyền. Hội đồng Chỉ Đạo Ấp Chiến Lược tương tự một Hội đồng Tối Cao về chính trị được thành lập, bao gồm các Bộ trưởng Kinh tế, Tài chánh, Nông thôn, Nội vụ, Quốc phòng, một số tướng lãnh và Giáo sư Vũ Quốc Thúc vì ông đã đề nghị giải pháp Ấp Chiến Lược trong phúc trình Stanley. Điều đáng để ý là hội nghị này không do Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thân chủ tọa, mà là ông Ngô Đình Nhu. Như vậy ông ngô Đình Nhu có lẽ chuẩn bị thay thế bào huynh để nắm quyền trực tiếp chăng?

Kế hoạch Hậu chiến ra đời

Sau cuộc đảo chính Tổng Thống ngô Đình Diệm, kế hoạch Ấp Chiến Lược bị hủy bỏ. Một tướng lãnh cầm đầu phe đảo chính tuyên bố “Ấp chiến lược không cần thiết, không lợi ích, những hàng rào quanh ấp là hàng rào nhà tù” (9). Hà Nội luôn tuyên truyền Miền Nam là trại tập trung khổng lồ của “Mỹ Ngụy”, nay Ấp Chiến Lược đã bị dẹp bỏ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông Hồ Chí Minh tin tưởng thời cơ “giải phóng” Miền Nam đã đến, nên gởi quân chính quy vào Miền Nam. Trong khi đó các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà chỉ lo chỉnh lý, biểu dương lực lượng, đảo chính, khiến tình hình Miền Nam ngày càng suy sụp... Hoa Kỳ quyết định đưa quân vào Miền Nam trực tiếp chiến đấu để áp lực Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán. Sau đó, Tổng Thống Johnson cử một phái đoàn do ông David E. Lilienthal đã 67 tuổi, cầm đầu sang Sàigòn thiết lập chương trình hậu chiến.

Ông Lilienthal là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, đã góp phần phục hưng nền kinh tế Mỹ sau cuộc đại khủng hoảng năm 1930-31. Ông từng được Tổng Thống Franklin Roosevelt cử làm chủ tịch cơ quan Quản trị Kế hoạch vùng Tennessee Valley bao gồm 16 tiểu bang dọc theo sông Tennessee. Sau đó ông làm Chủ tịch cơ quan Nguyên tử năng Hoa Kỳ (1947-1949). Khi về hưu, ông thiết lập một công ty riêng gọi là Development & Resources chuyên thảo kế hoạch giúp phát triển các nền kinh tế hãy còn lạc hậu. Ông Johnson muốn chứng tỏ mình không phải là một nhà lãnh đạo hiếu chiến chủ trương kéo dài chiến tranh. Trái lại ông mong muốn sớm chấm dứt chiến tranh và nước Mỹ sẳn sàng bỏ tiền giúp xây dựng lại Nam Việt Nam khi hòa bình tái lập.

Kế hoạch hậu chiến tập trung vào dự án chỉnh trang khu vực hạ lưu sông Cửu Long. Đây là một dự án thủy lợi, trước hết để khơi giòng sông Cửu Long, đào một số kênh cho phù sa có thể tuôn ra bể. Mặt khác xây dựng cả một hệ thống đê ở hai bên sông để ngăn chận không cho nước sông tràn vào đồng bằng. Như vậy tất cả miền Tây Nam Bộ thường bị ngập nước mỗi năm tới 5, 6 tháng có thể trồng tới hai vụ hay ba vụ lúa. Nếu dùng phân bón, chắc chắn là năng suất sẽ rất cao. Các chuyên viên Mỹ ước tính có thể thêm tới nửa triệu hecta đất canh tác ở Miền Tây Nam phần.

Rõ ràng dự án Cửu Long Giang đã phỏng theo kiểu mẫu của Tennessee Valley đã thành công lớn ở Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ đưa ra dự án này vì mục đích gì ? Không phải ông Lilienthal là bạn thân của Tổng Thống Johnson. Một khi dự án hậu chiến Việt Nam được chấp thuận, hãng Development & Resources của ông Lilienthal, người thiết lập chương trình, sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào việc thực hiện dự án. Cung cấp tài chánh lại chính là ngân sách Hoa Kỳ. Ta có thể hiểu rằng khi Hoa Kỳ đưa ra dự án đó, họ muốn khuyến dụ Mặt Trận Giải Phóng và chính quyền quốc gia (Việt Nam Cộng Hoà) cộng tác với nhau để dự án được vận hành suông sẻ. Nếu hai bên tiếp tục xung đột, dự án chắc chắc không thực hiện được. Ngoài ra, muốn quản lý một hệ thống thủy lợi lớn như vậy, với chi phí lên đến 3 hoặc 4 tỷ đôla vào thời điểm 1966, cần phải có sự tham gia của những người ở địa phương. Đó là những người thuộc nhiều giáo phái khác nhau (Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa…), họ có thể theo Mặt Trận Giải Phóng hoặc chính quyền quốc gia. Như vậy muốn cho dự án được suông sẻ phải có sự đồng tâm cộng tác giữa các phe phái trong tinh thần hòa giải và hợp tác.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc tin rằng đó là sáng kiến hòa bình của dự án Cửu Long Giang, một dự án chủ yếu của kế hoạch hậu chiến. Đó là ý đồ chính trị của Hoa Kỳ:
“Nếu Hoa Kỳ không thể khuyến cáo chính quyền Quốc gia Việt Nam mở rộng thành chính quyền liên hiệp quốc gia ở cấp trung ương, thì ít nhất cũng có thể thực hiện sự cộng tác ở cấp địa phương. Khi người dân địa phương thấy có lợi, dù theo phe nào chăng nữa vì quyền lợi chung, họ sẽ sẳn sàng tham gia. Đó cũng là những thí điểm, nếu sự cộng tác mang lại kết quả tốt đẹp người ta sẽ sẵn sàng đi tới sự hòa hợp ở cấp trung ương”.
Giáo sư Vũ Quốc Thúc còn tiết lộ trong khi hai bên Việt Mỹ tiến hành việc soạn thảo Kế hoạch Hậu chiến, Tổng Thống Johnson đã đến đảo Guam tham dự cuộc họp thượng đỉnh với các giới chức lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà. Không hề thấy báo chí nói tới cuộc họp này mặc dù đó là cuộc họp thượng đỉnh. Về phần ông, không phải là một thành viên trong chính quyền Miền Nam, chỉ là một giáo sư được trao cho công tác nghiên cứu Kế hoạch hậu chiến. Ông không bao giờ nghĩ mình sẽ phải tham dự buổi họp cao cấp này. Trong buổi họp này, chẳng có điều gì phải thương thuyết giữa hai bên. Theo chương trình nghị sự, sau khi ông Johnson mở đầu cuộc họp, lần lượt các tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và Cao Văn Viên báo cáo tình hình, ông Johnson có vẽ “tai chểnh tai mảng” vì thấy ông quay sang hỏi chuyện một cộng sự viên. Bất thần, sau khi nghe tướng Cao Văn Viên trình bày xong về vấn đề quân sự, ông yêu cầu Giáo sư Vũ Quốc Thúc trình bày về việc soạn thảo Kế hoạch hậu chiến.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc đề cập đến sự việc này khiến tôi nhớ đến Hội nghị thượng đỉnh Manila tháng 10/1966. Ông Nguyễn Xuân Phong tháp tùng Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu tham dự hội nghị cùng TT Johnson và các nguyên thủ đồng minh như Úc, Tây Tân Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn và Thái Lan về việc giải quyết chiến tranh Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Phong được đọc qua bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ đọc tại hội nghị “do các phụ tá của ông soạn thảo rất kêu, nói lên quyết tâm bất biến của Sàigòn là tiếp tục chiến đấu”. Ông Nguyễn Xuân Phong thưa thẳng “bài diễn văn hoàn toàn lạc đề đối với một hội nghị thượng đỉnh cho ước vọng hòa bình”. Ông Nguyễn Văn Thiệu rất khó chịu khi nghe lời nhận xét như vậy, ông nổi giận ném bản thảo cho ông Nguyễn Xuân Phong, bảo ông sửa lại. Ông Nguyễn Xuân Phong viết bài diễn văn khác chỉ đọc trong khoảng 10 phút thay vì 30 phút như bài cũ. Sau khi Tổng Thống Marcos tuyên bố khai mạc, ông Nguyễn Văn Thiệu là người đầu tiên phát biểu. Bài diễn văn của ông mở đầu bằng câu “Chúng tôi muốn có hòa bình”. Câu này đã làm cho Tổng Thống Johnson và toàn thể cử tọa của phiên họp quốc tế lập tức đứng lên vỗ tay tán thưởng ông Nguyễn Văn Thiệu khá lâu. Trong cuộc họp thượng đỉnh này, ông Phong được nghe vị Trưởng phái đoàn Nam Hàn cho biết Tổng Thống Nam Hàn (Park Chung Hee) cảnh giác là nếu như hòa đàm có xảy ra, Sàigòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia, và Sàigòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, rồi cuối cùng chỉ phải chấp nhận và tuân hành (10)

Những điểm trên cho thấy, từ 1966 Tổng Thống Johnson đã chủ trương kết thúc chiến tranh bằng một giải pháp hòa bình. Ông đã gởi phái đoàn Lilienthal sang Việt Nam lập Kế hoạch Hậu chiến cho thấy ý đồ của Mỹ là muốn chấm dứt chiến tranh qua một cuộc điều đình trong đó sẽ không có ai thắng không có ai bại. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hà Nội bắt đầu khai diễn tại Paris từ ngày 13/5/1968. Cùng thời gian này, ông Trần Văn Hương được mời làm thủ tướng. Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ chưa diễn ra, Johnson vẫn còn là tổng thống vì vậy Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cần chứng tỏ với Hoa Kỳ thiện chí của chính quyền quốc gia hưởng ứng thiết lập kế hoạch hậu chiến rồi tìm cách chấm dứt chiến tranh qua một cuộc điều đình. Do đó, Giáo sư Vũ Quốc Thúc được mời giữ chức vụ Quốc Vụ Khanh phụ trách Kế hoạch Hậu chiến. Ông Lilienthal đã đích thân tới Sàigòn để cùng Giáo sư Thúc đệ trình kế hoạch Hậu chiến lên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong dịp này các chuyên gia tháp tùng ông Lilienthal đã giải thích những điểm chủ yếu của dự án thủy lợi vùng hạ lưu sông Cửu Long.

Sau khi Nixon đắc cử, Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh. Hậu quả đầu tiên là nội các Trần Văn Hương được thay thế bằng nội các Trần Thiện Khiêm (1/9/1969). Trần Thiện Khiêm là một Đại tướng bây giờ đảm trách chức vụ thủ tướng, điều đó có nghĩa là từ nay Việt Nam không còn tùy thuộc nhiều vào Mỹ nữa về mặt chính trị. Việc thay đổi nội các dân sự trong đó có những người chủ trương điều đình để đạt tới hòa bình, bằng một nội các do một đại tướng làm thủ tướng có nghĩa là chính quyền quốc gia đã thay đổi đường lối: không còn sẳn sàng nhượng bộ đối phương. Do đó, khi Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm mời Giáo sư Vũ Quốc Thúc ở lại trong nội các, ông đề nghị đổi danh hiệu Quốc Vụ Khanh Đặc trách Kế hoạch Hậu chiến thành Quốc Vụ Khanh Đặc tránh Tái thiết và Phát triển. Nếu trong trường họp kế hoạch Hậu chiến được Tổng Thống Nixon chấp nhận, ông sẽ tiến hành việc chuẩn bị tái thiết và phát triển thực sự. Không phải chỉ hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại, trái lại phải cố gắng phát triển kinh tế: dù dưới hoàn cảnh nào chăng nữa, ít nhất cũng phải đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế tương lai. Phải chuẩn bị ngay đang lúc còn chiến tranh, chuẩn bị người, chuẩn bị các dự án, chuẩn bị các phương tiện, chuẩn bị những sự móc nối về phương diện quốc nội cũng như về phương diện quốc tế. Có như thế khi chiến tranh chấm dứt mới có thể bắt tay vào việc ngay được.

Công cuộc chuẩn bị nếu có hoàn cảnh sẽ hết sức quan trọng. Sau khi quân đội Mỹ rút hết, ngoài những loại vũ khí dành cho quân đội, còn có những cơ sở đã được xây dựng trong chiến tranh như các phi trường, các hải cảng. Đặc biệt hải cảng Cam Ranh trong thời bình có thể biến thành một cảng nước sâu để đón tiếp “tàu thùng” (container ships) mở đường cho sự phát triển kinh tế toàn nước ta. Vì thế Giáo sư Vũ Quốc Thúc chú trọng rất nhiều đến những cơ sở đã được quân đội Mỹ xây dựng trong cuộc chiến. Những cơ sở đó có thể dùng vào công cuộc tái thiết hòa bình. Đó là những tài sản công cộng cần phải được duy trì, không nên để bị hủy diệt hoặc hư hại. Đừng quên rằng một khi chiến tranh chấm dứt không thiếu gì kẻ tham tâm tìm cách “thổ phỉ” để kiếm lợi riêng. Trên cương vị kẻ phụ trách tái thiết và phát triển, ông phải tìm cách kiểm soát và theo dõi tình trạng của những cơ sở như thế. Thí dụ cơ sở Long Bình chứa đựng rất nhiều dụng cụ cần thiết cho quân đội Hoa Kỳ trong thời chiến tranh, từ những phụ tùng để sửa chửa máy móc, xe cộ tới nhiều thứ vật liệu khác. Những thứ này đều xếp trong hàng dãy kho được xây cất rất kiên cố.

Nhiệm vụ của Quốc Vụ Khanh Đặc trách Tái thiết và Phát triển là phải theo dõi tất cả những phương tiện do Mỹ để lại, những đồ gọi là phế thải nhưng còn mới nguyên, có giá trị rất cao trên thị trường. Khỏi cần nói có nhiều người dòm ngó, vì người ta có thể đánh cắp quá dễ dàng: làm gì có những bản kê khai tường tận từ cái đinh ốc, cái bu lon trở đi. Tháng 6/1971, Giáo sư Vũ Quốc Thúc được ông Đại tá Hoa Kỳ phụ trách kho Long Bình mời đến thăm kho Long Bình. Ông ta đưa Giáo sư Vũ Quốc Thúc đi thăm tất cả những hầm trong đó chứa những khí cụ, phụ tùng, vật liệu… còn tồn trữ trong kho. Ông hiểu Hoa Kỳ đã có ý trao lại cho Việt Nam những vật liệu “phế thải” này để dùng vào việc tái thiết đất nước một khi chiến tranh kết thúc. Vì là Quốc Vụ Khanh đặc trách tái thiết và phát triển nên ông được mời đi coi những kho đó. Việc này là hợp lý. Nhưng điều ông không ngờ mà cũng không hề nghĩ tới là những đồ phế thải này có thể trở thành nguồn lợi của một số nhân vật có quyền thế. Thay vì bảo trì những khí cụ, vật liệu này để dùng vào công cuộc tái thiết xứ sở, nhượng lại cho các con buôn, người ta có thể kiếm được những số tiền rất lớn không phải bằng tiền Việt Nam mà bằng ngoại tệ có thể ký thác ở ngân hàng ngoại quốc.

Phải chăng đó là lý do thầm kín khiến người ta nghi ngại khi thấy ông Đại tá Mỹ coi kho Long Bình mời Giáo sư Vũ Quốc Thúc đến thăm công khai như vậy? Hai ngày sau cuộc viếng thăm Long Bình, Nội các Trần Thiện Khiêm cải tổ, và chức vụ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Tái thiết và Phát triển bị bãi bỏ. Giáo sư Vũ Quốc Thúc giả từ chính quyền từ tháng 6/1971, ông trở lại ngành giáo dục. Ông được Đại học Vạn Hạnh mời tham gia ban giảng huấn. Ông đã nhận giảng môn kinh tế như ở trường Chính trị Kinh doanh Viện Đại học Đà Lạt. Lúc đó, Đại học Vạn Hạnh có tổ chức một buổi nói chuyện sau khi Hiệp Định Paris 27/1/1973 ký kết. Ông được mời đến để giải thích cho các sinh viên hiểu rõ nội dung cũng như hậu quả của hiệp định Paris. Quả thực lúc đó hãy còn mới quá, Giáo sư Vũ Quốc Thúc thừa nhận, chính nội dung ông cũng chưa được biết toàn thể nói chi đến hậu quả, nên ông chỉ trình bày một cách đại cương.

Chương kết đau thương của cuộc chiến Việt Nam

Như trình bày trên, từ 1966 đến 1968, Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã cùng ông Lilienthal và nhóm chuyên viên Việt Mỹ phác họa xong Kế hoạch Hậu chiến. Kế hoạch được đích thân ông Lilienthal và nhóm phụ tá Mỹ tường trình lên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hồi giữa năm 1968. Còn Giáo sư Vũ Quốc Thúc được cử thi hành kế hoạch với chức vụ Quốc Vụ Khanh: Đặc trách Kế hoạch Hậu chiến trong Nội các Trần Văn Hương (5/1968-9/1969) và Đặc trách Tái thiết và Phát triển trong Nội các Trần Thiện Khiêm (9/1969-6/1971).
Sau đó ông giả từ chính quyền, kế hoạch Hậu chiến do Tổng Thống Johnson chủ trương kể như không thực hiện được, vì đảng Dân chủ đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng 11/1968.
Trong cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 29/9/2010 (đã kể trên), Tiến Sĩ Henry Kissinger tiết lộ trong năm 1968, lập trường chính thức của Mỹ là rút quân song phương, trong đó Hoa Kỳ sẽ bắt đầu rút sau Bắc Việt. Và chính phủ trước (Johnson) đã để lại tài liệu do Harriman và Vance thảo, với nhận định rằng sau khi cuộc chiến Việt Nam được dàn xếp, số lính Mỹ cần phải giữ lại tại Việt Nam là 260 ngàn. Điều tiết lộ trên, cho thấy Kế hoạch Hậu chiến của Đảng Dân Chủ Mỹ sẽ được tiến hành trong khi Hoa Kỳ vẫn còn duy trì 260 ngàn quân ở Việt Nam. Và như Giáo Sư Vũ Quốc Thúc kết luận ở trên: “Nếu Hoa Kỳ không thể khuyến cáo chính quyền Quốc gia Việt Nam mở rộng thành chính quyền liên hiệp quốc gia ở cấp trung ương, thì ít nhất cũng có thể thực hiện sự cộng tác ở cấp địa phương. Khi người dân địa phương thấy có lợi, dù theo phe nào chăng nữa vì quyền lợi chung, họ sẽ sẳn sàng tham gia. Đó cũng là những thí điểm, nếu sự cộng tác mang lại kết quả tốt đẹp người ta sẽ sẳn sàng đi tới sự hòa hợp ở cấp trung ương”.

Đảng Dân Chủ Mỹ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/1968. Ông Nixon thuộc Đảng Cộng hòa đắc cử, kế hoạch hậu chiến cho Việt Nam đã đổi khác. Tổng Thống Nixon lãnh đạo Hoa Kỳ khi phong trào phản chiến phát triển mạnh. Họ đòi “Các anh phải rút ra ngay bây giờ. Việc các anh đã can thiệp vào (Việt Nam) là vô đạo đức”. Trong tình thế đó, Tổng Thống Nixon thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng để đảm nhận vai trò phòng thủ khi Hoa Kỳ rút quân, đồng thời yểm trợ chương trình bình định nông thôn. Với kết quả khả quan của chiến dịch Phượng hoàng, Việt Nam Cộng Hoà đã đánh bật hạ tầng cơ sở Cộng Sản khỏi nông thôn. Từ 1969 đến 1971 đã có 21 ngàn cán bộ hạ tầng Cộng Sản bị giết, hơn 46 ngàn bị bắt hoặc ra hồi chánh. Lúc bấy giờ Sir Robert Thompson với tư cách Cố vấn Đặc biệt được Tổng Thống Nixon cử sang Việt Nam để nhận định tình hình tại chỗ. Trong phúc trình, ông ta nhấn mạnh rằng “Có thể đến nhiều vùng ở nông thôn Miền Nam một cách bình yên, những nơi mà trước đây đã nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Cộng rất nhiều năm”. (11)

An ninh nông thôn được vãn hồi, Việt Nam Cộng Hoà thực hiện chương trình Người Cày Có Ruộng. Luật Người Cày Có Ruộng ra đời năm 1970 dành cho những người trực canh được làm chủ mảnh ruộng mà mình đang canh tác. Đa số những tiểu điền chủ mới này là những nông dân đã bám ruộng, bám làng trong suốt những năm chiến tranh, con cháu họ đã bị cộng sản bắt xung vào du kích và bộ đội, phần lớn đã hy sinh. Với phân bón, máy cày và máy bơm nước được nhập cảng ồ ạt, với giống lúa thần nông cho nhiều năng suất, với chính sách nâng đỡ giá lúa và miễn thuế ba năm của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, hầu hết nông dân trở thành phú nông hoặc tiểu điền chủ. Máy cày và các loại nông cơ đã thấy nhan nhản trên đồng ruộng Miền Nam. Chỉ riêng tỉnh An giang, một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã có đến 25 ngàn máy cày đủ loại, từ thứ nhỏ 7 mã lực đến thứ lớn 60 mã lực. (12) Nhiều nông dân trung lưu đã có máy truyền hình, mô tô hai bánh của Nhật và trang bị máy phát điện riêng. Mọi tiện nghi của một xã hội tiến bộ đã nằm trong tay người nông dân Miền Nam.

Hoa Kỳ còn xúc tiến công trình điện khí hóa nông thôn phối hợp với việc canh tân hệ thống cầu cống xa lộ Miền Nam. Xa lộ nối liền Sàigòn với miền Trung kéo dài tới Quảng Trị. Xa lộ nối liền Sàigòn với Bình Long, Tây Ninh, Vũng Tàu và các tỉnh Hậu Giang được xây dựng. Các khu kỹ nghệ, các công trình đầu tư xây dựng mọc lên khắp nơi. Tất cả những nỗ lực trên minh chứng cho sức mạnh của người quốc gia nhằm phục vụ cho cuộc tổng tuyển cử thực hiện quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam và thống nhất đất nước được đề cập trong Hiệp định Paris 1973.

Hoa Kỳ đã tìm cách thỏa hiệp với Hà Nội và hai nước cộng sản đàn anh Liên Xô và Trung Cộng để kết thúc chiến tranh Việt Nam trong danh dự: Không có kẻ thắng người bại. Hiệp định Paris 1973 ra đời đều có lợi cho các thế lực trong và ngoài nước có liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam. Giờ đây tương lai dân tộc là do những người lãnh đạo đất nước quyết định. Đối với Miền Nam tự do, Hiệp định Paris 1973 ra đời trong hoàn cảnh thuận lợi, không còn cần sự hiện diện của 260 ngàn quân Mỹ. Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn nguyên vẹn từ trung ương đến địa phương. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà với quân số gần một triệu quân được trang bị đầy đủ. Trong 10 năm cầm quyền, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thấy rõ chủ trương của Tổng Thống Johnson và Nixon là vãn hồi hòa bình, tạo cơ hội thuận lợi để Việt Nam Cộng Hoà bước vào thời hậu chiến. Nhưng rất tiếc ông Nguyễn văn Thiệu không muốn thỏa hiệp, ông chỉ muốn đeo đuổi chiến tranh để đạt đến thắng lợi cuối cùng. Từ 1966 đến 1975, trải qua biết bao biến đổi, song ông vẫn giữ con đường cũ. Hậu quả là biến cố 30/4/1975.
Còn những người Cộng sản, họ cũng không muốn thỏa hiệp với dân tộc. Họ đã chiến đấu chống Pháp và Mỹ trong suốt 30 năm vì nghĩa vụ thống nhất đất nước. Sau 1975 họ áp đặt chế độ độc tài lên nhân dân và đưa cả nước vào quỹ đạo Liên Xô. Họ không phục vụ quyền lợi dân tộc. Họ chống Pháp Mỹ để mang ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Cộng vào Việt Nam tạo ra mối hận thù dân tộc. Không những họ phản bội dân tộc mà còn phản bội Trung Cộng nên Đặng Tiểu Bình lên án là phường vong ân bội nghĩa và dạy cho bài học. Khi Liên Xô và khối Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, từ 1991 đến họ quay về thần phục Bắc Kinh. Họ phải ký những hiệp ước biên giới trên bộ và vịnh Bắc Việt rất bất lợi cho Việt Nam so với những hiệp ước mà người Pháp nhân danh Việt Nam ký với Trung Hoa hồi cuối thế kỷ 19. Tiếp theo là những xung đột ở biển Đông, khiến Tổng Thống Bush tuyên bố với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 6/2008: Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là nội dung điều 1 của Hiệp định Paris 1973, đến năm 2008, đã trải qua 35 năm song Hoa Kỳ vẫn còn nhớ đến trách nhiệm của mình đối với Việt Nam.
Ba tháng trước đây, Hoa Kỳ đã tham dự một hội nghị với bốn quốc gia thuộc khu vực hạ lưu sông Cửu Long đang khốn khổ vì Trung Cộng xây đập giữ nước trên thượng nguồn Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Sau đó trong cuộc họp báo chung (30/10/2010) tại Hà Nội với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Gia Khiêm, bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đề cập về sáng kiến Hạ lưu Mekong trong việc tìm kiếm những phương cách và sự hợp tác hai nước, nhằm làm giảm nhẹ các thiệt hại môi trường đang xảy ra ở hạ lưu sông Mekong. Một trong sáng kiến đó là xây dựng các đập ở đây. Sự kiện này khiến người ta nhớ lại dự án phục hồi kinh tế nước Mỹ hồi đầu thập niên 1930 với việc quy hoạch sông Tennessee, xây dựng các đập thủy điện trên sông này trải dài qua 16 tiểu bang ở Mỹ. Kế hoạch thành công mỹ mãn, vì thế hồi giữa thập niên 1960 ông Lilienthal đã mang sáng kiến đó sang Việt Nam vừa giúp chấm dứt chiến tranh vừa để phát triển đất nước thời hậu chiến.

Với sáng kiến hạ lưu sông Mekong cho thấy Hoa Kỳ vẫn không quên “truyền thống của mình là đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và toàn Đông Dương” vì “Hoa Kỳ mong rằng hiệp định này sẽ mang lại một thời kỳ hòa giải với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cũng như với tất cả dân tộc ở Đông Dương”. Đó là nội dung điều 21 của Hiệp định Paris 1973. Nghĩa vụ này chưa được thực hiện vì trong gần 40 năm qua, giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam chưa thấy được mục tiêu và thiện chí của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam nên chưa chịu hòa giải và hợp tác với Hoa Kỳ.

Lê Quế Lâm
Đầu năm Tân Mão 2011


Chú thích:

1- Henry Kissinger, Kinh nghiệm Mỹ tại Đông Nam Á: Hội thảo khảo cứu lịch sử (Nguồn: U.S. Department of State, Trương Minh Trí chuyển ngữ, Thông Luận Paris 2011)

2- U.S. Department of State, American Foreign Policy 1950-1955, Basic Documents, Government Printing Office, Washington DC, 1957, PP 2401/2404.

3- G. Chaffard, Indochine: Dix Ans D’independence, Calmann Levy, Paris, 1964, PP 95+98

4- Đỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi, California, 1987, Tr. 249

5- Đỗ Mậu, Sđd, Tr. 403 + Tr. 399-400.

6- Neil Sheehan, A Bright Shinning Lie, Picador, London, 1990, P. 186

7- Học Viện Quan hệ Quốc tế, Thắng lợi có tính thời đại và cuộc đấu tranh trên mặt trận đối ngoại của nhân dân ta, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, Tr. 88

8- Morris West, The Ambassador, Heinemann, London, 1965, P.158

9- Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử: Hồi ký lịch sử 1945-1965, Trí Dũng xuất bản, Sàigòn, 1972, Tr. 363.

10- Nguyen Xuan Phong, Hope And Vanquished Reality, A publication of Center for A Science of Hope, 2001, PP. 192-193 & 195. (Đọc thêm Báo Sàigòn Times Úc Châu từ số 648 đến 661: Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang, Bản dịch của Phan Quân).

11- Richard M. Nixon, The Real War, Warner Books, NY, 1981, P.117

12- Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Nhóm Nghiên cứu Sử Địa VN, Montreal, 1979, Tr. 86.

© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: