Florence Compain
Cập nhật : 11/02/2011 13:55
Điểm báo
Những ngày sống động của nghịch lý Việt Nam
Florence Compain
đặc phái viên ở Hà Nội của nhật báo Le Figaro
18/01/2011
Đảng Cộng sản vừa kết thúc đại hội lần thứ 11 của mình. Dưới sự kiểm soát của đảng, 25 năm đổi mới đã mở cửa kinh tế và đưa Việt Nam vào cuộc chạy đua hối hả theo lợi nhuận.
Ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc đầy tham vọng của một ngân hàng tư với vốn là 2,5 tỷ đô la, nói ông có một « tâm hồn cộng sản ». Ông Phạm Xuân Lý thì thoải mái nhận mình vừa làm giàu với các tiệm ăn vừa có thẻ đảng. « Chẳng có vấn đề gì. Đối với tôi cũng như đối với họ », người bạn đồng hành xưa của tướng Giáp tóm tắt như vậy.
Sau 25 năm đổi mới, với chính sách từng bước hiện đại hóa và cởi trói nền kinh tế, nước Việt Nam đang sống một nghịch lý kỳ lạ : vừa tiếp tục là một chế độ Cộng sản độc đảng, vừa thực hành một chủ nghĩa tư bản hoang dại. Trên đường phố Hà Nội, màu đỏ vẫn còn đó, ở khắp nơi, với những khẩu hiệu tuyên truyền chào đón đại hội lần thứ 11 của Đảng. Một nhà kinh doanh Pháp mỉa mai: « Nước Việt Nam chỉ Cộng sản 5 năm 1 lần, vào dịp đại thánh lễ chính trị này ». Theo Đào Anh Khánh, một nghệ sĩ phái siêu thực, « Thực tế mà nói, chẳng còn ai tin vào chủ nghĩa Cộng sản, cả nước chỉ giả bộ. Nước Việt Nam là một nhà kịch. Thường dân đóng những vở kịch bỏ túi. Quan chức dựng những vở kịch hoành tráng ». Trước ngày khai mạc của mỗi đại hội Đảng, tất cả các đại biểu Cộng sản, không thiếu ai, chiếc cặp xách ở tay, búa liềm gắn ở tim, đều tiếp tục đến nghiêng mình trước di hài của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng, trong các quán sặc mùi cà phê đậm đặc, người ta kể cho nhau những chuyện dùng thẻ đảng để đạt quyền lực và tiền của. Người ta trao đổi với nhau về cái giá tiền phải trả cho một ghế bộ trưởng, và đồng ý với nhau rằng chức thủ tướng là lô trúng số cho cả một phe phái. Các chuyên gia không nói khác. Theo ông Benoît de Tréglodé, giám đốc Viện nghiên cứu về Đông Nam Á đương thời, « Cuộc đấu đá trong việc phân chia lại chức quyền thật gay gắt, chính vì đó là cuộc tranh giành sự kiểm soát các hoạt động kinh tế. »
Khi Đảng Cộng sản khoe có 3,6 triệu đảng viên, 10% của dân số lao động, thì người Hà Nội đồng loạt trả lời : « Cộng sản chỉ là tấm thẻ đảng, tư bản mới là bản chất ». Tiếp thu nếp sống tiêu thụ, cái dân tộc 87 triệu công dân này đã vứt đi từ hồi nào chủ nghĩa Mác-Lê. Ngày hôm nay, cuộc chạy đua làm giàu là động cơ của cả nước. Và thiên hạ phô trương khả năng tiêu xài của mình. Cửa hàng Louis Vuitton ở Hà Nội có lẽ đạt kỷ lục thế giới về doanh thu trên một thước vuông. Những chiếc xe siêu hạng đã xuất hiện trong đám đông xe cộ ồn ào ở một thủ đô trước đây 25 năm còn khắc khổ, dân chúng còn đi xe đạp trên những con đường u uất với những cửa tiệm không có hàng bán. Ngọc, một sinh viên cùng tuổi với cuộc đổi mới, thú thật : « Chúng tôi nghĩ tới tiền từ sáng tới tối. »
Ở một đất nước đã là biểu tượng trong một thời gian dài cho sự kháng cự lại cái nhân sinh quan của Tây Âu, anh Phạm Xuân Lý, một người trước đây là bộ đội, bây giờ là chủ tiệm ăn, giải thích rằng « thành đạt bây giờ có nghĩa là có một ngôi nhà đẹp, một chiếc xe hơi và con cái học ở nước ngoài. »
Ông tổng giám đốc ngân hàng Nguyễn Đức Vinh hài lòng là « Từ 25 năm nay, chúng tôi đã được tự do làm giàu ». Ông 52 tuổi, mặc bộ côm-lê 3 mảnh, năm 1982 ông còn là một quân nhân chân lấm bùn ở biên giới Việt-Trung, sau đó học trường Cao đẳng thương mại (HEC) ở Pháp rồi học nghề ngân hàng tại Mỹ. Ông là khuôn mặt điển hình của nước Việt Nam hiện đại. Năng động, đầu óc hướng ngoại. Và lạc quan : Liên Hiệp Quốc thường đo chỉ số hạnh phúc của các dân tộc trên thế giới, đã xếp Việt Nam vào hạng thứ ba (1). Như ông Vinh, phần đông dân Việt Nam không thắc mắc về tổ chức chính trị ở đất nước mình. Ông giải thích : « Chừng nào Đảng Cộng sản còn duy trì đuợc một nhịp phát triển thỏa đáng, thì chừng đó dân chúng còn nghĩ là không nên dính líu vào chuyện chính trị. » Nghệ sĩ Đào Anh Khánh đã từng suốt 15 năm phục vụ bộ máy kiểm duyệt văn hóa, nay nói : « Chính sách đổi mới đã cứu Đảng Cộng sản. Các vị lãnh đạo rất khôn. Họ đã biết thích ứng với hoàn cảnh. » Theo một báo cáo của Hội chống tham nhũng Transparency International, đúng là với một tinh thần lạc quan khó lay chuyển, và mặc dù có nhiều vụ tham nhũng ở cấp cao nhất, người Việt Nam vẫn có phần tin tưởng vào cấu trúc chính trị, vào Đảng Cộng sản và Quốc hội.
Từ đó khó mà tìm ra một lực lượng đối lập có tổ chức. Ông Mathieu Salomon, đại diện Transparency International ở Việt Nam, nhắc lại : « Không có không gian cho một lực lượng đối lập. Bộ máy nhà nước kiểm soát khắp nơi. » Tuy vậy, trong một phòng khách chật những bức tranh đen tối miêu tả một thế giới đáng bi quan, bên tách trà, nhà văn Võ Thị Hảo đã nói : « Tôi phản đối một chế độ chưa bao giờ nới tay trong sự kềm kẹp đời sống chính trị. » Bà là một trong số hơn mươi phần tử ly khai bị chế độ theo dõi chặt chẽ. Bà nói đùa về những bức tường có tai : « Ở Đông Đức thời STASI, cứ 50 người là có một tên công an. Ngày hôm nay Việt Nam đã hạ xuống 40 người 1 chú công an. » Nhà văn vừa xinh đẹp vừa can đảm này là một trong số rất hiếm người dám đặt lại vấn đề độc đảng.
Bà Hảo lên án « một nỗi sợ nằm sâu trong con người, cản trở một cuộc chất vấn chính quyền ». Vài nghệ sĩ trẻ cố tranh đấu chống lại nối sợ này. Tác phẩm của họ trình bày cái nhìn về một nước Việt Nam bị phân thân giữa chủ nghĩa xã hội giáo điều và chủ nghĩa kinh tế tự do. Trong số nghệ sĩ này có một người bị theo dõi thường trực, đã phải hẹn chúng tôi trên một vỉa hè, và nói những lời tâm sự trong cái ồn ào của một quán cà-phê đông người. Anh nói : « Ngày nay cấp trên không thèm giảng đạo nữa. Không cần phải là hội viên của Hội mỹ thuật để có sơn màu và bút vẽ. Vậy mà ít có nghệ sĩ dám chất vấn chính quyền. » Vì công an văn hóa theo dõi những bước tìm tòi trên con đường sáng tạo của họ. « Ở Việt Nam, đòi hỏi một không gian cho chủ quan và sáng tạo là một hành động chính trị. ». Anh thở dài sau khi nói về sự chán chường của mình, vào mỗi dịp triển lãm, lúc phải gỡ xuống những tác phẩm bị coi là « không hợp với những giá trị văn hóa và đạo đức. »
Nằm sâu trong ngõ ngách của một ngoại ô phía Nam Hà Nội, có một căn nhà nhỏ bé tầm thường chất chứa nhiều tác phẩm nghệ thuật « lề trái ». Chủ nhân là nhà văn Nguyễn Quý Đức. Ông đứng ra làm kẻ sưu tầm loại nghệ thuật bị kiểm duyệt. Vì « thích hội họa, thích cứng đầu, và thích phản bác. » Ông đến đứng trước một bức tranh màu xanh theo thể loại pop art : một phụ nữ buông thả mình trong bồn tắm, không một cái nhìn về hướng người đàn ông mặc côm-lê cà-vạt đứng thẳng như cột đằng sau nàng. Ông Đức đặt một câu hỏi tinh nghịch : « Giữa người đàn bà này, nhà kinh doanh này và mấy ông lãnh đạo, ai là kẻ thô lỗ nhất ? » Ông tiếp : « Họa sĩ Nguyễn Văn Cường sáng tác nhiều trên chủ đề chế độ độc tài, nên bị cấm làm triển lãm ». Với một nụ cười hóm hỉnh, ông Đức cho coi một số lọ bình mà các nhà kiểm duyệt đã không thông cảm, khi họ thấy cảnh tượng « những quân phục, những thân thể lõa lồ và những tờ giấy bạc quyện vào nhau một cách tởm lợm. »
Ông Đức xác định : « Sau cuộc đổi mới năm 1985, nghệ thuật đương đại đã thực sự có một bước phát triển. Nhưng ngày hôm nay nó do dự chưa dám đề cập đến những đề tài nhạy cảm. » Ông không kể ra được quá 5 họa sĩ có một lòng gan dạ dù tương đối thôi. Nguyễn Văn Cường, với hình ảnh lăng loàn của những người đàn bà bán thân và của chế độ độc tài. Trương Tân, với cái quần lót to tướng làm nghĩ tới chiếc túi vét cảnh sát chờ tiền hối lộ. Lê Hồng Thái, với bức tranh so sánh các nhà lãnh đạo với những chai rượu loảng choảng khi đụng vào nhau, ngay cả những lúc rỗng nước. Lê Quảng Hà, với những nhân vật có khuôn mặt khiếp đảm và mang trang phục quan chức. Trong bóng tối của một hành lang nhà ông Đức, có một lô câu từ tối nghĩa bu lại một khuôn mặt màu xanh. Một bức tranh bị cấm của Nguyễn Quang Huy. Những kẻ tinh mắt sẽ đoán được hình dung thiếu thời của Hồ Chí Minh, người cha của nền độc lập dân tộc. Và đằng sau những chân ruồi là những lý tưởng bị phản bội, và con người cá thể bị guồng máy vò nát.
Nhưng ở Việt Nam, những châm ngôn và bài thơ của Bác Hồ đã được rai rải đến độ sự sùng bái cá nhân đã ăn sâu vào mỗi người. Không thể tưởng tượng có ai dám làm lung lay bức tượng của một anh hùng đã được thần thánh hóa. Cho dù trong các thăm dò dư luận về người được hâm mộ nhất thì Bác thường phải nhường chỗ cho Bill Gates, vĩ nhân của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Khi chúng tôi hỏi ông Nguyễn Quang Huy là cách diễn giải chính trị đó có đúng hay không, thì ông chỉ trả lời : « Đúng cũng được, mà sai cũng được. » Sự ngạo mạn với chế độ hiện tại có những giới hạn của nó.
Phần đông người Việt chấp nhận chế độ hiện nay. Họ bằng lòng với một sự cải thiện trong đời sống kinh tế của họ.
(V. H. N. dịch từ tiếng Pháp)
1 Nhà báo này nhầm lẫn « chỉ số phát triển con người » (HDI) của UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc) với « chỉ số hành tinh hạnh phúc » (HPI, Happy Planet Index) do tổ chức tư nhân NEF (đặt trụ sở tại Anh) đặt ra. Kết quả : 10 nước có chỉ số HPI cao nhất thì 9 nước ở Châu Mỹ La tinh, Việt Nam (thứ 5) là nước châu Á duy nhất. Các nước châu Mỹ La tinh đó là : Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Jamaica, Guatemala, Columbia, Cuba, Brazil, Honduras. Vẫn theo cách xếp hạng này, Trung Quốc đứng hàng 20, Singapore 49, Hàn Quốc 68, Nhật Bản 75, Mỹ 114. Bình luận về việc này, ông Alan Phan, giám đốc Quỹ đầu tư Viasa (Hồng Kông & Thượng Hải), nhận xét như sau : « Nhìn vào các chỉ số đã được loan báo, tôi không thấy ngạc nhiên. Hồng Kông có khoảng 200.000-300.000 người giúp việc (osin) đến từ Philippines. Cứ mỗi Chủ nhật, những người này thường tụ tập ở khắp các công viên Central để thư giãn và gặp gỡ trò chuyện với đồng hương. Mười năm trước, các giáo sư ở Hong Kong Polytechnic đã làm một cuộc khảo sát mức độ hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống trong cư dân. Thú vị ở chỗ, trong giới giúp việc đến từ Philippines, hơn 90% người được hỏi cho biết họ rất hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống. Ngược lại, các ông bà chủ người Hồng Kong, chỉ có chừng hơn 50% người được hỏi có cảm giác hạnh phúc, hài lòng » (xem Tuần Việt Nam 8.2.2011).
.
.
.
No comments:
Post a Comment