DUY PHIÊN (17/02/2011 08:47)
Hơn 25 năm qua, 134 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu phải sống vật vờ, tạm bợ bên dòng “sông vua” Ngự Hà (thuộc tổ 11, khu phố 1, phường Phú Bình, TP Huế). Người dân địa phương quen gọi là xóm bờ thành, xóm nhà chồ hay khu ổ chuột.
Đời sống của hàng trăm hộ dân nơi đây đã trở thành một mảng tối, khuất lấp bên thành phố Huế náo nhiệt với hàng trăm nhà hàng, khách sạn cho ông tây, bà đầm…
Xóm nhà chồ
Nằm cách trung tâm thành phố Huế non 2 km, dọc theo bờ thành của Kinh thành Huế - nơi có khoảnh đất rộng chừng 5 - 6 m có hàng chục căn nhà được dựng lên bằng cọc tre, xập xệ với những miếng tôn vá chằng vá đụp. Muốn vào xóm nhà chồ, từ đường Đào Duy Anh rẽ vào một con hẻm sâu, có bề rộng chỉ hơn bề ngang cổ lái chiếc xe máy. Ấy thế mà cả nghìn con người đang sống chen chúc, chật chội ở đây trong hơn 25 năm qua. Từ đầu ngõ, những hàng quán, nhà cửa ken dày, chỉ chừa một khoảng nhỏ là lối đi cũng là nơi tắm rửa, sinh hoạt, vui chơi của hàng trăm con người. Vào xóm nhà chồ, một không khí ẩm mốc, hôi hám khó chịu xộc thẳng vào mũi, nếu một ai không quen, khó có thể ở đây lâu hơn canh giờ…
Xóm nhà chồ với hàng trăm ngôi nhà làm móng bằng cọc tre, tạm bợ, nhếch nhác
Vừa rảnh tay chặt những cây mía thành khúc mang bán và chuẩn bị bữa trưa cho cả gia đình, mệ Hồ Thị Cháu (82 tuổi) thấy khách lạ liền nhường chiếc ghế “độc nhất” trong nhà, ngồi trệt giữa nền, mệ bảo: “Mấy chú thông cảm ngồi tạm, ở đây nhà cửa chật chội quá nên kê một cái giường đã khó rồi chứ đừng nói vật dụng khác. Cảnh sống như ri từ khi cái xóm ni mới hình thành đến nay đã mấy chục năm nên cũng quen rồi”.
Căn nhà mệ Cháu chừng 10m2, đây là nơi trú ngụ của hàng chục con người. Từ trên mái tôn đến tấm phên không nơi nào là không nham nhở những vết vá. Dưới sàn nhà- nơi sát mặt nước bờ sông Ngự Hà, nước thải sinh hoạt, rác rớm dày đặc, bốc mùi khó chịu. Ngồi tỉ tê về chuyện nghèo khó và mong ước được chính quyền cho đến nơi tái định cư mới, mệ Cháu tâm sự: “Dân ở đây hầu hết là vạn đò dưới sông Đông Ba, sau trận bão năm 1985, hàng trăm hộ dân trở nên vô gia cư bởi nhà cửa, thuyền bè bị nước cuốn trôi, để giải quyết nơi ăn chốn ở cho người dân, chính quyền hồi đó đã cho lên ở sát bờ thành, bên sông Ngự Hà, từ đó cái xóm bờ thành ni được hình thành. Ban đầu, chỉ có chừng hơn hai chục hộ dân với 100 nhân khẩu. Mấy chục năm trôi qua, đất thì không rộng thêm mà người thì ngày một đông nên bà con ở đây phải sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp”.
Một đặc điểm dễ nhận thấy ở xóm bờ thành là nhà cửa ở đây đều nằm chênh vênh bên sông Ngự Hà. Để dựng được nhà trên một thuở đất bề ngang chỉ non 5m, người dân ở đây phải dùng cọc tre cắm sâu xuống sông làm “móng” cho căn nhà. Đang loay hoay chằng lại mấy cọc tre đã mục, anh Đỗ Văn Dũng (41 tuổi) buồn buồn: “Cứ vài tháng người dân ở đây phải mua cộc tre về thay mới một lần không ngâm nước lâu ngày sẽ mục hết. Sợ nhất là vào mùa mưa bão, do ở gần sông nước lên nhanh, ngủ trong nhà mà cứ lo ngay ngáy”. Bên hong căn nhà anh Dũng, áo quần vứt ngổn ngang bên những tấm phên rách như xơ mướp, làm căn nhà thêm nhếch nhác, luộn thuộm. Ở xóm nhà chồ này, có hàng trăm những căn nhà như thế.
Hàng trăm người dân ở xóm nhà chồ phải sống trong không gian ẩm thấp, nhếch nhác sặc mùi xú uế
Đói nghèo, bệnh tật
Hầu hết người dân xóm bờ thành đều không có việc làm ổn định. Hàng ngày, lớp thanh niên, người đủ sức lao động ra chợ Đông Ba hay về các chợ quê gần đó đứng chờ việc, ai gọi gì làm nấy. Một số ít còn lại theo nghề xe ôm, đạp xích lô hay bán dạo, thu nhập cũng bấp bênh nên cũng túng quẩn, vật vờ bên cái nghèo “truyền kiếp”.
Bữa cơm đạm bạc của gia đình nhà mệ Hồ Thị Cháu đợi con trai bốc xếp về
Bữa cơm trưa đợi người con trai đi làm về, mệ Cháu bày ra giữa sàn nhà chỉ vài con cá mọn với bát canh rau xanh lét. Lũ cháu của mệ đã quá giờ trưa đói thóp bụng, không đợi được bố về, nghe dọn cơm ra sà vào múc lấy múc để. Miệng bỏm bẻm nhai trầu, mệ bảo: “Mỗi ngày, tui bỏ công từ sáng đến tối chặt đống mía ni ra thành khúc, bỏ vô thúng bán dạo khắp xóm bờ thành cũng kiếm được gần chục nghìn mua bánh kẹo cho mấy đứa nhỏ. Tui già cả rồi không làm được chi, cả nhà chỉ biết trông chờ vào mấy chục nghìn mà thằng con trai kiếm được. Bữa trước, ngày có nhiều hàng nó kiếm được năm chục nghìn, nghe đâu bữa nay nhiều người làm quá mà hàng quán ế ẩm, chẳng ai gọi nên chỉ kiếm được chừng 3 chục, phải chi tiêu dè sẻn lắm mới đủ chú à”.
Sinh hoạt trong không gian tù túng, ẩm thấp, ô nhiễm khiến những hộ dân ở xóm nhà chồ đối diện nguy cơ bệnh tật rất cao
Nhà mệ Cháu thuộc diện hộ nghèo nhất trong xóm, trong nhà không có gì đáng giá bạc trăm chứ đừng nói bạc triệu. “Không có đất sản xuất, cứ dựa vào sức mà bốc xếp mãi, mấy đồng Nhà nước trợ cấp thì như muối bỏ bể thôi chú à”, mệ Cháu bảo. Gần nhà mệ Cháu là gia đình ông Trần Lâm (50 tuổi). Ông Lâm là thương binh nên mấy năm nay mất sức lao động, không làm gì được. Trong nhà cả thảy 9 miệng ăn nhưng chỉ biết trông chờ vào thúng mít bán dạo của vợ ông- bà Nguyễn Thị Gái. Dù mưa nắng, ốm đau bà Gái cũng không cho phép mình ngưng nghỉ, bởi nghỉ ngày nào là đói ngày đó.
Ông Lâm than: “Mấy chục năm trước ở sông Đông Ba, đời sống đã khó khăn rồi. Tưởng lên bờ có đất làm ăn, tìm việc kiếm ngày năm ba đồng, lên đây rồi khổ không thua gì dưới đó. Mỗi ngày mẹ nó cũng kiếm được vài chục, đong gạo ăn cho cả nhà, còn thức ăn thì đành mua chịu. Gặp hôm tiết trời mưa gió để có cái ăn thì phải đi mượn, thiếu trước hụt sau mấy chục năm rồi mà có thoát ra được mô”. Ông Lâm có cả thảy 8 người con, đều bỏ học giữa chừng do gia cảnh khó khăn. Không chỉ thiếu đói, người dân ở xóm bờ thành còn đối diện với nguy cơ bệnh tật.
Toàn xóm có 134 hộ dân với hơn một 1.000 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 nhà vệ sinh do Đại học Huế tài trợ xây dựng từ năm 2000, cứ 5-6 hộ gia đình phải dùng chung một vòi nước. Đất chật người đông, hàng ngày cảnh chen chúc nhau chờ đi… vệ sinh, lấy nước cũng làm cho không khi xóm nhà chồ thêm bức bối. Đã thế, nhiều hộ gia đình “giải quyết” ngay trên sông cộng với nguồn nước sinh hoạt thải xuống sông hàng ngày làm cho môi trường sống ở đây ô nhiễm trầm trọng. Dọc lối đi vào xóm, chỉ một khoảng không gian nhỏ là nơi sinh hoạt của hàng trăm con người. Nhà nhà san sát, bước ra cửa là giáp mặt nhau. Những đứa trẻ của xóm nhà chồ vẫn vô tư vui đùa bên dòng nước thải đen ngòm từ khu dân cư thải ra sông.
Chị Lương Thị Vân (41 tuổi) lo lắng: “Tui có 3 đứa con nhỏ mà ở khu vực nhiễm bẩn ni nên lo lắm. Người lớn sống mấy chục năm cũng đã “quen” rồi, chứ con nít thì rất dễ nhiễm bệnh. Vào mùa mưa thì rác nổi lềnh bênh, mùa nắng thì bốc mùi đến ngạt thở. Người dân ở đây chỉ mong Nhà nước cho đến nơi ở mới mà thôi.”
Tương lai những đứa trẻ ở xóm nhà chồ rồi đây sẽ về đâu
Vạ vật đến bao giờ?
Giấc mơ đổi đời từ sông Đông Ba lên bờ của hàng trăm hộ dân vạn đò xóm bờ thành nay đã 25 năm trôi qua vẫn mịt mù sương khói! Trong khi người dân đợi chính quyền giải tỏa và tái định cư đến nơi ở mới thì hàng ngày, hàng giờ họ vẫn phải đối diện với nguy cơ thiếu đói, bệnh tật, ô nhiễm môi trường và mù chữ. Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Phước Phú, Cán bộ địa chính phường Phú Bình, cho hay: “Trước đây, những hộ dân đến ở xóm bờ thành đều xin giấy tạm trú có xác nhận của chính quyền địa phương. Chúng tôi đều tiến hành chia từ 10-15m2 cho mỗi hộ gia đình để dựng nhà. Tuy nhiên, qua thời gian, do có nhu cầu tách hộ, số nóc nhà ngày một tăng dần thêm trong khi đất ở còn không có chứ chưa nói đến đất sản xuất. Việc sống trong không gian tù túng, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn nạn của những hộ dân ở đây”.
Bà Hoàng Thị Mỹ Tứ, Chủ tịch UBND phường Phú Bình, trăn trở: “Về phía chính quyền phường từ năm 1993 đến nay, chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị lên cấp trên nhằm có phương án di dời, bố trí nơi tái định cư mới cho người dân. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo nào từ phía cấp trên. Hiện tại, chúng tôi đã phối hợp mở các lớp tình thương, xóa mù chữ cho trẻ em nghèo trong xóm. Về lâu dài thì vẫn phải có phương án tái định cư cho người dân có đất ở và đất sản xuất”.
-------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment