Friday, February 11, 2011

"NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC" NGUYỄN THANH SƠN hay là KẺ BA HOA KHÔNG BIẾT NGƯỢNG (Ngô Huy Liễn)

11.02.2011

Trước hết, xin cám ơn ông Lâm Quang Thăn đã đem bài phỏng vấn “Văn học Việt Nam đang phải trả giá” của Nguyễn Thanh Sơn ra để đặt vấn đề. Đọc bài phỏng vấn ấy tôi cũng muốn nói thẳng vài ba điều với cái “nhà phê bình văn học” tên là Nguyễn Thanh Sơn này.

Nguyễn Thanh Sơn: Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi.

- Anh Nguyễn Thanh Sơn tự xưng là “nhà phê bình văn học” mà sao ăn nói giống y như một tay cán bộ văn hóa phường học tập tốt, công tác tốt vậy. Anh nói người viết ở Việt Nam “hoàn toàn tự do”? Nói thế thì họa may chỉ gạt gẫm được dăm ba đứa con nít chăn trâu. Tự do viết, mà sao phải xin giấy phép xuất bản, phải qua kiểm duyệt, phải bị cắt bỏ, phải bị thu hồi? Anh nói người viết có tự do “xuất bản” trên “bất cứ blog nào” hay gửi cho các trang mạng văn chương “khắp nơi”? Thế thì tại sao công an vẫn không ngừng ra sức đánh sập các blog, các trang mạng văn chương tự do ngay cả ở ngoài nước? Tại sao các bloggers vẫn bị bắt bỏ tù, các nhà văn tự do tư tưởng vẫn bị công an hỏi thăm sức khoẻ?

Nguyễn Thanh Sơn: “Cơ chế tự kiểm duyệt của họ quá lớn. Viết lúc nào cũng lo có được in hay không, viết như thế này có độc giả hay không. Nhà văn trước tiên là viết cho mình. Nếu người viết cứ lo lắng như vậy thì đến bao giờ Việt Nam mới có tác phẩm lớn.”

- Anh vừa nói “bây giờ người viết hoàn toàn tự do”, anh lại nói “cơ chế tự kiểm duyệt của họ quá lớn”, “viết lúc nào cũng lo có được in hay không”. Nói thế mà anh không thấy tự mâu thuẫn thì quá lạ thường. Theo anh thì ở Việt Nam “hoàn toàn tự do”, nghĩa là không có kiểm duyệt, chỉ có các nhà văn “tự kiểm duyệt”! Nhưng nếu văn học ở Việt Nam “hoàn toàn tự do”, không có chế độ kiểm duyệt, thì tại sao nhà văn “lúc nào cũng lo có được in hay không”? Chứ ai cấm họ in vậy? Anh nói thế chẳng khác gì anh tự vả vào mồm mình.

Nguyễn Thanh Sơn: “Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn. Hãy nhìn thử xem, văn học hải ngoại, sau bao nhiêu năm, được xem là hoàn toàn tự do, tại sao họ không có tác phẩm lớn?”

- Văn học Việt hải ngoại không có tác phẩm lớn ư? Thế nào là tác phẩm lớn? Chỉ thử nêu ra một trường hợp, chẳng hạn tác phẩm THE BOAT của nhà văn Việt hải ngoại Nam Lê, một nhà văn trẻ người Việt tị nạn ở Úc, đoạt 14 giải thưởng quốc gia và quốc tế, trong đó có cả giải thưởng văn chương Dylan Thomas, được hàng chục nhà phê bình tên tuổi trên thế giới hết lời khen ngợi, thì không phải là tác phẩm lớn hay sao? Hay Nguyễn Thanh Sơn xem Nam Lê không phải là nhà văn Việt vì Nam Lê viết tiếng Anh? Thế tại sao Franz Kafka viết văn tiếng Đức mà vẫn được dân Tiệp xem là nhà văn Tiệp? Tại sao Vladimir Nabokov viết văn tiếng Anh mà vẫn được dân Nga xem là nhà văn Nga? Tại sao Joseph Conrad viết văn tiếng Anh mà vẫn được dân Ba Lan xem là nhà văn Ba Lan? Tại sao nhà văn Việt ở hải ngoại không viết thẳng bằng tiếng Anh, mà phải viết bằng tiếng Việt rồi phải kiếm người dịch sang tiếng Anh để phổ biến với thế giới, thì mới được xem là nhà văn Việt?

Nguyễn Thanh Sơn: “Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị. Chúng ta muốn viết hay, muốn phấn đấu cho điều gì thì phải tin vào những giá trị, còn thế hệ 8X là thế hệ không có giá trị. Họ không biết giá trị của họ ở đâu, không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào. Họ không xác định được giá trị cho họ”.

- Một kẻ tự xưng là “nhà phê bình văn học” mà nói thế thì quá hồ đồ. Cả một thế hệ các nhà văn Việt Nam sinh vào những năm 1980 đều “mất niềm tin, mất các giá trị”, “không có giá trị”, “không biết giá trị văn chương” ư? Nhưng họ mất niềm tin gì? Họ mất giá trị gì? Những thế hệ trước đó đã có niềm tin gì, giá trị gì?
Nguyễn Thanh Sơn sinh năm 1970, thế thì anh có niềm tin vào cái gì? Cái giá trị của anh là gì?
Tuyệt đại sách vở báo chí ở Việt Nam đều rêu rao là các thế hệ trước kia có niềm tin vào Đảng, vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng liệu các thế hệ đó có tác phẩm nào lớn hay không? Còn cái “giá trị” của họ là gì? Là cái “giá trị” của “con người mới XHCN” trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV chăng? Là cái “giá trị” của thứ văn học hiện thực XHCN mà nay đã chết tiệt rồi chăng?

Nguyễn Thanh Sơn: “Trong một năm gần đây, tôi đọc vài tác giả trẻ nhưng không thấy ấn tượng gì lắm.”

- Nhiều năm nay anh không đọc, anh đã tự thú là “đóng băng” . Chỉ “trong một năm gần đây” anh mới đọc vài tác giả trẻ “nhưng không thấy ấn tượng gì lắm”. Anh đọc ít thế thì làm sao anh biết thế hệ nhà văn 8X họ viết cái gì? Thế thì anh dựa vào cái gì mà anh dám nói là cả “thế hệ 8X là thế hệ không có giá trị”, “họ không biết giá trị của họ ở đâu”, “không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào”, “họ không xác định được giá trị cho họ”?

Nguyễn Thanh Sơn: “... Nói thì có vẻ hơi sáo, nhưng nói thật, văn chương phải phấn đấu vì một điều gì đó cao quý”.

- Xin làm ơn cho biết Nguyễn Thanh Sơn đã phấn đấu cho cái gì cao quý? Ở Hà Nội này thì ai mà chẳng biết anh. Như chính anh đã kể trên báo VnExpress, khi còn ở trung học, anh học toán, “nhưng vì học toán khó quá nên thi trượt sang lớp thường”. Cuối những năm 80, anh đi học về truyền thông ở Liên Xô. Sau đó anh về nước, “đi buôn quần áo lót, buôn chó cảnh”, rồi “buôn tinh bò”, tiếp thị “bò giống” của Mĩ, rồi trở thành một doanh nhân (chắc là có “văn hóa doanh nhân” chứ chẳng chơi), làm giám đốc điều hành của một công ty tư vấn truyền thông. Phi thương bất phú. Anh giỏi chuyện doanh thương, anh phát giàu.
Có tiền mua tiên cũng được. Mua danh thì càng dễ. Anh muốn mua cái danh của một nhà văn vì có lẽ anh nghe nó sang cả hơn cái danh của một anh “buôn tinh bò”. Nhưng anh lại không có một chút tài sáng tác văn thơ gì cả nên anh nhảy thẳng vào lĩnh vực “phê bình văn học” với những bài báo ngăn ngắn, khen người này một chút, chê kẻ kia một chút, hầu hết đăng trên những tờ báo phổ thông làng nhàng. Viết kiểu ấy thì chẳng cần phải học hành, nghiên cứu gì về phê bình văn học. Anh ứng dụng cái khiếu khôn vặt, nói leo của những tay có “văn hóa doanh nhân” vào những bài “phê bình văn học” của anh. Đối với đám nhà văn trẻ, chưa có thế giá, anh lên giọng kẻ cả, chê bai. Đối với đám già có tên tuổi, anh khéo léo nói vuốt. Anh bung tiền ra đãi đằng đám nhà văn thượng vàng hạ cám ở Hà Nội. Anh nhét bì thư vào túi đám nhà báo chuyên nói láo ăn tiền, sẵn sàng phỏng vấn để lăngxê anh. Chẳng mấy chốc anh nổi lên trên mặt báo ba xu như một “nhà phê bình văn học”! Anh tự xưng cái lối phê bình của anh là “phê bình cảm tính”! Nghĩa là chẳng cần nghiên cứu học thuật gì ráo! Nhưng cả cái sự nghiệp phê bình văn học của anh đầu đuôi chỉ có một cuốn sách gọi là “Phê Bình Văn Học của Tôi” xuất bản năm 2002, tập hợp những bài viết dở thầy dở thợ đăng trên đủ thứ báo lăng nhăng trước đó.
Ồn ào được vài năm, anh tịt, chẳng đọc, chẳng viết gì nữa. Anh dành thì giờ cho việc làm giàu. Anh dành thì giờ để chạy theo “cái đẹp” của các mỹ nhân. Thi thoảng có sự kiện văn học gì đó thì có những kẻ vì mắc nợ miếng chả, cốc rượu, lại mời anh đến để đăng đàn, để anh được hâm nóng trở lại” , vì anh đã “đóng băng”! Thi thoảng lại có dăm ba nhà báo bịa chuyện ra phỏng vấn anh để kiếm bì thư. Thế là anh lại có dịp mà mặc tình phun châu nhả ngọc.
Anh hãy tự hỏi chính anh đã phấn đấu cho cái gì cao quý? Thế mà anh lại dám lên giọng “văn chương phải phấn đấu vì một điều gì đó cao quý”?

Nguyễn Thanh Sơn: “Văn học Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, chúng ta không có tài năng...”

- Anh nói có lý, văn học Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Nhưng anh cũng cần biết rõ điều này: một trong những nguyên nhân khiến văn học Việt Nam ở nước ta hiện nay trở thành một cái chợ tạp nhạp là vì có những anh doanh nhân hám danh xen vào đóng vai “nhà phê bình văn học”.
Anh nói “chúng ta không có tài năng” là quá hồ đồ. Văn học Việt Nam trong và ngoài nước hiển nhiên có những người đầy tài năng mà anh không biết, vì nhiều năm nay anh không đọc, hay là anh biết nhưng cố tình gạt phăng họ đi vì tị hiềm hay vì chính kiến.
Văn học Việt Nam lại còn có cả những người, dù chẳng có tài năng văn chương (như Nguyễn Thanh Sơn, chẳng hạn), nhưng lại có những thứ “tài năng” khác. Họ có tài làm tiền, tài mua danh, tài ăn nói ba hoa không biết ngượng.


------------------
Bài liên quan:
11.02.2011
[CHUYỆN VĂN CHƯƠNG] ... Nhưng, thứ tự do cách điệu (đà) của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn thì hơi bị đổi... mới. Nó núp bóng trẻ, mượn danh cách tân, nhứt là nó có thêm món nhăn trán ưu tư chuyện to tát quốc gia đại sự là ưu tư đến chuyện đẻ đái tác phẩm lớn cho văn học nước nhà, nên nó vẫn có thể lừa được kẻ non bóng vía... (...)

09.02.2011
[CHUYỆN VĂN CHƯƠNG] ... Các trào lưu văn chương thế giới đương đại không được dạy trong Đại học, cùng với nó là các sáng tác phản biện [phản động, phản thùng...]. Rồi các thứ bị khép cái tội “phản” này không được báo chí chính thống [cả giấy lẫn mạng] đăng; nếu có lỡ đăng thì bị cào xuống và Ban biên tập bị kiểm điểm ngay tức thì... (...)

[CHUYỆN VĂN CHƯƠNG] ... Đầu năm đang dọn thế để đi ra ngoài lấy hên, ngó lên cao thấy ngay ông Nguyễn Thanh Sơn trên báo Thể thao - Văn hóa, số ra ngày 8-2-2011, trả lời cái phỏng vấn: “Văn học Việt Nam đang phải trả giá”. Trả giá đâu hổng biết, chí thấy phán mấy ý rất to này. Thăn tui xin trích hầu bà con... (...)

.
.
.

No comments: