Lá thư Luân Ðôn
Lê Mạnh Hùng
Wednesday, February 09, 2011
Cuối năm 1960 khi tôi đặt chân lên nước Mỹ lần đầu tiên, tôi mới vừa tròn 18 tuổi. Và nước Mỹ mà tôi gặp gỡ là một nước Mỹ còn tràn đầy những hăng say và ước mơ.
Ðó là một nước Mỹ từ chối không chấp nhận rằng có những chuyện không thể làm được; một nước Mỹ dám nhìn thẳng vào sự thật và làm một chuyện gì để đối phó với sự thật đó. Nước Mỹ của những năm đầu thập niên 1960 là một nước Mỹ trong đó “giấc mộng Hoa Kỳ” (American Dream) hãy còn sống động và người ta, nhất là giới thanh niên muốn làm một chuyện gì cho xã hội hơn là chỉ kiếm tiền. Năm 1963 khi tôi được trường chọn lựa cùng với một số những người bạn Mỹ cùng lớp vào học chương trình “honor program” học thẳng hoặc M.Sc về Science hoặc lấy B.Sc về Science và MBA thì hầu hết những người được lưa chọn theo học chương trình này đều không chịu học MBA. Thật là một điều tương phản với về sau này.
Sau nhiều năm rời nước Mỹ trở về Việt Nam, khi tôi qua Mỹ trở lại vào những năm 1990 và sau này trong nhiều năm liên tục đi lại giữa Mỹ và Châu Âu, tôi thấy nước Mỹ mà tôi quen thuộc của thời còn đi học càng ngày càng trở thành một vùng đất huyền thoại. Tuy rằng trên nhiều khía cạnh nước Mỹ hiện nay khá hơn là nước Mỹ hồi đó. Tình trạng kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chống những người có khuynh hướng sống khác đã giảm bớt đi nhiều, nhưng cái tham vọng, cái lý tưởng và cái tinh thần tự tin mà nước Mỹ lúc đó có một cách tự nhiên nay đã hầu như không còn thấy nữa.
Một trong những điều nổi bật đập vào mắt nhất, bề ngoài một số ốc đảo còn hào hoa như Washington, Boston, New York hoặc California và có thể một số vùng khác, ta thấy một nước Mỹ với các nhà máy bỏ hoang đóng cửa không ai canh gác, những thành thị tiêu điều và những nghĩa địa xe hơi. Tại những vùng này, đặc biệt là tại vùng Ðông Bắc hoặc vùng Trung Tây nước Mỹ trông giống như là một nước đang phát triển. Và con đường ngăn cách giữa những hoạt động chết và những hoạt động còn sống có thể thấy ngay một cách rõ ràng. Những xí nghiệp nào liên quan đến sản xuất, làm ra vật dụng thì phải chật vật để tồn tại; những xí nghiệp nào liên quan đến việc bán hàng tiêu thụ thì sống một cách thoải mái. Hoa Kỳ đã trở thành một nước cộng hòa “buy-now-pay-later.”
Việc chuyển hóa Hoa Kỳ từ một nước sản xuất cung ứng sản phẩm cho thế giới sang một nước chỉ tiêu thụ có thể thấy trên cả phương diện truyền thông. Ngay cả những chương trình tin tức hay nhất có vẻ coi khán giả như những kẻ đầu óc ngu tối không có khả năng chịu đựng được bất kỳ một cái gì có chiều sâu một chút. Nước Mỹ của năm 2011 được thể hiện qua những ồn ào tranh luận trên CNN về chương trình The Skins nhập cảng từ Anh xem nó có làm đầu độc thanh thiếu niên Mỹ hay không và có nên được chiếu trên MTV hay không.
Về chính trị nó thể hiện qua hiện tượng phong trào “Tea Party,” mà những điều nói lăng nhăng trên Twitter và blog được hàng triệu người theo dõi một cách sùng kính, coi như là những gương vàng thước ngọc.
Trong bài diễn văn về tình trạng Liên Bang, ông Obama tìm cách kích thích dân Mỹ, gây lại một cái mà ông gọi là “thời điểm Sputnik” (Sputnik moment). Nhưng trái với năm 1957 khi người Nga gởi vệ tinh Sputnik lên trời mà tiếng “bíp, bíp” đã đóng vai trò thức tỉnh tinh thần dân Mỹ, lúc này không có một sự kiện độc nhất, đơn giản nào để làm chuyện đó. Người ta mặc nhiên chấp nhận một sự suy thoái từ từ. Nam Hàn dân Mỹ được nhắc đi nhắc lại có một hệ thống Internet tốt hơn. Ít có nước nào trên thế giới phát triển phải chịu đựng giá điện thoại cao và dịch vụ điện thoại kém như tại Mỹ. Và người ta có thể thấy tình trạng suy thoái trên hạ tầng cơ sở của Mỹ khi lái xe trên những con đường chính chung quanh quận Cam như I-405 hoặc I-5. Ðiều mỉa mai nhất là chính một tờ báo Anh đã lên tiếng cảnh cáo rằng nước Mỹ đang có nguy cơ trở thành một xã hội phân hóa theo giai cấp. Theo nghiên cứu của tổ chức OECD, nước Mỹ nay trở thành một trong những nước mà mức độ thăng tiến xã hội (social mobility) thấp nhất trong thế giới phát triển. Một người Mỹ sinh ra trong phần năm thấp nhất của bậc thang thu nhập có 52% khả năng mắc kẹt lại ở bậc thang này so với 30% cho một người Anh và 25% cho một người Thụy Ðiển vẫn bị coi là xã hội chủ nghĩa.
Bối cảnh của những nỗi lo sợ đó đã giải thích tại sao một cuốn sách của bà Amy Chua “Battle Hymn of the Tiger Mother” đã tạo ra một phản ứng mạnh mẽ như vậy khi bà này tuyên bố những bà mẹ Tầu hay hơn là những bà mẹ Mỹ.
Ðiều đáng buồn là nước Mỹ đã đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay và “giấc mơ Hoa Kỳ” đã là nguồn cảm hứng cho hàng triệu người tại các nước khác giúp họ thúc đẩy nước họ thay đổi. Tại những nơi xa xôi nhất của thế giới, nó đã dạy người ta dám ước mơ và dám làm. Hy vọng rằng nước Mỹ vẫn còn nhiều người giữ được cái giấc mơ đó “to strive for what you want and if you fail strive again.”
.
.
.
No comments:
Post a Comment