Tuesday, February 8, 2011

NHỮNG NGƯỜI NỔI BẬT TRONG SỐ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG XUẤT SẮC!


(Die Auffallenden unter den Unauffälligen)
Rupert Neudeck – Ngọc Châu phóng dịch
Feb 7th, 2011

* Lá thư bạn đọc của Rupert Neudeck (Leserbrief von Rupert Neudech, 09-01-2011)

Lời phi lộ: Chúng ta biết, TiVi, báo chí Đức đã nhắc đến người Việt đang sinh sống tại đây khá nhiều từ khi DDR (Cộng Hòa Dân Chủ Đức)  và khối cộng sản Đông Âu bị sụp đổ, rất tiếc khen thì ít mà chê bai thì nhiều trong thời gian qua.
Cựu chủ tịch Ủy Ban Cap Anamur, Ts Neudeck có lẽ bất bình sau khi đọc qua và theo ông là cần phải có một sự phân biệt rõ ràng nên đã phản biện với bài viết ngắn trong mục “Lá Thư Bạn Đọc” (Leserbrief). Trong đó, Ts Neudeck đề cập đến thuyền nhân Nguyễn Văn Rị (Trưởng ban tổ chức Ngày Hoàng Sa Toàn Cầu tại Moenchengladbach hôm 22-01-2011; buổi sinh hoạt đã được phổ biến trên các điện báo), người Việt đầu tiên được chính phủ Đức tuyên dương công trạng với Huân Chương Thập Tự Sắt Đức (Deutsches Verdienstkreuz) và đây là niềm hảnh diện lớn, chung cho người Việt tỵ nạn cộng sản tại Đức Quốc.

Hôm nay tôi tình cờ đọc được “Lá Thư” của Ts Neudeck trên In-Tờ -Net, xin phóng dịch để giới thiệu cùng đồng hương tỵ nạn và mong hoan hỷ cho những sơ sót, nếu có (NC).
* * *

Bài tường thuật “das Leben der Unauffälligen; FAZ, ngày 27 tháng 12 năm 2010″ tạm phóng dịch là “Cuộc sống của những người khó nhận thấy” (còn nghĩa khác là không xuất sắc!), chủ yếu chỉ quay xung quanh những người Việt mà trước đây họ đến Đông Đức (DDR, cộng sản Đông Đức cũ!) theo diện hợp tác lao động. Phần lớn không được chú ý đến là khoảng 40,000 người Việt Tỵ Nạn đã đến Tây Đức trong thập niên 80. Chỉ có ba con tàu ra khơi dưới cái tên “Cap Anamur” đã cứu thoát 11,300 người tỵ nạn từ các nguy cơ cao nhất và đưa sang định cư tại Tây Đức (ghi chú của người phóng dịch: Đức lúc đó chưa thống nhất nên gọi là Tây Đức).

Các thuyền nhân tỵ nạn (Bootsflüchtlinge = boat people) đã làm tất cả mọi chuyện để chứng minh cho xã hội Đức thấy rằng họ xứng đáng được Đức thâu nhận. Đừng tưởng họ không ra gì! Những người Việt tỵ nạn này thường không thất nghiệp, họ gửi con cái đến các trường cao đẳng và đại học; được chú ý rất nhiều bởi năng suất tuyệt vời của con cái họ trên phương diện học hành. Vì vậy cho đến bây giờ những thuyền nhân tỵ nạn là nhóm người giỏi nhất trong số những người ngoại quốc được Đức thâu nhận.

Một Bia Tưởng Niệm (Gedenkstein) do chính thuyền nhân quyên góp tài chánh và thiết kế đã được khánh thành tại cảng Hamburg vào ngày 12 Tháng 9 năm 2009. Hiện diện trong số quan khách có cựu Bộ trưởng Nội vụ, Tiến sĩ Wolfgang Schäuble (CDU) và ông SPD Franz Muentefering, cựu Chủ tịch đảng Dân Chủ Xã Hội Đức (SPD). Đôi mắt của người Việt tỵ nạn hiện diện đã đổ lệ vì cảm động khi cao điểm buổi tổ chức đến là lúc họ cất tiếng hát bài quốc ca Đức. Không có chính trị gia nào hiện diện đã trải qua kinh nghiệm “sáng kiến hội nhập như thế” (solches Integrations-Initiations-Erlebnis). Mặc dù trước đây các thuyền nhân đã không được chấp nhận ngay từ đầu. Nhiều tiểu bang đã từ chối không thâu nhận thuyền nhân Việt, và trong cuộc trò chuyện đầu tiên của tôi về vấn đề này tại Bộ Ngoại Giao, một vị Bộ trưởng đã lưu ý: “Tôi không nên cứu vớt nhiều người với con tàu ” (ý nói Tàu Cap Anamur), có thể gặp rắc rối!

Nhóm người “tỵ nạn Việt Nam này” đã đến đây vì sự chống đối của họ đối với chế độ cộng sản và không phải là những công nhân hợp tác lao động được chế độ ưu đãi lựa chọn sang Đông Đức làm việc để trả khoản nợ của chính phủ cộng sản Việt Nam. Các thuyền nhân không cần phải học danh từ khó như “Tinh Thần Tập Thể” hay thái độ “Tự Chủ”!. Họ luôn luôn sẳn sàng bắt tay vào công việc. Họ đã đến ngay tại chỗ khi phải trùng tu lại chiếc thuyền tỵ nạn đặt ở Troisdorf, trụ sở cũ của Tổ Chức Cứu Trợ Cap Anamur (Hilfsorganisation Cap Anamur), để nhớ đến công dân Đức ủng hộ trả tiền và cứu thoát họ. Chính quyền Troisdorf muốn để cho con tàu hư dần theo quá trình tự nhiên của nó. Được kêu gọi thì các thuyền nhân từ Krefeld và Moenchengladbach đến ngay và sửa chữa nó, không phải chỉ vì lợi ích riêng cho chính họ. Người Việt Nam đầu tiên đã được chính phủ Đức tuyên dương công trạng với Huân Chương Thập Tự Sắt Đức (Deutsches Verdienstkreuz) là ông Nguyễn Văn Rị qua thành tích nhiều năm ông tích cực đóng góp cho công tác xã hội tại thành phố Mönchengladbach.

Hiện tại, ông Rị quyên góp trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản Moenchengladbach của ông ta, không những chỉ cho người nghèo ở Việt Nam, mà còn cho các nạn nhân lũ lụt của “dự án mũ màu xanh lá cây” ở Pakistan (Projekt der Grünhelme in Pakistan).
Điều này càng nên được chú ý nhiều hơn!

Rupert Neudeck, Troisdorp
Ngọc Châu phóng dịch (07-02-2011)
.
.
.

No comments: