Wednesday, February 2, 2011

NHỮNG VẤN ĐỀ LỚN CỦA THẾ KỶ 21 (Paul Achleitner, Spiegel Online)

Paul Achleitner  - SPIEGEL ONLINE

Minh Bích (lược dịch)
Thứ ba, 01/2/2011 8:40 GMT+7

(Tamnhin.net) –  Trả lời phỏng vấn của SPIEGEL ONLINE, Giám đốc tài chính Paul Achleitner của Tập đoàn bảo hiểm Allianz đã khẳng định thời kỳ sống nhờ vay mượn đã chấm dứt và mất mát lòng tin là thách thức nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21.
Giữa lúc thế giới thảo luận về những thách thức chủ yếu của thời kỳ hậu khủng hoảng, SPIEGEL ONLINE đã phỏng vấn Giám đốc tài chính kỳ cựu (CFO) Paul Achleitner của Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Allianz đang quản lý số tài sản trị giá 1.443 tỷ euro về những xu thế chính trên thế giới, về sự trỗi dậy của châu Á và những thách thức mà phương Tây đang phải đối mặt.

SPIEGEL ONLINE: Là người từng tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) ở Davos hơn 15 năm qua, xin ông cho biết những chủ đề nào đã được thảo luận tại diễn đàn mang tên “Những tiêu chuẩn chung cho thực tế mới” trong năm nay?
Paul Achleitner: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (gọi tắt là WEF) mang lại cơ hội thảo luận không chỉ những vấn đề hiện tại mà còn cả những vấn đề của tương lai… Nhiều vấn đề   lớn đang tác động đến thế giới và chúng ta không được phép bỏ qua. Đó là những diễn biến về dân số, biến đổi khí hậu, quá trình số hóa và sự trỗi dậy của châu Á. Chúng ta cũng không được quên một thực tế cực kỳ quan trọng là lối sống dựa vào vay mượn đã chấm dứt. Chúng ta  phải tự giải thoát khỏi gánh nặng nợ nần.

SPIEGEL ONLINE: Các chính khách đã thảo luận về vấn đề này từ nhiều thập kỷ qua, nhưng không hề mang lại kết quả?
Achleitner: Vấn đề này không chỉ tác động đến chính giới mà còn tác động đến các công ty và đến từng cá nhân. Trong năm 1980, số nợ nhiều hơn số vốn của toàn thế giới. Ngày nay, số nợ cao gấp 3,5 lần số tiền tiết kiệm được. Chúng ta cần đảo ngược xu thế này.

SPIEGEL ONLINE: Con cái của ông sẽ nói gì khi ông bảo chúng rằng nợ nần là tai hại? Phải chăng tốt hơn cho chúng sẽ là phải tiết kiệm ngay từ bây giờ và mua những thứ mà chúng muốn bằng đồng tiền tự kiếm được?
Achleitner: Thực ra, vay nợ cũng không phải là điều xấu. Nhưng tôi luôn nói rõ với con cái rằng chúng chỉ được vay ở mức mà chúng cho thể hoàn trả được.

SPIEGEL ONLINE: Những hậu quả gì sẽ xảy ra, nếu tiên đoán của ông là đúng và thời đại vay mượn chấm dứt?
Achleitner: Do các khoản vay mượn ngày càng trở nên đắt đỏ hơn và số tiền cho vay ngày càng hạn hẹp, chúng ta sẽ chứng kiến xu thế giảm sút trong tiêu dùng. Chi phí cao và tăng trưởng thấp ắt sẽ dẫn đến lợi nhuận thấp.

SPIEGEL ONLINE: Là giám đốc tài chính của tập đoàn bảo hiểm quốc tế khổng lồ Allianz có trụ sở  ở Munich từ năm 2000 và chịu trách nhiệm quản lý một khối trị giá  440 tỷ euro ($600 tỷ USD), liệu ông có chuẩn bị trước tình huống sẽ phải chia cổ tức ít hơn cho các cổ đông?
Achleitner: Không, đối với một công ty, việc hướng tới tăng trưởng và thu được lợi nhuận cao hơn là hoàn toàn hợp pháp. Chỉ có điều các hoạt động kinh doanh phải được tiến hành theo phương châm phát triển bền vững… Đối với các vấn đề lớn của thế giới như cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Allianz và nhiều công ty Đức khác đã ứng xử một cách khá mẫu mực.
SPIEGEL ONLINE: Ông cũng có chân trong Ban quản trị của các tập đoàn lớn ở Đức như  Bayer, RWE và Daimler. Vậy ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của các tập đoàn này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?
Achleitner: Tôi có thể nói rằng không một tập đoàn nào trong số các tập đoàn nói trên thất bại trong việc áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm giảm khí thải CO2 và giải quyết vấn đề nguyên vật liệu trong tương lai.

SPIEGEL ONLINE: Ngoài vấn đề giảm bớt nợ nần và biến đổi khí hậu, ông cũng từng nói về “sự chuyển dịch Đông Nam”. Vậy theo ông, sự trỗi dậy của châu Á sẽ tác động như thế nào đến nước Đức?
Achleitner: Tôi muốn đề cập đến một thực tế là cách đây 3.000 năm, Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm một nửa sản lượng kinh tế thế giới. Nhưng sau đó, Cuộc cách mạng công nghiệp đã mang lại cho Bắc Mỹ và châu Âu 150 năm hoàng kim. Nếu xét về lâu về dài, sự thống trị kinh tế của phương Tây chỉ là một ngoại lệ chứ không phải là qui luật khách quan.
Việc nước Đức kiếm được những gì từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ lại hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của người Đức. Chúng ta không thể đơn giản nói rằng sự phát triển bùng nổ ở châu Á chỉ nhờ vào đội ngũ lao động giá rẻ.  Châu Á đang có hàng triệu người trẻ tuổi được đào tạo tốt và đầy khát vọng. Hiệu trưởng của các trường đại học danh tiếng ở Mỹ từng nói rằng nếu chỉ chọn những người xin học dựa theo học lực, 100% sinh viên sẽ là người châu Á.
Có hai xu thế lớn góp phần vào sự trỗi dậy của châu Á là diễn biến dân số và số hóa. Nếu chúng ta phản ứng thích hợp với hai xu thế này, sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ không hề gây nguy hại cho nước Đức.

SPIEGEL ONLINE: Vậy chúng ta hãy bắt đầu bàn về vấn đề dân số.
Achleitner: Dân số Đức đang ngày càng lão hóa và ngày càng ít đi. Để có thể tài trợ cho hệ thống phúc lợi về lâu về dài, nước Đức cần triệt để khai thác lao động nữ, sinh con nhiều hơn và phải mở cửa cho những người nhập cư. Chúng ta cần chấm dứt cái việc nói xuông và phải bắt tay vào hành động.

SPIEGEL ONLINE: Thế còn vấn đề thứ hai? Theo ông, cuộc cách mạng số hóa đang thay đổi thế giới như thế nào?
Achleitner: Mọi thứ đều có thể số hóa và sẽ được số hóa. Mọi thông tin đều có thể đến với toàn thế giới trong cùng thời điểm… Trong tương lai, công việc không chỉ được tiến hành ở nơi nào rẻ nhất mà cũng được tiến hành ở nơi nào làm tốt nhất. Điều này có nghĩa là nhiều công ty châu Á cần đến tri thức của người Đức.
Khi mọi tin tức trên thế giới được thu nhận ngay lập tức, cánh nhà báo sẽ không có nhiều thời gian để kiểm tra lại thông tin vì sợ bị người khác tung tin trước… Tôi e rằng sự nóng vội bất cẩn này khó có thể giúp cho việc đưa ra những quyết định đúng đắn.  Một tin vắn trên Facebook sẽ không bao giờ thay thế được đối thoại trực tiếp.

SPIEGEL ONLINE: Hầu hết những thứ chia sẻ trên Facebook là vô hại, nhưng việc WikiLeaks cung cấp một diễn đàn công bố thông tin mật thì lại là chuyện khác. Vậy trong thế kỷ 21, có còn thứ gì được cho là bí mật nữa không?
Achleitner:  Điều tệ hại nhất là những thông tin này được tung ra mà không đề cập đến bối cảnh và xuất xứ cụ thể. Xã hội mà chúng ta đang sống hiện nay bị mất mát quá nhiều về lòng tin và điều này không chỉ đổ tội cho cuộc cách mạng số hóa. Sự mất mát lòng tin này sẽ là thách thức nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 21.

SPIEGEL ONLINE: Trong bối cảnh này,  liệu người ta có thể tiến hành trao đổi kín tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos?
Achleitner: Tất nhiên là có thể. Chúng ta có thể gây dựng lòng tin nếu chúng ta dành nhiều thời gian ở Davos không chỉ để nắm bắt được các xu thế đang diễn ra mà còn để tìm ra những giải pháp tốt cho những xu thế này.

Minh Bích (lược dịch)
.
.
.

No comments: