Phan Thế Hải
Đăng ngày: 14:14 10-02-2011
Người Việt biết đến Park từ những năm 60, khi trên đường phố Sài Gòn xuất hiện những người lính Đại Hàn Dân Quốc, mà các đồng chí Cộng quen gọi là “lính Park Chung Hee”. Thời kỳ này, đồng chí Park cũng chơi thân với đồng chí Thiệu và cho công nhân Đại Hàn thi công đoạn đường vành đai phía Bắc Sài Gòn mà dân Việt vẫn gọi là xa lộ Đại Hàn.
Với Chủ tịch, biết đến Park muộn hơn, hồi năm 7 chín, Chủ tịch có đọc tờ báo của Tiệc (Party) nói về vụ đồng chí Park bị ám sát. Báo Tiệc viết đại ý: ngày 26/10/1979 tại một tòa nhà bí mật ở Cheong Wa Dae, vào lúc 7:41 tối, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) Kim Jae-Kyu mời Park Chung Hee đến dự một bữa tiệc tại một tòa nhà của KCIA tại Nhà Xanh. Sau khi Park và các khách mời đã yên vị, Kim bỏ ra ngoài nhằm phát tín hiệu với những đồng chí của mình. Sau đó, Kim bước vào phòng, rút ra một khẩu súng lục và bắn chết viên vệ sĩ chỉ huy của Park Chung Hee, Cha Ji-cheol, rồi bắn nhiều phát vào Park…
Park đã chia tay với cõi dương để về với ông bà ở độ tuổi 62. Park chết, nhưng người Hàn Quốc vẫn nhớ đến Park như là một anh hùng quốc gia của họ, một người đã xây dựng Hàn Quốc trở thành một nhà nước hiện đại. Trong một cuộc khảo sát năm 1996, người Hàn Quốc đã chọn Park là người mà họ muốn nhân bản vô tính nhất.
Ngẫm về cuộc đời của Park, đồng chí này từng là Thiếu tướng và Thủ lĩnh Đảng Dân chủ Cộng hòa. Park là người cầm đầu một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 16/5/1961, lên làm lãnh đạo của Ủy ban Cách mạng. Park trở thành vị Tổng thống thứ ba của Đại Hàn Dân Quốc, tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ, từ ngày 17/12/1963 đến 26/10/1979. Park là người thành lập nền Cộng hòa thứ ba trong lịch sử Hàn Quốc.
Tên tuổi Park gắn liền với công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Hàn Quốc không còn là một đất nước nghèo nàn như những thế kỷ trước nữa, mà vươn lên trở thành một trong những con hổ của châu Á. Về mặt quân sự, Park thực hiện chính sách liên minh với Mỹ, và phái quân sĩ sang chiến đấu tại chiến trường Miền Nam Việt Nam.
Trong 18 năm cầm quyền Park đã thực hiện chính sách độc tài, vi phạm nhân quyền, trấn áp những người theo đường lối Cộng sản và cả những người bất đồng chính kiến và cho gián điệp theo dõi các trường học.Năm 1999, Park được tạp chí Times chọn là một trong 100 người châu Á tiêu biểu của thế kỉ XX. Park vừa là một vị Tổng thống được nhân dân Đại Hàn mến mộ nhưng đồng thời bị chỉ trích như một lãnh đạo độc tài.
Không giống với những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc khoa trương hơn, nổi tiếng hơn của thời cuộc, Park lãnh đạm và chân phương. Ông khơi gợi nguồn cảm hứng cho quốc gia của mình thông qua việc nêu gương chứ không phải qua những bài diễn văn hùng hồn, đầy nhiệt huyết.
Kim Chong Shin, một phóng viên viết về Park vào những năm 1960, cho biết: “Chắc chắn nhiều khía cạnh trong tính cách của ông được bộc lộ không phải qua lời nói mà qua hành động âm thầm lặng lẽ”. Khi phỏng vấn Park vào tháng 6/1975, Don Oberdorfer phát hiện nhân vật quyền lực lại là một người “ít nói và nhút nhát, gần như chẳng có chút gì oai nghiêm, đường bệ”.
Park “ôm một con chó cảnh Chihuahua nhỏ trong lòng và hiếm khi nhìn vào mắt tôi”. Trước công chúng, ông có vẻ xa cách và lạnh lùng. Tiểu thuyết gia Michael Keon đã chứng kiến Park trong một buổi lễ năm 1966 trình bày những hành động về đất đai trước một nhóm người tị nạn CHDCND Triều Tiên “với một vẻ nghiêm nghị, khó gần và chững chạc, có lẽ giống như một thủ lĩnh chiến binh Aztec đang chỉ huy việc khởi công xây dựng một kim tự tháp”.
Có lẽ không có sự kiện nào làm bộc lộ tính cách sắt đá của Park rõ hơn phản ứng của ông trước một âm mưu ám sát kinh hoàng năm 1974. Khi Park đang đọc diễn văn tại Nhà hát quốc gia chật kín người, một người đàn ông đứng dậy khỏi ghế của mình và chạy xuống lối đi của thính phòng, nã đạn từ một khẩu súng lục. Park đã thoát được mà không bị hề hấn gì nhờ cúi nhanh người xuống dưới cái bục.
Tuy nhiên, vợ của Park đang ngồi sau ông đã đổ gục về phía trước trong chiếc ghế của mình. Một viên đạn đã găm trúng vào đầu của bà phu nhân tổng thống. Sau khi các trợ lý mang cơ thể máu me bê bết của bà vợ khỏi nhà hát, Park quay trở lại micro và nói với khán thính giả đang trong cơn sửng sốt đến choáng váng: “Thưa quý vị. Tôi xin tiếp tục bài phát biểu của mình”. Vợ Park chết sau đó vài tiếng.
Khi Park thật sự nói trước đám đông, ông hô hào người dân phải hiến thân cho chương trình kinh tế của ông và sự phát triển của đất nước. Những bài diễn văn của Park đầy nghẹt những lời kêu gọi liên tục phấn đấu tăng năng suất hơn nữa. Trong thông điệp quốc gia thường niên của ông vào tháng 1/1965, Park tuyên bố năm đó là “năm làm việc”. 12 tháng sau, ông lại khẳng định rất nghiêm túc, không hề có ý hài hước rằng năm 1966 là “năm làm việc cực lực hơn”.
Bản thân là một người nghiện công việc, làm việc không biết mệt mỏi. Park thường xuyên ngồi trong văn phòng của mình ở dinh tổng thống, tức Nhà Xanh, trên tay là tập giấy dùng để ghi chú, tính toán theo cách riêng của mình với các số liệu thống kê kinh tế. Thậm chí sau nhiều ngày dài họp hành với các nhà hoạch định chính sách, Park lui về căn hộ riêng của mình trong Nhà Xanh chỉ để nguệch ngoạc viết ra thêm ý tưởng trình bày vào sáng hôm sau.
Ông cố gắng sống một cuộc sống giống như những người lao động Hàn Quốc trung bình. Bữa trưa trong Nhà Xanh của ông thường là một tô mì và ông nhất quyết độn cơm với bo bo như bữa ăn của một người nghèo. Park từng có lần nói: “Càng thiếu thốn, càng hiếm có thì càng tốt miễn là mình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc”. Người Hàn Quốc hưởng ứng lời kêu gọi của ông. Vào cuối thập niên 70, một tuần làm việc trung bình của một công nhân sản xuất Hàn Quốc dài hơn 30% so với của một công nhân Mỹ.
Dù Park và những phương pháp của ông có thể bị xét đoán như thế nào đi chăng nữa thì người ta cũng không thể nghi ngờ sự cống hiến của ông cho việc xây dựng một đất nước Hàn Quốc đầy sức sống kinh tế. Vào buổi sáng đảo chính, Park đã tập hợp những sĩ quan trẻ ủng hộ ông vào một căn phòng ở sở chỉ huy quân đội và hứa với họ sẽ đưa Hàn Quốc tới một tầm giàu có mà ít người nghĩ có thể đạt được.
Ông nói về việc xây dựng một đất nước công nghiệp mà ở đó người dân Hàn Quốc không còn chịu cảnh đói khát, đất nước có đủ tiền để bảo vệ mình chống lại bất cứ kẻ thù nào. Lắng nghe chăm chú, Park Tae Joon, đại tá được Park Chung Hee che chở, đã tin vào lời nói đó. “Nhiều người đi theo ông ấy bất kể ông ấy sẽ làm gì - viên đại tá nói về người chỉ huy của mình - Tất cả mọi người đều tin rằng ông sẽ làm những điều tốt đẹp cho đất nước”.
Mang những khát vọng vĩ đại đó trong đầu, Park Chung Hee bắt đầu hành động giành quyền kiểm soát Hàn Quốc vào buổi sáng đó. Ông sắp sửa đánh cuộc với một trong những thách thức cam go nhất của phép mầu. Thế nhưng, Park lại tiếp cận nhiệm vụ này với một tâm thế tự tin và lạc quan. “Trong tâm trạng điềm tĩnh, tôi ra lệnh cho quân đội cách mạng tiến công - Park viết - Tôi không hề có một chút kích động nào”.
Chứng kiến những người lính tiến qua Seoul “là một hình ảnh nhân văn cao cả khiến tôi rơi nước mắt. Tôi nhìn xuống dòng sông Hàn và nhận thấy những con sóng thật mới mẻ, dòng nước thật tươi mới. Chẳng có thứ gì giống như ngày hôm qua”.
P.T.H. (Bài viết có sử dụng tư liệu của MICHAEL SCHUMAN)
.
.
.
No comments:
Post a Comment