Tuesday, February 1, 2011

NHÂN DÂN TUNISIA LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ CÔNG AN TRỊ RA SAO (Bùi Tín)

Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Ba, 01 tháng 2 2011

Từ đầu năm 2011, tình hình Tunisia luôn là đề tài thời sự nóng hổi trên hệ thống truyền thông châu Phi, châu Âu và thế giới.

Tunisia ở Bắc Phi, nhìn ra Địa Trung Hải, hơn 10 triệu dân, đa số theo đạo Hồi, từng là trung tâm của nền văn hóa cổ Carthage, lâu nay vẫn được coi là một nước ổn định về chính trị, kinh tế phát triển đều đặn, với tỷ lệ khá cao, từ 3% đến 6 %/ năm.

Chuyện đấu tranh cách mạng, nhân dân xuống đường đông đảo, khí thế ngày càng kiên cường, khẩu hiệu rõ ràng, sách lược thông minh, chĩa mũi nhọn vào chế độ độc đoán độc đảng công an trị, đạt hiệu quả cao nhất, khiến viên tổng thống phải chuồn khỏi thủ đô Tunis bằng máy bay, hòng thoát khỏi sự trừng phạt của nhân dân, là chuyện chưa từng có trong thế giới Ả-rập và Hồi giáo.

Chuyện thêm ly kỳ, hấp dẫn khi được biết rằng Zine el-Abidine Ben Ali sinh năm 1937, từng tốt nghiệp Học viện quân sự Saint Cyr của Pháp, hoạt động trong ngành tình báo thực dân Pháp; sau khi Pháp trao trả độc lập cho Tunisia năm 1957, Tunisia từ nước quân chủ trở thành nước Cộng hoà, với ông Bourguiba làm Tổng thống, Ben Ali trở thảnh bộ trưởng, cận thần của Bourguiba.

Năm 1987, khi ông Bourguiba lâm bệnh, Bel Ali làm cuộc đảo chính cung đình,
gi
ành ngôi Tổng thống với một đảng duy nhất cầm quyền là đảng RCD - đảng Dân chủ Hiến pháp - của ông ta. Trong 23 năm cầm quyền, Ben Ali tổ chức 5 cuộc bầu tổng thống hoàn toàn hình thức, không có đối lập. Ông luôn được gần 100% phiếu, lần cuối, năm 2009, được 89%.
Ben Ali dựng lên một chế độ được coi là tiêu biểu về Nhà nước cảnh sát trị - État policier - bỏ tù phần lớn những người chống đối không có xét xử, lên đến trên 10 ngàn người. Họ phần lớn là trí thức, văn nghệ sỹ, luật sư, nhà báo, sinh viên, nhà buôn, nhà kinh doanh loại trung lưu, dân cư mạng bloggers …Báo chí tư nhân hoàn toàn bị bóp ngẹt.


Lâu nay, mặc dầu có đấu tranh âm ỉ chống nhà nước cảnh sát, nhưng dân tình có vẻ yên ổn vì kinh tế vẩn phát triễn, buôn bán sầm uất, xuất nhập khẩu gia tăng khá, đời sống vật chất dễ thở, nền giáo dục được xếp vào loại ưu ở châu Phi.

Hai năm nay, phóng viên thường trú của báo Pháp le Monde (Thế giới) từng cảnh báo về tâm lý xã hội Tunisia thay đổi khá sâu; thu nhập quốc dân tăng khá, nước ngoài đầu tư và viện trợ cao, nhưng phân phối lợi ích của phát triển lại bất công rõ rệt; các quan chức trong đảng độc quyền đua nhau vơ vét tiền của cho gia đình và phe nhóm, ăn chơi xả láng, cảnh bất công xã hội ngày càng sâu đậm, thách thức mọi công dân lương thiện.

Những tiếng nói phản kháng bị vào tù. Bộ máy công an đông đảo trở thành lũ kiêu binh giàu sụ, lảm “bầy chó giữ nhà cho bọn tỷ phú mới” (“les chiens de garde des nouveaux milliardaires”), bị toàn dân khinh bỉ và căm ghét.

Đã vậy, Ben Ali tự kiêu và tự mãn thực hiện gia đình trị, mặc cho bà vợ hai – Đệ nhất phu nhân Leila Trabelsi - cũng kiêu ngạo ngang tàng, lũng đoạn cuộc sống kinh tế chính trị thủ đô Tunis một cách lố bịch, rồi cố nhét cậu ấm con trai là El Maten vào Quốc hội dù không có một tài cán gì, càng làm cho công luận thêm phẫn nộ.

Ngòi nổ của cao trào đấu tranh là vào ngày 17-12-2010, anh thanh niên công nhân thất nghiệp Mohamed Bouazizi đẩy chiếc xe bán hoa quả, nước giải khát bị cảnh sát xét hỏi giấy phép kinh doanh và bị giữ lại, giữa những ngày buôn bán tấp nập cuối năm.

Đây không phải là lần đầu anh bị chúng vòi tiền kiểu ấy. Bị dồn vảo đường cùng, ấp ủ thù hận từ lâu, anh Bouazizi lặng lẽ đổ can xăng lên người, tự thiêu, sau khi nói với bà con xung quanh rẳng anh tình nguyện chọn cái chết để đòi quyền tự do cho mọi người. Anh bị bỏng rất nặng, rất sâu, và tắt thở 2 tuần lễ sau, ngày 3-1-2011.

Cái chết bi thảm của anh Bouazizi ở tuổi 26 lan truyền như đổ dầu vào ngọn lửa uất hận chế độ độc đảng cảnh sát gia đình trị âm ỉ từ lâu.

Sau ngày 3-1, dân chúng các nơi đổ về thủ đô Tunis, bất chấp lệnh thiết quân luật. Mọi người chung một lời đáp: chúng tôi là nhân dân, tay không vũ khí, chỉ thiết quân luật khi có quân địch, có kẻ thù. Chúng tôi là nhân dân, đất nước này là của chúng tôi.

Hai ngày sau, theo lệnh tổng thống Ben Ali, bộ Công an ra lệnh lập lại trật tự thủ đô, đội cảnh sát đặc nhiệm bắn vào những người biểu tình tay không, với những biểu ngữ:
Tự do hay là chết! Đả đảo chế độ cảnh sát gia đình trị! Tự do truyền thông, tự do báo chí muôn năm! Tinh thần bất khuất Mohamed Bouazizi muôn năm!
Hàng chục người bị cảnh sát bắn chết trên đường phố. Số người nao núng dừng lại, quay lui chỉ chừng 1/10.

Hôm sau 6-1 số người xuống đường đông gấp 3 lần hôm trước, với khẩu hiệu nhiều hơn, to hơn, thêm yêu cầu:
Ben Ali phải ra đi! Ben Ali phải đền nợ máu! Ben Ali và Abdallal Kallal (bộ trưởng Công an) là sát nhân!
Đến ngày 11-1, khí thế đấu tranh vẫn bền bỉ, hừng hực. Ben Ali tỏ ý xuống thang, nhượng bộ, ra lệnh ngừng đàn áp, hứa sẽ không ra ứng cử tổng thống ngày 20-4-2011, hứa hẹn trả tự do tù chính trị, tôn trọng tự do báo chí, để tư nhân xuất bản sách báo tự do, nhưng chậm quá rồi.

Ngày 12-1 Ben Ali và gia đình chuẩn bị bài chuồn. Ngày 13-1 Ben Ali bỏ Tunisia sang lánh nạn ở Saudi Arabia. Có tin vợ hai của Ali mang theo một thùng nặng chứa 2 tấn vàng. Lúc đầu Ali xin cho máy bay hạ cánh ở Pháp, rồi trên đảo Malta, nhưng đểu bị từ chối.

Ngảy 17-1 Hội đồng Bảo hiến Tunisia họp, thành lập Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Quốc hội chủ tọa, quyết định tổng tuyển cử sau 60 ngày, thực hiện tự do ngôn luận và trả tự do cho tù nhân chính trị.

Hiện nay Ben Ali và vợ là đối tượng truy nã quốc tế theo yêu cầu của Chính phủ lâm thời Tunisia, nhằm dẫn độ về Tunis để xét xử.

Tình hình chưa phải là yên ổn, sẽ còn diễn biến phức tạp, nhưng Tunisia đã thành công trong cuộc Cách mạng Hoa Nhài, lật đổ chế độ độc đảng cảnh sát trị.

Sở dĩ gọi là Cách mạng Hoa Nhài là vì hoa nhài được chọn là Quốc hoa, thường được kết thành vòng hoa trang trí các buổi lể dân tộc, tôn giáo, trong các nhà thờ Hồi giáo.

Số người chết tổng cộng là gần 60 do cảnh sát bắn vào dân chúng tay không, chưa kể sự hy sinh cao quý của anh thanh niên Mohamed Bouazizi.

Đây là cuộc Cách mạng dân chủ đầu tiên diễn ra trong hòa bình, không có bạo động, ở một nước Ả-rập và Hồi giáo, lại thắng lợi khá gọn gàng trong vòng 29 ngày, chưa đầy 1 tháng.
Các chế độ độc đoán ở châu Phi và Trung Đông đang giật mình lo sợ.
Chế độ độc đoán ở Maroc đang tính chuyện dân chủ hóa một chế độ quân chủ ra sao đây cho ổn.

Nước Lybia quân phiệt láng giềng, với lãnh tụ Muammar al-Gaddafi già yếu 68 tuổi, cầm quyền từ năm 1969 đang cực kỳ lúng túng.

Nước Algeria láng giềng vốn lộn xộn, mất ổn định hơn Tunisia nhiều, đang lún sâu vào khủng hoảng chính trị - kinh tế, với lãnh tụ Abdelaziz Bouteflica 73 tuổi.

Không phải ngẫu nhiên mà mấy ngày này, tình hình Ai Cập bùng nổ dữ dội, các cuộc biểu tình tuần hành thị uy của nhân dân Cairo kéo dài mang những yêu sách chính trị - kinh tế mạnh mẽ, chĩa mũi nhọn vào ông tổng thống Hosni Mubarak đã 82 tuổi, trị vì từ năm 1981.

--------------------------

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: