Wednesday, February 2, 2011

PHỞ BẢN VỊ, ỐNG ĐỒNG BẢN VỊ (Nguyễn Hoàng Văn)

02.02.2011

Tưởng đã bàn đến chán chê chuyện bún phở[1] và sẽ không bao giờ quay lại, đến khi đọc “Chuyện tô phở và lương giảng viên, công an của nhà giáo Hà Văn Thịnh tôi không thể nhịn được.

Không nhịn nổi, tôi không thể không dẫn lại bài viết về “tô phở 35 đô la” của tác giả, đăng trên trang mạng Bauxite:
“Đọc BBC, 21.1.2011, bài của Alastair Leithead ,[2] viết về chuyện ông ấy đi ăn tô phở có giá 35USD (tức gần 800.000 đồng) ở Hà Nội xong, tôi choáng váng và tự thề với chính mình rằng kể từ nay, phải lập thiền để minh định chính xác là mình còn chưa bằng con cóc ngồi đáy giếng, thực ra mình chẳng biết khu trời, đít bụt ở đâu, thành thử, lâu nay, về cơ bản, là chẳng hiểu chút chi chuyện đời, cứ nói như gã đang ăn ốc và... mò!
Alastair Leihead kể rằng ông “quyết tâm” đi ăn bằng được tô phở đắt nhất Việt Nam (có khi là cả thế giới) vì ông không nghĩ nó có nguyên liệu là thịt bò Kobe (Nhật Bản) nên đắt mà ông muốn biết ai có đủ tiền để ăn, tiền đâu mà ăn? ... Câu chuyện kể tiếp rằng một nhân viên chính phủ thấy mình có lỗi khi ăn tô phở đắt chừng ấy và một Ủy viên Trung ương Đảng vội vàng chui vào chiếc xe Mercedes bóng lộn sau khi phát hiện có phóng viên nước ngoài nhìn thấy.
Cái tài của các nhà báo phương Tây là họ luôn phát hiện những vấn đề lớn từ những câu chuyện nhỏ. Phở thì bác Nguyễn Tuân đã bàn từ cái thời anh Ba D. chưa đi mẫu giáo nhưng từ cái chuyện phở để rồi xót xa, nước mắt giàn giụa không phải vì ớt cay thì có lẽ bác Nguyễn phải gọi Leihead là bậc thượng thừa.
Trường đại học nơi tôi công tác, nhận giảng viên (những người giỏi nhất) vào để đi dạy nhằm phát huy nền tảng dân trí, dân khí của nước nhà với lương khởi điểm là 1.290.000 đồng! Chỉ có trời mới biết được giảng viên làm sao sống nổi khi tiền thuê một căn phòng nhỏ nhất có thể là 500.000 đồng, chưa kể tiền xăng xe, tiền ăn... Làm sao đọc sách cho yên, giảng bài cho tốt khi cái bụng cứ réo những câu khẩu hiệu nhàm chán, nhọc nhằn như có thực mới vực được đạo, cơm ăn một bát sao no? Một cựu sinh viện của tôi, được giữ lại trường hơn 10 năm, lương bây giờ là 2,4 triệu đồng. Thằng bạn cùng lớp với nó, học dốt thì đạt đến cỡ âu thâu rầu (ôi thôi rồi), vào làm công an, nay đeo lon thượng úy, lương hơn 4 triệu đồng – tức là bằng lương của tôi, người đã có 34 năm đứng trên bục giảng đại học!
Sự dối trá không phải tìm ở đâu xa – nó diễn ra ngay trước mắt chúng ta, xung quanh chúng ta. Tại sao lương công an cao vòi vọi còn lương của trí thức thì thấp lè tè, thấp hơn cả cái lai quần chị Dậu? Hỏi là đã trả lời vì nó minh bạch hoá một thực tế phũ phàng rằng coi trọng trí thức, phát triển giáo dục chỉ mãi là những khẩu hiệu rối rắm mà thôi. Nói “thương” (tội nghiệp) cho trí thức cũng chẳng khác gì chuyện dân gian: Một người vợ nghèo, đi làm về, đói bụng, ăn một tô phở xong, thương chồng quá nên mua cho anh ta hai củ khoai.
Chống tham nhũng ở đâu trong khi tại sao không đến quán phở 35USD để lườm ngang một chút? Những lời nói có cánh như bèo dạt, mây trôi, dân đen chúng tôi nghe quen và quá đủ rồi. Ban chống tham nhũng ở tất cả các địa phương trên cả nước có dám công khai tài sản cá nhân, có dám chứng minh rằng lương của một giảng viên đại học chỉ bằng số tiền trả cho một Ủy viên Trung ương ăn một tô phở rưỡi (trong trường hợp BBC không sai) ? Tại sao có thể bịp bợm chương hồi, lì lợm khó tả và dối trá thì bền vững đến mức phải bàng hoàng?
Người dân biết nhiều lắm chứ không phải u mê như các ngài vẫn tưởng. Hãy đừng thay đổi bằng mồm mà, trước hết, hãy bắt đầu từ tô phở 35 USD. Bảo đảm rằng ngay cả người giàu khi ăn tô phở như thế cũng phải đắn đo nhiều lắm. Thế nhưng, các quan chức của ta, họ dễ ăn, dễ mặt dày mày hợm lắm, vì tiền của dân đóng góp, các vị cứ vơ vào và tiêu pha có cần phải tính toán gì đâu...”

*

Tác giả Hà Văn Thịnh là một nhà sử học và bài viết trên là một lát cắt chớp nhoáng về hiện trạng xã hội Việt Nam nhìn từ tô phở 35 đô la. Tôi xin phép kéo dài thêm, ngược thời gian đến mức có thể ngược được qua mấy thông tin ít ỏi còn giữ được.

Cũng phở, trong cuộc họp tháng 10.2003, khi quốc hội Việt Nam lại bàn về chuyện kinh tế – xã hội, nữ đại biểu Hoàng Thị Hường của tỉnh Quảng Nam đăng đàn phát biểu:
“Khi lương 210,000 đồng thì bát phở ở quê 3,000 đồng, nhưng lương 290,000 đồng thì bát phở đã lên 5,000 đồng. Chính phủ nên xem xét thế nào để mức lương tối thiểu phải tương ứng với mức sống trung bình.” [3]

Những kẻ mỵ dân có thể bảo: lương ngày càng tăng, đời sống ngày càng sung túc, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, ai dám bảo ngược? Nhưng không cần nói chuyện “đồng đại / lịch đại” xa vời, chỉ cần tính theo “phở bản vị” thôi đã thấy. Lương chưa tăng, công sức của một công bộc quốc gia xứng đáng 70 tô phở. Lương tăng rồi thì chỉ 58 tô thôi, nghĩa là một bước thụt lùi của đất nước trên khía cạnh kinh tế - xã hội.

Cũng năm 2003, trong bài tản văn “Phở hoài cảm” đăng trên tạp chí Hợp Lưu, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hồi tưởng về cái thời “ăn phở hoàng kim” của mình. Đó là năm 1957, khi tác giả từ Huế vào Sài Gòn học sư phạm và sáng nào cũng xơi một tô phở tái. Khi đó, học bổng dành cho sinh viên sư phạm mỗi tháng 1,500 đồng trong khi giá phở Sài Gòn chỉ có một đồng mỗi tô.[4]

Tính theo “phở bản vị” thì suất học bổng này trị giá 1,500 tô, chưa kể cái sự được trú miễn phí tại ký túc xá. Không biết có phải do đời sinh viên này nồng... hương phở quá hay không mà gã sinh viên ấy đã cần mẫn lãnh trọn vẹn số học bổng trị giá 72,000 tô rồi quay về Huế tiếp tục múa may lên bục giảng, phải chờ đến lúc bị dồn vào thế cùng sau biến động miền Trung mới chịu bỏ ra khu tham gia “cách mạng”. Nhà “cách mạng” này, nhìn theo “phở bản vị”, đã không đành lòng giã từ hương phở đô thị để dấn thân sớm sủa như mấy nhà “cách mạng” Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết...

Bọn này làm “cách mạng” là để vừa “đánh đuổi đế quốc xâm lược”, vừa làm một cuộc “cách mạng giai cấp” nhằm “thay đổi nền tảng xã hội, đưa đất nước tiến tới chủ nghĩa cộng sản”, cái hình thái kinh tế - chính trị mà họ khoe khoang là “mùa xuân nhân loại”. “Xuân nhân loại” đâu chưa thấy, cả trên lý thuyết cũng không thể thấy nổi, chỉ thấy những bước thụt lùi rất cụ thể theo phở bản vị. Sau gần nửa thế kỷ, từ 1957 đến 2003, cuộc cánh mạng mà Tường, Sang và Triết tham gia đã hạ thấp chỉ số kinh tế - xã hội một cách khủng khiếp: từ 1,500 tô phở cho một “chuẩn công bộc quốc gia” (của chế độ Việt Nam Cộng Hòa) xuống chỉ còn 58 tô cho một “công bộc quốc gia” thực thụ (của chế độ Cộng Hoà XHCN Việt Nam).

Nhưng để công bằng thì cần phải bù trừ theo sự thăng trầm trong phẩm lượng của tô phở sau một thời gian dài như thế. Thời gian cách biệt thì hẳn phẩm lượng phở cũng ít nhiều cách biệt, hay nói theo các nhà kinh tế học là những “value-added”, những phần “giá trị gia tăng” đã thêm vào hay bị tước mất của tô phở?

Tiếc là không có tài liệu nào giúp chúng ta định giá chính xác cả. Chỉ có thứ phở thượng lưu với phần “giá trị gia tăng” là những khoanh thịt bò Kobe, thứ thịt bò thượng hạng với những “vân” mỡ thơm phức lan tỏa trong súc thịt như thể vân gỗ cẩm lai hay vân đá marble, loại phở chỉ hợp với “giá trị” của những “công bộc quốc gia” hạng thượng lưu, những kẻ tiêu tiền như rác, không thua gì “Trần Trinh Huy” hay “George Phước” ngày nào.[5]

Bao giớ cũng vậy, những kẻ giàu xổi, cái bọn giàu lên không phải bằng mồ hôi hay trí tuệ của mình, thường có thói tật hãnh tiến rất xấu là nôn nao “khẳng định mình” qua phong cách ăn chơi, ăn chơi sao cho hơn người, cho khác người. Nhưng phong cách ăn chơi không chỉ là mức độ vung tiền qua cửa sổ mà còn là bản lĩnh trong cái sự vung tiền. Nếu những tay ăn chơi Huy, Phước ngày cũ nghênh ngang, ung dung tự tại và bất cần đời với cách tiêu tiền của mình thì những công bộc thượng lưu hôm nay mới tồi tàn làm sao: ăn tô phở mà cũng thập thò thập thỏm, lén lút như là quân ăn vụng.

Tại sao một cư dân thuộc địa có thể ngang tàng ăn chơi ngay tại thủ đô mẫu quốc, mà một ủy viên trung ương – “đại biểu kiệt xuất” của “giai cấp tiền phong” đang cầm quyền – lại hoảng sợ bỏ chạy trốn ngay trên đất nước “độc lập - tự do - hạnh phúc” của mình?

Ăn tô phở tưởng là rất sang mà cực kỳ hèn, phải chui vào xe Mercedes núp, quá bằng tên tướng xâm lược Thoát Hoan ngày nào khi bị quân đội nhà Trần truy đuổi và mai phục, phải chui vào ống đồng cho quân sĩ khiêng chạy.[6]
Đã chơi thì phải biết chịu, ham chơi mà không dám chịu bao giờ cũng bị xem là hèn. Mà đã hèn thế thì làm sao đáng mặt là “giai cấp tiền phong” nói gì là đảm nhận những vai trò như “đỉnh cao trí tuệ” hay “đại biểu kiệt xuất” của giai cấp đó?
Phẩm giá của “giai cấp cầm quyền” có thể hạ thấp đến mức ấy hay sao?

Như thế chúng ta cần mở rộng vấn đề bằng một thứ thước đo mới, cái “ống đồng Thoát Hoan”. “Phở bản vị” cho phép chúng ta đánh giá thành tựu kinh tế - xã hội của một “chính quyền cách mạng”, “ống đồng bản vị” giúp chúng ta nhìn rõ bản chất “cách mạng” của bọn nhà cầm quyền ấy.
Xưa tên tướng xâm lược Thoát Hoan chui vào ống đồng núp. Nay bọn cách mạng cầm quyền này chui vào... Mercedes núp: chiếc xe hơi bóng lộn này, suy cho cùng, cũng là một thứ “ống đồng”.
Nhưng vẫn có cái khác. Chúng ta không biết cái ống đồng của Thoát Hoan có công dụng cụ thể như thể nào, là một dụng cụ dành cho việc chiến đấu hay chỉ là công cụ trong tay toán quân hậu cần? Nhưng gì thì gì, nó cũng chỉ là một cái ống đồng, một phương tiện chiến tranh, trong khi cái “ống đồng - Mercedes” nói trên thì chỉ là một thứ “phở 35 đô la”.[7]

Như thế thì vấn đề cần đặt ra ở đây là sự ngớ ngẩn của nhà cầm quyền ăn vụng khi mượn một tô phở 35 đô la nghĩa bóng để che đậy một tô phở 35 đô la nghĩa đen?
Chí ít, chúng ta có thể tạm rút ra ba ý nghĩa của chi tiết này.

Thứ nhất là thái độ hai mặt với lề luật của kẻ cầm quyền: luật ở ngay căn nhà của va và luật bên nhà hàng xóm.
Trong căn nhà của va thì thây kệ, xem như chỉ có luật rừng, chính va là pháp luật. Nhưng chưa cần bước sang nhà bên, chỉ cần người nhà bên ghé mắt nhìn sang thôi, va đã chột dạ, lo lắng nghĩ đến luật của nhà bên. Và vì chột dạ như vậy nên khi thấy thấp thoáng bóng dáng của một ký giả nước ngoài, va mới co giò chạy, chui đầu vào cái ống đồng Mercedes núp kín.

Thứ hai là tình trạng “không nơi ẩn núp”, “không gì che đậy”, phải dùng một sự giả trá này để che đậy một sự giả trá khác.
Thoát Hoan có bại trận, phải chui vào ống đồng núp thì, dù trông rất hèn, cái ống này vẫn là nơi che chở thực sự có tác dụng, bảo vệ y trước trận mưa của những mũi tên tẩm thuốc độc. Và khi bỏ chạy như thế, Thoát Hoan vẫn còn có chỗ để chạy về, còn được ông bố Hốt Tất Liệt tạo cơ hội để đoái công chuộc tội. Mà cả khi bị thất bại trong cuộc xâm lược sau cùng ấy thì, dù bị bố giận dữ truyền lệnh đày ải, vĩnh viễn không cho về kinh đô, y vẫn còn có một vùng biên ải để mặc sức tung hoành. Còn nhà cầm quyền kia của chúng ta thì thậm chí không có một cái “ống đồng” ra hồn với ý nghĩa về một sự che chắn thực sự có tác dụng: va ăn vụng phở 35 đô la nghĩa đen, bị bắt quả tang, va chui đầu vào một tô phở 35 đô la nghĩa bóng để núp.

Thứ ba là bản chất xâm lược. Va chạy trốn và chui núp như thể một tên tướng xâm lược vì chính va cũng là một tên ăn cướp và xâm lược (ngay trên đất nước của mình). Nhưng nếu tên tướng xâm lược vẫn còn có chỗ để ẩn núp, để chạy về, thì va hoàn toàn không có.

Vì sao? Vì tên tướng ấy là người phương Bắc, y xâm lược nước ta, cướp bóc dân ta. Còn va thì thì xâm lược chính đất nước của mình, cướp bóc chính đồng bào của mình.

Sydney 1.2.2011


_____________

Chú thích:

[2]Xem bài viết Communist Vietnam's $35 bowl of noodle soup của ký giả Alastair Leithead trên BBC ngày 21.1.2011.
 
[3]Thông tin này được tôi thu thập khi viết các tiểu luận trên, nay các trang chủ không còn giữ nữa!
[4]Có thể xem bài “Phở hoài cảm” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trên trang này: http://my.opera.com/phopo/blog/show.dml/3270922
[5]Tôi muốn nói đến Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu hay “Hắc công tử”) và Lê Công Phước (George Phước, “Bạch công tử”), là những tay chơi khét tiếng trong thập niên 30 – 40 của thế kỷ trước, từng du học tại Pháp và khét tiếng ăn chơi tại đây.
[6]Thoát Hoan (con trai thứ 9 của Hốt Tất Liệt, hai lần chỉ huy toán quân xâm chiếm Việt Nam. Năm 1285, trên đường tháo chạy, khi gặp toán quân phục kích của Hưng Vũ Vương Hiến (con trai Trần Quốc Tuấn), Thoát Hoan đã chui vào ống đồng núp cho quân lính khiêng để chạy thoát về Tư Minh.
[7]Về hình ảnh tương tự với “tô phở 35 đô la nghĩa bóng” của chiếc xe hơi Mecerdes và tính vụng trộm của chủ xe, xin đọc thêm bài Thịt hộp và Mercedes, đăng năm 2004 trên trang talawas.
.
.
.

No comments: